1. Triển vọng phát triển công nghiệp Việt Nam
Trong tương lai gần, công nghiệp Việt Nam, đặc biệt các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có triển vọng phát triển lớn bởi Việt Nam có cơ hội tham gia ngày càng sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu của các Tập đoàn công nghiệp đa quốc gia.
Trong nền sản xuất công nghiệp trên thế giới hiện nay, các Tập đoàn đa quốc gia đóng vai trò quyết định dẫn dắt các chuỗi giá trị toàn cầu. họ kiểm soát mặt hàng nào được sản xuất; nơi sản xuất, người sản xuất; số lượng, giá cả và theo quy trình nào; ai được tham gia vào chuỗi giá trị. Xu hướng các Tập đoàn đa quốc gia chủ yếu nắm giữ các khâu tạo ra giá trị gia tăng lớn nhất trong chuỗi giá trị là khâu nghiên cứu và phát triển (R&D), thương hiệu và bán hàng. Đối với các khâu tạo ra giá trị gia tăng thấp, xu hướng chung hiện nay, các Tập đoàn đa quốc gia dịch chuyển các Dự án lắp ráp, sản xuất vào các nước đang phát triển nhằm tận dụng lợi thế nhân công giá rẻ và các ưu đãi của chính phủ về đất đai và thuế.
Sự thay đổi chuỗi giá trị toàn cầu trong thời gian gần đây đặt Việt Nam vào vị trí cơ sở sản xuất quan trọng hơn. Trước đây, một số nước Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc lựa chọn Trung Quốc và các nước ASEAN là cơ sở sản xuất cho xuất khẩu sang Mỹ và Nhật Bản. Tuy nhiên, Trung Quốc đang dần trở thành một thị trường tiêu thụ thay vì sản xuất, đặc biệt là trong bối cảnh chiến tranh thương mại Trung - Mỹ sẽ kéo dài nên các nước ASEAN, trong đó đặc biệt là Việt Nam có cơ hội trở thành cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu sang Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản và Trung Quốc.
Các xung đột về thương mại gần đây càng đẩy nhanh quá trình dịch chuyển chuỗi giá trị toàn cầu, trong đó đầu tư sản xuất một số khâu từ Trung Quốc sang Việt Nam. “Chiến lược Trung Quốc + 1” đang được các công ty đa quốc gia theo đuổi để tìm một nước ngoài Trung Quốc nhằm tránh xu hướng tiền lương nhân công đang gia tăng nhanh chóng tại quốc gia này, nhưng nước này cần phải đủ gần để có thể xuất khẩu ngược trở lại Trung Quốc. Với tiêu chí nêu trên, cùng với việc gia nhập hàng loạt hiệp định thương mại tự do trong thời gian qua, Việt Nam đã và đang là lựa chọn ưu tiên hàng đầu. Theo đó, Việt Nam chủ yếu thực hiện các khâu lắp ráp, gia công từ các đầu vào nguyên liệu và bán thành phẩm nhập khẩu, sau đó xuất khẩu sang các thị trường tiêu thụ như Mỹ, EU, Trung Quốc và Nhật Bản. Tuy nhiên đây sẽ là một quá trình sắp xếp lại các nguồn lực và quá trình tái cơ cấu lại chuỗi ngành nghề trên toàn cầu, cũng như ở Việt Nam. Vấn đề này không thể thực hiện trong thời gian ngắn nếu Việt Nam không sớm nâng cấp trình độ sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa.
Tuy nhiên, nhiều thách thức đặt ra đối với công nghiệp Việt Nam, trong khi nhiều nước tham gia gần như toàn bộ chuỗi giá trị từ khâu thiết kế, sản xuất các chi tiết đến lắp ráp và phân phối, Việt Nam hầu như chỉ tham gia ở khâu thấp nhất của chuỗi giá trị, đó là lắp ráp các chi tiết nhập khẩu từ những nước khác và phụ thuộc vào các tập đoàn đa quốc gia mà thiếu đi vai trò của các doanh nghiệp nội địa.
Hiện nay chi phí nhân công Việt Nam đang tăng lên, đến một mức nhất định sẽ không còn là lợi thế cạnh tranh. Lúc này, khi các ưu đãi của chính phủ đã hết thời hạn, nếu các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ trong nước không phát triển để cắt giảm giá thành sản phẩm, các Tập đoàn đa quốc gia sẽ di chuyển cơ sở sản xuất sang quốc gia khác hấp dẫn hơn và các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam không có đủ khả năng cạnh tranh và phát triển. Do đó, nếu không kịp thời tạo dựng sự lan tỏa từ sản xuất của các Tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam sang hệ thống doanh nghiệp nội địa, sớm hình thành các doanh nghiệp có quy mô khu vực và quốc tế để dẫn dắt nền công nghiệp, Việt Nam sẽ mất cơ hội thúc đẩy nhanh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Triển vọng phát triển các ngành công nghiệp Việt Nam là rất lớn nếu chúng ta có các chính sách nhất quán phát triển mạnh mẽ, kịp thời và đúng đắn.
Mục tiêu và các giải pháp cụ thể nhằm phát triển công nghiệp Việt Nam trong thời gian tới cần bám sát chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22 tháng 3 năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về định hướng xây dựng chính sách công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
2. Mục tiêu phát triển công nghiệp Việt Nam
a) Mục tiêu tổng quát
- Đến năm 2030, Việt Nam hoàn thành Mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực ASEAN về công nghiệp, trong đó một số ngành công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
- Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển hiện đại.
b) Mục tiêu cụ thể đến năm 2030
- Tỷ trọng công nghiệp trong GDP đạt trên 40%; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt Khoảng 30%, trong đó công nghiệp chế tạo đạt trên 20%.
- Tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt tối thiểu 45%.
- Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đạt bình quân trên 8,5%/năm, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo đạt bình quân trên 10%/năm.
- Tốc độ tăng năng suất lao động công nghiệp đạt bình quân 7,5%/năm.
- Chỉ số hiệu suất cạnh tranh công nghiệp (CIP) nằm trong nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN.
- Tỷ lệ lao động trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ đạt trên 70%.
- Xây dựng được một số cụm liên kết ngành công nghiệp, doanh nghiệp công nghiệp trong nước có quy mô lớn, đa quốc gia, có năng lực cạnh tranh quốc tế.
3. Định hướng chính sách và giải pháp phát triển các ngành công nghiệp Việt Nam
Tại Nghị quyết số 23-NQ/TW, Trung ương Đảng đã định hướng các chính sách lớn để phát triển công nghiệp quốc gia trong thời gian tới cũng như trong dài hạn, gồm:
- Chính sách phân bố không gian và chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp.
- Chính sách phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên.
- Chính sách tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển công nghiệp.
- Chính sách phát triển doanh nghiệp công nghiệp.
- Chính sách phát triển nguồn nhân lực công nghiệp.
- Chính sách khoa học và công nghệ cho phát triển công nghiệp.
- Chính sách khai thác tài nguyên, khoáng sản và chính sách bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu trong quá trình phát triển công nghiệp.
- Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng và triển khai thực hiện chính sách phát triển công nghiệp quốc gia.
Từ các định hướng chính sách lớn của Đảng, để phát triển các ngành công nghiệp Việt Nam cần có các giải pháp cụ thể đối với từng ngành như sau:
a) Ngành khai thác và chế biến khoáng sản
Thị trường khoáng sản đang có nhiều khó khăn do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Trung-Mỹ do sản phẩm chủ yếu là sản phẩm thô, hàm lượng gia tăng thấp, xuất khẩu chủ yếu vào Thị trường Trung Quốc. Vì vậy, cần tăng cường quy hoạch và đưa vào sử dụng có hiệu quả các nguồn khoáng sản có trữ lượng lớn và giá trị sản xuất cao, góp phần vào tăng trưởng GDP và phục vụ các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, cụ thể sau:
- Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản theo hướng chỉ phục vụ cho các dự án chế biến khoáng sản có hàm lượng giá trị gia tăng cao.
- Sớm nghiên cứu, xây dựng các yêu cầu cơ bản về chỉ tiêu kỹ thuật, công nghệ, quy mô công suất chế biến một số loại khoáng sản chủ yếu phục vụ công tác quản lý nhà nước về khoáng sản.
- Sớm hoàn thành việc tổng kết tình hình triển khai hai dự án thí điểm bauxite để sớm hoàn thiện, đề xuất định hướng, chính sách phát triển ngành bauxite Việt Nam.
- Tháo gỡ các vướng mắc khó khăn các dự án ti tan có vướng mắc liên quan đến các dự án phát triển kinh tế-xã hội khác của các địa phương.
b) Ngành luyện kim
- Tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu khả năng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại theo đúng quy định của WTO và các FTA đã ký kết để bảo vệ ngành thép Việt Nam trước áp lực cạnh tranh của sản phẩm thép nhập khẩu.
- Hỗ trợ Formosa tháo gỡ khó khăn, vướng mắc sau sự cố môi trường để sớm đưa dự án sản xuất thép giai đoạn 1 vào hoạt động hết công suất đầu năm 2019 và hình thành chuỗi ngành công nghiệp sau thép, công nghiệp hỗ trợ, nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm thép của Dự án Formosa Hà Tĩnh. Thúc đẩy các Dự án trọng điểm ngành thép triển khai đúng kế hoạch: Dự án thép Nghi Sơn của Công ty cổ phần thép Nghi Sơn và Dự án Liên hợp thép Quảng Ngãi của Tập đoàn Hòa Phát...
- Chỉ đạo, phối hợp với các doanh nghiệp chủ động theo dõi sát thông tin thị trường trong và ngoài nước để có kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp; cân đối đủ nguyên liệu, vật tư cho sản xuất;
- Tổng kết 2 dự án thí điểm Bô xít theo đúng tiến độ để trình Bộ Chính trị sớm cho ý kiến về qui hoạch phát triển công nghiệp Bô Xít trong giai đoạn tới.
c) Cơ khí chế tạo
- Xây dựng Nghị định của Chính phủ về việc phát triển các ngành cơ khí trọng điểm để có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp ngành cơ khí-điện tử theo Luật Đầu tư 2014.
- Thúc đẩy liên kết các doanh nghiệp trong ngành.
d) Công nghiệp điện tử
- Xây dựng các biện pháp bảo vệ thị trường điện – điện tử tiêu dùng (như thuế phòng vệ, hàng rào kỹ thuật, chống gian lận thương mại, hàng giả và hàng nhâp lậu…) đồng thời tập trung hỗ trợ một số doanh nghiệp triển vọng của Việt Nam trong lĩnh vực điện tử nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp này phát triển, đóng vai trò dẫn dắt thị trường điện tử trong nước, đặc biệt là các sản phẩm điện - điện tử gia dụng.
- Tiếp tục hỗ trợ hoạt động lắp ráp của Samsung tại Việt Nam; phối hợp với Samsung xây dựng hệ thống nhà cung ứng nội địa cung cấp cho hoạt động lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh.
đ) Ngành sản xuất, lắp ráp ô tô
- Tận dụng cơ hội thị trường do các chính sách đã ban hành, tập trung hỗ trợ để thúc đẩy nhanh các dự án lớn về sản xuất, lắp ráp ô tô của các doanh nghiệp lớn như Toyota, Misubishi... Nghiên cứu các cơ chế chính sách thu hút đầu tư từ các Tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án có qui mô lớn tại Việt Nam, đặc biệt tập trung vào các thương hiệu và dòng xe chưa có tại khu vực ASEAN, nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước tham gia sâu nhất vào chuỗi sản xuất ô tô đa quốc gia.
- Phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu sửa đổi áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống theo hướng không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với phần giá trị tạo ra trong nước nhằm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh của ô tô trong nước so với ô tô nhập khẩu.
- Hỗ trợ để thúc đẩy các dự án sản xuất của các Tập đoàn lớn như Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (Thaco), Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Công, Vinfast và các dự án khác. Đây là những tín hiệu tốt cho việc gia tăng sản lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong thời gian tới. Xây dựng thí điểm chuỗi cung ứng ngành ô tô cho các doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô trong và ngoài nước.
e) Ngành dệt may, da – giày
- Xây dựng và hoàn thiện Chiến lược phát triển ngành Dệt may và Da dày Việt Nam, đáp ứng yêu cầu quản lý ngành trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
- Triển khai các hoạt động thu hút và hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực dệt nhuộm, đẩy mạnh hỗ trợ công nghệ nhuộm nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành dệt vải và nguyên phụ liệu thông qua việc xây dựng các khu công nghiệp tập trung, từ đó đảm bảo nguyên tắc xuất xứ sản phẩm dệt may trong nước nhằm tận dụng tối đa cơ hội từ các FTAs đã ký kết .
g) Công nghiệp hỗ trợ
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan sửa đổi Nghị định 111/2015/NĐ-CP ngày 03 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ để phù hợp với yêu cần thực tiễn của công nghiệp hỗ trợ, có cập nhật các quy định tại Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.
- Triển khai hiệu quả Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ được phê duyệt tại Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18 tháng 01 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ. Nghiên cứu sửa đổi Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
- Xây dựng 5 Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp (trung tâm kỹ thuật) theo Điều 17 và Điều 19 Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự cân đối kinh phí hoạt động theo hình thức đối tác công tư PPP, xã hội hóa hoặc ngân sách Nhà nước trong vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2021 và 2021-2025 tại Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh (khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh SHTP) và các địa phương; Các Trung tâm sẽ hỗ trợ nâng cao năng lực doanh nghiệp, đóng vai trò là các Trung tâm kỹ thuật, máy móc dùng chung, cung cấp các dịch vụ cải tiến doanh nghiệp, kết nối khách hàng, chế tạo thử nghiệm, đo lường, kiểm định, chứng nhận chất lượng sản phẩm, tư vấn, chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.
- Tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm mở rộng thị trường, nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.
h) Ngành Giấy
- Trong năm 2019 cần xây dựng chính sách để khuyến khích việc thu gom giấy loại trong nước, đơn giản hóa các thủ tục nhập khẩu giấy loại. Tiếp tục có các biện pháp hỗ trợ về vốn đầu tư, thông tin truyền thông về thực tế sản xuất ít gây ô nhiễm môi trường đối với các dự án sản xuất giấy bao bì nói chung và sản xuất giấy bao bì từ nguyên liệu OCC (giấy thùng các tông cũ) nói riêng.
i) Ngành Bia - Rượu - Nước giải khát
Nghiên cứu xây dựng và ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật ngành bia, rượu và nước giải khát.
k) Ngành Thuốc lá
- Xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 67/2013/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh thuốc lá đáp ứng nhu cầu quản lý đối với mặt hàng này trong thời gian sắp tới.
- Nghiên cứu bổ sung chính sách về vùng nguyên liệu để nâng cao giá trị gia tăng tạo ra trong nước của ngành sản xuất thuốc lá; tập trung phát triển nguồn nguyên liệu dần thay thế nguyên liệu nhập khẩu.
- Nghiên cứu xây dựng, sửa đổi, bổ sung các chính sách quản lý nhà nước đối với ngành thuốc lá; xây dựng các tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật, phân cấp đối với nguyên liệu ngành thuốc lá.
- Cùng với việc đẩy mạnh phát triển thị trường, tập trung thực hiện các biện pháp để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng buôn lậu thuốc lá ngoại qua biên giới, đặc biệt là tại các tỉnh miền Tây và Đông Nam Bộ, tạo thị trường cho phát triển ngành.
l) Đối với các ngành công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn
- Đẩy mạnh công nghiệp cơ khí phục vụ nông nghiệp, thông qua một số giải pháp cụ thể như:
+ Tăng cường hoạt động khoa học và công nghệ, nghiên cứu triển khai cho các sản phẩm máy cơ khí phục vụ nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tăng cường phát triển nguồn nhân lực cho ngành cơ khí phục vụ nông nghiệp;
+ Tổ chức tốt công tác theo dõi, tổng hợp thông tin thị trường trong và ngoài nước về tình hình tiêu thụ các loại máy nông nghiệp; đồng thời, tích cực khảo sát thị trường, nghiên cứu so sánh sản phẩm mà doanh nghiệp Việt Nam có thế mạnh, qua đó tham mưu, đề xuất việc nghiên cứu chế tạo sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu của thị trường; nghiên cứu đề xuất thị trường trọng điểm.
+ Bên cạnh đó, cần tăng cường các hoạt động marketing, xúc tiến thương mại, xây dựng chiến lược quảng bá sản phẩm tại thị trường nước ngoài; đẩy mạnh việc tham gia một số triển lãm quốc tế về máy động lực và máy nông nghiệp; tổ chức tập huấn kỹ thuật sử dụng, sửa chữa bảo quản máy nông nghiệp; tổ chức các hội nghị thao diễn đầu bờ để giới thiệu sản phẩm máy nông nghiệp; xúc tiến mở rộng chính sách hỗ trợ lãi suất cho nông dân khi mua máy nông nghiệp do Việt Nam sản xuất.
- Phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ sản theo hướng tăng giá trị tạo ra trong nước thông qua các giải pháp:
+ Thực hiện tái cấu trúc vùng nguyên liệu gắn với sự hình thành và phát triển của các nhà máy chế biến; nghiên cứu cơ chế tích tụ đất đai phục vụ sản xuất hàng hóa quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu số lượng, chất lượng cho các nhà máy chế biến; triển khai, thực thi có hiệu quả, trọng tâm, trọng điểm các chính sách hỗ trợ về vốn để khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, từng lĩnh vực sản xuất;
+ Tập trung phát triển chế biến sâu các các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm nông nghiệp lợi thế, sản phẩm truyền thống, đặc sản vùng miền… thành các sản phẩm có giá trị gia tăng và hàm lượng khoa học công nghệ cao, đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường;
+ Phát triển mạnh cơ giới hóa theo hướng áp dụng đồng bộ từ sản xuất đến chế biến và bảo quản sau thu hoạch, áp dụng công nghệ tiên tiến vào quản lý, giám sát chất lượng nông lâm thủy sản, đưa công nghiệp chế biến và cơ giới hóa trở thành nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng phát triển toàn diện, hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao.
m) Công tác đổi mới, tái cơ cấu doanh nghiệp có vốn nhà nước
- Đôn đốc tiếp tục thực hiện công tác thoái vốn nhà nước tại Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam – CTCP (VEAM) và Tổng Công ty Máy và Thiết bị công nghiệp - CTCP (MIE).
- Đẩy nhanh tiến độ xử lý dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam cùng với việc cổ phần hóa Tổng Công ty Giấy Việt Nam.
- Tiếp tục xây dựng phương án trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, khẩn trương thoái vốn nhà nước tại Habeco và Sabeco theo chỉ đạo.
- Xây dựng phương án xử lý dự án xi măng Quang Sơn, tìm giải pháp thoái vốn nhà nước tại Vinaincon.
- Thoái vốn Nhà nước tại Công ty cổ phần Viện Dệt may./.
PV (Theo BC của Bộ Công Thương)