Chủ Nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024

Phát triển và quản lý phát triển xã hội: Kinh nghiệm của một số nước Đông Nam Á và gợi ý cho Việt Nam

Ngày phát hành: 29/06/2019 Lượt xem 2152

1. Kinh nghiệm xây dựng chiến lược, chính sách, thể chế và hệ thống phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội

Với các nước Đông Nam Á, phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội được tiếp cận theo nghĩa hẹp, điều đó có nghĩa là tập trung giải quyết các nội dung: 1. Lao động việc làm, hưu trí, thu nhập 2. Bảo hiểm 3. Phúc lợi xã hội và 4. Trợ giúp xã hội. Hầu hết các nước Indonesia, Malaysia, Philippin, Thái Lan đều đã xây dựng chiến lược phát triển đất nước dài hạn và trung hạn. Đây chính là cơ sở quan trọng để xác định chiến lược, chính sách, thể chế và tổ chức hệ thống thực hiện quản lý xã hội. Chẳng hạn, năm 2004, chính phủ Indonesia đã đưa ra chiến lược phát triển dài hạn cho thời kỳ 2005-2025 với các sứ mệnh nhằm hiện thực hóa xã hội Indonesia tự cường, tiên tiến, công bằng và thịnh vượng thông qua 4 kế hoạch phát triển trung hạn, mỗi kế hoạch sẽ hoàn thành các mục tiêu cho từng thời kỳ bao gồm: kế hoạch 2004-2009, thực hiện cải cách và phát triển trên tất cả các lĩnh vực; kế hoạch 2010-2014, củng cố hơn nữa những cải cách của Indonesia trên tất cả các lĩnh vực; kế hoạch 2015-2019, nhằm mục tiêu phát triển theo cách thức toàn diện và kế hoạch 2021-2025 hiện thực hóa mục tiêu của cả thời kỳ như đã nêu trên.  

Để hoàn thành các mục tiêu chiến lược trong kế hoạch phát triển dài hạn 2005-2025, trong lĩnh vực xã hội, những nhiệm vụ chủ yếu được đề ra bao gồm: hiện thực hóa một xã hội Indonesia có đạo đức, văn hóa, văn minh dựa trên nền tảng Pancasila nhằm mục tiêu nâng cao bản sắc và tính cách quốc gia; hiện thực hóa một xã hội dân chủ dựa trên nguyên tắc của luật pháp; hiện thực hóa một nước Indonesia an ninh, hòa bình và thống nhất; hiện thực hóa mục tiêu phát triển đất nước công bằng và bình đẳng; hiện thực hóa Indonesia phát triển cân đối và bền vững…Đáng chú ý là chiến lược trong kế hoạch trung hạn đầu tiên (2004-2009) đã đề ra hai nhiệm vụ quan trọng là chiến lược cải cách và chiến lược phát triển Indonesia, trong đó xác định rõ: chiến lược phát triển Indonesia phải nhằm hai mục tiêu là đáp ứng các quyền cơ bản của người dân và tạo ra nền tảng cho quá trình phát triển vững chắc. Trong đó, người dân có các quyền cơ bản như quyền có việc làm, thoát khỏi nghèo đói, lạc hậu, quyền được pháp luật bảo vệ, được đảm bảo an ninh, công bằng, tiếp cận với các nhu cầu, điều kiện sống cơ bản, quyền được thụ hưởng hệ thống giáo dục, y tế, tham gia hoạt động chính trị, tôn giáo… Nền tảng để đạt được sự phát triển bền vững đòi hỏi phải có nền kinh tế ổn định, tự cường, tỉ lệ tăng trưởng cao, có sự đảm bảo và kiên định của luật pháp, nâng cao năng lực quốc gia và chất lượng sống của người dân.

Với Malaysia năm 2010, Chính phủ đưa ra Tầm nhìn Quốc gia 2020 (NV 2020) Chính sách Chuyển đổi Quốc gia (NTP). Mục tiêu đặt ra cho chính sách này là đưa Malaysia trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao vào năm 2020. Nói cụ thể hơn, đó là xây dựng ngôi nhà có mái là một nước Malaysia thống nhất, các bức tường là Chương trình Chuyển đổi Chính phủ (GTP) và Chương trình Chuyển đổi Kinh tế (ETP) dựa trên nền tảng Kế hoạch Malaysia thứ 10 (KM10). Ngày 10/6/2010 Thủ tướng Najib Razak đệ trình Quốc hội Kế hoạch  Malaysia thứ 10 (KM10), được thực hiện trong giai đoạn 2011-2015, với 5 định hướng chiến lược, trong đó có các vấn đề xã hội (trong kế hoạch này chi ngân sách  được dành cho lĩnh vực xã hội 69 tỷ RM chiếm 30%).[2] Sự phân bổ trên cho thấy lĩnh vực xã hội chiếm vị trí đáng kể trong kế hoạch phát triển và với cách tiếp cận trên sẽ đảm bảo công bằng xã hội cho các nhóm thực sự cần giúp đỡ và không ai cảm thấy bị thiệt thòi.

Với Philippin, kế hoạch Phát triển trung hạn giai đoạn 2006-2010 và 2011-2016 được cụ thể hóa ở 11 nội dung, trong đó từ nội dung 2-5 tập trung giải quyết các vấn đề xã hội: 1) Trực tiếp cung cấp vốn tiền mặt cho người nghèo với các điều kiện kèm theo[3] nhằm giúp họ có được kế sinh nhai ổn định và bền vững, góp phần vào chiến lược xóa đói giảm nghèo do chính phủ đề ra; 2) Đạt được sự đảm bảo tương đối về mức độ cung cấp dịch vụ y tế và giáo dục cơ bản cho hầu hết người dân trong cả nước; 3)  Áp dụng phương pháp tiếp cận phát triển dựa vào cộng đồng để mọi thành viên có thể tham gia và góp sức mình vào quá trình phát triển và quản lý phát triển xã hộ; 4) Hội tụ các chương trình bảo trợ xã hội cho các đối tượng và khu vực ưu tiên: nghèo đói và dễ tổn thương trong xã hội, các khu vực chậm phát triển, ít có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ cơ bản của chính phủ.[4]. Đáng chú ý là ngày 18/4/2017 Philippin đã công bố chiến lược phát triển mang tên Dutertenomics trong đó tập trung tạo sự đột phá cho phát triển hạ tầng. Mục tiêu chiến lược Dutertenomics nằm trong chương trình cải cách kinh tế 10 điểm mà ông khởi xướng. Ngoài các cam kết trong việc tiến hành cải cách trong năm 2017 Philippin sẽ giảm thuế thu nhập cá nhân, thu nhập doanh nghiệp, trợ cấp, tăng gấp đôi thu nhập cho một số đối tương đang làm việc trong các cơ quan hành chính. Trong chiến lược Dutertenomics đã đề ra mục tiêu giảm tỷ lệ nghèo đói xuống 14% vào năm 2022 so với 21,6% năm 2015 và thông qua biện pháp tạo việc làm và đầu tư phát triển nguồn nhân lực. Dự kiến từ nay đến 2020 Philippin tập trung vào thực hiện 55 dự án nhằm tạo ra những đột phá mới hướng tới mục tieu phát triển bền vững đất nước.

Thái Lan cũng như nhiều quốc gia khác trong ASEAN thường xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội theo các giai đoạn. Đáng chú ý là từ Kế hoạch lần thứ 9 ( giai đoạn 2002-2007) xác định rõ: Kết hợp phát triển con người với phát triển cân bằng về kinh tế, xã hội, chính trị và môi trường, xây dựng hạnh phúc cho mọi người, tự lực và theo kịp thực tế toàn cầu đang thay đổi, duy trì và bảo vệ đựơc bản sắc văn hoá Thái Lan. Sau khủng hoảng, quan điểm và cách tiếp cận về phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội được chính phủ Thái xây dựng với mục đích cốt lõi  là: “Cố gắng giảm nghèo khổ và nâng cao chất lượng cuộc sống của đa số nhân dân Thái Lan nhằm đạt đựơc “sự phát triển bền vững và thịnh vượng cho tất cả người Thái”. Để thực hiện đựơc mục đích trên, Thái Lan đã đề ra 3 nhiệm vụ sau: 1) Củng cố nền tảng xã hội vững mạnh bằng cách phát triển tiềm năng của con người và bảo vệ xã hội; Tái  cấu trúc phát triển đô thị; quản lý tài nguyên thiên nhiên và môi trường. 2) Thiết lập quản trị tốt, theo đó các chiến lược cai quản tốt được tăng cường ở mọi cấp. 3) Tái cơ cấu kinh tế thông qua quản lý kinh tế vĩ mô, nâng cao khả năng cạnh tranh quốc gia và phát triển khoa học công nghệ. Hoặc, giai đoạn 2007-2016 ( KHPTKT-XH lần thứ 10 và 11): Tăng tính sáng tạo dựa trên triết lý “Nền kinh tế đầy đủ” của Quốc vương Thái Lan.

Cách tiếp cận về phát triển xã hội giai đoạn này  được áp dụng ở tất cả các cấp độ khác nhau – từ cấp cá nhân, gia đình, cộng đồng cho tới việc quản lý và phát triển của cả một quốc gia. Điều này thực sự thích hợp đối với bối cảnh hòa nhập với nền kinh tế thế giới trong kỷ nguyên toàn cầu hóa. Ngoài ra, kế hoạch cũng bổ sung thêm các định hướng về nền kinh tế xanh, xã hội xanh, hướng tới mục tiêu cơ bản là phát triển bền vững. Kế hoạch đề ra 6 chiến lược phát triển ưu tiên, trong đó có 2 mục tiêu liên quan trực tiếp đến phát triển xã hội, đó là: (1) xây dựng xã hội công bằng. (2) Phát triển nguồn nhân lực để xây dựng một xã hội không ngừng học hỏi. Ngày 20/9/2015 Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã công bố một chiến lược xây dựng “ nhà nước nhân dân” trong đó nhà nước, người dân và doanh nghiệp sẽ cùng chung tay vì phát triển bền vững của đất nước. Các vấn đề về quản lý xã hội được khẳng định đầy đủ hơn trong Chiến lược quốc gia 20 năm do chính quyền quân sự Thái Lan soạn thảo đã chính thức có hiệu lực từ ngày 13/10/2018 ( văn kiện này đã được Vua Vajiralongkom phê chuẩn vào ngày 8/10 và được Thủ tướng Prayut Chan-o-chaký ban hành cùng ngày). Theo đó, bắt buộc mọi chính phủ Thái Lan thành lập trong giai đoạn 2018-2038 phải tuân thủ, cá nhân, tổ chức đi ngược lại chiến lược này sẽ bị luận tội. Trong chiến lược này bao gồm 6 nội dung: an ninh quốc gia, năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển nhân lực, bình đẳng xã hội, chất lượng sống và môi trường, phát triển hệ thống hành chính nhà nước.

Từ thực tế của Indonesia, Malaysia, Philippin, Thái Lan cho thấy, vấn đề phát triển và quản lý phát triển xã hội luôn là một trong những nội dung chính trong chiến lược và kế hoạch phát triển đất nước  dù  ở các nước này cũng như khu vực và thế  giới có nhiều biến động về chính trị, kinh tế.

2. Kinh nghiệm thực hiện đồng bộ các chương trình và  biện pháp đảm bảo an sinh xã hội

Không những xác định và kết hợp các nội dung về phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội trong chiến lược và các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của đất nước mà Indonesia, Malaysia, Philippin, Thái Lan còn thực hiện đồng bộ hóa các chương trình, biện pháp đảm bảo an sinh xã hội. Thông thường các chính sách được ưu tiên giải quyết các vấn đề cốt yếu cho cuộc sống người dân: đảm bảo các nhu cầu thiết yếu về lương thực thực phẩm, y tế. giáo dục…Đồng thời  thực hiện các chính sách về phát triển nguồn nhân lực, việc làm…Việc kết hợp đồng bộ các chính sách và giải pháp đã tạo nên một mạng lưới an sinh xã hội thiết thực, có hiệu quả.

Điều này có thể nhận thấy rất rõ việc thực hiện các nội dung trên ở Indonesia. Đó là chính sách giảm đói nghèo với các chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế,chương trình đầu tư và tăng thêm quyền cho người nghèo, thực hiện các chương trình trợ giúp xã hội…

Thực tế, cuộc khủng hoảng kinh tế 1997-1998 đã đẩy lùi những thành quả của của chính quyền Suharto đạt được trong thời kỳ trật tự mới. Từ chỗ là tỉ lệ nghèo đói giảm từ mức 40% năm 1976 xuống 11% năm 1996 đã tăng trở lại lên mức 33% ngay năm 1998-1999.[5] Chính vì vậy, giảm đói nghèo là một trong những chính sách ưu tiên của các chính phủ kế tiếp nhau lên nắm quyền sau khủng hoảng. Sau một số năm duy trì chương trình mạng lưới an sinh xã hội, thực hiện chính sách trợ cấp, bảo vệ xã hội và giảm đói nghèo, tháng 3-2003, chính phủ Indonesia đã công bố văn kiện chiến lược quốc gia về giảm đói nghèo (SNPK) và trải qua quá trình chỉnh sửa, cuối năm 2004, chiến lược đã được đệ trình lên Ủy ban giảm đói nghèo. Điểm đáng quan tâm nhất chính là SNPK hình thành chương trình giảm đói nghèo dựa trên cách tiếp cận về các quyền của người nghèo như quyền xã hội, văn hóa, kinh tế, chính trị. Đồng thời cách tiếp cận mới này cũng đề cập đến mối quan hệ giữa chính phủ và người dân, nhất là người nghèo. Trong đó, nhà nước (chính phủ, quốc hội các thể chế nhà nước…) phải có nghĩa vụ tôn trọng, bảo vệ và thực hiện các quyền cơ bản của người nghèo. Thực tế cho thấy, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mới chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ cho việc giảm đói nghèo. Để tăng trưởng kinh tế thực sự góp phần vào công cuộc giảm đói nghèo đòi hỏi phải có những nỗ lực hợp tác, liên kết của chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội trong việc giải quyết các vấn đề cơ bản của phát triển là tạo việc làm, giảm tỉ lệ thất nghiệp, cải thiện phân phối thu nhập...

Cùng với chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chính sách giảm đói nghèo cơ bản không thể thiếu được đối với Indonesia là gia tăng các đầu tư cho người nghèo về giáo dục, y tế, các điều kiện về dịch vụ xã hội khác. Có thể nói, đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo, các điều kiện về chăm sóc các dịch vụ y tế và các dịch vụ công khác cho người nghèo được xem là cách đầu tư cơ bản nhất để thoát khỏi nghèo đói bền vững. Kế hoạch phát triển 2004-2009 và kế hoạch 2010-2014 cố gắng duy trì mức đầu tư phát triển cho các lĩnh vực giáo dục và y tế với việc chú trọng nhiều hơn đối với người nghèo.

Trong những năm gần đây, cách tiếp cận dựa trên các quyền của người nghèo cũng gắn liền với cách nhìn nhận mới về chính sách nghèo đói ở Indonesia. Theo đó, chính phủ đã hình thành các chương trình loại bỏ đói nghèo trên ba cụm khác nhau cho cả ba nhóm người nghèo được phân loại: rất nghèo, nghèo và cận nghèo. Với mỗi cụm đều có các chính sách cụ thể phù hợp trong hỗ trợ cho người nghèo. Thực chất của chương trình là dựa trên cách tiếp cận với sự tham gia của cộng đồng, tăng cường năng lực thể chế cho cộng đồng và thực hiện tự quản lý các hoạt động tại cộng đồng.

Với Malaysia ngay từ khi mới độc lập, các lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn như khuyến nông, giảm nghèo và cung cấp các dịch vụ xã hội v.v. đã được nhà nước dành nhiều sự quan tâm. Trong bối cảnh hiện nay, các thể chế nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo trong việc thực hiện các biện pháp phát triển xã hội, nhưng các tổ chức xã hội dân sự (CSO) hoạt động trong lĩnh vực phúc lợi xã hội và phát triển xã hội là những đối tác được nhà nước khuyến khích và phối hợp hoạt động cả về tổ chức lẫn tài chính. Nhằm hiện thực hóa các mục tiêu của tầm nhìn 2020 và thực hiện công bằng xã hội, Chính phủ Malaysia tiếp tục tập trung vào các biện pháp: nâng cao vị thế của người Melayu, xóa nghèo, tăng cường bảo trợ xã hội  và cung cấp dịch vụ xã hội cơ bản như giáo dục, y tế và nhà ở v.v. cho nhân dân.

Trong chiến lược xóa đói giảm nghèo, Malaysia muốn giảm "hội chứng phụ thuộc" và giúp đỡ những người nghèo bằng biện pháp chủ động,  thông qua tạo việc làm chứ không phải là trợ cấp, chỉ những người sống dưới mức nghèo khổ mới được hỗ trợ bằng tiền. Trong giai đoạn 2001-2010, các chương trình phúc lợi xã hội tập trung xóa nghèo ở các vùng sâu, vùng xa ở hai bang Sabah và Sarawak, tăng thu nhập của nhóm 30% có thu nhập thấp nhất.  

Trong giai đoạn này tiếp tục thực hiện Đề án Phát triển phúc lợi cộng đồng (SPKR: Skim Pembangunan Kesejahteraan Rakyat) của Bộ Phát triển Nông thôn và Khu vực với sự tham gia của nhiều bộ, ngành khác, như Bộ Các vấn đề Phụ nữ (năm 2004 đổi thành Bộ Phát triển Phụ nữ, Gia đình và Cộng đồng), Bộ Y tế, Bộ Giáo dục, Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp dựa vào nông nghiệp… SPKR bao gồm 5 chương trình: 1. Chương trình hỗ trợ nhà ở (PBR), trong đó có giúp xây dựng nhà mới và giúp sửa chữa nhà cũ, 2. Chương trình tăng thu nhập (PPP), 3. Chương trình phát triển tư duy (PPMI), 4. Chương trình Đào tạo Kỹ năng và Nghề nghiệp (PLKK) và 5. Chương trình giáo dục ưu việt (BCP). Chương trình khác là Đề án Phúc lợi xã hội cho người dân (PLP-ARS), là một chương trình Giáo dục và Đào tạo của Bộ Phát triển Nông thôn và Khu vực. Đề án này thực hiện xóa đói giảm nghèo thông qua cung cấp dịch vụ giáo dục cho trẻ em bị thiệt thòi. Theo Chương trình Chuyển đổi chính phủ, trong số 7 NKRA (7 Lĩnh vực quốc gia chủ chốt cần kết quả ngay), các lĩnh vực cải cách nhằm nâng mức sống của các hộ gia đình có thu nhập thấp (LIH NKRA), cải thiện cơ sở hạ tầng cơ bản ở nông thôn (RBI NKRA) và giải quyết vấn đề giá tiêu dùng tăng (COL NKRA) là các lĩnh vực góp phần trực tiếp xóa nghèo.

Kết hợp chính sách bảo trợ xã hội và an sinh xã hội là cách thức mà Malaysia thực hiện khá hiệu quả trong thực tế. Bảo trợ xã hội ở Malaysia hiện có các hệ thống: (1) Hệ thống bảo hiểm xã hội, bao gồm hệ thống trách nhiệm pháp lý của giới chủ, hệ thống bồi thường cho người lao động, Hưu trí cho công chức, Quỹ dự phòng của người lao động (EPF), Quỹ dự phòng của lực lượng vũ trang, (2) trợ giúp công cộng và (3) lưới an sinh xã hội và hệ thống bảo hiểm xã hội cho công chức nhà nước và người lao động. Hệ thống an sinh xã hội Malaysia hoạt động dưới sự lãnh đạo của Tổ chức An sinh xã hội (SOCSO), chi trả hai loại bảo hiểm, bao gồm: chi trả đền bù cho người lao động bị chết hay thương tật khi lao động và trợ cấp thương tật suốt đời cho người lao động. Trong khi đó Trợ giúp công cộng cung cấp tiền và các trợ giúp khác bằng hiện vật như quần áo, thực phẩm, cũng như các khoản tài trợ đào tạo nghề và doanh nghiệp nhỏ cho những người nghèo, người tàn tật, cha mẹ đơn thân và trẻ mồ côi.

Trong giai đoạn 2001 đến nay, các chính sách, chương trình và sáng kiến phúc lợi xã hội đã giúp giảm nghèo đáng kể. Để tăng cường bảo trợ xã hội, Chính phủ Malaysia tiếp tục thực hiện Chính sách Quốc gia về phụ nữ (1985) và Chính sách Quốc gia vì người già và v.v. cũng như những chính sách mới được xây dựng, như  Chính sách về người khuyết tật (2007) và Chương trình hành động quốc gia cho người khuyết tật giai đoạn 2007-2012, Chính sách Quốc gia về trẻ em, Chính sách Quốc gia bảo vệ trẻ em. Cùng với các chương trình hành động khác đã đặt khuôn khổ cho việc chăm sóc bảo vệ trẻ em một cách toàn diện và hiệu quả.

Ở Philippin cũng đã có sự kết hợp khá tốt về chính sách cũng như các biện pháp giải quyết các vấn đề xã hội nhất là về y tế, giảm nghèo đói…Việc khuyến khích tư nhân tham gia vào các lĩnh vực này cũng là cách thức có hiệu quả ở Philippin. Tuy nhiên, cơ sở và nguồn nhân lực cao cho ngành y tế ở các khu vực này vẫn thiếu thốn nhiều và chưa đạt chuẩn…đã tạo nên sự bất bình đẳng về nhân lực, cơ sở vật chất và chất lượng dịch vụ y tế ở  Philippin.

Một thực tế đáng báo động trong những năm gần đây khi số lượng người dân sống trong nghèo khổ ở Philippin đang có xu hướng tăng trở lại. Bất bình đẳng và chênh lệch thu nhập giữa các vùng và các khu vực ở Philippin vẫn còn lớn. Khu tự trị Hồi giáo Mindanao ở phía Nam Philippin (ARMM) có tỷ lệ nghèo cao nhất, còn khu vực Caraga có tỷ lệ nghèo đói cao nhất thuộc về nhóm ngư dân, người nhập cư và những người lao động trong khu vực chính thức[6]. Trong khi đó, Thủ đô Manila lại có tỷ lệ nghèo thấp nhất đối với 5 nhóm cơ bản như: trẻ em, phụ nữ, thanh niên, người già, người lao động nhập cư và khu vực chính thức (NSCB, 2006-2013).Về số lượng, trẻ em và phụ nữ đứng đầu danh sách các thành phần cơ bản nghèo[7]. Sự chênh lệch về thu nhập và nghèo đói giữa các khu vực cũng rất rõ ràng.

Để nâng cao hiệu quả của các biện pháp can thiệp bảo trợ xã hội, chính phủ Philippin đã khởi động chương trình Chuyển tiền có điều kiện (CCT[8]). Đây là một giải pháp xóa đói giảm nghèo bằng việc xây dựng một chương trình phúc lợi áp dụng có điều kiện đối với những đối tượng được hưởng lợi. Tuy nhiên, các chương trình bảo trợ xã hội  cần phải phối hợp với chương trình CCT nằm nâng cao hiệu quả và toàn diện hơn. Hỗ trợ về nhà ở cũng là một chính sách đáng chú ý ở Philippin và chính phủ đã cùng các cấp, các ngành liên quan cấp hỗ trợ nhà ở thông qua nhiều biện pháp cải cách.

Ở Thái Lan, việc kết hợp chính sách xóa đói giảm nghèo cùng với  các chương trình về y tế…cũng là kinh nghiệm nổi bật của nước này.Trong các chính sách chống đói nghèo từ trước đến nay của TháiLan, có thể kể đến 3 chương trình giảm nghèo nổi bật mà chính phủ Thái Lan áp dụng và thu được nhiều thành tựu nhất, đó là: Chương trình chăm sóc sức khỏe 30 Baht (30 Baht - Health Care scheme), Qũy làng (Village Fund program) và Mỗi làng một sản phẩm (One Tambon One Product program – OTOP). Các chương trình này đại diện cho 3 kênh thúc đẩy mà Thái Lan hy vọng là sẽ giúp người nghèo bớt khó khăn, giảm chi phí khám bệnh, các dịch vụ y tế. Chính sách thứ hai giúp người nghèo tiếp cận dễ dàng hơn với các khoản tín dụng; và chính sách cuối cùng được thực hiện với mục tiêu tăng thu nhập cho người dân. Các chính sách này đều có những mặt mạnh và hạn chế. Tuy nhiên, chúng đã có những tác động không nhỏ tới quá trình phát triển kinh tế của Thái Lan nói chung và đời sống của những người dân nghèo Thái Lan nói riêng. Chương trình này chính là sự kết hợp của 2 chương trình trước đây do chính phủ đài thọ, đó là Chương trình Thẻ y tế và chương trình Phúc lợi y tế cho người nghèo và người tàn tật (HWPDS), phục vụ 47,5 triệu người Thái (75% dân số), và hoạt động song song với 2 chương trình bảo hiểm y tế trước đó: Chương trình lợi ích y tế dành cho cán bộ viên chức các doanh nghiệp nhà nước (CSMBS), và Chương trình an sinh xã hội (SSS). Bắt đầu từ năm 2001, Thái Lan thực hiện chiến lược đầu tiên về chăm sóc sức khỏe toàn dân chủ yếu tập trung vào triển khai các dịch vụ nhằm mục tiêu  tiếp cận công bằng, bình đẳng; hiệu suất của hệ thống cung cấp dịch vụ y tế; tăng cường sức khỏe và phòng chống bệnh tật. Hệ thống  y tế có sự chuyển biến mạnh mẽ từ “chữa bệnh” sang “tăng cường sức khỏe”. Đồng thời, ở Thái Lan đã ban hành và thực hiện khá nhiều Luật an sinh xã hội.

Mặc dù còn có nhiều ý kiến đánh giá khác nhau, song việc Thái Lan xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình an sinh xã hội và đạt được nhiều kết quả tốt trong thời gian qua đã cho thấy sự nổ lực và cố gắng của chính phủ và người dân Thái.

3. Kinh nghiệm tổ chức điều hành, thực hiện và giám sát ở các cấp về phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội.

Để chiến lược, chính sách quản lý và phát triển quản lý xã hội đi vào cuộc sống cần thiết phải tổ chức điều hành, thực hiện và giám sát có hiệu quả. Đây cũng là kinh nghiệm của các nước Indonesia, Malaysia, Philippin và Thái Lan trong lĩnh vực này.

Đối với Indonesia, ở cấp cao nhất, Bộ Điều phối Phúc lợi Xã hội của Nhân dân là cơ quan của chính phủ thực hiện hầu hết các chính sách phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội, trước hết là các chính sách về an sinh xã hội và giảm nghèo. Bên cạnh đó, với tư cách phối hợp, bộ cũng sẽ phối hợp với các bộ như Bộ trưởng Điều phối các Vấn đề Kinh tế, Bộ Giáo dục và Y tế thực hiện các chính sách xã hội có liên quan. Tháng 10-2004, Luật số 40 về Hệ thống An sinh Xã hội mới (SJSN) đã được thông qua. Theo đó, việc quản lý SJSN phải là trách nhiệm của một cơ quan quản lý an sinh xã hội phi lợi nhuận. Tuy nhiên, phải mất đến 7 năm, tháng 11-2011, Luật số 24 về Cơ quan quản lý an sinh xã hội (BPJS) mới được quốc hội thông qua. Hiện tại, SJSN có hai cơ quan quản lý là BPJS (về y tế), thực hiện quản lý về bảo hiểm y tế, cơ quan này sẽ bắt đầu hoạt động từ năm 2014 và BPJS về việc làm, quản lý 4 chương trình bao gồm tai nạn lao động, hưu trí (tuổi già), trợ cấp và nhân thọ, bắt đầu hoạt động từ năm 2015. Hai cơ quan quản lý này hoạt động như các xí nghiệp công phi lợi nhuận, tất cả lợi nhuận sẽ được sử dụng vì lợi ích của các thành viên. Hơn nữa, luật cũng yêu cầu cơ quan quản lý SJSN cũng phải tuân thủ các qui định của tổng thống và bộ có liên quan về thực hiện an sinh xã hội. Về giám sát, Luật SJSN năm 2004 cũng qui định SJSN được giám sát bởi cơ quan an sinh xã hội quốc gia (DJSN). Cơ quan này có trách nhiệm hình thành các chính sách và chiến lược chung cho việc thực hiện SJSN thống nhất. DJSN có 15 thành viên, bao gồm các đại diện của chính phủ, lãnh đạo các cộng đồng/hay các nhà khoa học, người sử dụng lao động, các tổ chức lao động.   

 Về cơ bản, hệ thống chính sách và quản lý chính sách giảm nghèo luôn có sự thay đổi nhằm đáp ứng các yêu cầu về phát triển. Năm 2001, Tổng thống Indonesia đã ra quyết định 124 về việc thành lập Ủy ban Giảm đói nghèo (KPK) và Cơ quan Điều phối cho việc giảm đói nghèo (BKPK) do Bộ Điều phối Phúc lợi Nhân dân giữ vai trò lãnh đạo và Bộ Điều phối các Vấn đề Kinh tế làm phó. Cơ quan này có nhiệm vụ phối hợp nhằm hình thành và thực hiện chương trình giảm nghèo bằng các can dự thông qua các cơ quan của chính phủ, chính quyền các địa phương và các bên tham gia vào quá trình phát triển. Tiếp đó, năm 2005, chính phủ đã cho ra đời Qui định của Tổng thống (Perpres) số 54/2005 về việc điều phối Nhóm Giảm đói nghèo (TKPK) (team for poverty Reduction). Nhiệm vụ chủ yếu của TKPK là tiếp tục công việc của KPK, chú trọng đến mục tiêu cụ thể nhằm giảm số người nghèo nhanh hơn thông qua điều phối, đồng bộ hóa các kế hoạch và thực hiện các chính sách loại bỏ đói nghèo. Nhóm này bao gồm 19 bộ trưởng, ba người đứng đầu các Cục và các thành viên chính phủ khác và tương tự như KPK, nhóm do Bộ trưởng Điều phối Phúc lợi Nhân dân đảm nhiệm vị trí lãnh đạo và Bộ trưởng Điều phối các Vấn đề Kinh tế làm phó. Thứ trưởng Bộ Phúc lợi Nhân dân làm thư ký, chịu trách nhiệm trợ giúp kỹ thuật và quản lý các hoạt động hàng ngày của nhóm. Tháng 3-2009, chính phủ đã ra qui định sửa đổi số 13, nhóm đã mở rộng các thành viên bằng việc bổ sung thêm 4 bộ trưởng trong chính phủ. Việc thể chế hóa các chính sách giảm nghèo ở Indonesia trong những năm gần đây được thể hiện với việc Chính phủ Indonesia ra Qui định mới, Qui định Tổng thống số 15/2010. Trong đó, cơ quan quản lý thực hiện chính sách giảm nghèo được đổi tên thành Nhóm Quốc gia về Thúc đẩy Giảm nghèo (TNP2K). TNP2K có ba nhiệm vụ chính, bao gồm: hình thành chính sách và chương trình giảm nghèo; nâng cao tính điều phối hơn giữa các bộ và cơ quan trong hoạt động giảm nghèo; hình thành cơ quan chức năng nhằm đánh giá và giám sát. Điểm đáng lưu ý về mặt tổ chức là qui định mới đã giao nhiệm vụ cho phó Tổng thống lãnh đạo nhóm này, công việc trước đây thường do Bộ Điều phối Phúc lợi Nhân dân đảm nhiệm. Trong cơ cấu quản lý và tổ chức của TNP2K, ngoài người đứng đầu là Phó Tổng thống còn có Phó trưởng nhóm thứ nhất là người của Bộ Điều phối Phúc lợi xã hội Nhân dân và Phó trưởng nhóm thứ 2 thuộc Bộ Điều phối Các Vấn đề Kinh tế. Giúp việc cho cơ quan cấp cao nhất nêu trên có các thành viên như thư ký điều hành và ba nhóm công tác. Thư ký điều hành do Phó Thư ký của Phó Tổng thống về các vấn đề phúc lợi xã hội phụ trách. Nhóm 1 sẽ do văn phòng phó tổng thống  thực hiện quản lý các vấn đề về trợ giúp xã hội thống nhất cho hộ gia đình. Nhóm 2 do Bộ Điều phối Phúc lợi Nhân dân chịu trách nhiệm trợ giúp xã hội thông qua việc trao quyền lực cho cộng đồng. Trong khi đó, nhóm 3 sẽ do Bộ Điều phối các vấn đề Kinh tế phụ trách thực hiện trợ giúp xã hội dựa trên việc trao quyền hành cho các xí nghiệp qui mô nhỏ.

Chính sách trợ giúp xã hội bao gồm trợ giúp thông qua chương trình Jamkesmas (bảo hiểm y tế), chương trình chuyển đổi bằng tiền mặt không điều kiện tạm thời (BLT), Chương trình PKH, BSM …đều do các cơ quan của chính phủ. Trong đó, Bộ Điều phối Phúc lợi Nhân dân sẽ phối hợp với các bộ y tế, giáo dục để thực hiện các chương trình trợ giúp cho người nghèo về y tế, giáo dục. Ngoài ra, còn có các chương trình từ các mạng lưới không chính thức, hỗ trợ cho các gia đình, các tổ chức tôn giáo. Việc thực hiện các hỗ trợ này thường chủ yếu do các tổ chức tôn giáo, từ thiện và ít có liên quan đến hệ thống quản lý của nhà nước.

          Ở các khu vực và địa phương, trách nhiệm quản lý Nhóm Giảm đói nghèo (TKPK) cấp tỉnh thuộc về Thống đốc cũng như cấp huyện, quận (kabutapen) sẽ giao trách nhiệm cho người đứng đầu chính quyền (bupati/walikota). Tuy nhiên, mối quan hệ giữa TKPK ở cấp trung ương và khu vực mang tính chức năng và không phải là quan hệ cấp bậc. Văn bản của Bộ nội vụ số 412.6/2179/SJ/2006 đã qui định, TKPK khu vực (các địa phương) được giao nhiệm vụ phối hợp và thúc đẩy các chương trình khác nhau để đảm bảo chính sách giảm nghèo tại địa phương đạt được hiệu quả. Mô hình mới (vấn đề tự trị, phân quyền, yêu cầu quản trị tốt) trong các chương trình giảm nghèo đòi hỏi tất cả các bên phải tạo ra nền tảng cho việc phối hợp và ngày càng nhạy bén với các chính sách và chương trình giảm nghèo khác nhau. Vấn đề phối hợp và phân quyền trong thực hiện các chính sách giảm nghèo và quản lý quá trình đó phải tuân thủ các nội dung đã quy định. Trong đó, chính quyền các địa phương sẽ phải có trách nhiệm nhiều hơn trong việc giải quyết các khía cạnh đa chiều của nghèo đói, kể cả các vấn đề về ngân sách và kế hoạch. Đặc biệt, đòi hỏi người nghèo cũng phải có tiếng nói và chính quyền các địa phương sẽ đóng vai trò truyền tải các kiến nghị này thành chính sách. Phối hợp và nâng cao chất lượng của các chương trình trong quá trình trao quyền hành cho cộng đồng cũng là cách sẽ giúp vào việc mở rộng việc làm bền vững, phát triển kinh tế địa phương và kết nối phát triển giữa các khu vực đã được phát triển với các khu vực chưa phát triển, bị tách rời khỏi quá trình tăng trưởng, các khu vực lạc hậu.

          Về hệ thống giám sát, như trên đã đề cập, Luật SJSN năm 2004 qui định SJSN được giám sát bởi cơ quan an sinh xã hội quốc gia (DJSN). DJSN có 15 thành viên, bao gồm các đại diện của chính phủ, lãnh đạo các cộng đồng/hay các nhà khoa học, người sử dụng lao động, các tổ chức lao động. Trong khi đó, các hoạt động giám sát các chương trình giảm nghèo đói và các chính sách phát triển xã hội khác sẽ do quốc hội, các NGO, sự tham gia của cộng đồng tại địa phương và các tổ chức quần chúng. Hội đồng địa phương (DPRDs) sẽ chịu trách nhiệm giám sát các hoạt động chi tiêu ngân sách đối với các chính sách xã hội của địa phương mình trong điều kiện phân quyền. Trong điều kiện phân quyền như hiện nay, chính quyền các địa phương sẽ sử dụng gần ½ tổng chi tiêu của chính phủ và ¾ các dịch vụ dân sự (y tế và giáo dục) đã được giao cho họ. Việc gia tăng thẩm quyền cho chính quyền địa phương cũng đòi hỏi việc nâng cao năng lực giám sát của các hội đồng địa phương, kết hợp hoạt động của họ với các tổ chức xã hội dân sự. Bộ phận quan trọng nhất trong hoạt động giám sát ở cả trung ương và địa phương chính là các tổ chức xã hội dân sự (CSO) và các cộng đồng của địa phương.

        Ở Malaysia có ba cơ quan Chính phủ trực thuộc Văn phòng Thủ tướng, đó là: Cơ quan kế hoạch hóa kinh tế (EPU), Cơ quan Quản lý & Phân phối hiệu quả dịch vụ công (PEMANDU) và Cơ quan hiện đại hóa hành chính và quy hoạch phát triển Malaysia (MAMPU)[9]. EPU có tiền thân là Ban thư ký Kinh tế của Ủy ban Kinh tế thuộc Hội đồng điều hành Liên bang Malaysia được thành lập năm 1961. Mục tiêu của cơ quan này là tập trung vào quy hoạch phát triển kinh tế, vào các vấn đề quan trọng trong quá trình thực hiện kế hoạch và viện trợ nước ngoài.Từ khi thành lập đến nay, chức năng của EPU chủ yếu không thay đổi, mặc dù nó đã được bổ sung thêm chức năng cho phù hợp với những điều chỉnh trong chính sách phát triển. Hiện nay EPU chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế quốc dân trung và dài hạn, các chính sách và chiến lược phát triển kinh tế, xã hội. EPU đã triển khai một số cải cách, trong đó có đổi mới công tác lập kế hoạch.

PEMANDU được thành lập vào ngày 16/9/2009 với nhiệm vụ chính là giám sát việc thực hiện, đánh giá tiến độ, tạo điều kiện cũng như hỗ trợ việc  điều phối và thúc đẩy tiến độ của GTP và ETP. Đồng thời thúc đẩy những chuyển biến trong việc phân phối trong khu vực công và tư nhân, hỗ trợ các bộ và giúp việc cho Thủ tướngvà các bộ trưởng.

Cơ quan thứ ba đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các chính sách phát triển là MAMPU. Các chức năng cơ bản của MAMPU là hỗ trợ các tổ chức nhà nước ở các cấp chính quyền trong việc hiện đại hóa và cải cách khu vực công và nền hành chính công, nhất là các cải cách hành chính. MAMPU có thể được coi là cơ quan cao nhất lập ra tiêu chuẩn và chính sách phát triển, hiện đại hóa và cải cách nền hành chính công.

Đề án Phúc lợi xã hội cho người dân, PLP-ARS là một chương trình giáo dục và đào tạo của Bộ Phát triển Nông thôn và Khu vực nhằm mục đích giảm nghèo theo kênh khác. Theo đề án này, kinh phí được rót cho tổ chức phi chính phủ Yayasan Basmi Kemiskinan (YBK: Quỹ xóa đói nghèo[10]). YBK, hoạt động trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo thông qua cung cấp dịch vụ giáo dục cho trẻ em bị thiệt thòi giúp các em có được học vấn tốt để sau này có thể làm thay đổi cuộc sống của gia đình mình.

Cùng với Bộ y tế, một số bộ và cơ quan chính phủ khác cũng cung cấp các dịch vụ liên quan đến sức khỏe cho các bộ phận dân cư riêng. Các NGO thiện nguyện trong các chương trình phát triển y tế cộng đồng có vai trò rất quan trọng. Các chính sách nhằm phát phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục của Bộ Giáo dục đưa ra theo mục tiêu quốc gia cũng có sự phối hợp thực hiện với một số cơ quan như Bộ Phát triển Nông thôn và Khu vực, Bộ Phát triển Phụ nữ, gia đình và Cộng đồng… cũng như có sự trợ giúp của các tổ chức xã hội.

Mỗi biện pháp thực hiện chính sách phát triển thường được giao cho một hoặc một số cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm, nhưng đồng thời có sự tham gia của một hay nhiều bộ ngành khác liên quan và có sự phối hợp với khu vực tư nhân và các tổ chức xã hội dân sự. Chính phủ Malaysia rất chú trọng các vấn đề cung cấp dịch vụ công, song  luôn đánh giá cao vai trò của khu vực tư nhân và các tổ chức xã hội.

Với Philippin, công tác tổ chức điều hành và thực thi quản lý phát triển xã hội ở nước này là sự kết phối hợp giữa các cơ quan trung ương và các cấp các ngành của địa phương trong việc thực thi các biện pháp phát triển xã hội. Trong đó, trọng tâm là địa phương hóa các bước thực hiện các giải pháp đặt dưới sự chỉ đạo của các cơ quan trung ương. Cụ thể, việc thực hiện các chiến lược phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội do một cơ quan trung ương chính là Bộ Phúc lợi Xã hội và Phát triển (DSWD) Philippin kết hợp với các ban ngành liên quan. Cơ quan này thực hiện dưới sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo Quốc gia về phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội. Ban chỉ đạo cấp quốc gia, ngoài DSWD còn có các bộ ngành như[11] Bộ y tế, Bộ Giáo dục, Ủy ban Xóa đói giảm nghèo Quốc gia, Bộ Nội vụ và Chính quyền địa phương, Cơ quan Phát triển Kinh tế Quốc gia, Bộ Ngân sách và Quản lý, Đại diện các tổ chức phi chính phủ NGO, và Tổng công ty Bảo hiểm Y tế Philippin.

     Luật Chính phủ Địa phương năm 1991[12] quy định việc chuyển giao quyền lực (hay phân quyền) cho các cấp, các ngành, các tổ chức ở các cấp địa phương cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản. Từ khi áp dụng Bộ luật chính quyền địa phương năm 1991, ngoài  việc cùng chia sẻ trách nhiệm và quyền hạn với chính quyền Trung ương, chính quyền địa phương còn được giao thẩm quyền trong việc thực hiện một số lĩnh vực cơ bản như nông nghiệp, y tế, giáo dục bậc phổ thông, xây dựng cơ sở hạ tầng…, sử dụng các nguồn lực tự nhiên và phúc lợi xã hội. Việc chuyển giao những chức năng này của chính quyền trung ương cho chính quyền địa phương được coi là mô hình cùng sản xuất và cung ứng các dịch vụ hướng tới phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội một cách có hệ thống. Theo xu hướng đó, chính quyền Trung ương không còn là cơ quan duy nhất cung ứng những dịch vụ xã hội hay đảm nhiệm chức năng cung ứng các dịch vụ xã hội nữa. Tuy nhiên, việc chuyển giao này được coi là hình thức phân chia quyền quyết định, hay quản lý chung đối với phát triển xã hội với tư cách là những đơn vị địa phương được trao quyền quyết định cung ứng các dịch vụ xã hội, quản lý xã hội hoặc thực hiện các chức năng nói trên.

     Ở Philippin, việc bố trí mới và phân bổ các cấp quản lý xã hội khác nhau của hệ thống phát triển xã hội do chính quyền địa phương thực hiện dưới sự chỉ đạo của các cơ quan Trung ương, tức là các bộ ngành liên quan theo hệ thống ngành dọc và nằm dưới sự điều hành trực tiếp của Tổng thống Philippin.Thống đốc cấp tỉnh và thị trưởng các thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thực thi phát triển xã hội ở cấp địa phương thông qua các cơ quan, các đơn vị hành chính xã ở khu vực nông thôn (RSDUs) và ở cấp phường (barangay-BSD)[13]ở khu vực đô thị.

Bộ DSWD với vai trò là nhà cung cấp dịch vụ trực tiếp đảm nhận nhiệm vụ mới là cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các đối tác khác nhau. Đồng thời Bộ làm trung gian trong việc thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án và dịch vụ như:  Xóa đói giảm nghèo, nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ công cơ bản như giáo dục, y tế, an sinh xã hội….Chính phủ Philippin đã có những thay đổi trong việc phân quyền và phối kết hợp giữa các bộ, ban, ngành cấp trung ương và địa phương để thực hiện những mục tiêu và  đảm bảo được các tiêu chí cơ bản: Chính quyền địa phương phải hoạt động linh hoạt và hiệu quả; Thúc đẩy nền dân chủ và có trách nhiệm đảm bảo thực hiện tốt các giải pháp và chiến lược ở từng địa phương cụ thể;  Đảm bảo công bằng nhất là các dịch vụ công ở địa phương[14]:

Tất cả các cấp chính quyền cả ở trung ương và địa phương ở Philippin đều tham gia tích cực vào quá trình thực hiện phân quyền. Nhờ đó đã tạo động lực mới, thúc đẩy sự thay đổi và phát triển xã hội xuất phát từ mong muốn và thực tế của cộng đồng dân cư địa phương.

Với Thái Lan để thực hiện tốt các chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và điều hành giám sát nói chung, lĩnh vực xã hội nói riêng, quốc gia này đã rất đề cao quản trị tốt (Good Governance). Thực tế sau gần 4 thập kỷ thực hiện các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, xã hội Thái Lan đã “chuyển hóa từ một xã hội nông nghiệp hoặc đặt cơ sở trên nông nghiệp thành một xã hội thành thị, đặt cơ sở trên công nghiệp”[15]. Chính phủ Thái Lan nhận thấy “hệ thống quản lý hiện nay không còn phù hợp”[16] bởi vì bộ máy hành chính, quan liêu và quá tập trung quyền lực vào tay các cơ quan chính phủ. Bắt đầu từ Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm lần thứ 8 (1997-2001), Thái Lan thực hiện các nguyên tắc quản trị tốt (good governamce-GG)[17] để quản lý sự phát triển xã hội. Quản trị tốt bao gồm 6 yếu  tố sau :1) Nguyên tắc trách nhiệm 2) Đạo đức (Ethics) 3) Sự tham gia của dân chúng 4) Tinh hiệu quả 5) Sự minh bạch và 6) Nguyên tắc luật pháp.

Sau khi thoát khỏi khủng hoảng, trong Kế hoạch 9, Thái Lan khẳng định “triển khai quản trị tốt sẽ được tiếp tục theo cùng hướng với kế hoạch 8, đặt trên cơ sở triết lý Kinh tế đầy đủ, con đường giữa, sử dụng thích họp các công nghệ và kỹ năng, chăm sóc các giá trị xã hội cốt lõi, đặc biệt là sự trung thực và liêm chính (integrity)”.

          Việc triển khai quản trị tốt trong xã hội Thái được xem như là điều kiện sống còn đối với thành công của các chiến lược và kế hoạch phát triển đất nước trong đó có lĩnh vực xã hội.Thái Lan đã thực hiện các mục tiêu đề ra thông qua 4 giải pháp lớn là cải cách chính trị, cải cách hành chính và phi tập trung hóa quyền lực và chống tham nhũng. Viện nghiên cứu phát triển Thái Lan (TDRI) đã được chính phủ chỉ định là  cơ quan tư vấn cho tiến trình thực hiện quản trị tốt. Với việc thực hiện Quản trị tốt (Good Governance - G.G) cho thấy nội dung này không có gì "nhạy cảm" với an ninh quốc gia và chế độ. Về thực chất, nó chỉ nhằm làm cho bộ máy công quyền trở nên hiệu quả hơn, các quan chức, các nhân viên trong bộ máy đó trong sạch hơn, các nguyên tắc luật pháp được coi trọng và nhân dân có điều kiện tham gia vào quá trình hoạch định chính sách phát triển quốc gia và giám sát hoạt động của bộ máy nhà nước.

          Thái Lan xây dựng Hệ thống hóa Quản trị Trung ương, Quản trị Khu vực và Quản trị địa phương với từng khu vực sao cho quyền hạn và trách nhiệm phù hợp với sự phát triển quốc gia (Mục 1, Điều 78, Hiến pháp 2007). Với hệ thống hành chính công theo cấp bậc như vậy, Thái Lan luôn tạo điều kiện khuyến khích các tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch và ngân sách dựa trên quyền lợi của người dân địa phương. Hay nói cách khác, Thái Lan coi trọng vai trò của từng địa phương trong hệ thống hành chính công, trong đó có quản lý xã hội. Phân cấp quyền hạn cho các cơ quan chính quyền địa phương hướng đến mục đích độc lập và tự quyết định ở cấp địa phương. Nhà nước trao quyền tự chủ cho địa phương phù hợp với nguyên tắc tự quản theo nhu cầu và mong muốn của người dân địa phương và khuyến khích chính quyền địa phương đóng vai trò là cơ quan chính trong việc cung cấp dịch vụ công cho người dân cũng như tạo điều kiện cho người dân tại địa phương có thể cùng chính quyền địa phương tham gia giải quyết vấn đề tại khu vực đó. Các địa phương sẽ đưa ra chính sách và chiến lược để phát triển kinh tế địa phương, xây dựng hệ thống cơ sở và các tiện ích công cũng như cơ sở hạ tầng thông tin cơ bản ở cấp địa phương được thông suốt và công bằng trên cả nước. Từ đó có thể thiết lập được một cơ quan quản trị địa phương lớn về quy mô, đáp ứng với mong muốn của người dân tại tỉnh đó. Chính quyền địa phương có quyền hạn và nhiệm vụ duy trì và cung cấp các dịch vụ công phù hợp với những lợi ích của người dân địa phương theo nguyên tắc phát triển bền vững, và nâng cao và hỗ trợ giáo dục cho người dân địa phương. Việc giám sát đối với tổ chức chính quyền địa phương phải được thực hiện cho đến khi cần thiết, và phải có quy tắc, thủ tục và điều kiện rõ ràng, phù hợp với cấu trúc của chính quyền địa phương và phải bảo vệ quyền lợi địa phương hoặc lợi ích của đất nước nói chung và không vi phạm pháp luật. Để tạo sự thống nhất trong quá trình giám sát, Thái Lan xây dựng tiêu chuẩn chung hướng dẫn cho chính quyền địa phương. 

          Để điều hành và quản trị tốt các chương trình xã hội Thái Lan coi trọng vấn đề chống tham nhũng. Đây cũng là một trong những giải pháp quyết định để lành mạnh hóa xã hội, nâng cao hiệu quả hoạt động chính trị, hành chính và xã hội. Để chống  tham nhũng thành công, chính phủ Thái Lan  đã tiến hành đồng thời  nhiều biện pháp, trong đó có hai  biện pháp chính: xây dựng các nguyên tắc, các thể chế kiểm soát tham nhũng và nâng cao nhận thức  của  người thực thi công vụ và nhân dân về tham nhũng.

4. Gợi ý bài học tham khảo cho Việt Nam

          Từ kinh nghiệm của Indonesia, Malaysia, Philippin và Thái Lan trong việc phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội có thể rút ra ba bài học tham khảo cho Việt Nam trong lĩnh vực này.

Thứ nhất, phát triển và quản lý phát triển xã hội phải luôn phải được xác định là một trong những chiến lược trọng yếu trong các kế hoạch phát triển dài hạn và trung hạn của đất nước.

Thứ hai, kết hợp có hiệu quả các chính sách, chương trình trong phát triển và quản lý phát triển xã hội trong chính lĩnh vực này và với các chương trình khác của chính phù địa phương.

Thứ ba, tăng cường công tác phân cấp phân quyền, kiểm tra đánh giá nghiêm minh trong lĩnh vực quản lý và phát triển quản lý xã hội. Điều này không chỉ đảm bảo sử dụng hiệu quả các nguồn lực mà còn chống các tiêu cực, trục lợi, tham nhũng trong lĩnh vực này. Phân quyền đi đối với giám sát ở tất cả các cấp với sự tham gia của của người dân sẽ là cách thức để huy động sự hỗ trợ của xã hội, quốc tế, đảm bảo  hiệu quả  và công bằng trong phát triển nói chung, lĩnh vực xã hội nói riêng.

Tóm lại:

           Dù phải trải qua nhiều khó khăn, thách thức, song 5 thập kỷ qua các nước ASEAN đã đạt được những thành tựu nổi bật về kinh tế và quản lý và phát triển quản lý xã hội. Những kinh nghiệm của Indonesia, Malaysia, Philippin, Thái Lan không chỉ giúp hiểu rõ cách thức giải quyết các vấn đề xã hội của các quốc gia này mà còn gợi ý những bài học tham khảo cần thiết cho Việt Nam. Rõ ràng, việc nghiên cứu và học tập các kinh nghiệm của ASEAN chung, Indonesia, Malaysia, Philippin, Thái Lan nói riêng sẽ rất bổ ích cho Việt Nam trong lĩnh vực xã hội hiện nay và thời gian tới.

 

PGS.TS Nguyễn Duy Dũng[1]

 



[1]   Viện nghiên cứu Đông Nam Á, Viện HLKHXH Việt Nam

[2]Speech by the Prime Minister Dato’ Sri Mohd. Najib bin Tun Abdul Razak introducing the motion to table the Tenth Malaysia Plan in the Dewan Rakyat on 10 June 2010, www.pemandu.gov.my/gtp/documenttached/speech/files/RMK10_speech.pdf

[3] Đó là các điều kiện về việc sử dụng tiền mặt của các hộ gia đình nghèo nhằm đảm bảo hiệu suất tối đa của chương trình xóa đói giảm nghèo và phát triển xã hội như phương thức đầu tư, lĩnh vực đầu tư.

[4]Philippines Development Plan 2011-2016

[5] Randall. S.Wood, SAIS I-Dev Integrating Seminar Proffessors Frank and Douglas, Strategies of Development: Indonesia and Malaysia 1960-present, P.4. UNDP, Assessment of Development Result, Evaluation of UNDP Contribution, Indonesia, Evaluotion Office, 3/2010, P.5

[6] NSCB Press Release (July 2009).

[7] NSCB Press Release (July 2009).

[8] Là chương trình Conditional Cash Transfer

[9] Xem cụ thể tại các trang web chính phủ: Economic Planning Unit, www.epu.gov.my , www.pemandu.gov.mywww.mampu.gov.my

[10] Quỹ này được thành lập ở Selangor năm 1990, đến nay đã phát triển rộng và hoạt động tích cực xóa nghèo ở Selangor nói riêng và Malaysia nói chung.

[11]Philippines Country Reports for the 9th ASEAN & Japan High Level Officials Meeting on Caring Societies, Tokyo, Japan 25 – 28 October 2011.

[12] Xem chi tiết tại: http://www.gov.ph/#, The Official Website of the Republic of The Philippiness. http://www.google.com.vn/url?sa=t&rct=j&q=&esrc=s&source=web&cd=1&ved=0CBsQFjAA&url=http%3A%2F%2Fppp.gov.ph%2Fwp-content%2Fuploads%2F2010%2F11%2FThe-Local-Government-of-the-Philippiness.pdf&ei=waYXVPafCZCn8AX7hoGYCA&usg=AFQjCNG85w1CUL8ox0GD5lOEnaELhxi5UQ&bvm=bv.75097201,d.dGc

[13] RSDUs: Rural Social Development Units và Barangay Social Development: phát triển xã hội vùng nông thôn và cấp xã phường.

[14] Xem thêm tại: Jose P. Leveriza, Public Administration - The Business of Government, National Book Store, Inc., Manila, Philippiness, 1990.

[15]  Social Welfare Policy for Children and Women in Thailand.( Thailand Welfare ,pdf.Foxit 2.3{ Thailand Welfare.pdf)

[16]   Government of Thailand : The Ninth National Economic and Social Development Plan (2002-2007 )

[17]   Government of Thailand :  The Ninth National Economic and Social Development Plan (2002-2007 )


Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết