Lý thuyết kinh tế và thực tiễn trên thế giới có những cách tiếp cận khác nhau về cấu trúc một nền kinh tế. Hai cách tiếp cận phổ biến là chia cấu trúc kinh tế theo hình thức sở hữu (Thomsen và Pederson, 1998), tức các thành phần kinh tế (TPKT) và theo khu vực kinh tế (Linert/IMF, 2009)[1] không phân biệt theo hình thức sở hữu. Nhưng các cách tiếp cận đều có mối quan tâm chính là giải quyết bài toán hiệu quả sử dụng các nguồn lực của nền kinh tế.
Đã có nhiều nghiên cứu lý thuyết cũng như thực nghiệm tập trung luận giải sự liên hệ giữa cơ cấu sở hữu[2] với mức độ thịnh vượng của một quốc gia (theo góc độ vĩ mô), hoặc với hiệu quả của DN (theo góc độ vi mô).
1. Nghiên cứu “TPKT” trong lý luận kinh điển
Lênin là người đầu tiên nêu quan điểm về nền kinh tế nhiều thành phần quá độ lên CNXH.
Trong công trình nghiên cứu “Các đỉnh cao chỉ huy” (2002), Daniel Yergin, Joseph Stanislaw đã phân tích kinh tế chính trị rất sâu nền kinh tế Xô Viết thời kỳ sau nội chiến 1921-1922, mổ xẻ Chính sách Kinh tế mới của Lênin. Hai ông cho rằng quá trình chuyển biến của nền kinh tế Xô viết từ giai đoạn “chủ nghĩa cộng sản thời chiến” sang giai đoạn “Chính sách Kinh tế mới” của Lê-nin thực chất là chuyển nền kinh tế từ phi tư hữu – phi thị trường sang nền kinh tế đa thành phần (đa sở hữu) – sản xuất hàng hóa, tôn trọng kinh tế tư nhân và kinh tế tư bản nhà nước.
Lê-nin nhận định: “Tìm cách ngăn cấm, triệt để chặn đứng mọi sự phát triển của trao đổi tư nhân, của chủ nghĩa tư bản, chính sách ấy là dại dột và tự sát đối với đảng nào muốn áp dụng nó” (Lê-nin toàn tập, tập 43: tr.276).
Trên thực tế, Chính sách Kinh tế mới cho phép sự quay trở lại của tiểu thương và nông nghiệp tư nhân, hồi phục nền sản xuất hàng hóa nhỏ, thu hút và phát triển “kinh tế tư bản nhà nước”. Những yếu tố đó đã hồi sinh và đem lại cho nền kinh tế Liên Xô bị tàn phá sức sống mới và triển vọng tích cực.
Năm 1924, Lê-nin mất, tư tưởng chính sách kinh tế mới nhanh chóng bị loại bỏ khỏi đời sống kinh tế của Liên Xô và ở tất cả các nền kinh tế XHCN “truyền thống”. Trong thời kỳ tập thể hóa, Stalin loại bỏ hoàn toàn khu vực tư nhân. Tư tưởng về nền kinh tế nhiều thành phần và các TPKT chuyển hóa thành các chính sách kỳ thị, phân biệt đối xử, chèn ép các TPKT “phi XHCN”. Kết cục là các nền kinh tế kế hoạch hóa lâm vào trì trệ, mất cân đối ngày càng trầm trọng, đi tới khủng hoảng và sụp đổ.
Trong “Các đỉnh cao chỉ huy”, Daniel Yergin và Joseph Stanislaw khái quát: Chính sách Kinh tế mới của Lê-nin nếu được thực hiện sẽ tạo thành xung lực tạo nên một Liên Xô phát triển hiện đại vì nó “chấp nhận quan hệ sản xuất có tính chất đa dạng trên cơ sở sản xuất hàng hóa – thị trường để phát triển lực lượng sản xuất”. Thế nhưng, những thế hệ lãnh đạo sau của Liên Xô đã phá bỏ di sản quan trọng này của Lê-nin, tạo nên một Liên Xô đầy bất ổn trong nhiều thập kỷ.
Các công trình nghiên cứu nền kinh tế XHCN ở các nước, điển hình là ở Liên Xô (của Xagolov, Kulicov, Abalkin, v.v.) – dù có thể khác biệt trong cách tiếp cận và các luận điểm xuất phát – song cơ bản phản ánh tiến trình thực tế đó.
Một số nhà kinh tế nổi tiếng, điển hình là Janos Kornai (Hungary), với một loạt công trình nghiên cứu về hệ thống kinh tế XHCN [Hệ thống xã hội chủ nghĩa. Chính trị kinh tế học phê phán và Con đường dẫn đến kinh tế thị trường], có cách tiếp cận phê phán mô hình kinh tế của CNXH hiện thực, nêu quan điểm mới về các TPKT.
2. Vấn đề “TPKT” ở Trung Quốc
Trước cải cách mở cửa, Trung Quốc chỉ có sở hữu công hữu (sở hữu nhà nước và sở hữu tập thể), còn các thành phần khác là “cái đuôi của chủ nghĩa tư bản”, cần phải cắt bỏ. Kết cục là đấu tranh giai cấp và đấu tố.
Từ 1978, tiến hành cải cách mở cửa, Đặng Tiểu Bình đã nhìn nhận lại các TPKT của Trung Quốc. Ý tưởng trung tâm của Ông là: cải cách để giải phóng sức sản xuất, chia đất đai cho nông dân, cho phép khoán hộ gia đình, sở hữu ruộng đất vẫn thuộc tập thể nhưng quyền sử dụng thuộc về nông dân.
Đặng Tiểu Bình chỉ ra “Trung Quốc cần phải đi con đường riêng. Xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, không đi theo mô hình Liên Xô cũ”.
Về kinh tế tư nhân (phi quốc hữu):
Hội nghị Trung ương 3 (ĐH XIV, 1993): xây dựng kinh tế thị trường XHCN đa sở hữu (nhà nước, tập thể, tư nhân và hỗn hợp), nhấn mạnh kinh tế quốc hữu và phi quốc hữu, trong đó “kinh tế phi quốc hữu là những bổ sung có ích, là bộ phận hợp thành của kinh tế thị trường XHCN”.
Hội nghị Trung ương 3 (ĐH XVI, 2003): “TPKT phi quốc hữu là bộ phận hợp thành quan trọng”. Doanh nghiệp (DN) tư nhân từ chỗ là thành phần bóc lột trở thành lực lượng xây dựng CNXH.
Về kinh tế quốc hữu (kinh tế Nhà nước):
Hội nghị Trung ương 3 (1993) nhấn mạnh cổ phần chế (thực hiện chế độ cổ phần) là nội dung quan trọng trong cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Hội nghị Trung ương 3 (ĐH XVII, 2008) cho phép các DN phi quốc hữu tham gia điều chỉnh DNNN [sử dụng “con nuôi” (DN phi quốc hữu) để huấn luyện “con đẻ” (DNNN)].
Công nhận vai trò của khu vực tư nhân - là động lực chính của tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và xuất khẩu, đóng góp đưa đầu tư của Trung Quốc đi ra ngoài, các công trình nghiên cứu đúc rút 3 yếu tố giải thích sự gia tăng khu vực tư nhân: i) thay đổi chính sách nhà nước; ii) hiệu quả lớn của khu vực tư nhân; iii) thương mại hóa khu vực tài chính.
Theo các công trình này:
- Quá trình chuyển đổi công nghiệp bắt đầu từ cuối những năm 1990 không đơn giản chỉ là chuyển nguồn lực từ khu vực nhà nước sang khu vực tư nhân mà còn bao gồm chính sách chuyển đổi các DNNN và tạo ra các DNNN mới.
- Các gói kích thích kinh tế mà chính phủ Trung Quốc thực hiện nhằm đối phó với khủng hoảng tài chính toàn cầu được phân bổ theo hướng thúc đẩy DN tư nhân.
- Động cơ chính để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là các công ty nhà nước lớn và chính quyền các địa phương. Các công ty nhà nước đóng vai trò quan trọng trong các ngành công nghiệp then chốt, còn chính quyền địa phương lại quan tâm đến việc thu hút đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài. Vì vậy, khu vực tư nhân cũng tăng trưởng với tốc độ nhanh.
- Về FDI, kể từ khi mở cửa nền kinh tế, Trung Quốc trở thành nước thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn trên thế giới. Giai đoạn 1997-2008, Trung Quốc thu hút FDI nhiều nhất trong công nghiệp chế biến, giúp chuyển dịch từ công nghệ thấp sang công nghệ cao.
3. Nghiên cứu “TPKT” theo quan điểm “Khu vực kinh tế”
Lý thuyết quyền tài sản (property right theory)
Các quyền tài sản được xác lập rõ ràng (có thể chia nhỏ, chuyển nhượng được và có hiệu lực thực thi) quyết định hiệu quả phân bổ các nguồn lực. Nhiều nhà kinh tế trên thế giới cho rằng việc phân bổ quyền sở hữu giữa các chủ thể là điều kiện cần thiết trong một thế giới mà các nguồn lực là có hạn.
Từ luận điểm này, các quan điểm khác nhau về việc sở hữu tư nhân hay sở hữu nhà nước nên chiếm phần lớn hơn vẫn không ngừng tranh luận.
Lý thuyết người đại diện (agency theory) lý giải sự khác biệt trong hiệu quả hoạt động của DN có hình thức sở hữu khác nhau là do sự khác biệt trong hiệu quả giám sát người đại diện. Mục đích của chủ sở hữu và người đại diện không giống nhau, nên người đại diện có thể tìm kiếm lợi ích cá nhân bằng việc hy sinh lợi ích của chủ sở hữu (Shleifer và Vishny, 1994). Với doanh nghiệp tư nhân (DNTN), quyền sở hữu có tính tập trung và xác lập rõ ràng, nên họ có động cơ giám sát người đại diện để người đại diện hành động vì lợi ích của DN. Trong khi với DNNN, quyền sở hữu rất phân tán (vì chủ sở hữu là người dân) và được xác lập mơ hồ; điều này dẫn tới việc mỗi chủ sở hữu có thể trông chờ vào chủ sở hữu khác trong việc giám sát người đại diện.
Về thực tiễn, ở cả nước phát triển và đang phát triển, tư nhân hóa là một bộ phận trọng yếu của các chương trình cải cách cơ cấu mới nhằm đạt được tăng trưởng cao. Các nghiên cứu chứng tỏ rằng các thiết chế về quyền tài sản có tác động mạnh mẽ tới đầu tư, phát triển tài chính và tăng trưởng dài hạn của một quốc gia, rằng hệ thống quyền tài sản đóng vai trò quyết định hoạt động khởi nghiệp ở các nước thu nhập thấp và trung bình.
Lý thuyết lựa chọn công (public choice theory)
Lý thuyết lựa chọn công giải thích sự kém hiệu quả của khu vực kinh tế nhà nước so với khu vực tư nhân dưới góc nhìn chức năng của chính phủ. Đối với nhà chính trị, họ có động cơ sử dụng các nguồn lực và tài sản công vào mục đích duy trì vị thế chính trị của mình hơn là nhằm tối đa hóa lợi ích cộng đồng. Các DN dù chỉ có một phần thuộc sở hữu nhà nước đều chịu sự can thiệp của nhà nước, chịu áp lực duy trì việc làm, nhưng thường đó cũng là các công cụ làm giàu cho cá nhân các chính trị gia.
Có thể phân các lý thuyết thành hai nhóm chính, một nhóm cổ vũ cải cách theo hướng tư nhân hóa; một nhóm nhấn mạnh kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường. Mỗi trường phái đều có điểm mạnh và điểm yếu.
Tuy nhiên, thực tiễn thế giới cho thấy xu hướng tư nhân hóa đi kèm sự thoái lui của kinh tế nhà nước, phù hợp hơn với các luận điểm ủng hộ sự phát triển của kinh tế tư nhân, mặc dù vai trò quan trọng của nhà nước trong việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiến tạo phát triển, xây dựng và bảo đảm tuân thủ luật pháp trong nền kinh tế thị trường.
Trên quan điểm “đi sau”, “đứng trên vai người khổng lồ”, tất cả các công trình đã có đều là di sản quý, là nền tảng tốt cho việc tiếp tục nghiên cứu đề tài này.
4. Sự khác biệt của cách tiếp cận “TPKT” và cách tiếp cận “Khu vực Kinh tế”
Cách tiếp cận “TPKT” xuất phát từ lập trường giai cấp; việc xây dựng hệ thống chính sách kinh tế (phân bổ nguồn lực, tạo lập môi trường kinh doanh) đặt trên nền tảng quan điểm đối kháng, xung đột lợi ích, không bình đẳng về tư cách chính trị - xã hội (theo lập trường giai cấp - XHCN) của các TPKT.
Cách tiếp cận “Khu vực Kinh tế” xuất phát từ sự thừa nhận sự khác biệt chức năng (trong hệ thống phân công lao động xã hội) và sự bình đẳng trong cạnh tranh thị trường giữa các chủ thể thuộc các chế độ sở hữu khác nhau. Nguyên tắc xây dựng chính sách dựa vào sự khác biệt về chức năng trong hệ thống sản xuất của cải vật chất của mỗi chủ thể, tôn trọng sự bình đẳng về tư cách chính trị - xã hội của các chủ thể.
Logic của cách tiếp cận “TPKT” gắn với tư duy “phủ nhận kinh tế thị trường tự do”, dẫn tới phân biệt đối xử trong chính sách, kỳ thị trong hành động thực tiễn, nhằm mục tiêu chính (tối thượng) là ra sức kiềm chế sự phát triển của kinh tế tư nhân, triệt tiêu các lực lượng kinh tế “đối kháng” với “chế độ công hữu”, dành ưu đãi và các điều kiện thuận lợi tối đa cho lực lượng kinh tế XHCN.
Logic của cách tiếp cận “Khu vực Kinh tế” giả định cơ chế cạnh tranh thị trường (tự do), Đây là căn cứ để xác định thái độ chính sách và cơ chế kinh tế [có thể ưu tiên nhưng là ưu tiên theo chức năng kinh tế chứ không phải theo “tư cách chính trị - xã hội”, ưu tiên không phá vỡ nguyên lý cạnh tranh thị trường (không phân biệt đối xử theo hình thức sở hữu).
PGS.TS Trần Đình Thiên
[1] Hệ thống Tài khoản Quốc gia (SNA) của LHQ và Hướn dẫn Thống kê Tài chính Chính phủ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (GFSM2001) phân loại nền kinh tế thành 5 khu vực thể chế: hộ cá thể; DN phi tài chính; DN tài chính; chính phủ; và các định chế phi lợi nhuận phục vụ hộ gia đình.
[2] TPKT và sở hữu (ownership) là khái niệm tương đồng, chúng tôi sử dụng khái niệm sở hữu trong tài liệu này để có sự tương thích với các nghiên cứu học thuật trên thế giới.