Chủ Nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024

Khủng hoảng khí hậu: Cú sốc đối với các nước đang phát triển phụ thuộc vào hàng hóa

Ngày phát hành: 13/09/2019 Lượt xem 1527

Theo Báo cáo Phát triển và Hàng hóa 2019 của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) vừa được công bố ngày 11/9, đa dạng hóa kinh tế và xuất khẩu là cách ứng phó tốt nhất cho những thách thức do tình trạng biến đổi khí hậu ở các nước đang phát triển vốn phụ thuộc vào hàng hóa.
 
Tổng thư ký UNCTAD Mukhisa Kituyi cho rằng khủng hoảng khí hậu đặt ra mối đe dọa hiện hữu đối với các nước đang phát triển phụ thuộc vào hàng hóa và sẽ dẫn đến sự sụp đổ của một số nền kinh tế nếu không có hành động mang tính quyết định ngay từ bây giờ. Hơn bao giờ hết, các quốc gia này cần đánh giá tiềm năng đa dạng hóa của họ và giảm sự phụ thuộc vào hàng hóa. Chính sự phụ thuộc đó mà trong nhiều thập kỷ qua các nước này luôn bị động khi tiếp cận với các thị trường đầy biến động và biến đổi khí hậu.
 
Báo cáo nêu rõ, mặc dù các nước đang phát triển phụ thuộc vào hàng hóa chỉ góp phần khiêm tốn vào biến đổi khí hậu, song cuộc khủng hoảng khí hậu lại khiến họ gặp nhiều rủi ro nhất. Các quốc gia này dễ bị tổn thương hơn chủ yếu vì họ phụ thuộc về kinh tế vào các lĩnh vực tiếp xúc nhiều với sự thay đổi thời tiết khắc nghiệt. Các quốc đảo nhỏ đang phát triển (SIDS) nằm trong số những nước bị ảnh hưởng nặng nhất.
 
Nhiệt độ mặt nước biển tăng gây ra rủi ro đáng kể cho SIDS khi tước đi phần lớn thu nhập xuất khẩu hàng hóa của họ từ thủy sản, như Kiribati (Ki-ri-bát) với 88% thu nhập bị mất đi trong giai đoạn từ năm 2013- 2017, Maldives (Man-đi-vơ) với 79% và Liên bang Micronesia (Mi-krô-nê-xi-a) với 75%.
 
Báo cáo cho rằng việc giải quyết biến đổi khí hậu cũng tạo ra một số cơ hội cho các nước đang phát triển phụ thuộc vào hàng hóa. Báo cáo lưu ý sự thúc đẩy toàn cầu đối với năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng thể hiện cơ hội cho các quốc gia có trữ lượng lớn vật liệu được sử dụng trong các công nghệ sạch như pin quang điện Mặt Trời, tuabin gió và pin xe điện.
 
Chẳng hạn, năm 2018, CHDC Congo (Công-gô) chiếm 58% nguồn cung coban toàn cầu, một mặt hàng chủ lực được sử dụng trong sản xuất pin xe điện, trong khi Chile (Chi-lê) và Argentina (Ác-hen-tin-na) cùng chiếm tổng cộng 71% trữ lượng lithium toàn cầu.
 
Thích ứng với biến đổi khí hậu cũng có thể tạo ra cơ hội để thúc đẩy sản xuất các sản phẩm thay thế cho thịt gia súc và sữa. Báo cáo chỉ ra trường hợp chăn nuôi ở một số vùng đất khô hạn ở châu Phi, nơi tần suất hạn hán gia tăng và nguồn thức ăn giảm đã khuyến khích các nhà chăn nuôi nuôi lạc đà để bổ sung hoặc thay thế gia súc.
 
Theo báo cáo, nhiệm vụ giảm thiểu và thích ứng khí hậu đã thúc đẩy đầu tư vào đổi mới công nghệ có thể mang lại lợi ích cho các quốc gia phụ thuộc vào hàng hóa. Một ví dụ là việc áp dụng hiệu quả các tấm quang điện Mặt Trời có thể tăng cường an ninh năng lượng và hỗ trợ các ngành hàng hóa ở các khu vực xa không được kết nối với lưới điện quốc gia.
 
Báo cáo nhắc lại cảnh báo từ giới chuyên gia rằng các cam kết của các quốc gia nhằm giảm thiểu biến đổi khí hậu theo Thỏa thuận Paris là không đủ tham vọng. Các cam kết cần tăng gấp 4bốn lần để hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
 
Ngoài ra, báo cáo nêu rõ các chính sách tài khóa xanh có thể giúp đảm bảo thuế, trợ cấp và các công cụ chính sách tương tự, góp phần thực hiện các kế hoạch hành động liên quan đến khí hậu và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Cần cải cách trợ cấp nhiên liệu hóa thạch cho các chính sách tài khóa xanh hơn nữa. Theo ước tính, 20% hộ gia đình giàu có nhất ở các nước đang phát triển nhận được 43% lợi ích từ các khoản trợ cấp nhiên liệu hóa thạch, trong khi 20% hộ gia đình nghèo nhất chỉ nhận được 7%.
 
Bên cạnh đó, năng lực của các nước đang phát triển phụ thuộc vào hàng hóa để thực hiện các hành động về khí hậu cần phải được tăng cường. Điều này bao gồm việc xây dựng năng lực kỹ thuật, quy định thiết kế và thực hiện các chính sách để hỗ trợ các chiến lược giảm thiểu và thích ứng.
 
Hơn nữa, các nước phát triển cũng cần đáp ứng cam kết của họ theo Thỏa thuận Paris về việc chuyển giao các công nghệ thân thiện với môi trường cho các nước đang phát triển để giúp họ tham gia hiệu quả vào các nỗ lực toàn cầu nhằm giảm thiểu và thích ứng với khủng hoảng khí hậu.


 
Theo TTXVN 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết