Khi phải cân nhắc liệu có tuyên bố virus Corona mới ở mức khẩn cấp toàn cầu hay không, các quan chức trong Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phải đối mặt với một thách thức đó là Trung Quốc.
Một cô gái đeo khẩu trang trên đường phố Thượng Hải. Ảnh: Reuters
WHO xây dựng cơ chế Tình trạng Khẩn cấp Y tế Công cộng Toàn cầu (PHEIC) vào năm 2005. Đây là phương pháp nhằm tập hợp sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế về tài chính, thuốc men và hoạt động tại những vùng bị ảnh hưởng vì dịch bệnh. PHEIC lần đầu tiên được áp dụng tháng 4/2009 khi xảy ra dịch cúm lợn (H1N1).
PHEIC từng được áp dụng đối với những quốc gia thu nhập trung bình hoặc thấp như CH Congo, Guinea và Uganda trong hai lần bùng phát dịch bệnh Ebola, Brazil và một số quốc gia Mỹ Latinh khác do virus Zika, bệnh bại liệt ở Syria cùng Afghanista và cúm A H1N1 trong năm 2009 ở Mexico.
Tuy nhiên, chưa từng có tiền lệ về việc áp dụng PHEIC với dịch bệnh từ quốc gia có nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới như Trung Quốc. Các chuyên gia đánh giá WHO phải đối mặt với áp lực từ Trung Quốc bởi điều này có thể gây tổn hại về kinh tế và uy tín.
Giám đốc Viện Sức khỏe Toàn cầu (Thụy Sĩ) – ông Antoine Flahault nhận định: “Bởi vì tình trạng lây lan virus corona mới từ người sang người diễn ra cả ở bên ngoài Trung Quốc do vậy khi được coi là chuỗi truyền bệnh kéo dài, nên WHO quyết định công bố đó là PHEIC. Với mọi tổ chức của Liên hợp quốc, luôn có những cân nhắc và đánh giá về phương diện chính trị".
Về phần mình, Trung Quốc không cần hỗ trợ tài chính như những quốc gia từng được ban bố PHEIC. Tuy nhiên, cảnh báo này cũng là tín hiệu cho thấy căn bệnh này đã vượt ngoài tầm kiểm soát của một quốc gia.
Chuyên gia Michael Osterholm tại Đại học Minnesota nhận định: “Việc tuyên bố về PHEIC không liên quan nhiều tới hỗ trợ tài chính cho Trung Quốc nhưng để thế giới biết rằng đó là điều mà bạn không nên coi nhẹ”.
WHO từng vấp phải nhiều chỉ trích khi không hành động nhanh chóng để tuyên bố PHEIC tại Tây Phi trong năm 2014. Khi đó, WHO lo ngại điều này có thể gây tổn hại tới kinh tế của các quốc gia bị ảnh hưởng. Nhưng có một thực tế là không có khung chính thức về cách các quốc gia phải phản ứng đối với tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng do vậy cũng chưa thể xác định rõ ràng tổn hại kinh tế bổ sung.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) cho biết tổn hại kinh tế đối với doanh nghiệp Trung Quốc và quốc tế đang gia tăng nhanh chóng. Ngày 29/1, các hãng hàng không British Airways và Lufthansa tuyên bố ngưng mọi chuyến bay tới và đi Trung Quốc. Trong khi đó, một số hãng hàng không khác đã hạn chế dịch vụ tại Trung Quốc.
Starbucks cũng tuyên bố sẽ đóng một nửa trong số 4.000 cửa hàng ở Trung Quốc. Các nhà sản xuất xe hơi như Toyota và Hyundai cũng trì hoãn hoạt động trở lại của các nhà máy tại Trung Quốc sau dịp Tết Nguyên đán. Nhiều nhà máy khắp Trung Quốc dự kiến vẫn đóng cửa do lệnh hạn chế đi lại khiến nhiều người lao động bị vẫn phải ở quê nhà sau dịp nghỉ lễ. Thương hiệu thời trang Levi's ngày 31/1 tuyên bố đóng cửa 50% số cửa hàng tại quốc gia châu Á này.
Nhà phân tích Imogen Page-Jarrett tại công ty Economist Intelligence Unit ở Bắc Kinh nhận định: "Có nhiều điều không chắc chắn và mọi người đều nghĩ tới bối cảnh tồi tệ nhất như liệu dịch bệnh có lan rộng thêm, tỷ lệ tử vong tăng hoặc liệu tôi có mắc kẹt ở Trung Quốc? Điều gây hoảng sợ thực sự sẽ gây tổn hại tới nền kinh tế".
Cũng theo bà Imogen Page-Jarrett, nhiều quốc gia khác không chờ đợi tín hiệu từ WHO mà đã tự chủ động tăng cường kiểm tra thân nhiệt các cá nhân ra vào ở khu vực biên giới và dành nhiều chú ý tới những người từng có thời gian ở Vũ Hán. Bà Imogen Page-Jarrett nói: “Nếu tình trạng sức khỏe khẩn cấp toàn cầu được thông báo thì chúng ta sẽ chứng kiến những động thái mạnh mẽ hơn từ các quốc gia khác”.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) cho rằng việc WHO công bố PHEIC không đồng nghĩa với việc các quốc gia khác bắt buộc phải ban hành hạn chế du lịch tới Trung Quốc. Điều này cũng hiếm khi xảy ra trong quá khứ.
Năm 2014, Tổng thống Mỹ khi đó Barack Obama phải đối mặt với chỉ trích từ chính đảng Dân chủ khi không cấm các chuyến bay từ quốc gia Tây Phi có Ebola. Ở thời điểm đó, nhiều quốc gia như Kenya, Triều Tiên đã hoãn nhiều tuyến bay tới những nước Tây Phi có dịch Ebola.
Tại cuộc họp kín của Ủy ban khẩn cấp Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Geneva (Thụy Sĩ) vào rạng sáng 31/1 (theo giờ Việt Nam), Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus đã quyết định ban bố PHEIC vì dịch viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona (2019nCoV) gây ra.
WHO từng hai lần từ chối ban bố tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu liên quan đến virus Corona mới. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp và tốc độ lây lan nhanh của dịch bệnh này, nhiều chuyên gia trên thế giới đã kêu gọi WHO xem xét tình trạng hiện tại và đưa ra cảnh báo đại dịch toàn cầu.
Hà Linh/Báo Tin tức