Không còn nghi ngờ gì nữa: biến đổi khí hậu đang gia tăng với tốc độ chóng mặt. Trong số 20 năm nóng nhất được ghi nhận kể từ khi bắt đầu thống kê, 19 năm đã xảy ra kể từ năm 2000. Trong khi đó, 5 năm nóng nhất cũng là 5 năm vừa qua. Theo các chuyên gia khí hậu, đã đến lúc các nước cần hợp lực để ngăn chặn Trái Đất ấm lên trước khi mọi việc trở nên quá muộn.
Mùa hè 2019, thế giới chứng kiến kỷ lục mới khi nhiệt được thiết lập ở Đức là 42,6 độ C và ở Pháp là 46 độ C. Những ghi nhận sơ bộ cho thấy thế giới đã trải qua thời kỳ nhiệt độ trung bình ấm nhất từ trước đến nay trong các tháng 6, 7, 9 và 10 của năm nay. Tuy nhiên, số liệu này chưa vượt qua được năm 2016, thời điểm diễn ra hiện tượng thời tiết cực đoan El Nino, với nhiệt độ tăng lên do hiện tượng thời tiết tự nhiên nóng lên tại Đông Thái Bình Dương theo chu kỳ vài năm. Tất nhiên, cho đến nay, không thể dự đoán chính xác năm 2020 nhiệt độ sẽ diễn biến ra sao. Mặc dù vẫn khó có thể quy một hiện tượng thời tiết duy nhất cho sự thay đổi khí hậu, song nhiều dấu hiệu rõ ràng cho thấy năm tới một lần nữa được đánh dấu bằng các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như sóng nhiệt, lượng mưa lớn, băng tan, bão nhiệt đới, cháy rừng và hạn hán.
"Kỷ nguyên nhà kính" mới đang diễn ra không thể thay đổi, và tình trạng của thế giới đang ngày càng trở nên bấp bênh. Tháng 10/2019, mực nước biển toàn cầu đã ở mức cao nhất kể từ khi hệ thống đo đạc vệ tinh bắt đầu hoạt động năm 1993. Các đại dương cũng ấm hơn bao giờ hết, tình trạng băng tan ở Greenland và Tây Nam cực diễn ra nhanh hơn, thậm chí đang mỏng hơn mức dự đoán.
Nguyên nhân của hiện tượng nhiệt độ cao nhất trong một thiên niên kỷ này có thể nhận thấy trong khí quyển. Chưa bao giờ trong 3 triệu năm qua, bầu khí quyển của chúng ta lưu trữ nhiều khí thải gây hiệu ứng nhà kính carbon dioxide (CO2) như thời điểm hiện tại.
Thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp, mật độ CO2 trong khí quyển vẫn tương đối ổn định trong hàng nghìn năm ở mức từ 260 đến 280 phần triệu (ppm). Nhưng sau đó, con người bắt đầu sử dụng lượng lớn nhiên liệu hóa thạch, khiến lượng CO2 trong khí quyển gia tăng nhanh chóng. Hành tinh của chúng ta đã ghi nhận mức 320 ppm vào tháng 5/1960. Và đến ngày 9/5/2013, con số này lần đầu tiên vượt qua mức 400 ppm. Năm 2019, con số này đã được ghi nhận ở mức kỷ lục là 415,7 ppm.
Số liệu này đã giảm nhẹ từ tháng 5 đến tháng 9/2019 do sự đa dạng của thực vật phát triển ở Bắc Bán cầu vào mùa Hè, hấp thụ CO2 thông qua quá trình quang hợp. Tuy nhiên, vào mùa Xuân tới, chắc chắn kỷ lục mới sẽ được thiết lập, vì mặc dù Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được ký kết năm 2015 và các hội nghị khí hậu hàng năm như Hội nghị lần thứ 25 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 25) vừa diễn ra ở Madrid (Tây Ban Nha), lượng khí thải CO2 toàn cầu vẫn đang gia tăng. Sau khi giảm trong giai đoạn từ năm 2014 đến 2016, khí thải này lại tăng hơn bao giờ hết.
Đây là sự thật gây sốc về "khủng hoảng khí hậu" mà Nghị viện châu Âu và nhiều quốc gia và thành phố đã tuyên bố trong năm 2019. Ít nhất kể từ Hội nghị thượng đỉnh Trái đất Rio de Janeiro năm 1992, các nhà khoa học đã cảnh báo rằng cần phải giảm lượng khí thải CO2, nhưng điều đó đã không xảy ra. Ngược lại, lượng khí thải CO2 toàn cầu hàng năm đã tăng 60% kể từ thời điểm đó.
4 năm trước tại Paris, các quốc gia đặt mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức dưới 2 độ C vào năm 2100 hoặc thậm chí nếu có thể, dưới 1,5 độ C. Theo tính toán của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), về mặt lý thuyết vẫn có thể đáp ứng mức thấp hơn 2 mục tiêu trên, song vẫn còn một số quan điểm hoài nghi cho rằng các mục tiêu này có thể khả thi về mặt chính trị, kinh tế và thực tế hay không.
Trái Đất đã ấm lên 1,1 độ C so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp. IPCC cho rằng việc đạt được mục tiêu 1,5 độ C sẽ đòi hỏi một nỗ lực cực kỳ tham vọng, theo đó thế giới phải giảm một nửa lượng CO2 của mình xuống gần mức của năm 1979. Như vậy, chúng ta sẽ phải thực hiện kế hoạch này vào năm 2030, chỉ còn 10 năm nữa. Ngoài ra, lượng khí thải CO2 cũng phải đưa về mức "trung hòa" vào năm 2040. Đối với mục tiêu 2 độ C thực tế hơn, lượng khí thải CO2 sẽ phải giảm 1/4 vào năm 2030.
Tuy nhiên, nếu cả hai mục tiêu bị bỏ lỡ, khả năng duy nhất có thể xảy ra trong tương lai với khí hậu vẫn còn có thể chịu được là con người sẽ phải tìm cách chiết xuất hàng trăm tỷ tấn CO2 từ khí quyển với chi phí cực lớn, sử dụng các công nghệ quy mô lớn mà cũng không có gì đảm bảo chắc chắn rằng chúng sẽ phát huy hiệu quả.
Nhà sáng lập Viện Nghiên cứu tác động khí hậu (PIK) Hans Joachim Schellnhuber (Han Giô-a-kim Sen-hu-bơ) và các đồng nghiệp của ông kết luận rằng: "Hành tinh của chúng ta đã ấm hơn đáng kể và nó đang ở rất gần với những điểm nút "đáng sợ". Về mặt lý thuyết, nguy cơ này có thể sẽ tạo ra "tình trạng khẩn cấp cho Trái Đất" cũng như một "mối đe dọa nguy hiểm với nền văn minh của chúng ta"./.
Theo TTXVN