Những ngày qua, tình trạng biểu tình đình công phản đối kế hoạch cải cách hưu trí tại Pháp tiếp tục diễn ra ảnh hưởng đến đời sống của người dân Pháp. Mặc dù chính phủ Pháp đã nhượng bộ, tuyên bố tạm thời rút lại điều khoản quy định tuổi nghỉ hưu cơ sở, điều khoản vốn gây tranh cãi nhất trong dự luật cải cách chế độ hưu trí, song tình trạng biểu tình vẫn tiếp diễn. Chính vì vậy, cải cách hưu trí sẽ tiếp tục là bài toán mà chính phủ Pháp phải giải.
* Bài toán cải cách hưu trí
Pháp là một trong những nước có hệ thống lương hưu hào phóng nhất trong Liên minh châu Âu (EU) với ngân sách hưu trí chiếm 13,7% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Hiện ở Pháp có khoảng 42 mức hưu trí khác nhau dành cho người lao động thuộc những ngành nghề khác nhau, kèm theo là những chế độ khác nhau.
Với quan điểm đơn giản hóa hệ thống hưu trí và xóa bỏ bất bình đẳng giữa các chế độ hưu trí, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từ khi lên cầm quyền năm 2017 đã theo đuổi mục tiêu rút gọn hệ thống lương hưu cồng kềnh đang tồn tại ở Pháp. Theo Tổng thống Macron, hệ thống hưu trí này đã lỗi thời và không thể tiếp tục tồn tại. Ông muốn hướng tới một hệ thống đơn giản, quy định mức lương hưu theo điểm để đảm bảo công bằng cho mỗi người hưởng lương. Và kế hoạch cải cách sẽ cho phép thiết lập một hệ thống hưu trí phổ quát mới, trong đó, người Pháp đóng góp và cùng hưởng các quyền lợi như nhau, đồng thời xóa bỏ các chế độ đặc biệt đang được áp dụng.
Theo đề xuất của chính phủ, hệ thống lương hưu phức tạp hiện hành gồm hơn 42 mức khác nhau sẽ được thay thế bằng một hệ thống phổ cập mới dựa trên tính điểm. Những điều chỉnh này sẽ được áp dụng theo từng bước. Hệ thống hưu trí mới cũng sẽ giữ nguyên tuổi về hưu hợp pháp là 62 tuổi, song sẽ khuyến khích những người muốn làm việc lâu hơn (cho tới năm 64 tuổi) thông qua một hệ thống thưởng và hệ thống miễn giảm. Điều này nghĩa là, để được hưởng 100% trợ cấp xã hội và lương hưu thì tuổi nghỉ hưu cơ sở của một người lao động tại Pháp sẽ là 64 tuổi. Người lao động cũng có quyền nghỉ hưu từ độ tuổi 62 nhưng sẽ không được hưởng 100% trợ cấp xã hội như quy định hiện hành. Theo dự luật, quy định này sẽ áp dụng từ năm 2022 với mục tiêu đưa ngân sách dành cho các quỹ hưu trí về mức cân bằng, thay vì liên tục thâm hụt như hiện nay. Chính phủ Pháp hy vọng sự điều chỉnh trên sẽ tạo nên một hệ thống hưu trí công bằng hơn và giúp xóa bỏ mức thâm hụt hệ thống lương hưu, dự đoán sẽ lên tới 17 tỷ euro (19 tỷ USD) vào năm 2025.
Tuy nhiên, khi dự luật cải cách hưu trí của chính phủ được đưa ra đã vấp phải sự phản đối của người dân. Điểm mấu chốt dẫn tới sự bất bình hiện nay giữa người dân và chính phủ là việc hệ thống hưu trí mới sẽ hủy bỏ các cơ chế lương hưu đặc biệt (bao gồm cơ chế cho phép nghỉ hưu sớm và một số lợi ích khác đối với người lao động thuộc khu vực công). Ngoài ra, phía nghiệp đoàn cũng không đồng tình kế hoạch kéo dài tuổi lao động của chính phủ.
Các cuộc biểu tình đình công của người lao động vì thế đã bùng phát từ ngày 5-12-2019 và kéo dài, lan sang cả năm 2020. Bắt đầu từ ngày 9-1-2020 đã ghi nhận đợt tổng đình công thứ 4 kể từ khi nó mới bùng phát vào ngày 5-12-2019. Theo thống kê của Bộ Nội vụ Pháp, có tổng cộng 452.000 người tham gia tổng đình công trên toàn nước Pháp trong ngày 9-1-2020, riêng tại thủ đô Paris là 56.000 người. Con số này giảm so với các cuộc tổng đình công nổ ra những ngày trước đó. Tuy nhiên, theo thống kê của CGT, một trong những công đoàn lớn nhất nước Pháp và một trong những đầu mối tổ chức biểu tình, con số người tham gia đình công và biểu tình chỉ riêng tại Paris đã lên tới 370.000 người. Cũng theo CGT, đây là cuộc tổng đình công lớn nhất kể từ khi phong trào bắt đầu ngày 5-12-2019 vừa qua. Tính đến ngày 13-1-2020, các cuộc đình công trong ngành giao thông công cộng bước sang ngày thứ 38.
Trong hơn 1 tháng qua, chính phủ Pháp và nghiệp đoàn và tổ chức lao động đã nhiều lần tiến hành đối thoại nhằm tìm kiếm sự thỏa hiệp, song mọi nỗ lực vẫn chưa được hiện thực hóa. Trong khi đó, các cuộc đình công đã kéo theo nhiều hậu quả mà những đối tượng phải hứng chịu chính là người dân Pháp. Cuộc sống bị đảo lộn, hệ thống giao thông công cộng bị đình trệ. Tại Paris, toàn bộ 16 tuyến tàu điện ngầm đều mở cửa nhưng nhiều dịch vụ đã bị cắt giảm. Tổng cục Hàng không dân dụng (DGAC) đã yêu cầu các hãng hàng không hủy 1/3 các chuyến bay đến và đi từ Toulouse, Tây Nam nước này, đồng thời dự kiến tình trạng gián đoạn và hoãn hủy cũng xảy ra ở các sân bay khác. Ngoài ra, nhiều lĩnh vực ngành nghề khác cũng bị ảnh hưởng do nhân viên tham gia đình công…
Các cuộc đình công nhằm phản đối kế hoạch cải cách lương hưu lần này là sự tiếp nối sau làn sóng biểu tình của phong trào "Áo vàng" phản đối tăng giá nhiên liệu diễn ra từ hồi cuối năm 2018, tiếp tục đặt ra thách thức với chính quyền của Tổng thống Macron.
* Cần tìm được tiếng nói chung
Tính đến thời điểm đầu năm mới 2020, trước sức ép từ người biểu tình, chính phủ Pháp vẫn khẳng định quyết tâm thực hiện cải cách chế độ hưu trí tới cùng. Song khi sức ép biểu tình trong những ngày đầu của năm 2020 không giảm với hàng chục nghìn người tham gia, chính phủ Pháp ngày 11-1 đã có những nhượng bộ bước đầu trước đòi hỏi của các công đoàn.
Trong một bức thư gửi tới các công đoàn và các đối tác xã hội ngày 11-1-2020, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe đã thông báo một số nội dung quan trọng liên quan tới kế hoạch cải cách chế độ hưu trí, vốn vấp phải sự phản ứng quyết liệt của đông đảo người lao động Pháp trong hơn 1 tháng vừa qua. Theo đó, chính phủ Pháp sẽ tạm thời rút lại điều khoản quy định tuổi nghỉ hưu cơ sở, điều khoản vốn gây tranh cãi nhất trong dự luật cải cách chế độ hưu trí mà chính phủ Pháp dự định trình Quốc hội xem xét trong thời gian tới. Theo lộ trình, dự luật về cải cách chế độ hưu trí sẽ được đưa ra thảo luận tại Quốc hội Pháp kể từ ngày 17-1 tới.
Nhưng cho dù thông báo tạm hoãn xem xét điều khoản về độ tuổi nghỉ hưu cơ sở song chính phủ Pháp cũng yêu cầu thiết lập một hội nghị, quy tụ đại diện các công đoàn, các đối tác xã hội, đại diện của nhà nước và đại diện của tòa án phụ trách tài chính. Hội nghị này sẽ có nhiệm vụ bàn bạc và đề xuất các phương án tài chính cụ thể nhằm bù đắp thâm hụt ngân sách đối với các quỹ hưu trí, từ nay cho đến hết tháng 4-2020. Nếu sau thời hạn này, các phương án không được thông qua, chính phủ Pháp sẽ áp đặt trở lại quy định về độ tuổi nghỉ hưu cơ sở. Đối với các điều khoản khác, trong thư gửi các công đoàn, Thủ tướng Pháp khẳng định không có bất cứ thay đổi nào.
Ngay lập tức, động thái này của chính phủ Pháp nhận được sự hưởng ứng của một số công đoàn, khi cho rằng động thái này thể hiện chính phủ mong muốn đạt được đồng thuận trong vấn đề này. Tổng thống Emmanuel Macron cũng cho rằng sự thỏa hiệp này có tính xây dựng và có trách nhiệm.
Nhưng một số còn lại, trong đó có CGT, một trong những công đoàn lớn nhất nước Pháp, vẫn tiếp tục yêu cầu chính phủ Pháp phải rút lại toàn bộ kế hoạch cải cách chế độ hưu trí. Liên minh công đoàn thì tiếp tục kêu gọi tổ chức một cuộc tổng đình công và biểu tình lần thứ 5, vào ngày 16-1 tới.
Các nhà phân tích cho rằng, cải cách tức là phải thay đổi và đã thay đổi thì luôn có những người bị ảnh hưởng về quyền lợi. Do đó, việc cải cách chế độ lương hưu của chính phủ Pháp vấp phải sự phản đối là điều dễ hiểu. Trong bối cảnh biểu tình hiện nay ở Pháp, cần phải có thời gian để người dân thích nghi. Và giải pháp tốt nhất để giải quyết những vấn đề của Pháp hiện nay là dựa vào đối thoại xã hội. Việc trao đổi, thảo luận về các kỳ vọng, những điểm đồng thuận và các vấn đề còn bất đồng trên cơ sở gạt bỏ lợi ích riêng là cách thức duy nhất để các bên có được tiếng nói chung, mang lại sự ổn định cho nước Pháp./.
Theo TTXVN]