Thứ Hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024

Một số kinh nghiệm của CHLB Đức về giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ xã hội (phần 1)

Ngày phát hành: 25/09/2019 Lượt xem 9653

 

I. NƯỚC ĐỨC VÀ MÔ HÌNH KINH TẾ THỊ TRƯỜNG XÃ HỘI CỦA CHLB ĐỨC

1. Giới thiệu chung

Cộng hoà Liên Bang Đức nằm ở trung tâm Châu Âu với 16 tiểu bang tiếp giáp với 9 nước láng giềng. Mỗi bang lại có những đặc điểm văn hóa đặc sắc riêng biệt. Là một đất nước có khí hậu ôn đới với 4 mùa rõ rệt. Đến nước Đức bạn có thể ngắm nhìn những khung cảnh tuyệt đẹp và mơ mộng trong những câu chuyện cổ tích của châu Âu. Đức là trung tâm kinh tế quan trọng của Châu Âu với nền công nghiệp và nền kinh tế phát triển. Đây cũng là nơi có lịch sử phát triển lâu đời chính vì thế nền văn hoá và con người Đức luôn toát lên vẻ lịch lãm, hiếu khách. Đến với nước Đức bạn sẽ được học tập trong một môi trường trong sáng, sát với thực tế cuộc sống.

2. Mô hình nền kinh tế thị trường xã hội ở CHLB Đức: cơ sở để giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng với phát triển xã hội

a. Nền kinh tế thị trường xã hội ở Đức

Nền kinh tế thị trường xã hội là một nền kinh tế thị trường kết hợp tự do cá nhân, năng lực hoạt động kinh tế với công bằng xã hội.

Nền kinh tế thị trường xã hội không phải là nền kinh tế thị trường tư bản truyền thống (cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20), không phải là nền kinh tế kế hoạch hoá ở các nước xã hội chủ nghĩa trước đây, cũng không phải là nền kinh tế thị trường hiện đại của trào lưu tự do mới vì trào lưu này quá coi nhẹ vai trò của nhà nước và các vấn đề xã hội.

Đây là nền kinh tế thị trường kích thích mạnh mẽ sáng kiến các nhân và lợi ích toàn xã hội, đồng thời phòng tránh được các khuyết tật lớn của thị trường, chống lạm phát, giảm thất nghiệp, quan tâm thực hiện công bằng xã hội. Các quyết đinh kinh tế và chính trị của nhà nước được hoạch định trên cơ sở chú ý đến những nhu cầu và nguyện vọng cá nhân.

Mô hình này theo đuổi các mục tiêu:

+ Bảo đảm và nâng cao tự do về vật chất cho mọi công dân bằng cách bảo đảm cơ hội kinh doanh cá thể bằng một hệ thống an toàn xã hội.

+ Thực hiện công bằng xã hội theo nghĩa là công bằng trong khởi nghiệp và phân phối. + Bảo đảm ổn định bên trong của xã hội (khắc phục khủng hoảng kinh tế, mất cân đối).

Tư tưởng trung tâm của mô hình là:

+ Tự do thị trường, tự do kinh doanh, không có sự khống chế của độc quyền, bảo vệ quyền sở hữu tư nhân, bảo vệ hệ thống kinh tế tư bản chủ nghĩa, tính độc lập kinh tế và chịu trách nhiệm của chủ doanh nghiệp, thừa nhận vai trò nhất định của Nhà nước (để đảm bảo phối hợp sự tự do kinh tế với các quy tắc và chuẩn mực xã hội).

+ Được tổ chức theo kiểu "sân bóng đá" (Ropke và Erhard nêu ra)

Trong đó:

- Xã hội là một sân bóng đá

- Các giai cấp và tầng lớp xã hội là các cầu thủ

- Nhà nước là trọng tài, đóng vai trò bảo đảm cho trận đấu diễn ra theo luật, tránh khỏi những tai họa.

b. Các tiêu chuẩn của nền kinh tế thị trường xã hội ở Đức

Thứ nhất, tuyệt đối đảm bảo quyền tự do cá nhân.

Thứ hai, bảo đảm công bằng xã hội thông qua các chính sách xã hội của nhà nước.

Thứ ba, chính sách kinh doanh theo chu kỳ. Nhà nước phải có chính sách khắc phục hậu quả của khủng hoảng chu kỳ, điều chỉnh mất cân đối.

Thứ tư, chính sách tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội

Thứ năm, chính sách cơ cấu. Được coi là tiêu chuẩn đặc trưng, hạt nhân trong chính sách tăng trưởng. (Vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo yêu cầu cách mạng khoa học công nghệ, đào tạo con người,..).

Thứ sáu, bảo đảm tính phù hợp với cạnh tranh trên thị trường, ngăn ngừa sự phá vỡ hay hạn chế cạnh tranh quá mức trên thị trường...

Ngày nay, lý thuyết này được phát triển thành lý thuyết "Xã hội có tổ chức", "Xã hội phúc lợi chung".

c. Các chức năng của cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường - xã hội

Cạnh tranh là yếu tố trung tâm không thể thiếu, để có hiệu quả phải có sự bảo hộ của Nhà nước trên cơ sở tôn trọng quyền tự do của các xí nghiệp.

Chức năng cơ bản của cạnh tranh là:

+ Sử dụng các nguồn tài nguyên một cách tối ưu

+ Khuyến khích tiến bộ kĩ thuật

+ Phân phối thu nhập

+ Thỏa mãn nhu cầu người tiêu dùng

+ Đảm bảo tính linh hoạt của sự điều chỉnh

+ Thực hiện kiểm soát sức mạnh kinh tế và chính trị

+ Đảm bảo quyền tự do lựa chọn và hành động cá nhân.

Các nhân tố đe dọa cạnh tranh là:

+ Từ chính phủ: có thể hạn chế, bóp méo cạnh tranh, với tư cách người quản lí xã hội sẽ làm suy yếu cạnh tranh.

+ Từ phía tư nhân: về cơ bản đó là sự hình thành tổ chức độc quyền

Do đó, các nhà kinh tế học Đức cho rằng cần phải có biện pháp bảo vệ cạnh tranh.

d.  Yếu tố xã hội trong kinh tế thị trường - xã hội

Yếu tố xã hội được quan tâm đặc biệt với nội dung: nâng cao mức sống của các nhóm dân cư thu nhập thấp, bảo trợ xã hội đồng thời bảo vệ tất cả các thành viên trong xã hội.

Muốn giải quyết tốt các vấn đề xã hội cần phải tăng nhịp độ tăng trưởng kinh tế, phân phối thu nhập một cách công bằng, xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội.

e. Vai trò của Chính phủ

Cần đảm bảo các quy tắc sau:

Quy tắc 1: Cần có Chính phủ nhưng chỉ cần can thiệp khi cần thiết với mức độ hợp lí (Nguyên tắc hỗ trợ).

Quy tắc 2: Tạo sự hài hòa giữa các chức năng của Chính phủ với thị trường, can thiệp phải thích hợp với hệ thống thị trường, bảo đảm tương hợp với các quy luật thị trường.

f. Đánh giá chung

Kết quả: Thành tựu và hạn chế của nền kinh tế thị trường xã hội ở Đức

Nền kinh tế thị trường có nhiều thành tựu song cũng có hạn chế. Cụ thể:

+ Thành tựu kinh tế xã hội:

- Đưa nước Đức từ một nước thua trận trong chiến tranh thế giới thứ hai trở thành một cường quốc kinh tế.

- Thực hiện được hai mục tiêu: tự do cá nhân và đoàn kết xã hội.

- Kết hợp được khả năng công nghiệp lớn mạnh dựa trên công nghệ hiện đại với sự phát triển thương mại thế giới mở rộng.

Nguyên nhân: Coi trọng năng suất cao, coi trọng nguồn nhân lực và việc đào tạo bồi dưỡng con người, coi trọng nghiên cứu - triển khai, quan tâm mạnh đến các vấn đề xã hội.

+ Hạn chế:

- Tăng trưởng kinh tế gần đây chậm lại

- Về xã hội: chủ nghĩa cá nhân cực đoan tăng lên, sự khủng hoảng về con người.

- Sự can thiệp của nhà nước cũng cần xem xét lại.

 

II. NHỮNG CHÍNH SÁCH TẠO TĂNG TRƯỞNG NHANH VÀ BỀN VỮNG NỀN KINH TẾ ĐỨC THỜI GIAN QUA

1. Đặc điểm:

Nước Đức là một cường quốc với nền kinh tế có GDP danh nghĩa đứng thứ tư và lớn nhất trong các nước châu Âu, nếu tính theo GDP sức mua tương đương thì Đức đứng thứ năm trên thế giới vào năm 2014. Quốc gia này có một mức sống cao và hệ thống an sinh xã hội toàn diện. Nước Đức giữ vị trí chính yếu trong quan hệ ở châu Âu cũng như có nhiều liên kết chặt chẽ trên thế giới và được biết đến là dẫn đầu trong nhiều lĩnh vực khoa học kỹ thuật. Đức là nước có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất thế giới. Vì tương đối nghèo về tài nguyên nên nền kinh tế Đức tập trung vào các lĩnh vực sản xuất công nghiệp và dịch vụ. Nền công nghiệp Đức đóng vai trò trụ cột trong nền kinh tế Đức và nếu so sánh với các nước công nghiệp khác như Anh hoặc Mỹ thì nền công nghiệp Đức đã tạo được mạng lưới rộng khắp với rất nhiều việc làm. Ước tính sản xuất công nghiệp đóng góp 37% trong tổng năng lực nền kinh tế Đức. Các sản phẩm công nghiệp của Đức luôn được đánh giá là tốt nhất thế giới.

- Một đặc điểm về quy mô: Tuy có nhiều tập đoàn công nghiệp lớn, nhưng xương sống của kinh tế Đức lại là các công ty với quy mô trung bình dưới 1000 nhân viên. Nền tảng cho sức mạnh cạnh tranh quốc tế không chỉ nằm ở các tập đoàn lớn như Siemens, Volkswagen, Allianz, SAP hoặc BASF được niêm yết trên thị trường chứng khoán mà còn nằm ở hàng chục nghìn doanh nghiệp chế biến, gia công vừa và nhỏ (có dưới 500 nhân công), đặc biệt trong các ngành chế tạo máy và công nghiệp phụ trợ, cũng như trong ngành công nghệ Nano và sinh học. Những doanh nghiệp này thực sự tạo nên xương sống cho nền kinh tế Đức, tạo việc làm cho hơn 25 triệu người. Ngày nay, các công ty vừa và nhỏ cung cấp việc làm cho gần 70% lực lượng lao động của Đức.

-  4 ngành công nghiệp chủ đạo của Đức bao gồm sản xuất ô tô, điện tử, cơ khí và hóa chất nơi 3 triệu nhân công làm việc đã mang lại doanh thu lên đến 767 tỷ euro vào năm 2013.

Ngành cơ khí điện tử: Đức tập trung chuyên môn hóa phát triển và chế tạo các sản phẩm công nghiệp phức hợp, nhất là các thiết bị công nghiệp và công nghệ sản xuất mới. Các ngành công nghiệp quan trọng nhất của Đức là chế tạo xe hơi, chế tạo máy, kỹ thuật điện, điện tử và công nghiệp hóa chất. Chỉ riêng trong bốn ngành này đã có 2,9 triệu người làm việc và tạo ra doanh số hơn 800 tỉ Euro. Động lực đổi mới là ngành chế tạo ô tô: khoảng 30% tổng đầu tư của các doanh nghiệp Đức vào nghiên cứu, phát triển đến từ ngành này. Với sáu hãng sản xuất xe hơi là VW, Audi, BMW, Daimler, Porsche (VW) và Opel (General Motors), Đức là một trong số những nước sản xuất ô tô lớn nhất thế giới bên cạnh Nhật Bản, Trung Quốc và Mỹ với một thị phần khá lớn trên thị trường xe hạng trung và hạng cao cấp. Các nhãn mác xe hơi sang trọng nhất thế giới ngày nay hầu như đều có nguồn gốc từ Đức như Bayerische, BMW, Mercedes, Benz, Porsche, Audi, Volkswagen, Bugatti, Lamborghini, Mini, RollsRoye, Bentley…..

Ngành quan trọng thứ hai đứng sau ngành sản xuất ô tô đó là ngành chế tạo máy với gần 6.000 công ty đóng góp 13% tổng doanh số công nghiệp. Đây là ngành công nghiệp tạo nhiều việc làm nhất (965.000 chỗ làm) và là ngành xuất khẩu hàng đầu, nên ngành chế tạo máy giữ một vị trí then chốt trong nền kinh tế Đức. Ngành công nghiệp điện thuộc những ngành tăng trưởng mạnh nhất và đặc biệt đổi mới. Hơn 20% số dự án được giới công nghiệp đầu tư ở Đức cho nghiên cứu và phát triển được ngành công nghiệp điện thực hiện.

Chỉ với 4 ngành công nghiệp chủ đạo của Đức bao gồm sản xuất ô tô, điện tử, cơ khí và hóa chất nơi 3 triệu nhân công làm việc đã mang lại doanh thu lên đến 912 tỷ euro vào năm 2017.

2. Các chính sách thức đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là ngành công nghiệp

Điều gì là nhân tố tạo nên sự thành công của nền công nghiệp Đức, đó chính là các chính sách hiệu quả đã được chính phủ Đức ban hành và áp dụng một cách thành công trong thực tế, cụ thể là:

a. Chính phủ đã phát triển chiến lược cụm công nghiệp đồng bộ cho tất cả các bộ ngành, đây là một chiến lược có phạm vi rộng, từ các biện pháp với các tác động rộng lớn trên nhiều khía cạnh, đến các định hướng chuyên biệt nhằm vào công nghệ hoặc vào khu vực nhất định nhằm hướng đến mục tiêu thúc đẩy và tài trợ cho các cụm có sản lượng cao, năng suất lao động lớn.

b. Đầu tư vào đội ngũ trí thức bao gồm một số nội dung sau:

- Đảm bảo độ khả dụng của một lực lượng nhân lực có kỹ năng, được đào tạo với trình độ cao với một loạt chương trình có tên là “Dẫn đầu nhờ giáo dục”, “hiệp ước về việc làm nhằm củng cố động lực tăng trưởng và hiện đại hóa”, chương trình “Đóng góp của lao động di cư đảm bảo số lượng nhân công cần thiết tại Đức”…

- Mở rộng cung cấp tài chính cho học tập bao gồm các đạo luật về đào tạo và giáo dục cho phép thanh niên hoàn thành quá trình đào tạo không phụ thuộc vào tình trạng tài chính của gia đình họ, đạo luật về thúc đẩy đào tạo nâng cao sự nghiệp theo hướng đào tạo chuyên sâu.

- Phát triển liên tục hệ thống đào tạo hướng nghiệp với quan điểm đáp ứng những thách thức trong tương lai thông qua Công ước Giáo dục và Đào tạo hướng nghiệp theo đó ngành công nghiệp cam kết sẽ cung cấp 30.000 vị trí đào tạo thường xuyên mới và 25.000 vị trí đào tạo định kỳ hàng năm.

 - Phát triển và cải thiện các quy trình đào tạo suốt đời và đào tạo hướng nghiệp liên tục thông qua Ủy ban đổi mới về đào tạo liên tục trong đó phát triển chiến lược tổng thể về học tập suốt đời và đào tạo hướng nghiệp liên tục.

 c. Tài trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tăng tỷ trọng đầu tư vào đổi mới của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nước Đức có hơn 100.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ trong đó có rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ giữ vị trí hàng đầu trong công nghệ, bao gồm các nội dung cụ thể như sau: (i) Củng cố năng lực đổi mới của doanh nghiệp vừa và nhỏ; (ii) Mở rộng tài trợ cho nghiên cứu phát triển và đổi mới ở doanh nghiệp vừa và nhỏ; (iii) Tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp tư nhân, bao gồm thiết kế các chương trình cung cấp các khoản vay dài hạn, lãi suất thấp, liên tục cải tiến hệ thống thuế, ban hành các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các hiệp hội tại Đức; (iv) Giảm tình trạng quan liêu thông qua việc thành lập một cơ quan độc lập để đánh giá các điều luật, chính sách đã ban hành nhằm giảm gánh nặng cho các doanh nghiệp.

d. Hỗ trợ cho việc truyền bá và áp dụng công nghệ mới vào thực tế, chú trọng đến việc khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, thiết lập việc tiêu chuẩn hóa các quy trình đổi mới, đồng bộ hóa các quy trình, đưa các kết quả nghiên cứu của các trường đại học và viện nghiên cứu vào sử dụng thương mại.

Với định hướng phát triển đúng và phù hợp với thực tiễn, nước Đức đã thực sự thành công trong việc tạo ra những sản phẩm công nghiệp chế tạo có chất lượng hàng đầu thế giới cho dù Đức là một đất nước mà số giờ làm việc của người lao động ít hơn số giờ làm việc của người lao động ở hầu hết bất cứ nước nào.

Lực lượng lao động không nổi trội bởi năng suất đặc biệt, và thời gian tới trường của trẻ em ở đây ít hơn nhiều nước láng giềng. Cụ thể là trong số 43 nước OECD, chỉ có ở Hà Lan là người dân có số giờ làm việc ít hơn ở Đức, số thời gian trẻ em Đức ở trường học ít hơn 25% so với học sinh ở Ý. Hiện nay, công nghiệp đóng vai trò đầu tàu cho các hoạt động ngoại thương của Đức. Chỉ với 4 ngành công nghiệp chủ đạo của Đức bao gồm sản xuất ô tô, điện tử, cơ khí và hóa chất nơi 3 triệu nhân công làm việc đã mang lại doanh thu lên đến 767 tỷ euro vào năm 2013. Các tập đoàn, công ty Đức đã tạo nên danh tiếng cho các sản phẩm của đức trên toàn thế giới, là sự đảm bảo cho dấu ấn chất lượng “Made in Germany” được coi trọng trên khắp thế giới và là sự đảm bảo cho đổi mới, chất lượng và sự vượt trội về kỹ thuật.

(Còn tiếp)

 

Nguồn: Báo cáo khảo sát tại CHLB Đức của Đề tài: “Mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ở Việt Nam hiện nay: Thực trạng, vấn đề và định hướng chính sách” (mã số KX.04.17/16-20)

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết