Thứ Hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024

Mô hình, cấu trúc của hệ thống chính trị trong mối quan hệ với chức năng và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị ​

Ngày phát hành: 09/11/2019 Lượt xem 14905

 

1. Lý thuyết Easton về hệ thống chính trị

1.1. Khái niệm “hệ thống”:

Người đầu tiên đưa ra lý thuyết chung về hệ thống và lý giải về tầm quan trọng của việc nghiên cứu về hệ thống là nhà sinh vật học Mỹ gốc Áo Karl Ludwig Von Bertalanffy (1901-1972). Ông cho rằng, nếu như các hệ thống vật lý là những hệ thống khép kín thì hệ thống của các thực thể sống luôn luôn là những hệ thống mở, bởi cơ thể sống đòi hỏi một nguồn cung thường xuyên, không ngừng nghỉ các vật chất từ môi trường xung quanh theo nhu cầu của chính cơ thể sống đó; nhờ sự tương tác đó mà cơ thể sống có thể tạo cho mình năng lượng sống và cung cấp cho môi trường xung quanh nó những thứ hữu ích của mình[1].

Lý thuyết hệ thống của L. Bertalanffy đã được áp dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khoa học, kỹ thuật như điều khiển học, nhiệt động học, kỹ thuật hệ thống, lý thuyết giải các bài toán sáng chế (TRIZ) hay còn gọi là phương pháp luận tìm kiếm các giải pháp kỹ thuật mới (G.Altshuller), động lực học v.v…

1.2. Khái niệm hệ thống chính trị

Vào năm 1965, lần đầu tiên nhà chính trị học người Mỹ David Easton (1917-2014) trong chuyên khảo “Hệ thống chính trị” đã đưa khái niệm “hệ thống” vào lĩnh vực khoa học chính trị và đồng thời đưa ra khái niệm “hệ thống chính trị”, cùng với đó, đã đề xuất mô hình lý thuyết về hệ thống chính trị với mục đích chứng minh về những đặc trưng hệ thống trong lĩnh vực chính trị[2]. Theo ông, hệ thống chính trị được hiểu trên hai phương diện: về phương diện giá trị và về phương diện cấu trúc, cơ chế vận hành. Ở nghĩa thứ nhất, hệ thống chính trị là một tập hợp nhất định các mối tương tác để qua đó mà phát hiện, xử lý, duy trì và phát triển các giá trị của quyền lực chính trị và suy rộng ra là các giá trị của chế độ chính trị. Ở nghĩa thứ hai, hệ thống chính trị được D.Easton quan niệm là một cấu trúc được đặt trong những môi trường nhất định và tương tác với nó – đó là các môi trường tự nhiên, môi trường xã hội (kinh tế, chính trị, trong nước, quốc tế v.v…) và nhờ sự tương tác đó với môi trường xung quanh mà các cấu trúc thiết chế chính trị thực hiện được chức năng đưa ra các quyết định chính trị (đường lối chính sách, pháp luật) và tổ chức thực hiện các quyết sách đó.

 

 

Hình 1: Sự vận hành của hệ thống chính trị trong mối liên hệ với xã hội[3]

* Chú thích sơ đồ:

- V và W: Kênh điều hòa, phối hợp, tạo đồng thuận lợi ích và yêu cầu chính trị.

- I: Kênh chuyển hóa các yêu cầu (sau khi được xử lý) thành các quyết sách chính trị.

- O: Đưa quyết sách vào thực tiễn (thi hành quyết sách).

- D: Khu vực chuyển hóa các nhu cầu xã hội thành các yêu cầu về chính trị.

- S, T, U, V, W: Các kênh chuyển tải yêu cầu chính trị, trong đó:

+ S: Cổng ngăn chặn, giới hạn.

+ T: Cổng tiếp nhận.

+ U: Các kênh xử lý, phân loại yêu cầu để chuyển tải đến khu vực xử lý R.

Như vậy, D.Easton không coi hệ thống chính trị chỉ bao gồm các thiết chế nhà nước, mặc dù đặt chúng trong cấu phần trung tâm, có chức năng đưa ra các quyết sách chính trị và pháp luật và bảo đảm thực thi chính sách và pháp luật. Các thiết chế nhà nước như quốc hội, tổng thống, các cơ quan tư pháp và hệ thống công vụ chưa phải là cấu phần duy nhất của hệ thống chính trị, mà là một tổ hợp gồm: các thiết chế nhà nước, các yếu tố đầu vào, các yếu tố đầu ra. Đầu vào (đối với các thiết chế nhà nước), về mặt hình thức thể hiện, bao gồm trong đó dư luận xã hội, bầu cử và các hình thức của người dân tham gia vào đời sống chính trị (dân chủ tham gia), các đảng chính trị, các phong trào, các nhóm lợi ích, truyền thông. Đầu ra (của các thiết chế nhà nước) gồm pháp luật, các chương trình, dự án, các chính sách (chẳng hạn, chính sách kinh tế, chính sách xã hội, chính sách quốc phòng, đối ngoại v.v…). Cả ba hợp phần: các thiết chế nhà nước, đầu vào, đầu ra đều được đặt dưới ảnh hưởng và tác động mang tính quyết định (bởi được hiến định) của các giá trị cốt lõi như sự giới hạn của quyền lực nhà nước, chế độ dân chủ đại diện, các quyền tự do, quyền dân sự v.v… (thực chất, đó là các giá trị của dân chủ và pháp quyền – tác giả chú thích). Trong một công trình nghiên cứu đồ sộ mang tên “Nền dân chủ Mỹ” (The American Democracy) hai nhà nghiên cứu Thomas E. Patterson và Gary M.Halter thuộc trường quản trị John F.Kennedy, ĐH Harvard đã làm rõ hơn những giá trị hiến định ở Mỹ mà D.Easton đề cập, đó là ba nhóm giá trị: nền dân chủ, chủ nghĩa hiến pháp, chủ nghĩa tư bản. Dân chủ được hiểu là quản trị bởi người dân và được thực hiện thông qua hệ thống dân chủ đại diện hình thành thông qua bầu cử.Chủ nghĩa hiến pháp được hiểu là những nguyên tắc nhằm giới hạn quyền lực của Nhà nước trong mối quan hệ với công dân. Chủ nghĩa tư bản được hiểu là một hệ thống kinh tế dựa trên nền tảng của các nguyên lý thị trường tự do.[4]

Về mặt nội dung, đó là các yêu cầu và các kiểu hay các mức độ ủng hộ đối với các thiết chế quyền lực.

Trong các công trình khác, D.Easton đã phát triển cụ thể hơn mô hình lý thuyết của mình về hệ thống chính trị theo hướng làm rõ cơ chế tương tác của các bộ phận hợp thành hệ thống chính trị, hay là con đường hình thành của các quyết sách chính trị theo quan điểm hệ thống[5]. Ông đặc biệt mô tả một cách tỉ mỉ các yếu tố của môi trường đã có vai trò mạch nguồn làm nên phần nội dung của đầu vào, tức là các yêu cầu, sự ủng hộ đối với hệ thống các thiết chế hoạch định chính sách, pháp luật và thực thi chính sách pháp luật. Sự mô tả đó được phản ánh qua sơ đồ dưới đây[6]:

Vào những năm 80 của thế kỷ trước, trên cơ sở phát triển mô hình lý thuyết của D.Easton về hệ thống chính trị, một nhóm nhà nghiên cứu chính trị học người Mỹ đứng đầu là giáo sư Gabriel Abraham Almond (1911-2002) đã cho ra đời cuốn chuyên khảo nổi tiếng trong khoa học chính trị hiện đại: “Chính trị so sánh hiện nay” (“Comparative Politics Today”)[7]. Các tác giả này cho rằng, hệ thống chính trị là một loại hệ thống xã hội nhưng có các thẩm quyền đưa ra các quyết định quyền lực chính thức. Về cấu trúc, đó là một hệ thống các thiết chế như Nghị viện, các cơ quan quản lý, hành chính công vụ, các tòa án với các chức năng hình thành và thực hiện các mục tiêu của toàn xã hội cũng như của các bộ phận khác nhau trong xã hội. Qua định nghĩa này có thể thấy, cũng giống như D.Easton, các tác giả đã không coi các thiết chế nhà nước là tổ hợp duy nhất của hệ thống chính trị mà còn có yếu tố “các mục tiêu của toàn xã hội và của các bộ phận khác nhau trong xã hội”. Và cũng như D. Easton, nhóm của G.Almond đã coi hệ thống chính trị gồm có cả “đầu vào” và “đầu ra” với những chức năng được xác định. Theo đó, các chức năng của yếu tố “đầu vào” gồm: chức năng tập hợp, kết nối lợi ích, chức năng xã hội hóa chính trị, chức năng lựa chọn lợi ích, chức năng giao tiếp chính trị. Tập hợp và kết nối lợi ích được hiểu là một quá trình của việc hình thành và biểu hiện các yêu cầu, đòi hỏi đối với các thiết chế có chức năng đưa ra các quốc sách chính trị và quyền lực.Lựa chọn lợi ích là quá trình phân loại các yêu cầu, đòi hỏi về lợi ích, liên hệ chúng với nội dung các chương trình hành động của các chính đảng, các cuộc vận động tranh cử, các kiến nghị của dân chúng. Xã hội hóa chính trị là quá trình nhằm đưa các quy tắc, chuẩn mực và các giá trị của hệ thống chính trị đến với cá nhân công dân các giai tầng và nhóm xã hội.Giao tiếp chính trị được hiểu là việc tuyên truyền, chuyển tải các thông tin chính trị giữa các bộ phận của hệ thống chính trị và giữa hệ thống chính trị với xã hội.Những chức năng nêu trên của yếu tố “đầu vào” thuộc về các chủ thể của hệ thống chính trị như các cơ quan nhà nước, đảng chính trị, các nhóm lợi ích.

“Đầu ra” có các chức năng: xác lập chính sách và pháp luật, thực hiện chính sách và pháp luật, kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện chính sách và pháp luật. Những chức năng đó thuộc về các chủ thể như đảng cầm quyền, các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Trong những công trình nghiên cứu về sau của D.Easton, hệ thống chính trị đã được mô tả như một quá trình hình thành và đưa ra các quyết sách chính trị, trên cơ sở ý tưởng về các yếu tố “đầu vào”, “đầu ra” và “các chức năng” của đầu vào và đầu ra của hệ thống chính trị.

Trên cơ sở lập luận về hệ thống chính trị như là sự tương tác giữa các thiết chế tổ chức chính trị và nhà nước với các yếu tố “đầu vào”, “đầu ra” của hệ thống đó, nhà xã hội học chính trị người Mỹ là Seymour Martin Lipset (1922-2006) đã đưa ra khái niệm chung và các tiêu chí hiệu quả và mức độ ổn định của hệ thống chính trị. Theo tác giả này, hiệu quả của hệ thống chính trị là khả năng phản ứng nhanh chóng và đầy đủ đối với các yêu cầu và đòi hỏi của xã hội, là việc đạt các mục tiêu đề ra trong việc quản lý các vấn đề chính trị và xã hội[8]. Các tiêu chí đánh giá hiệu quả của hệ thống chính trị bao gồm:

- Năng lực huy động được các nguồn lực.

- Năng lực kiểm soát được hành vi cá nhân và xã hội.

- Năng lực phân phối các nguồn lực khan hiếm cũng như các dịch vụ, các vị trí.

- Năng lực bảo tồn và phát triển các giá trị trong xã hội.

Khái niệm “ổn định chính trị” được S.Lipset coi là một trạng thái bền vững của hệ thống chính trị có được trên cơ sở khả năng phản ứng đối với những yêu cầu và đòi hỏi mà xã hội đặt ra cho hệ thống đó và khả năng đưa ra được và thực hiện được những quyết sách một cách có hiệu quả. Điều kiện bảo đảm sự ổn định chính trị gồm hai yếu tố quan trọng là tính chính đáng và tính hiệu quả của quyền lực chính trị, khi hai yếu tố đó có những mức độ liên hệ với nhau thì sẽ cho ta những trạng thái ổn định khác nhau của hệ thống chính trị. S.Lipset chia ra 3 mức độ tính ổn định của hệ thống chính trị như sau: 1) hệ thống vừa bảo đảm tính chính đáng vừa có hiệu quả, trường hợp này hệ thống chính trị được coi là ổn định cao; 2) hệ thống chỉ có một trong hai tính chất đó – khi đó được hiểu là một hệ thống có hiệu quả nhưng không có tính chính đáng hoặc tuy có tính chính đáng nhưng không có hiệu quả; cả hai trường hợp này cho ta kết quả về một hệ thống chính trị tương đối ổn định; 3) hệ thống chính trị vừa không có hiệu quả, vừa thiếu tính chính đáng là hệ thống không ổn định.

Lý thuyết của các nhà nghiên cứu khoa học chính trị Mỹ về hệ thống chính trị đã trở thành lý thuyết phổ biến trong khoa học chính trị hiện đại. Trong các giáo trình về chính trị học xuất bản tại LB Nga trong những thập niên gần đây đã có sự tiếp cận sát vào lý thuyết của Easton cùng với việc tiếp cận những tư tưởng của các tác giả khác thuộc trường phái xã hội học chính trị Mỹ như Talcott Parsons, Gabriel Almond, Bringham Powell v.v… Đánh giá về lý thuyết này, các nhà chính trị học Nga coi đây là một bước chuyển trong nghiên cứu về chính trị từ cách nhìn theo kiểu cấu trúc hình thức về các thiết chế tổ chức sang cách nghiên cứu theo sự tương tác và nhận thức về các giá trị trong chính trị như những hợp phần của hệ thống chính trị thực tế[9]. Với sự “mặc nhiên” thừa nhận lý thuyết Easton, trong một cuốn giáo trình chính trị học khác, các nhà nghiên cứu chính trị học Nga đã đưa ra khái niệm “hệ thống chính trị” như sau: “Hệ thống chính trị là tổ hợp các cấu trúc, các quy tắc, các định hướng chính trị với chức năng kết nối xã hội, thích nghi với môi trường xa hội, có khả năng đưa ra được những quyết sách chính trị quan trọng nhất[10].

Trong một công trình đồ sộ giới thiệu hầu hết các hệ thống chính trị tại các quốc gia trên thế giới (192 quốc gia) của hai nhà chính trị học Anh là J.Denis DerbyshireIan Derbyshire do nhà xuất bản Helicon ấn hành năm 1999, một định nghĩa về hệ thống chính trị đã được đưa ra và qua định nghĩa đó có thể thấy được ảnh hưởng có tính quyết định của lý thuyết Easton. Các tác giả viết: “Hệ thống chính trị của một đất nước – đó là một cái gì đó nhiều hơn là các thiết chế tổ chức. Hệ thống đó thực chất là sự tương tác năng động giữa các tư tưởng và lợi ích: một quá trình phản ánh các nhu cầu, đòi hỏi; và đánh giá việc thực hiện các nhu cầu và đòi hỏi đó là quá trình chuyển tải các sự kiện chính trị[11].

Qua nghiên cứu lý thuyết hiện đại về hệ thống chính trị bước đầu có thể rút ra một nhận xét như sau:

Trong quan điểm về hệ thống chính trị đã có bước chuyển từ quan điểm truyền thống nặng về mô tả cấu trúc nội tại, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của các thiết chế tổ chức chính trị, sang quan điểm mang đậm dấu ấn của xã hội học chính trị, xem hệ thống chính trị dưới ba phiên bản (hay là ba phương diện):

(1)  Là một hệ thống các giá trị làm nền tảng tư tưởng, làm mục đích phụng sự của cả hệ thống chính trị. Những giá trị đó thường được chính thức xác định bởi Hiến pháp (hiến định) và cũng là tiêu chí cao nhất để đánh giá hoạt động của hệ thống chính trị và các thiết chế trong hệ thống đó.

(2) Là một hệ thống kết nối giữa các thiết chế chính trị (đảng, nhà nước v.v…) với đời sống xã hội thông qua các hình thức và thiết chế phản ánh các nhu cầu, đòi hỏi của xã hội trên tất cả các mặt: kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa trong nước và quốc tế.

(3) Là một hệ thống các cách thức của sự tương tác, những cơ chế phản ánh, ghi nhận sàng lọc nhu cầu và lợi ích đa dạng, và trên cơ sở đó hình thành các quyết sách chính trị như các chính sách, pháp luật và thực hiện chính sách và pháp luật.

 

 

2. Cấu trúc của hệ thống chính trị

Quan điểm về hệ thống chính trị như là một quá trình tương tác của nhiều yếu tố khác nhau là cơ sở cho một cách nhìn đa dạng và toàn diện về cấu trúc của hệ thống chính trị.

Hệ thống chính trị có thể được coi là một hệ thống tương tác và kết nối chủ thể các quan hệ về chính trị.Hệ thống chính trị có thể được xây dựng trên cơ sở tương tác giữa phía quản lý (chính quyền) với đối tượng quản lý (người dân) theo những nguyên tắc khác nhau, chẳng hạn như nguyên tắc đồng thuận xuất phát từ sự thừa nhận và chia sẻ giá trị công bằng, thể hiện qua các chính sách, pháp luật của các thiết chế lãnh đạo chính trị và nhà nước (chẳng hạn, các quy định về bầu cử công bằng, các chính sách về tiếp cận công vụ và tiếp cận công lý công bằng v.v…).Trường hợp này được gọi là cấu trúc đồng thuận giá trị.

Một hệ thống chính trị bao gồm những bộ phận thiết chế tổ chức với sự phân công, phối hợp nhất định để tạo thành một cơ chế chung, đây là cấu trúc tổ chức của hệ thống chính trị. Cấu trúc tổ chức dựa trên nguyên tắc phân định chức năng chính trị. Theo đó, Nhà nước luôn là thiết chế quyền lực công, có vai trò và chức năng bảo đảm lợi ích chung; tại các quốc gia có hệ thống chính trị đa đảng thì các đảng chính trị đại diện cho lợi ích lâu dài, phổ biến của những giai cấp, tầng lớp khác nhau; còn các nhóm vận động hàng lang tại các nước đó có vai trò đại diện và phản ánh các lợi ích, yêu cầu phát sinh và tồn tại trong một khoảng thời gian nhất định.

Trong bất kỳ hệ thống chính trị nào cũng có những cấp độ vai trò khác nhau trong quá trình hình thành và thực hiện các quyết sách chính trị: cấp chiến lược (đảng cầm quyền, cơ quan lập pháp), cấp thực thi áp dụng pháp luật (hành pháp, tư pháp), các đại diện và phản ánh lợi ích, yêu cầu và thụ hưởng các kết quả của chính sách và pháp luật (công dân thông qua các thiết chế xã hội). Trường hợp này được gọi là cấu trúc phân tầng của hệ thống chính trị.

Xem xét tất cả các cách tiếp cận cấu trúc của hệ thống chính trị trên đây cho thấy rõ hơn ý nghĩa của quan điểm về hệ thống chính trị như là sự tương tác giữa những cấu trúc khác nhau làm nên sự năng động và tính hiệu quả của hệ thống chính trị./.

 

GS. TSKH. Đào Trí Úc,
Đại học Quốc gia Hà Nội

 

 

 

 



[1] Ludwig Von Bertalanffy, General System Theory: Foundations, Development, Applications, New York, George Braziller, 1968.

[2] David Easton, The Political System, New York, Knopf, 1965. Lý thuyết Easton bàn về hệ thống chính trị
của Mỹ (tác giả chú thích).

[3] Theo D.Easton: A system analysis of political life. N.Y, 1965, p.74

[4] Thomas E.Patterson, Garry M.Halter, The American Democracy. Eighth Edition, Texas Edition, Mc Graw – Hill Companies, Inc 1221 Avenue of the Americans, New York, 2008, P.31.

[5] Easton D.A System Analysis of Political Life, New York, 1965.

[6] Easton D. Sách đã dẫn, P.23.

[7]Gabriel  A.Almond, G.Bingham Powell, Jr. Powell (eds.), Comparative Politics Today: A World View/ 4th ed. Glenview, III: Scott, Foresman//Little, Brown College Divison, 1988.

[8] Lipset Seymoure M., Political Man: The Social Bases of Politics, Baltime: Johns Hopkins University Press, 1981.

[9] МухаевР.Т. Политология. Учебникдлястудентовюридическихигуманическихфакультетов, Москва, 1998, с.92-101.

[10] Политология. Учебноепособие, подредакциейА.С.Тургаева, А.Е.Хренова. Издательство“Питер”, 2005,с.121-123.

[11] Denis Derbyshire, Ian Derbyshire, Political Systems of the World, Helicon Publishing Ltd, 1999, P.3-4.

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết