1. Đặt vấn đề
Có một sự nhất trí chung là hiện nay thế giới chúng ta đã bắt đầu bước vào Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư. Cho tới những năm gần đây thuật ngữ này trở nên rất nóng, được đề cập đến khắp nơi, trong đó có cả Việt Nam. Cuộc cách mạng này có tác động mạnh mẽ đến đến tất cả các lĩnh vực trong xã hội, trong đó có giáo dục (WEF, 2016). Xét cho tới cùng, đặc trưng lớn nhất của bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là không ổn định (volatile), không chắc chắn (uncertain), phức tạp (complex) và mập mờ (ambiguous), được Adamson C. gọi là Bối cảnh VUCA (Adamson, C., 2012). Trong bối cảnh này, các xu thế giáo dục chính như giáo dục khai phóng, giáo dục mở và học tập suốt đời bắt đầu có những giao thoa, qua đó đang hình thành một xu thế mới, có thể được gọi là Giáo dục 4.0, trong đó vai trò của giáo dục ngoài công lập hay là giáo dục tư thục ngày càng được nâng cao (Nguyễn Lộc, 2017).
Bài này có mục đích phân tích sự phát triển của giáo dục đại học tư thục dưới góc độ quốc tế, tiến hành phân tích đối sánh với đặc điểm của giáo dục đại học tư thục Việt Nam, từ đó đưa ra khuyến cáo cho sự phát triển của hệ thống này thông qua phân tích hai kịch bản phát triển: Kịch bản hào phóng và Kịch bản năng động.
2. Bối cảnh quốc tế
Trước hết cần khẳng định rằng thời điểm xuất hiện đầu tiên được đặc trưng bởi sự khởi đầu song hành của giáo dục đại học tư thục (GDĐHTT) và giáo dục đại học công lập (GDĐHCL). Nếu như Châu Âu, Mỹ được bắt đầu bởi hình thức GDĐHTT thì Châu Á được bắt đầu bởi hình thức GDĐHCL. Từ đó tới nay quá trình công lập hóa và tư thục hóa GD ĐH đều xảy ra đồng thời, tuy nhiên có thể nói GDĐHCL đã đóng vai trò chủ đạo ở Thế kỷ 19 và 20.
Nằm trong xu thế đại chúng hóa chung của giáo dục đại học thế giới, trong những năm gần đây giáo dục đại học tư thục đã và đang chứng kiến những bước phát triển ngoạn mục trên các châu lục. Số liệu năm 2010 cho thấy tỷ lệ số trường đại học tư thục trung bình trên thế giới đã vượt qua một nửa và tỷ lệ quy mô sinh viên ĐH tư thục trung bình của thế giới ngày càng tăng và đạt tới 31%, đặc biệt đối với Châu Mỹ La tinh và Châu Á và Thái Bình Dương (Xem Hình 1).
Hình 1: Tỷ lệ quy mô sinh viên đại học tư thục và số trường đại học tư thục phân theo châu lục 2000-2009
Nguồn: ADB (2012).
Đặc biệt, giáo dục đại học tư thục của Châu Á có sự tăng trưởng rất cao. Đối với Châu lục này giáo dục đại học tư thục đã thu hút tới 35% trong tổng quy mô sinh viên và chiếm tới gần 60% tổng số lượng cơ sở trường học. Rất nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Philippines… có các tỷ lệ của giáo dục đại học tư thục rất cao (Xem Hình 2).
Hình 2: Tỷ lệ quy mô sinh viên đại học tư thục và số trường đại học tư thục phân theo một số nước Châu Á 2002-2009
Nguồn: ADB (2012).
GDĐHTT có chiều hướng tăng mạnh trong nửa thế kỷ gần đây là vì những lý do sau (ADB, 2012):
- Đáp ứng nhu cầu GDĐH ngày càng tăng
- Chia sẻ nguồn lực tài chính của các chính phủ
- Tăng tính đa dạng của sứ mạng GDĐH
- Một lựa chọn khác ngoài GDĐHCL
Tùy theo điều kiện cụ thể mà các quốc gia có các mô hình phát triển GDĐHTT phù hợp, bao gồm:
- Mô hình hào phóng với tỷ lệ sinh viên GDĐHTT dưới 30% (Pháp, Đức, Myanmar, Cuba…)
- Mô hình năng động với tỷ lệ sinh viên GDĐHTT trong khoảng 30-60% (Mỹ, Malaysia…)
- Mô hình tiết kiệm với tỷ lệ sinh viên GDĐHTT trên 60% (Nhật, Hàn Quốc…) (Xem Hình 3).
Hình 3: Các mô hình GDĐHTT
Nguồn: Phỏng theo Svava Bjarnason et al (2009).
Mặc dù mang sứ mạng lớn là góp phần chia sẻ gánh nặng chi phí cho giáo dục đại học ngày càng tăng của chính phủ, mở rộng tiếp cận giáo dục đại học, đáp ứng nhu cầu giáo dục đại học trong bối cảnh năng lực tuyển sinh của các trường đại học công lập, song các trường đại học tư thục cũng mang theo mình một số khiếm khuyết đặc trưng như sau:
- Chất lượng không rõ ràng
- Quy mô nhỏ
- Thu nhập dựa vào học phí
- Coi trọng lợi nhuận
Với tư cách là hiện tượng mới, sự xuất hiện của cấu phần giáo dục đại học tư thục đòi hỏi sự điều chỉnh và thay đổi cần thiết trong chính sách của các quốc gia. Chính sự đa dạng của các hệ thống giáo dục đại học mà các chính sách cụ thể của từng quốc gia đối với giáo dục đại học tư thục cũng khác nhau. Tuy vậy, các lĩnh vực chính sách thường được tập trung ở 2 vấn đề đặc trưng như sau:
- Thành lập các trường đại học tư thục
- Áp dụng cơ chế thị trường trong các trường đại học công lập
Cũng dưới góc độ này người ta cần phân biệt Phát triển GDĐHTT (promotion of private higher education) và Tư thục hóa GDĐHCL (privatization of public HEIs). Các khái niệm này rất quan trọng và bản chất của chính sách của cái gọi là “đối với GDĐHTT” thực ra là sự cân đối giữa hai hiện tượng này mà thôi. Chẳng hạn, Anh quốc hầu như không có trường ĐH tư thục song mức độ tư thục hóa các trường ĐHCL rất cao. Các trường ĐHCL đều thu học phí để trang trải chi phí hoạt động của mình. Mỹ có chưa tới 50% trường ĐH tư thục song mức độ tư thục hóa các trường ĐHCL cao. Tuy nhiên, ngoài việc thu học phí, các trường ĐHCL vẫn được nhận một khoảng ngân sách nhất định từ chính phủ để hoạt động. Mặt khác, tỷ lệ trường ĐH tư thục ở Nhật rất cao, đồng thời mức độ tư thục hóa các trường ĐHCL rất cao. Người ta nói, có sự làm nhòa ranh giới giữa GDĐH tư thục và công lập (Levy, D., 2010).
3. Hai kịch bản cho phát triển GDĐHTT Việt Nam
Ở Việt Nam, trong hơn 25 năm qua, GDĐH tư thục đã đạt được mức tăng trưởng khá ấn tượng. Nếu như năm 1993 Việt Nam có trường đại học tư thục đầu tiên thì đến năm 1994 có 5 trường, và đã lên 60 trường vào cuối năm 2016 (trên tổng số 271 trường ĐH). Số trường ĐH tư thục chiếm tỷ lệ 25,5% tổng số trường đại học và thu hút khoảng 13% tổng số SV trong cả hệ thống (Nguyễn Văn Ngữ et al, 2018). Cần nhấn mạnh ở đây rằng, mục đích cuối cùng của việc phát triển GDĐHTT chính là nâng cao mức độ tiếp cận giáo dục đại học, một chỉ số quan trọng của một nền giáo dục đại học của một quốc gia. Dựa trên Tỷ lệ tổng quy mô sinh viên đại học (Gross enrolment ratio - GER) gần đây nhất là năm 2015, một thước đo của mức độ tiếp cận giáo dục, ta thấy nền giáo dục đại học của toàn thế giới nói chung đang ở giai đoạn cuối của “giáo dục đại học đại chúng” với giá trị GER trung bình là 36%. GER của Trung quốc là 43% và Thái lan là 49% cho thấy các quốc gia láng giềng của chúng ta đang chuẩn bị kết thúc giai đoạn “giáo dục đại học đại chúng” để chuyển sang giai đoạn “giáo dục đại học phổ cập” (Trow M., 1974). Tỷ lệ GER của Mỹ 86% và Hàn quốc là 93% cho thấy các quốc gia đang ở giai đoạn cuối của “giáo dục đại học phổ cập” (World Bank, 2018). Về vấn đề này, mãi đến năm 2004 Việt Nam mới chính thức kết thúc giai đoạn “giáo dục đại học tinh hoa” và bước sang giai đoạn “giáo dục đại học đại chúng” với chỉ số GER là 15%. Từ thời điểm đó tới nay, cùng với xu thế chung của thế giới, chỉ số này được tăng dần, tuy nhiên khá chậm. Nếu như năm 2014 GER của Việt Nam được tăng đến hơn 30% thì đến năm 2015 lại giảm còn gần 29%. Như phân tích ở trên, so với các nước như Trung Quốc và Thái Lan, mức độ tiếp cận giáo dục đại học của Việt Nam thấp hơn nhiều. Phát triển GDĐHTT đóng vai trò tối quan trọng để đạt mục tiêu này và luôn được coi là xu thế chủ đạo của giáo dục đại học của Thế kỷ 21 (UNESCO, 2003).
Không phải ngoại lệ, hệ thống giáo dục đại học tư thục của Việt Nam mang đầy đủ những sứ mạng cũng như chứa đựng những nhược điểm chung của các quốc gia khác, đặc biệt ở Châu Á. Hơn nữa, những vấn đề chính sách mà Việt Nam đang phải giải quyết đều liên quan đến sự cân nhắc việc phát triển phù hợp của giáo dục đại học tư thục trong mối quan hệ hữu cơ với giáo dục đại học công lập hay cụ thể hơn là mức độ áp dụng cơ chế thị trường trong các trường này. Để đảm bảo tính khả thi cao, ta có hai kịch bản phát triển GDĐH tư thục dựa trên quan hệ giữa hai đặc trưng vừa được phân tích trên. Cụ thể là:
- Kịch bản 1 (Mô hình hào phóng): Kịch bản GDĐH công lập chiếm tỷ trọng chủ đạo (85-90%) và GDĐH tư thục chiếm tỷ trọng thấp (10%-14%). Đây là kịch bản phù hợp nhất với xu thế hiện nay của Việt Nam. Cụ thể là tỷ lệ quy mô GDĐH tư thục so với tổng quy mô GDĐH ở Việt Nam có dấu hiệu chững lại, mục tiêu tỷ lệ 40% đã từng đặt ra cho năm 2020 không thấy khẳng định lại, do vậy khó có thể cho rằng tỷ lệ này sẽ tăng trong thời gian tới và do vậy Việt Nam vẫn trong những quốc gia có tỷ lệ phát triển GDĐH tư thục giữa thấp và trung bình thấp. Đặc biệt gần đây, việc đưa ra các chính sách khuyến khích các trường đại học công lập tự chủ trên cơ sở tự chủ tài chính, khuyến khích áp dụng các cơ chế thị trường trong các trường công lập, qua đó góp phần nâng cao chất lượng, tăng cường khả năng mở rộng quy mô đào tạo của GDĐH công lập nói riêng và GDĐH của Việt Nam nói chung. Kịch bản này có những nét gần giống mô hình GDĐH của Anh Quốc, nơi tỷ lệ các trường đại học công lập là áp đảo và các trường này hoàn toàn tự chủ về nguồn thu học phí. Nếu kịch bản này tiếp tục triển khai sẽ có những thuận lợi tốt về bối cảnh, sự ủng hộ của đa số, sự phù hợp về cơ chế và thói quen tư duy của nhiều người.
Tuy nhiên, nhược điểm đáng lo ngại nhất của Kịch bản này là tỷ trọng các trường ĐH công lập tự chủ chưa nhiều nên quá trình tự chủ hóa bị kéo dài, do vậy ngân sách nhà nước vốn đã ít vẫn tiếp tục bị dàn trải (Việt Nam nghèo hơn Anh quốc nhiều. Năm 2015, chi tiêu công cho giáo dục và đào tạo của Việt Nam là 0,33% GDP, trong khi các nước OECD là 1.1%). Yêu cầu tăng giá thành GDĐH dể nâng cao chất lượng đào tạo ngày càng cấp thiết (Học phí GDĐH tư thục trung bình ở VN là 1.000 USD còn ở Malaysia là 5-8.000 USD).
- Kịch bản 2 (Mô hình năng động): Kịch bản GDĐH công lập chiếm tỷ trọng tương đối nhiều (60%) và GDĐH tư thục chiếm tỷ trọng khá cao (40%). Kịch bản này có những nét gần giống mô hình GDĐH của Mỹ và Malaysia, nơi tỷ trọng các trường đại học công lập có nhỉnh hơn so với tỷ trọng các trường ĐH tư thục. Việc triển khai Kịch bản 2 rõ ràng khó khăn hơn Kịch bản 1 do những rào cản về định kiến, thói quen và cơ chế quản lý hiện nay.
Tuy nhiên, ưu điểm lớn của Kịch bản này có khả năng giữ vững hoặc giảm bớt gánh nặng ngân sách của GDĐH, thu hút mạnh mẽ nguồn lực ngoài nhà nước, tạo khả năng nâng cao chi phí GDĐH trên đầu SV, qua đó nâng cao chất lượng đào tạo, từng bước bắt kịp trình độ GDĐH khu vực và quốc tế.
Để triển khai Kịch bản này, các ưu tiên về chính sách cần tập trung cho sự phát triển GDĐHTT qua việc giải quyết các thách thức ở các mặt cụ thể sau:
1. Chất lượng thấp
2. Học phí và các loại phí cao
3. Cách thức hỗ trợ tài chính GD ĐH tư thục
4. Nâng cao tiếp cận GD ĐH tư thục
5. Kết luận
Như trình bày ở trên, sự phát triển của GDĐH tư thục nằm trong mối quan hệ hữu cơ với GDĐH công lập và có thể theo hai kịch bản. Sự thành công của Kịch bản 1 rất phụ thuộc vào quá trình áp dụng cơ chế thị trường vào trường ĐH công lập và hiệu quả canh tân không cao. Mặt khác, sự thành công của Kịch bản 2 rất phụ thuộc vào chính sách chọn ưu tiên để phát triển GDĐH công lập mà không đòi hỏi tăng, thậm chí giảm ngân sách GDĐH của Nhà nước, không tạo sự cạnh tranh không cần thiết giữa GDĐH công lập với tư thục và tạo môi trường thuận lợi, tự chủ cho GDĐH tư thục./.
GS. TS. Nguyễn Lộc
Trường Đại học Nguyễn Tất Thành