Thứ Sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024

Mô hình tổ chức hệ thống chính trị ở một số nước châu Âu (Đức, Thụy Điển, Phần Lan...) và những gợi ý tham chiếu đối với Việt Nam (phần 2)

Ngày phát hành: 21/11/2019 Lượt xem 7142

Các đảng chính trị

Ở Đức có hai nhóm đảng chính trị chính là cánh hữu và cánh tả. Nhóm đảng cánh hữu gồm hai đảng hoạt động tại hai vùng khác nhau nên không cạnh tranh với nhau. Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) hoạt động khắp các bang, trừ Bavaria, trong khi Đảng Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo chỉ hoạt động ở bang Bavaria. Tại cuộc bầu cử liên bang năm 2017, nhóm CDU/CSU chiếm được số ghế lớn nhất là 246.

Đảng cánh tả là Đảng Dân chủ Xã hội (SPD). Đây là đảng lâu đời nhất ở Đức và mạnh nhất ở vùng công nghiệp phía tây của Đức. Tại cuộc bầu cử liên bang vừa qua, Đảng này chiếm 153 ghế. Đây là kết quả kém nhất của họ kể từ năm 1949.

Tại cuộc bầu cử liên bang vào tháng 9 năm 2017, một số đảng khác cũng có mặt tại Hạ nghị viện kể từ khi có quy định về tỷ lệ 5% phiếu bầu được đưa ra vào năm 1953. Đó là các đảng: Lựa chọn mới cho nước Đức (AfD) cánh hữu, chống nhập cư với 94 ghế; Dân chủ Tự do (FDP) hậu thuẫn cho các doanh nghiệp với 80 ghế; Đảng cánh tả có nguồn gốc từ Đảng Cộng sản cũ và rất mạnh ở Đông Đức với 69 ghế; Đảng Xanh khá phổ biến tại các thành phố đại học ở Tây Đức với 67 ghế.

Hệ thống bầu cử ở Đức khiến cho việc hình thành các Chính phủ liên minh trở nên phổ biến. Ví dụ như Đảng Dân chủ Xã hội liên minh với Đảng Xanh giai đoạn 1998-2005; đại liên minh giữa CDU/CSU và SPD giai đoạn 2005-2009; liên minh CDU/CSU với FDP giai đoạn 2009-2013.

Chế độ tài chính của đảng phái được quy định trong Hiến pháp và Luật các đảng phái chính trị. Các đảng có nguồn thu nhập chính gồm hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và đảng phí (mỗi nguồn này đem lại khoảng 1/3 tổng thu nhập). Phần còn lại là đóng góp của những đảng viên giữ chức vụ trong chính quyền, huy động từ cá nhân ngoài đảng, các doanh nghiệp và từ hoạt động kinh doanh.

Các đảng chính trị đệ trình báo cáo tài chính năm trước đó cho Chủ tịch Hạ nghị viện liên bang và đăng tại trang web của Quốc hội vào tháng 10 hàng năm. Số liệu báo cáo gồm toàn bộ hệ thống đảng (trụ sở chính, chi nhánh khu vực và các địa phương), phản ánh thu nhập và chi tiêu, tài sản nợ và tài sản có, cũng như danh tính của các nhà tài trợ (cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức) đã đóng góp tổng số tiền từ 10.000 Euro/năm trở lên. Báo cáo tài chính của đảng không bao gồm kinh phí ngân sách cho các đảng đoàn tại nghị viện liên bang và bang, cho các cơ quan chính trị của đảng.

Có các hình thức hỗ trợ tài chính cho các đảng như sau:

Thứ nhất, hỗ trợ ngân sách trực tiếp: Các đảng được 0,5% tổng số phiếu bầu Quốc hội liên bang và châu Âu, hoặc 1% tổng số phiếu bầu nghị viện tại một trong 16 bang thì được ngân sách hỗ trợ. Có hai loại hỗ trợ: (1) Mỗi phiếu đảng nhận được trong cuộc bầu cử gần nhất cấp bang, liên bang và châu Âu thì được ngân sách cấp 83 xu (nếu được hơn 4 triệu phiếu thì được 1 Euro/ phiếu); (2) Mỗi 1 Euro huy động nhỏ lẻ (dưới 3.300 Euro/năm từ một cá nhân) trong năm trước năm ngân sách, thì được cấp 45 xu. Hỗ trợ ngân sách trực tiếp không được vượt quá tổng số tiền mà đảng thu được từ nguồn “tự huy động”, tức là các nguồn tư nhân từ đảng viên và các nhà tài trợ khác. Hỗ trợ ngân sách được điều chỉnh hàng năm dựa trên chỉ số thay đổi giá chi tiêu cho đảng, được tính theo chỉ số giá tiêu dùng (70%) và thay đổi tiền lương công chức ở địa phương (30%).

Thứ hai, hỗ trợ ngân sách gián tiếp gồm có: Một là, đóng góp tự nguyện của những đảng viên giữ chức vụ trong chính quyền các cấp; Hai là, ngân sách cấp cho các đảng đoàn tại nghị viện; Ba là, hỗ trợ cho cơ quan chính trị thuộc đảng. Mỗi đảng có thể có một cơ quan chính trị để phục vụ cho các nhiệm vụ của đảng ở trong và ngoài nước, như: thông tin, tuyên truyền về mục tiêu, lý tưởng của đảng, nghiên cứu khoa học, đào tạo kỹ năng, cấp học bổng, tư vấn về chính trị… Nguồn lấy từ các bộ liên bang (Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao, Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế, Bộ Giáo dục và Nghiên cứu); Bốn là, giảm thuế: số tiền đóng góp nhỏ và vừa (bao gồm đảng phí, đóng góp của cá nhân ngoài đảng và của đảng viên nắm giữ chức vụ) được trừ 50% thu nhập chịu thuế (có quy định số tiền thuế tối đa được trừ); Năm là, trong đợt bầu cử được phát sóng miễn phí trên đài phát thanh và TV của nhà nước, bảng quảng cáo do chính quyền thành phố chi trả. 

Có quy định cấm nhận đóng góp từ người nước ngoài, đóng góp vô danh và từ tiền tham nhũng. Ngoài ra còn có hai điều cấm đặc biệt của Đức: các đảng không được phép nhận bất kỳ khoản tiền nào từ các đảng đoàn tại nghị viện và từ cơ quan chính trị thuộc đảng. Không có giới hạn về đóng góp hoặc chi tiêu.

Các khoản chi chính gồm: chi cho chiến dịch bầu cử, chi hoạt động chính trị chung, chi hoạt động thường xuyên, chi lương và trợ cấp cho cán bộ nhân viên và chi khác.

Chính quyền các bang

Sau ngày nước Đức thống nhất, có 16 bang (Länder) trong hệ thống chính trị của Đức. Hai thành phố Berlin và Hamburg là các bang-thành phố (Stadtstaaten), trong khi Bremen gồm hai quận và 13 bang khác được gọi là tiểu bang (Flächenländer).

Luật cơ bản (Basic Law) trao quyền đáng kể cho 16 bang. Ngoài ra còn có hệ thống các tòa án bang rất mạnh. Mỗi bang có một Nghị viện riêng (Landtag) với nhiệm kỳ từ 4 đến 5 năm với các ngày bầu cử khác nhau.

Chính trị ở cấp bang sẽ có tác động đến cấp liên bang. Thắng lợi của phe đối lập trong các cuộc bầu cử nghị viện bang có thể làm suy yếu Chính phủ Liên bang vì các chính quyền bang cử ra các đại biểu ở Hạ nghị viện.

1.3. Một số nhận xét chung về các mô hình tổ chức hệ thống chính trị ở một số nước Bắc Âu và Đức

(1) Về  mô hình tổ chức hệ thống chính trị Bắc Âu

Mô hình tổ chức hệ thống chính trị ở các nước Bắc Âu nói chung, của Thụy Điển và Phần Lan nói riêng có những ưu điểm chính như sau:

Thứ nhất, lấy con người làm trung tâm và khả năng đầu tư vào vốn con người và bảo vệ cho người dân tránh khỏi những khủng hoảng vốn là một phần của hệ thống tư bản chủ nghĩa. Đây chính là những đặc tính nổi bật làm cho mô hình Bắc Âu thành công và có giá trị.

Thứ hai, tính minh bạch cao và trách nhiệm rõ ràng, khả năng thỏa thuận dựa trên sự đồng thuận, sự dân chủ hóa đời sống xã hội thông qua nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự. Các quyền con người được tôn trọng, đặc biệt là quyền tự do ngôn luận, quyền tiếp cận thông tin và quyền tham gia vào các quá trình ra quyết định. Việc tiếp cận thông tin dễ dàng cho phép người dân và cử tri nắm rõ các hoạt động cùng như chi tiêu của Chính phủ cũng như lãnh đạo. Vì vậy, chủ động chia sẻ và tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thông tin cũng là một hình thức kiểm tra, giám sát hữu hiệu đối với hoạt động của hệ thống chính trị.

Thứ ba, sự kết hợp hài hòa giữa kinh tế thị trường với sự quản lý và điều tiết của nhà nước một cách hiệu quả. Thực tế của các nước Bắc Âu đã cho thấy, có thể vừa làm năng động, tăng hiệu quả của hoạt động kinh tế thông qua kinh tế thị trường, vừa xây dựng một xã hội công bằng, bình đẳng, đồng thuận thông qua nhà nước phúc lợi và gần đây là nhà nước kiến tạo.

Thứ tư, vừa có sự cạnh tranh, vừa có sự liên minh giữa các đảng chính trị nhằm đảm bảo tính nhất quán của các mục tiêu chung của đất nước. Việc các đảng cạnh tranh về mặt chính trị thông qua bầu cử tuy không áp dụng được trong bối cảnh Việt Nam nhưng cũng có ý nghĩa quan trọng là bản thân các lãnh đạo Đảng cũng như cán bộ, đảng viên phải đặc biệt có ý thức giữ gìn hình ảnh của Đảng cũng như của cá nhân mình trong công việc, sinh hoạt và đời sống để đảm bảo sự tín nhiệm của người dân.

Tuy nhiên, mô hình tổ chức hệ thống chính trị của các nước Bắc Âu cũng có một số vấn đề. Đó là:

Thứ nhất, các chính phủ vẫn còn quá cồng kềnh và khu vực tư nhân ở các nước này còn quá nhỏ;

Thứ hai, thuế vẫn còn quá cao và một số khoản phúc lợi quá hào phóng dễ dẫn đến tình trạng không có động lực để đầu tư, làm giàu cũng như tâm lý ỷ lại…

(2) Về  mô hình tổ chức hệ thống chính trị Đức

Hệ thống chính trị của Đức có những điểm mạnh là:

Thứ nhất, khả năng đạt tới sự đồng thuận trong quá trình ra quyết định. Thượng nghị viện là cơ chế giám sát đối với Hạ nghị viện. Do các chức năng hành pháp và lập pháp gắn chặt với nhau, chức năng xem xét lại và làm chậm lại quá trình lập pháp của Thượng nghị viện được coi như bù đắp cho việc thiếu tách bạch giữa hai chức năng này.

Trong bối cảnh ở Việt Nam, các đoàn đại biểu có thể coi như mô hình Thượng nghị viện với mục đích nêu ra những kiến nghị và bảo vệ lợi ích của địa phương tại Quốc hội. Bên cạnh đó, các ủy ban của Quốc hội Việt Nam có thể tham khảo mô hình tổ chức và hoạt động của các ủy ban của Hạ nghị viện Đức.

Thứ hai, sự ổn định chính trị rất lớn. Đảng CDU đã giữ 8 chức Thủ tướng trong hơn 50 năm trên 70 năm qua. Sự gắn kết về mặt xã hội và sự thịnh vượng về kinh tế là những nét đặc trưng của xã hội Đức.

Thứ ba, vai trò của Nhà nước trong điều hành nền kinh tế của Đức cũng là một tham khảo giá trị với bốn tư tưởng chủ đạo chi phối toàn bộ quá trình thiết kế vai trò nhà nước trong chính sách kinh tế như sau:

Một là, hiến pháp và luật pháp có quyền lực tối thượng trong quốc gia. Tất cả mọi cơ cấu còn lại phải đặt dưới khung luật pháp đã được ban hành.

Hai là, giải thể hoặc hạn chế các nhóm quyền lực, dù đó là quyền lực kinh tế hay chính trị, quyền lực cá nhân hay tổ chức, quyền lực tư nhân hay nhà nước.

Ba là, dùng luật pháp và các cơ quan giám sát làm công cụ để điều tiết kinh tế. Cần nói thêm là các cơ quan giám sát chỉ làm vai trò quan sát phân tích để đề nghị biện pháp điều chỉnh luật pháp lúc cần, hoặc cảnh cáo sai trái, hoặc hòa giải tranh chấp. Các cơ quan này không có thẩm quyền can thiệp vào quá trình hoạt động kinh tế.

Bốn là, nhà nước cần rút lui khỏi mọi hoạt động kinh tế để dành thời gian và sức lực cho vai trò cốt lõi khác. Cổ phần hóa các tập đoàn kinh tế nhà nước là biện pháp quan trọng thể hiện tư tưởng này. Tư nhân có quyền và cần được hỗ trợ xây dựng nguồn lực riêng để cạnh tranh.

Các hạn chế của hệ thống chính trị này là:

Thứ nhất, nó khiến cho việc ra quyết định không rõ ràng. Sự có mặt của đa số của các đảng đối lập trong hai viện dẫn tới những vấn đề phía sau phòng họp khi mà các nhóm nhỏ các nhà lãnh đạo cấp cao ra các quyết định quan trọng và các đại biểu Hạ nghị viện chỉ còn có sự lựa chọn giữa việc đồng ý với chúng hoặc là không giải quyết được vấn đề gì hết.

Thứ hai, hệ thống chính trị này được thiết kế vào năm 1949, khi vai trò kinh tế và chính trị của Đức trên thế giới khác xa với ngày nay nên đã có nhiều bất cập. Nước Đức ngày nay với sự thay đổi nhanh chóng về nhân khẩu với tỷ lệ 1 trong 5 người dân là người có gốc nhập cư đang có những tác động lớn về tư duy chính trị. Việc giải quyết hài hòa vấn đề nhập cư cũng như tham gia sâu hơn vào các vấn đề toàn cầu là những thách thức đối với nước Đức và sẽ có tác động tới hệ thống chính trị của Đức trong tương lai.

2. Một số gợi ý tham chiếu đối với Việt Nam từ mô hình tổ chức hệ thống chính trị ở một số nước Bắc Âu và Đức

Từ những điểm mạnh và hạn chế của các mô hình tổ chức hệ thống chính trị Bắc Âu, có thể thấy như sau:

Mô hình Bắc Âu nói chung, của Thụy Điển và Phần Lan nói riêng đều lấy người dân làm trung tâm, đặt rất cao quyền của người dân, gắn trách nhiệm của người lãnh đạo với các quyết sách và lá phiếu của người dân có trọng lượng đối với sinh mệnh chính trị của các đảng chính trị cũng như các cá nhân lãnh đạo. Tuy nhiên, quy mô dân số của các nước này đều khá nhỏ so với Việt Nam. Hơn nữa, truyền thống đa đảng và nắm quyền thông qua tranh cử của các đảng chính trị là không áp dụng được trong hoàn cảnh của nước ta. Vì vậy, chúng ta có thể nghiên cứu và học hỏi những ưu điểm nêu trên của hệ thống chính trị Bắc Âu để phát huy dân chủ, đặt người dân làm trung tâm của các quyết sách chứ khó áp dụng được mô hình tổ chức chính trị của họ vào Việt Nam.

Việc áp dụng tất nhiên cần được nghiên cứu, thí điểm và thực hiện cho phù hợp với bối cảnh với một đảng cầm quyền của Việt Nam cũng như tính đến các yếu tố lịch sử, văn hóa, trình độ phát triển kinh tế-xã hội...

Một số gợi ý tham chiếu là:

Thứ nhất, cải cách Quốc hội và cách tổ chức của Đảng nhằm đảm bảo cho Quốc hội thực sự là cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước. Ở nước ta, Đảng ta đã giành được quyền lãnh đạo nhà nước và xã hội thông qua thực tiễn nhiều cuộc đấu tranh gian khổ, thử thách qua nhiều thăng trầm. Đảng từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà đấu tranh, luôn lấy dân làm gốc. Do đó, Đảng ta được nhân dân tin tưởng và tín nhiệm, không cần phải tranh cử với bất kỳ đảng phái nào trong Quốc hội. Mấu chốt vấn đề là làm sao cho Đảng hòa vào Quốc hội, đại diện cho người dân, vì lợi ích của nhân dân. Đồng thời, luôn tự soi lại mình, lấy ý kiến nhân dân làm hàn thử biểu về kết quả làm việc và cống hiến...

Thứ hai, cải cách bộ máy hành chính với số lượng các ban, bộ, ngành cũng như các cơ quan trung gian giảm đến mức tối thiểu. Phân định rõ ràng chức năng, quyền hạn, trách nhiệm, chế độ báo cáo, kiểm tra đối với các cấp, các cơ quan cụ thể. Trao quyền cho người đứng đầu đồng thời gắn trách nhiệm với mọi quyết định trong ngành, địa phương và cơ quan mình.

Thứ ba, cải cách cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị với kinh phí hỗ trợ ở mức tối thiểu của Nhà nước, khoán ngân sách gắn với các nhiệm vụ cụ thể và nguồn vốn xã hội hóa. Tăng cường năng lực cũng như chức năng giám sát, phản biện của hệ thống Mặt trận thông qua cơ chế đối thoại định kỳ với các cơ quan khác trong hệ thống chính trị...

(hết)

 

TS. Nguyễn Ngọc Ánh,

Học viện CTQG Hồ Chí Minh

 

(Tóm lược tham luận tại hội thảo “Mô hình tổ chức tổng thể của hệ thống chính trị Việt Nam phù hợp với yêu cầu, điều kiện cụ thể trong giai đoạn mới” )


 

 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết