New York nhìn từ trên cao
I. Đánh giá xử lý mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường tại Mỹ
Nước Mỹ được coi là có một nền kinh tế hỗn hợp, bởi vì cả doanh nghiệp sở hữu tư nhân và Chính phủ đều đóng những vai trò quan trọng. Quả thực, một số trong những cuộc tranh luận kéo dài nhất của lịch sử kinh tế Mỹ tập trung vào vai trò tương đối của khu vực nhà nước và tư nhân.
Hệ thống doanh nghiệp tự do của Mỹ nhấn mạnh đến sở hữu tư nhân. Các doanh nghiệp tư nhân tạo ra phần lớn hàng hóa và dịch vụ và gần hai phần ba tổng số sản lượng kinh tế của quốc gia là dành cho tiêu dùng cá nhân, một phần ba còn lại được mua bởi chính phủ và doanh nghiệp. Trên thực tế vai trò của người tiều dùng lớn đến mức quốc gia này thỉnh thoảng được mô tả là “nền kinh tế tiêu dùng”.
Sự nhấn mạnh này đối với sở hữu tư nhân xuất phát một phần từ niềm tin của người Mỹ về tự do cá nhân. Ngay từ thời lập quốc, người Mỹ đã lo sợ quyền lực quá mức của Chính phủ và họ luôn tìm cách hạn chế uy quyền của Chính phủ đối với cá nhân - bao gồm cả vai trò của Chính phủ trong lĩnh vực kinh tế. Hơn nữa, người Mỹ nhìn chung đều tin rằng một nền kinh tế được đặc trưng bởi sở hữu tư nhân dường như hoạt động hiệu quả hơn so với nền kinh tế đặc trưng bởi sở hữu nhà nước.
Người Mỹ tin rằng khi các nguồn lực kinh tế được giải phóng, cung và cầu sẽ xác định giá cả của hàng hóa và dịch vụ. Đến lượt nó, giá cả sẽ mách bảo các doanh nghiệp nên sản xuất cái gì; nếu mọi người muốn một loại hàng hóa đặc biệt nào đó nhiều hơn lượng cung của nền kinh tế thì giá hàng hóa đó sẽ tăng lên. Điều này thu hút sự chú ý của các công ty khác hoặc các công ty mới, những công ty này cảm thấy cơ hội kiếm được nhiều lợi nhuận hơn và bắt đầu sản xuất hàng hóa này nhiều hơn. Ngược lại, nếu mọi người có cầu ít hơn về một loại hàng hóa nào đó thì giá của nó sẽ giảm đi và các nhà sản xuất có ít khả năng cạnh tranh sẽ ngừng kinh doanh hoặc tiến hành sản xuất loại hàng hóa khác. Một hệ thống kinh tế như vậy được gọi là nền kinh tế thị trường. Tuy vậy, doanh nghiệp tự do cũng có những hạn chế. Người Mỹ luôn tin rằng một số dịch vụ do nhà nước đảm nhận sẽ tốt hơn các doanh nghiệp tư nhân. Chẳng hạn, Chính phủ Mỹ chịu trách nhiệm chủ yếu đối với các hoạt động về tư pháp, giáo dục (mặc dù có rất nhiều trường học và trung tâm đào tạo tư nhân), hệ thống đường giao thông, báo cáo thống kê xã hội và an ninh quốc phòng. Hơn nữa, Chính phủ cũng thường được yêu cầu can thiệp vào nền kinh tế để điều chỉnh những tình huống mà ở đó hệ thống giá cả không hoạt động. Chính phủ cũng giải quyết những vấn đề nằm ngoài phạm vi của các lực lượng thị trường.
Trong nền kinh tế hỗn hợp này, các cá nhân có thể giúp định hướng nền kinh tế không chỉ thông qua các lựa chọn khi họ là người tiêu dùng mà còn thông qua các lá phiếu bầu chọn các quan chức, những người thảo ra chính sách kinh tế. Trong những năm gần đây, những người tiêu dùng tỏ ra lo lắng về tình trạng an toàn của sản phẩm, về thảm họa môi trường do một số ngành công nghiệp nhất định gây ra, và những nguy cơ tiềm ẩn về sức khỏe mà người dân có thể phải gánh chịu; Chính phủ đã đáp ứng lại những mối quan ngại này bằng việc lập ra các cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và nâng cao phúc lợi công cộng nói chung.
Trong khi người tiêu dùng và người sản xuất ra phần lớn các quyết định hình thành nền kinh tế, thì các hoạt động của Chính phủ có tác động mạnh đến nền kinh tế Mỹ ít nhất trên bốn lĩnh vực: ổn định và tăng trưởng, điều tiết và kiểm soát, các dịch vụ trực tiếp và hỗ trợ trực tiếp.
Về quan hệ về vai trò giữa Nhà nước và thị trường, có thể thấy vai trò và chức năng quản lý kinh tế của nhà nước thay đổi theo từng giai đoạn và ngay trong nền kinh tế thị trường của các quốc gia ở cùng một giai đoạn lịch sử như hiện nay cũng có những mô hình kinh tế khác nhau với mức độ can thiệp khác nhau của nhà nước trong vai trò,chức năng quản lý kinh tế.
Trong lịch sử, chính sách kinh tế của Nhà nước Hoa Kỳ đối với thị trường được tóm tắt bằng một thuật ngữ tiếng Pháp “laissez-faire” (hãy để mặc nó). Khái niệm này xuất phát từ học thuyết kinh tế của A. Smith, một nhà kinh tế học người Xcôtlen ở thế kỷ XVIII, người mà các tác phẩm của ông đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của chủ nghĩa tư bản Hoa Kỳ. Smith tin rằng lợi ích cá nhân cần có tự do hoàn toàn. Ông nói rằng : chừng nào các thị trường còn tự do và cạnh tranh thì hoạt động của từng cá nhân, từng tổ chức kinh tế được dẫn dắt và thúc đẩy bởi lợi ích cá nhân, sẽ có thể phối hợp để tạo ra lợi ích lớn hơn cho xã hội. A. Smith ủng hộ một số dạng can thiệp của nhà nước, chủ yếu để thiết lập nên thể chế kinh tế với những qui tắc cơ bản cho thị trường mà ở đó các doanh nghiệp tự do kinh doanh. Sự ủng hộ mạnh mẽ của ông đối với thị trường và việc thực thi các chính sách tự do kinh doanh đã khiến ông được ưa chuộng ở Hoa Kỳ, một đất nước được xây dựng trên lòng tin vào cá nhân và ngờ vực uy quyền của nhà nước.
Với phương châm “Nhà nước tốt nhất khi nó cai quản ít nhất” trong mô hình này, vai trò, chức năng quản lý kinh tế của Nhà nước bị giới hạn bởi pháp luật do Nhà nước Hoa Kỳ đề ra chỉ nhằm chủ yếu vào việc duy trì một sự cạnh tranh mạnh mẽ trong kinh tế. Trong khi đó, thị trường với cơ chế của nó hầu như thống trị hoàn toàn các lĩnh vực hoạt động kinh tế và xã hội: đổi mới được kích thích bởi đánh giá tư nhân về lợi nhuận, quyền hưởng giáo dục được tính toán theo doanh lợi về tư bản con người, chế độ thuế khóa ít mang tính phân phối lại, mức độ bảo đảm xã hội thấp,...
Nhưng không phải bao giờ cơ chế thị trường cũng có tác dụng và nhiều thị trường là không hoàn thiện; thậm chí vào những năm 1930, nền kinh tế thị trường ở Hoa Kỳ đã sụp đổ, gây ra những vấn đề xã hội và kinh tế nghiêm trọng, phải nhờ đến Nhà nước khắc phục hậu quả. Mặt khác, nhiều hàng hóa tập thể không có bán trên thị trường nhưng lại được Nhà nước cung ứng như công viên, giao thông, an ninh công cộng. Ngày nay, mặc dù sự hoài nghi về chức năng quản lý kinh tế của Nhà nước đã ăn sâu vào tâm hồn người dân Hoa Kỳ, nhưng bản thân nhiều người trong số họ lại đặt lòng tin vào Nhà nước khi mà thị trường tự do đang đưa đến những thảm hoạ về môi trường, bỏ mặc nhiều người nghèo, người thất học trong tình trạng thất nghiệp, không nhà cửa. Nhiều người dân Hoa Kỳ cũng cho rằng không có thị trường tự do nếu quan niệm thị trường tự do là thị trường không có sự can thiệp của Nhà nước, bởi vì tất cả các thị trường hợp pháp đều được thiết lập theo pháp luật do Nhà nước ban hành. Chỉ có thị trường chợ đen là không có sự can thiệp của Nhà nước, vì chúng tồn tại bên ngoài quyền lực nhà nước và bị kiểm soát bằng bạo lực, bị làm rối loạn bởi chính bạo lực.
Thực tế ở Hoa Kỳ cho thấy, tuy Nhà nước ít can thiệp thông qua trợ cấp và tín dụng, nhưng lại thường sử dụng các chính sách ưu đãi về thuế khoá, đặc biệt là giảm thuế lợi tức. Để giúp đỡ các ngành công nghiệp thích nghi với điều kiện phát triển kinh tế, Nhà nước không chi tiêu thêm mà giảm các khoản thu ngân sách. Bằng cách sử dụng chủ yếu các công cụ giảm thuế doanh nghiệp và đặc biệt là thuế lợi tức, Nhà nước đã tạo điều kiện thuận lợi cho những doanh nghiệp nào biết cách thích nghi tốt hơn với thị trường.
Tuy cách thức can thiệp vào kinh tế của Nhà nước Hoa Kỳ không trực tiếp lấn sâu vào quyết định kinh doanh của doanh nghiệp, nhưng Nhà nước lại can thiệp bằng cách đặt ra các luật chơi. Đạo luật chống tơ-rớt là luật chơi nổi tiếng nhất trong những luật chơi mà Nhà nước Hoa Kỳ đặt ra. Đạo luật này không cản trở việc thành lập các tập đoàn công nghiệp có thế lực hay bảo vệ các doanh nghiệp nhỏ chống lại các doanh nghiệp lớn. Mục đích của đạo luật chống tơ-rớt là nhằm làm cho hiệu quả sản xuất tăng lên để tác động tích cực đến giá cả của hàng hóa ở trong nước chứ không phải hướng tới việc tập trung hóa doanh nghiệp. Một mặt, trong đạo luật này, Nhà nước Hoa Kỳ muốn tránh những thoả thuận về giá cả và tình trạng độc quyền quá mức trên thị trường nội địa, nhưng mặt khác lại cho phép các doanh nghiệp làm điều này trên thị trường nước ngoài.
Ngoài ra, Nhà nước Hoa Kỳ còn hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế vì doanh nghiệp và vì tiến bộ khoa học kỹ thuật bằng cách can thiệp dưới nhiều hình thức: đề ra chính sách bảo hộ mậu dịch với những biện pháp tăng cường hệ thống pháp lý, rào cản, ngăn chặn sự xâm nhập của sản phẩm nước ngoài vào thị trường nội địa; tăng các khoản chi tiêu lớn cho quốc phòng, chinh phục vũ trụ để thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động nghiên cứu và sáng tạo; thiết lập chế độ pháp lý ưu đãi, khuyến khích đưa nghiên cứu khoa học trong các trường đại học ứng dụng vào công nghiệp.
Như vậy, ngay trong mô hình kinh tế thị trường tự do kiểu Hoa Kỳ và trong cả nhận thức của nhiều người dân Hoa Kỳ, sự can thiệp vào kinh tế của Nhà nước Hoa Kỳ cũng không giảm đi nhiều và hơn nữa, bản thân Nhà nước Hoa Kỳ còn “ảnh hưởng trực tiếp” tới các nhân tố cơ bản của quá trình phát triển kinh tế.
Hoa Kỳ coi hệ thống doanh nghiệp tư nhân tự do kinh doanh của mình như là một mô hình cho các quốc gia khác. Thành công về kinh tế của đất nước này dường như củng cố quan điểm cho rằng nền kinh tế vận hành tốt nhất khi Nhà nước Hoa Kỳ để cho các doanh nghiệp và cá nhân giành lấy thắng lợi - hay thất bại - bằng năng lực của chính họ trên những thị trường cạnh tranh và rộng mở. Nhưng chính xác thì kinh doanh trong hệ thống doanh nghiệp tự do kinh doanh trên thị trường của Hoa Kỳ được “tự do” đến mức nào? Câu trả lời là “không hoàn toàn”. Một tập hợp những quy định phức tạp của Nhà nước Hoa Kỳ đã định hình nhiều phương diện của hoạt động kinh doanh. Mỗi năm, Nhà nước Hoa Kỳ lại thảo ra hàng ngàn trang những quy định mới, thường là giải thích rõ ràng và chi tiết những gì các doanh nghiệp được phép kinh doanh và không được kinh doanh.
Tuy nhiên, cách tiếp cận của người dân Hoa Kỳ đối với hoạt động điều tiết của Nhà nước vẫn luôn thay đổi. Trong những năm gần đây, các chính sách điều tiết trở nên chặt chẽ hơn trong một số lĩnh vực và nới lỏng hơn ở những lĩnh vực khác. Trên thực tế, một chủ đề xuyên suốt trong lịch sử kinh tế Hoa Kỳ gần đây là cuộc tranh luận liên tục về việc khi nào thì Nhà nước Hoa Kỳ nên can thiệp vào thị trường, vào hoạt động kinh doanh của các cá nhân, doanh nghiệp và sự can thiệp đó nên ở mức độ nào.
Ngày nay, Hoa Kỳ còn được coi là có một nền kinh tế hỗn hợp, bởi vì cả thị trường với các doanh nghiệp sở hữu tư nhân tự do kinh doanh và Nhà nước Hoa Kỳ với chức năng quản lý kinh tế (định ra thể chế kinh tế; điều hành, thực thi thể chế kinh tế; xử lý, xét xử các vi phạm thể chế kinh tế) đều đóng những vai trò quan trọng. Quả thực, một trong những cuộc tranh luận kéo dài nhất của lịch sử kinh tế Hoa Kỳ cho đến nay vẫn là tập trung vào vai trò tương đối của Nhà nước và thị trường để tìm cách xử lý mối quan hệ giữa chúng.
Khuynh hướng Chủ nghĩa tự do mới ở Mỹ
Lý thuyết tự do kinh tế ở Mỹ biểu hiện thành nhiều trào lưu cụ thể với những tên gọi khác nhau. Trong đó nổi bật là phái Trọng tiền, phái Trọng cung, và phái Kinh tế vĩ mô mong đợi hợp lý.
Phái Trọng tiền (còn gọi là phái Chicago) đứng đầu là Milton Friedman[1] đã cổ vũ nhiệt tình cho một nền kinh tế thị trường tự do không có sự can thiệp của chính phủ. Theo phái Trọng tiền, sự can thiệp của nhà nước thường phá vỡ những cân bằng tự nhiên của thị trường - do vậy có hại cho nền kinh tế... Milton Friedman chủ trương để cho nền kinh tế thị trường tự do điều tiết, nhà nước can thiệp chỉ làm xấu thêm tình hình của thị trường, vì nếu thị trường có khuyết tật thì bản thân nhà nước cũng có khuyết tật của nó. Một số đại biểu khác thì khẳng định trong nền kinh tế thị trường hiện đại, nhà nước là điều không thể bác bỏ, nhưng họ đòi hỏi Nhà nước phải điều tiết, điều chỉnh nền kinh tế theo những qui tắc có tính chuẩn mực đồng thời kiên quyết phản đối cách điều tiết theo kiểu tuỳ hứng của các chủ thể quản lý. Họ cho rằng, đó là một khuynh hướng khó tránh khỏi, vì theo kinh nghiệm, khi ban hành các quyết định quản lý, chính phủ thường thiên về lợi ích của bản thân mình hơn là lợi ích của dân chúng. Chính vì vậy cần xác lập một hệ thống nguyên tắc của chính sách và những nguyên tắc này phải mang tính khách quan, độc lập với ý muốn chủ quan tuỳ tiện của chính phủ. Trong hệ thống chính sách kinh tế vĩ mô, chính sách cơ bản và quan trọng nhất chính là chính sách tiền tệ.
Phái Trọng cung thì cho rằng, nguyên nhân làm nền kinh tế Mỹ suy yếu cả ở trong nước và cả trên thị trường quốc tế những năm 1970 nằm ngay trong chính sách kinh tế của nhà nước Mỹ. M. Feldstein[2] khẳng định “…việc nhà nước sử dụng sai chính sách tiền tệ - tín dụng đã làm toàn bộ nền sản xuất bất ổn định và nạn lạm phát phát triển nhanh chóng”[3]. Các nhà Trọng cung phủ nhận tính hiệu quả của chính sách tài khoá và hiệu lực khuyếch đại vào sản lượng của “lý thuyết số nhân” của J.M. Keynes. Họ đề cao một chính sách kinh tế giảm bớt sự can thiệp trực tiếp của nhà nước bằng cách kết hợp giữa giảm thuế và bãi bỏ các qui định hạn chế gây cản trở cho sức cung. Hơn nữa, họ còn cho rằng nhà nước cần phải từ bỏ chính sách phân phối lại, vì “nhà nước càng ra tay can thiệp để chữa trị bệnh nghèo túng thì số người nghèo túng càng tăng lên”.
Phái Kinh tế vĩ mô mong đợi hợp lý cũng cho rằng, đa số chính sách của nhà nước ít có tính hiệu quả, hoặc chỉ đạt hiệu quả ở mức rất thấp. Xuất phát từ giả định trong nền kinh tế thị trường hiện đại, ứng xử kinh tế của mọi người đều dựa trên những dự liệu hợp lý, dân chúng có thể hiểu biết về tình trạng của nền kinh tế không kém gì nhà nước và các nhà kinh tế học chuyên nghiệp. Cùng với kinh nghiệm của mình, dân chúng có thể dự liệu một cách hợp lý những tình huống kinh tế có thể xảy ra trong tương lai gần, và từ đó sẽ điều chỉnh hoạt động kinh tế. Vì vậy, chính sách kinh tế của nhà nước chỉ có hiệu quả nhất định đối với mức sản lượng và việc làm khi sự điều chỉnh này gây ra sự bất ngờ đối với dân chúng, khiến cho dân chúng hiểu sai tình hình kinh tế. Tuy nhiên, hiệu quả của các chính sách điều tiết của chính phủ cũng chỉ là nhất thời vì trong điều kiện thiết chế tự do dân chủ được xác lập vững chắc, dân chúng hoàn toàn có thể chủ động trong việc tự điều chỉnh cách ứng xử, và cách gây bất ngờ của chính phủ ở những lần ra chính sách khác sẽ không có hiệu quả.
Tựu chung lại, các phái của chủ nghĩa tự do mới ở Mỹ về cơ bản đều cho rằng, chính sách can thiệp kinh tế của nhà nước có hại nhiều hơn có lợi và nên giảm thiểu sự can thiệp của nhà nước vào kinh tế.
Đánh giá vai trò của thị trường trong nền kinh tế
Thị trường với hệ thống doanh nghiệp tự do của Hoa Kỳ nhấn mạnh đến sở hữu tư nhân. Các doanh nghiệp tư nhân tạo ra phần lớn hàng hóa và dịch vụ, và gần hai phần ba tổng sản lượng kinh tế của quốc gia là dành cho tiêu dùng cá nhân (một phần ba còn lại được mua bởi Nhà nước Hoa Kỳ và doanh nghiệp). Trên thực tế, vai trò của người tiêu dùng lớn đến mức quốc gia này thỉnh thoảng được mô tả là có một “nền kinh tế tiêu dùng”.
Sự nhấn mạnh này đối với sở hữu tư nhân xuất phát một phần từ niềm tin của người dân Hoa Kỳ về tự do cá nhân. Nhìn chung mọi người đều tin rằng một nền kinh tế được đặc trưng bởi sở hữu tư nhân dường như hoạt động hiệu quả hơn so với nền kinh tế đặc trưng bởi sở hữu nhà nước.
Người dân Hoa Kỳ tin rằng khi các nguồn lực kinh tế được giải phóng, cung và cầu trên thị trường sẽ xác định giá cả của hàng hóa và dịch vụ. Đến lượt nó, giá cả sẽ mách bảo các doanh nghiệp nên sản xuất cái gì; nếu mọi người muốn một loại hàng hóa đặc biệt nào đó nhiều hơn lượng cung của nền kinh tế thì giá hàng hóa đó sẽ tăng lên. Điều này thu hút sự chú ý của các công ty khác hoặc các công ty mới, những công ty này cảm thấy có cơ hội kiếm được nhiều lợi nhuận và bắt đầu sản xuất hàng hóa này nhiều hơn. Ngược lại, nếu mọi người có cầu ít hơn về một loại hàng hóa nào đó thì giá của nó sẽ giảm đi và các nhà sản xuất có ít khả năng cạnh tranh sẽ ngừng kinh doanh hoặc tiến hành sản xuất loại hàng hóa khác. Một hệ thống kinh tế như vậy được gọi là nền kinh tế thị trường. Hầu hết người dân Hoa Kỳ cho rằng nền kinh tế sẽ kém hiệu quả bởi vì Nhà nước, vốn dựa vào thu nhập từ thuế, nắm bắt các tín hiệu giá cả hoặc cảm nhận những nguyên tắc do các lực lượng thị trường áp đặt kém xa so với các doanh nghiệp tư nhân.
Tuy vậy, trên thị trường, doanh nghiệp tư nhân tự do kinh doanh cũng có những hạn chế. Người dân Hoa Kỳ luôn tin rằng một số dịch vụ do Nhà nước Hoa Kỳ đảm nhận sẽ tốt hơn các doanh nghiệp tư nhân. Chẳng hạn, Nhà nước Hoa Kỳ chịu trách nhiệm chủ yếu đối với các hoạt động về tư pháp, giáo dục (mặc dù có rất nhiều trường học và trung tâm đào tạo tư nhân), hệ thống đường giao thông, báo cáo thống kê xã hội và an ninh quốc phòng. Hơn nữa, Nhà nước Hoa Kỳ cũng thường được yêu cầu can thiệp vào nền kinh tế để điều chỉnh những tình huống mà ở đó hệ thống giá cả không hoạt động. Ví dụ, Nhà nước Hoa Kỳ điều tiết các nhà “độc quyền tự nhiên”, và sử dụng luật chống độc quyền để kiểm soát hoặc ngăn chặn các tổ hợp kinh doanh trở nên quá mạnh đến mức chúng có thể chế ngự các lực lượng thị trường. Nhà nước Hoa Kỳ cũng giải quyết những vấn đề nằm ngoài phạm vi của các lực lượng thị trường. Nó cung cấp phúc lợi và trợ cấp thất nghiệp cho những người không có khả năng tự trang trải, do họ gặp rủi ro trong cuộc sống cá nhân hoặc bị mất việc làm bởi biến động kinh tế đột ngột; nó thanh toán hầu hết chi phí chăm sóc y tế cho người già và những người sống trong cảnh nghèo nàn; Nhà nước Hoa Kỳ điều tiết ngành công nghiệp tư nhân nhằm hạn chế sự ô nhiễm không khí và nước; nó cung cấp các khoản vay với lãi suất thấp cho những người bị thiệt hại do thiên tai; và nó đóng vai trò đầu tàu trong việc khám phá vũ trụ, một ngành có chi phí quá cao đối với bất kỳ doanh nghiệp tư nhân nào.
Trong nền kinh tế hỗn hợp này, các cá nhân có thể giúp định hướng cho nền kinh tế không chỉ thông qua các lựa chọn khi họ là người tiêu dùng mà còn thông qua các lá phiếu họ bầu chọn các quan chức, những người thảo ra chính sách kinh tế. Trong những năm gần đây, người tiêu dùng tỏ ra lo lắng về tình trạng an toàn của sản phẩm, về thảm họa môi trường do một số ngành công nghiệp nhất định gây ra, và những nguy cơ tiềm ẩn về sức khoẻ mà người dân có thể phải gánh chịu; Nhà nước Hoa Kỳ đã đáp ứng lại những mối quan ngại này bằng việc lập ra các cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và nâng cao phúc lợi công cộng nói chung.
Đánh giá vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế
Trong khi thị trường, thông qua người tiêu dùng và người sản xuất, đưa ra phần lớn các quyết định hình thành nên nền kinh tế thì các hoạt động của Nhà nước Hoa Kỳ có tác động mạnh đến thị trường, ít nhất thể hiện trên bốn nội dung sau:
Ổn định và tăng trưởng. Có lẽ điều quan trọng nhất là Nhà nước Hoa Kỳ định hướng nhịp điệu chung của hoạt động kinh tế, cố gắng duy trì tăng trưởng liên tục, giữ mức việc làm cao và ổn định giá cả thị trường. Bằng việc điều chỉnh chi tiêu và thuế suất (chính sách tài khoá) hoặc điều khiển mức cung tiền và kiểm soát việc sử dụng tín dụng (chính sách tiền tệ), Nhà nước Hoa Kỳ có thể làm giảm hoặc thúc đẩy tỷ lệ tăng trưởng của nền kinh tế - trong quá trình đó tác động đến mức giá cả và việc làm trên thị trường.
Điều tiết và kiểm soát. Nhà nước Hoa Kỳ điều tiết các doanh nghiệp tư nhân bằng rất nhiều cách. Hoạt động điều tiết được phân ra thành hai phạm trù chính. Điều tiết kinh tế tìm cách kiểm soát giá cả trực tiếp hoặc gián tiếp. Theo truyền thống, Nhà nước Hoa Kỳ tìm cách ngăn cản các nhà độc quyền như ngành dịch vụ điện để tránh tăng giá vượt quá mức bảo đảm cho họ thu được lợi nhuận hợp lý. Thỉnh thoảng, Nhà nước Hoa Kỳ cũng mở rộng việc kiểm soát kinh tế sang một số ngành công nghiệp khác nữa. Trong những năm sau cuộc Đại khủng hoảng kinh tế, Nhà nước Hoa Kỳ đã trang bị một hệ thống phức tạp để bình ổn giá cả cho hàng hóa nông nghiệp, bởi nó có xu hướng dao động bất thường khi cung cầu thay đổi nhanh chóng. Một loạt các ngành công nghiệp khác - như ngành vận tải và sau đó là ngành hàng không - đã tìm cách tự điều tiết thành công nhằm hạn chế những gì họ cho là sự giảm giá có hại.
Một dạng điều tiết kinh tế khác là luật chống độc quyền - tìm cách tăng cường sức mạnh cho các lực lượng thị trường đến mức không cần đến giải pháp điều tiết trực tiếp. Nhà nước Hoa Kỳ, và đôi khi cả các tổ chức tư nhân, đã sử dụng luật chống độc quyền để ngăn cấm các hoạt động hoặc những sự hợp nhất gây hạn chế cạnh tranh một cách quá mức.
Nhà nước Hoa Kỳ cũng tiến hành kiểm soát các công ty tư nhân để đạt được các mục tiêu xã hội như bảo vệ sức khoẻ và an toàn cho cộng đồng, hoặc giữ gìn môi trường trong sạch.
Nhà nước Hoa Kỳ cũng cung cấp nhiều loại hình trợ giúp cho các doanh nghiệp và cá nhân. Nhà nước Hoa Kỳ đưa ra các khoản vay với lãi suất thấp và trợ giúp kỹ thuật cho những doanh nghiệp nhỏ, và cho sinh viên vay tiền để học đại học và cao đẳng. Các doanh nghiệp được Nhà nước Hoa Kỳ bảo trợ mua lại nhà cầm cố từ những người cho thế chấp và chuyển chúng thành chứng khoán để có thể mua và bán bởi các nhà đầu tư, nhờ vậy khuyến khích hoạt động cho vay thế chấp nhà. Nhà nước Hoa Kỳ cũng tích cực thúc đẩy xuất khẩu và tìm cách ngăn cản các nước khác duy trì hàng rào thuế quan để hạn chế nhập khẩu.
Nhà nước Hoa Kỳ trợ giúp các cá nhân không đủ khả năng tự chăm lo cho chính mình. An sinh xã hội, chương trình được cấp tài chính từ khoản đóng thuế của chủ doanh nghiệp và người lao động, đóng góp phần lớn nhất trong thu nhập hưu trí của người Hoa Kỳ. Chương trình Bảo hiểm y tế thanh toán nhiều khoản chi phí thuốc men cho người già. Chương trình Hỗ trợ y tế cung cấp tài chính để chăm sóc y tế cho các gia đình có thu nhập thấp. Trong nhiều bang, chính quyền bang duy trì các tổ chức chăm sóc người thiểu năng trí tuệ hoặc khuyết tật nặng. Nhà nước Hoa Kỳ đưa ra chương trình Tem phiếu thực phẩm để trợ giúp lương thực cho các gia đình nghèo, và Nhà nước Hoa Kỳ cùng với chính quyền các bang cung cấp các khoản trợ cấp phúc lợi chung để hỗ trợ những gia đình thu nhập thấp có trẻ em.
II. Một số nhận xét
Từ thực trạng quá trình xử lý mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường tại Mỹ, có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:
Thứ nhất, cần nhận thức được tầm quan trọng và vai trò không thể thiếu được của thị trường mà đặc trưng là sở hữu tư nhân phù hợp với niềm tin vào tự do cá nhân của Hoa Kỳ. Từ khi giành được độc lập cho đến nay, người dân nước này đã luôn tìm cách hạn chế quyền lực của Nhà nước, kể cả vai trò của nó trong giải quyết các vấn đề kinh tế. Ở Hoa Kỳ, đa số người dân vẫn cho rằng sở hữu tư nhân là hình thức ưu việt hơn so với sở hữu nhà nước trong việc tạo ra sản lượng kinh tế cao nhất. Mặc dù vậy, phần lớn người dân vẫn muốn Nhà nước phải đảm nhận một số nhiệm vụ điều phối nền kinh tế và trong thực tế, hệ thống luật pháp của Hoa Kỳ đã tạo ra một cơ sở lành mạnh để vận hành các hoạt động kinh doanh. Nhà nước Hoa Kỳ định ra thể chế kinh tế, nhất là các chính sách kinh tế - xã hội thích hợp đã xây dựng nên mức lương tối thiểu và giờ lao động tối thiểu, đồng thời cũng tạo ra các chương trình cùng các cơ quan thực thi mà vai trò của chúng là không thể phủ nhận, trong đó: Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái có chức năng quản lý thị trường chứng khoán; Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi Liên bang có chức năng bảo hiểm các khoản tiền gửi ngân hàng; Hệ thống Bảo hiểm xã hội có chức năng cung cấp lương hưu dựa trên quá trình đóng tiền bảo hiểm của người lao động[4]. Nhà nước Hoa Kỳ có vai trò tạo điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh phát triển kinh tế và nâng cao tỷ lệ lao động có việc làm, đặc biệt là duy trì được một mức giá chung ổn định và một gánh nặng thuế có thể chấp nhận được[5].
Thứ hai, thực tế cho thấy, Nhà nước Hoa Kỳ can thiệp vào nền kinh tế của họ chủ yếu nhằm hạn chế sự tập trung quyền lực và giải quyết nhiều vấn đề xã hội liên quan đến lợi ích thương mại mang tính cá nhân không bị kiểm soát. Do vậy, nền kinh tế Hoa Kỳ thường được mô tả như một “nền kinh tế hỗn hợp”, trong đó Nhà nước Hoa Kỳ đóng một vai trò quan trọng cùng với thị trường mà ở đó các doanh nghiệp tư nhân kinh doanh tự do. Mặc dù người dân Hoa Kỳ thường bất đồng về ranh giới chính xác giữa lòng tin của mình với thị trường (mà ở đó doanh nghiệp tư nhân kinh doanh tự do) và với sự can thiệp của Nhà nước Hoa Kỳ (bằng vai trò quản lý kinh tế với bốn nhiệm vụ là : ổn định và tăng trưởng; điều tiết và kiểm soát; cung cấp các dịch vụ trực tiếp; hỗ trợ trực tiếp), nhưng nền kinh tế hỗn hợp mà họ xây dựng và phát triển đã thu được những thành công đáng để nhiều nước trên thế giới học tập và làm theo.
Thứ ba, Nhà nước Hoa Kỳ xây dựng và thực thi thể chế kinh tế, bảo đảm việc tiến hành điều tiết và kiểm soát thị trường, mà ở đó các doanh nghiệp tư nhân tự do kinh doanh theo quy định pháp luật, để đạt được các mục tiêu xã hội như bảo vệ sức khoẻ và an toàn cho cộng đồng, hoặc giữ gìn môi trường trong sạch. Đặc biệt, việc tiến hành điều tiết các hoạt động làm ảnh hưởng đến môi trường là bước phát triển tương đối mới mẻ ở nước Hoa Kỳ, nhưng nó là một ví dụ rõ nét cho sự can thiệp của Nhà nước Hoa Kỳ vào thị trường vì mục đích của xã hội.
Mặt khác, Nhà nước Hoa Kỳ đã xây dựng và thực thi các điều luật với những quy định chi tiết nhằm bảo đảm sự an toàn và tính lành mạnh cho hệ thống tài chính, ngân hàng, đồng thời khuyến khích luồng thông tin tự do để các doanh nghiệp, các nhà đầu tư có thể ra các quyết định đầu tư với đầy đủ thông tin.
Sự can thiệp của Nhà nước Hoa Kỳ đối với các doanh nghiệp tư nhân, nhất là các doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp có thể được chia thành hai hình thức hoạt động, đó là điều tiết kinh tế và điều tiết xã hội. Hoạt động điều tiết kinh tế chủ yếu tìm cách kiểm soát giá cả. Được xây dựng về mặt lý thuyết để bảo vệ người tiêu dùng và những doanh nghiệp nhất định (thường là các doanh nghiệp nhỏ) trước các doanh nghiệp có thế lực mạnh hơn, hoạt động này thường được biện hộ trên cơ sở cho rằng các điều kiện thị trường cạnh tranh hoàn hảo không tồn tại và do đó bản thân chúng không thể tự tạo ra sự bảo hộ như vậy. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, các hoạt động điều tiết kinh tế lại được tiến hành nhằm bảo vệ các doanh nghiệp tránh khỏi sự cạnh tranh tiêu cực. Ngược lại, điều tiết xã hội lại thúc đẩy các mục tiêu không mang tính kinh tế - chẳng hạn như điều kiện làm việc an toàn hơn hoặc một môi trường trong sạch hơn. Các hoạt động điều tiết xã hội tìm cách hạn chế hoặc ngăn cấm các hành vi có hại mang tính tập thể hoặc khuyến khích các hành vi được xã hội mong muốn. Ví dụ, Nhà nước Hoa Kỳ kiểm soát việc xả khói thải từ các nhà máy, và cắt giảm thuế cho những doanh nghiệp đáp ứng được các chuẩn mực nhất định về quyền lợi hưu trí và sức khoẻ đối với người lao động của mình.
Lịch sử mối quan hệ Nhà nước - thị trường ở Hoa Kỳ đã nhiều lần chứng kiến sự dao động giữa thị trường với những nguyên tắc tự do kinh doanh và Nhà nước Hoa Kỳ với chức năng quản lý kinh tế thông qua những yêu cầu về sự điều tiết ở cả hai hình thức : điều tiết kinh tế và điều tiết xã hội. Trong nhiều năm qua, những người theo phái tự do cũng như phái bảo thủ đều tìm cách giảm bớt hoặc xóa bỏ một số hình thức điều tiết kinh tế, với lý do các hoạt động điều tiết này đã bảo vệ một cách sai lầm các doanh nghiệp tránh khỏi cạnh tranh bằng phí tổn của người tiêu dùng. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo chính trị lại có rất nhiều ý kiến khác nhau về điều tiết xã hội. Những người tự do nghiêng về ủng hộ sự can thiệp của Nhà nước Hoa Kỳ nhằm thúc đẩy hàng loạt các mục tiêu phi kinh tế, trong khi những người bảo thủ lại coi đó như là một sự xâm phạm làm cho các doanh nghiệp bị giảm tính cạnh tranh và hiệu quả.
Thứ tư, Nhà nước Hoa Kỳ luôn tìm cách hỗ trợ thị trường không chỉ bằng việc đề cao tầm quan trọng của giáo dục và đào tạo mà còn đầu tư trực tiếp để phát triển lực lượng lao động có đầu óc nhanh nhạy và kỹ năng thích hợp, cần thiết cho các ngành công nghiệp mới (như tin học và viễn thông). Sự chú trọng đặc biệt tới giáo dục, bao gồm cả đào tạo kỹ thuật và dạy nghề, đã góp phần đưa đến thành công kinh tế cho Hoa Kỳ, cũng giống như ý chí sẵn sàng thử nghiệm và thay đổi của người dân ở đây; bởi vì ngày nay, người dân Hoa Kỳ coi “vốn nhân lực” là chìa khóa dẫn đến thành công trong nhiều ngành công nghiệp công nghệ cao, hiện đại. Và vì vậy, chất lượng của lực lượng lao động vẫn tiếp tục là một vấn đề quan trọng cho dù Nhà nước Hoa Kỳ do Đảng Cộng hòa hay Đảng Dân chủ cầm quyền.
Trên thực tế, Nhà nước Hoa Kỳ luôn tìm tác động vào nền kinh tế bằng việc xúc tiến các chương trình giáo dục và đào tạo nghề khác nhau nhằm phát triển lực lượng lao động có trình độ tay nghề cao hơn, và qua đó cũng nâng cao năng suất cũng như tính cạnh tranh của thị trường.
Những kỳ vọng vào giáo dục lớn hơn làm cho Nhà nước Hoa Kỳ đặc biệt chú trọng đầu tư vào trường học. Nỗ lực quốc gia to lớn của Nhà nước Hoa Kỳ nhằm thúc đẩy tiến bộ khoa học và công nghệ đã tạo ra cho thị trường các doanh nghiệp mới và những khoản đầu tư công cộng đáng kể trong các lĩnh vực từ nghiên cứu vũ trụ cho đến chăm sóc sức khoẻ./.
PV. Nguồn: Báo cáo kết quả khảo sát tại Mỹ của Đề tài: “Mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thực trạng, vấn đề và định hướng chính sách”; Mã số: KX.04.12/16-20
[1] Milton Friedman (1912 - 2006) Nhà kinh tế học Mỹ, được giải Nobel Kinh tế năm 1976
[2] Chủ tịch hội đồng cố vấn kinh tế của tổng thống Mỹ R. Reagan
[3] L. S. Economy in the translation peniod, Chicago Univesity Press,1980
[4] Với tất cả các điều luật của mình, năm 2007, Hoa Kỳ được Ngân hàng Thế giới (WB) xếp thứ 3 trong số các quốc gia có môi trường kinh doanh tốt nhất, sau Singapore và New Zealand.
[5] Cục Dự trữ liên bang (FED) quản lý tiền tệ, Tổng thống và Quốc hội điều chỉnh chi tiêu ngân sách và chi tiêu thuế (chính sách tài khóa).