Trong thế kỷ XXI, khoa học và công nghệ tiếp tục phát triển và đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế xã hội của mỗi quốc gia. Tri thức được xác định là lực lượng sản xuất trực tiếp và là động lực phát triển hàng đầu đối với mọi quốc gia. Để phát triển bền vững, các quốc gia phải tiếp tục đẩy mạnh đầu tư phát triển khoa học và công nghệ nhằm ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất, đặc biệt là những thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhằm tạo ra các sản phẩm và công nghệ sản xuất mới.
1. Những xu hướng phát triển khoa học và công nghệ toàn cầu
Một là, xu hướng liên kết, hợp tác và phân công lao động quốc tế trong nghiên cứu khoa học và công nghệ ngày càng tăng.
Trong bối cảnh thế giới mới hiện nay, để tận dụng các cơ hội, hạn chế các tác động tiêu cực của quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, các nước, đặc biệt là các nước đang phát triển phải tăng cường liên kết, hợp tác về khoa học và công nghệ với các nước khác. Hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học và công nghệ cho phép các chủ thể, các quốc gia khai thác được các thành quả nghiên cứu mới về khoa học và công nghệ của thế giới, tận dụng được vốn, công nghệ, nhân lực của đối tác và để phát huy lợi thế so sánh của mình trong nghiên cứu khoa học và công nghệ. Mức độ hợp tác quốc tế tùy thuộc vào tiềm lực và khả năng khoa học và công nghệ của từng quốc gia. Thông thường những nước đang phát triển tham gia tích cực hơn trong hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ, bởi vì các nước này muốn tiếp cận các công nghệ tiên tiến từ bên ngoài, từ đó nâng cao năng lực công nghệ nội sinh của mình.
Do vậy, hình thức đồng tác giả, đồng sáng chế quốc tế tăng nhanh và trở thành hình thức hợp tác khoa học phổ biến trên thế giới. Các hoạt động khoa học và công nghệ đang có xu hướng chuyển từ cá nhân sang nhóm, từ quốc gia sang quốc tế. Tỷ lệ sáng chế toàn thế giới liên quan đến hợp tác quốc tế đã tăng từ 6,6% trong giai đoạn 1996-1998 lên 7,3% trong giai đoạn 2004 – 2006 [1].
Bên cạnh xu hướng liên kết, hợp tác quốc tế trong hoạt động khoa học và công nghệ trên thế giới, xu hướng phân công lao động quốc tế giữa các quốc gia, các doanh nghiệp ngày càng nhiều hơn trong các hoạt động khoa học và công nghệ.
Trên cơ sở ưu thế của mình về năng lực khoa học và công nghệ, từng quốc gia, doanh nghiệp tham gia vào quá trình nghiên cứu khoa học và công nghệ toàn cầu sẽ chuyên môn hoá vào các lĩnh vực nghiên cứu chính và phối hợp với nhau trong việc triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ nhằm đem lại hiệu quả cao nhất trên phạm vi quốc tế.
Sự phân công lao động quốc tế trong các hoạt động khoa học và công nghệ sẽ được tổ chức lại và vận hành theo các hệ thống mới, các nước phát triển sẽ thu hút ngày càng nhiều nhân lực khoa học và công nghệ có trình độ cao, những nhân lực khoa học và công nghệ có trình độ thấp sẽ bị dồn về những nước đang phát triển.
Hai là, xu hướng hướng vào những lĩnh vực khoa học và công nghệ mới gắn với cách mạng công nghiệp lần thứ tư như các ngành công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, công nghệ môi trường, công nghệ sinh học, công nghệ nano...
Những hoạt động khoa học và công nghệ trong lĩnh vực gắn với khai thác tài nguyên thiên nhiên, sử dụng năng lượng hóa thạch, thâm dụng nhiều lao động và nguyên liệu thô, thải nhiều chất bẩn, độc hại ra môi trường sẽ giảm. Cơ cấu công nghệ và cơ cấu sản phẩm sẽ dịch chuyển theo hướng hiện đại, phát triển bền vững. Các thành tựu công nghệ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, Internet kết nối vạn vật, công nghệ in 3D.... được ứng dụng vào trong các ngành kinh tế làm thay đổi bản chất, phương thức sản xuất, kinh doanh, quản trị đặt ra những yêu cầu mới đối với các quốc gia.
Nghiên cứu trong công nghệ môi trường có thể giúp đạt được các mục tiêu bảo vệ môi trường như giảm nhẹ biến đổi khí hậu, kiểm soát ô nhiễm không khí và nước, nâng cao đa dạng sinh học và nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Trong giai đoạn 2002-2007, tỷ lệ tăng trưởng hàng năm trong trích dẫn các bài báo về biến đổi khí hậu (20%) và đa dạng sinh học (18,5%) vượt xa tỷ lệ tăng trưởng tổng số trích dẫn các bài báo khoa học nói chung(15,8%) .
Công nghệ sinh học giúp đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế và xã hội bền vững như giúp cải thiện sức khoẻ cộng đồng, bảo vệ môi trường, sản xuất năng lượng sạch...
Công nghệ nano có tác động lớn tới kinh tế và xã hội ở các quốc gia. Nó giúp thu nhỏ các thiết bị công nghệ thông tin, phát triển nghiên cứu bộ gen và góp phần sản sinh ra năng lượng tái tạo.
Ba là, xu hướng gia tăng và chuyển dịch đầu tư cho khoa học và công nghệ trên thế giới.
Đầu tư cho khoa học và công nghệ sẽ tạo ra những sản phẩm và công nghệ mới, từ đó góp phần đến sự phát triển kinh tế của các quốc gia và doanh nghiệp. Các nguồn đầu tư cho khoa học và công nghệ trên thế giới chủ yếu là từ chính phủ, doanh nghiêp và các tổ chức khác.
Tổng lượng đầu tư cho khoa học và công nghệ trên thế giới tăng gấp đôi trong hơn 10 năm qua, tăng trưởng nhanh hơn so với tổng sản lượng kinh tế toàn cầu. Chỉ số cam kết đầu tư cho khoa học và công nghệ tăng từ khoảng 525 tỷ USD năm 1996 lên khoảng 1.100 tỷ USD năm 2007.[2]
Mỹ là nước dẫn đầu trên thế giới trong đầu tư cho khoa học và công nghệ. Năm 2007, Mỹ đầu tư 369 tỷ USD cho phát triển khoa học và công nghệ, đồng thời lượng đầu tư này đều được gia tăng qua các năm.
Trong giai đoạn 2003 - 2007, đầu tư vào khoa học công nghệ từ ngân sách liên bang của Mỹ liên tục tăng qua. Nếu năm 2003 nguồn đầu tư là 118,1 tỷ USD thì năm 2007 con số này là 137 tỷ USD. Ở Trung Quốc, trong giai đoạn 1995-2003, tốc độ tăng đầu tư cho nghiên cứu và phát triển hàng năm của Trung Quốc đạt con số 20%, theo sau là Singapore với tốc độ tăng trưởng là 15%.[3]
Đầu tư cho khoa học và công nghệ của các quốc gia, doanh nghiệp trên thế giới đã tăng lên đáng kể từ những năm 1980. Xu thế này được đẩy mạnh lên trong những năm 1990 và đến nay trở thành lĩnh vực đầu tư trọng điểm của các quốc gia, đặc biệt là các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc. Nhằm hiện thực hóa kế hoạch “Made in China 2025”, chính phủ Trung Quốc đầu tư 300 tỷ USD để thực hiện 1.078 đề án cấp quốc gia, cấp kinh phí cho 557 tổ chức, 112 trường đại học, 225 tổ chức và cơ sở nghiên cứu, 220 công ty. Theo kế hoạch này, đến năm 2025, Trung Quốc sẽ trở thành một cường quốc chế tạo.
Bốn là, xu hướng tăng cường bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và thống nhất theo các quy định, tiêu chuẩn quốc tế trong các hoạt động khoa học và công nghệ.
Khi tham gia vào quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, các quốc gia, các doanh nghiệp đều phải thực hiện việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với hàng hoá khoa học và công nghệ theo các quy định quốc tế. Việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nhằm hạn chế tối đa hàng giả, đánh cắp, sao chép không trả tiền các bí quyết công nghệ, các sản phẩm hàng hoá khoa học và công nghệ ở các nước bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ yếu. Để đảm bảo việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ trên phạm vi quốc tế, các nước phát triển đã gắn việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ với thương mại quốc tế trong các đàm phán về hội nhập kinh tế quốc tế. Thời gian vừa qua, nhằm hạn chế việc sao chép công nghệ của Trung Quốc, Tổng thống Mỹ D.Trump đã phê chuẩn Luật Ủy quyền quốc phòng năm 2019; điều tra các doanh nghiệp của Trung Quốc như Huawei và ZTE trong việc thu thập thông tin và công nghệ.
Để các kết quả, sản phẩm nghiên cứu khoa học và công nghệ ứng dụng được trên phạm vi quốc tế trong bối cảnh chuyên môn hóa, phân công lao động quốc tế các hoạt động khoa học và công nghệ ngày càng gia tăng, cần phải có hệ thống các quy định về tiêu chuẩn và tiêu chí đánh giá thống nhất giữa các quốc gia. Điều này buộc các nước và các chủ thể khi tham gia vào quá trình nghiên cứu khoa học và công nghệ quốc tế phải tuân thủ những quy định, khuôn khổ, chế độ và tiêu chuẩn quốc tế trong các hiệp định, điều ước quốc tế đã ký kết.
Xu hướng này đòi hỏi các quốc gia phải xem xét, điều chỉnh chính sách, hệ thống pháp luật liên quan và cách thức nghiên cứu khoa học cho phù hợp và hài hòa với những quy định quốc tế.
Năm là, xu hướng tự do hoá các hoạt động khoa học và công nghệ quốc tế.
Để thực hiện các hoạt động khoa học và công nghệ trên phạm vi quốc tế, các quốc gia không được phân biệt đối xử giữa các chủ thể trong nước và nước ngoài trong các hoạt động về đầu tư, thương mại, dịch vụ, di chuyển nhân lực quốc tế….nên đã hình thành nên xu hướng tự do hoá các hoạt động nêu trên. Theo xu hướng này, các nguồn lực và công nghệ của các quốc gia, chủ thể, doanh nghiệp sẽ vượt ra khỏi biên giới của một quốc gia, lưu thông, dịch chuyển trên quy mô quốc tế, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các hoạt động khoa học và công nghệ toàn cầu.
Trong xu hướng tự do hóa các hoạt động khoa học và công nghệ, các công ty xuyên quốc gia có vai trò quan trọng. Các hoạt động đầu tư của các công ty xuyên quốc gia có hai xu hướng: (1) Xu hướng tập trung vào các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ tiên tiến để khai thác nguồn nhân lực chất lượng cao và đáp ứng nhu cầu thị trường nước sở tại. Do vậy, xu hướng này chủ yếu xảy ra ở các nước có cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu và có thị trường tiềm năng lớn cho các sản phẩm công nghệ cao như nhóm các nước có nền kinh tế đang nổi lên (BRICS); (2) Xu hướng đầu tư của các công ty xuyên quốc gia vào các nước đang phát triển nhằm khai thác tài nguyên và nguồn nhân lực có kỹ năng giản đơn và chi phí thấp. Tuy nhiên các nước đang phát triển có thể thu hút được các hoạt động đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ tiên tiến của các công ty xuyên quốc gia nếu đáp ứng các điều kiện về nguồn nhân lực chất lượng cao và môi trường thuận lợi cho đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ tiến tiến.
Như vậy, xu hướng phát triển của khoa học và công nghệ toàn cầu hiện nay tiếp tục khẳng định tài sản trí tuệ, khoa học và công nghệ có vai trò ngày càng quan trọng, đặc biệt là việc sản xuất ra các sản phẩm khoa học và công nghệ tiên tiến, hiện đại, có hàm lượng tri thức cao, mang lại giá trị lớn.
Những xu hướng này có những tác động lớn đến quá trình phát triển khoa học và công nghệ ở Việt Nam trên cả hai bình diện: cơ hội và thách thức.
2. Những vấn đề đặt ra đối với khoa học và công nghệ của Việt Nam trước xu hướng phát triển khoa học và công nghệ toàn cầu hiện nay
Một là, những cơ hội mà Việt Nam có được trong quá trình diễn ra xu hướng phát triển khoa học và công nghệ toàn cầu.
- Cơ hội tham gia, hợp tác trong các hoạt động khoa học và công nghệ toàn cầu. Trong xu hướng phát triển khoa học và công nghệ thế giới, sân chơi toàn cầu bình đẳng hơn, liên kết ngang mạnh hơn. Các quốc gia, công ty đều có thể tham gia các hoạt động khoa học và công nghệ toàn cầu một cách dễ dàng, nhanh chóng, nếu có đủ năng lực. Các nước phát triển, các công ty xuyên quốc gia có xu hướng hợp tác, chuyển một phần hoạt động nghiên cứu sang các nước khác nhằm khai thác các lợi thế của quốc gia đó về khoa học và công nghệ như có thể chế thuận lợi, có tiềm năng về nhân lực chất lượng cao và thị trường tiêu thụ tốt..., từ đó, làm gia tăng việc hợp tác và chuyển một số hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ của các nước phát triển vào Việt Nam.
- Cơ hội tiếp cận được với các nguồn lực bên ngoài như vốn, công nghệ, nhân lực..., từ đó có thêm nguồn lực để mở rộng các hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ. Nhiều công trình nghiên cứu của các tổ chức, doanh nghiệp, đặc biệt là của các tổ chức, doanh nghiệp vừa và nhỏ nếu chỉ thực hiện bằng nguồn vốn tự có thì sẽ khó thực hiện, nhờ tăng cường hợp tác quốc tế, các chủ thể này có cơ hội tiếp cận với nguồn lực bên ngoài nên rút ngắn được thời gian nghiên cứu và có điều kiện bổ sung thêm vốn, nhân lực quốc tế vào các công trình nghiên cứu khoa học và công nghệ của mình.
- Cơ hội gia tăng đầu tư cho phát triển khoa học và công nghệ ở Việt Nam. Trong xu hướng phát triển của khoa học và công nghệ thế giới, ở các quốc gia, trong đó có Việt Nam, nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ trở thành loại hình sản xuất quan trọng nhất, công nghệ mới trở thành nhân tố hàng đầu trong việc tạo ra năng suất, tăng trưởng và việc làm. Xu thế phát triển mới buộc các doanh nghiệp Việt Nam luôn luôn đổi mới, số doanh nghiệp cũ có công nghệ lạc hậu bị phá sản nhiều nhưng số doanh nghiệp mới dựa vào sáng chế, công nghệ mới, nhất là doanh nghiệp khoa học và công nghệ tăng lên nhanh. Các doanh nghiệp để tồn tại và phát triển phải cạnh tranh theo phương thức mới là phải tạo ra những sản phẩm cá biệt, độc đáo cho một thị trường ngách trên cơ sở nắm vững một bí quyết công nghệ để có thể tham gia mạnh hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Từ đó làm gia tăng đầu tư của các doanh nghiệp cho phát triển khoa học và công nghệ ở Việt Nam.
- Cơ hội hoàn thiện thể chế cho việc phát triển khoa học và công nghệ ở Việt Nam. Trong xu thế phát triển khoa học và công nghệ toàn cầu, để đáp ứng được các quy định được thống nhất tại các hiệp định song phương và đa phương trong quá trình hội nhập quốc tế, Việt Nam phải xây dựng mới các điều luật chưa có, sửa đổi, bổ sung những bộ luật đã có cho phù hợp với luật pháp quốc tế. Chính quá trình này làm cho hệ thống pháp luật, chính sách phát triển khoa học và công nghệ của Việt Nam được hoàn thiện, lành mạnh và đầy đủ hơn theo thông lệ và quy định quốc tếvà làm cho năng lực hoạt động của các cơ quan quản lý hoạt động khoa học và công nghệ được nâng lên và chuyên nghiệp hơn.
Xu hướng mới cũng đòi hỏi Việt Nam phải thực hiện bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tốt hơn và hiệu quả hơn, từ đó sẽ tạo động lực thúc đẩy các các hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ phát triển.
Hai là, những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt trong quá trình diễn ra xu hướng phát triển khoa học và công nghệ toàn cầu.
- Thách thức do việc tiếp nhận những sản phẩm khoa học và công nghệ lạc hậu. Do vòng đời của sản phẩm khoa học và công nghệ làm ra ngày càng ngắn, nên một xu hướng trong hoạt động khoa học và công nghệ là các nước có nền công nghiệp phát triển luôn có nhu cầu thay thế các công nghệ cũ bằng các công nghệ mới được tạo ra dựa trên kết quả của những thành tựu khoa học mới nhất. Các nước này sẽ chuyển giao công nghệ cũ cho các nước có trình độ công nghệ thấp như Việt Nam. Thực hiện điều này, các nước phát triển cùng một lúc đạt được hai mục đích, vừa tận dụng được giá trị còn lại của công nghệ cũ, vừa có điều kiện áp dụng công nghệ mới để nâng cao sức cạnh tranh của mình trên thị trường thế giới.
- Thách thức do tình trạng chảy máu chất xám sang các nước khác. Trong xu hướng phát triển khoa học và công nghệ toàn cầu, nếu không có chính sách phát triển nhân lực đúng đắn sẽ làm tăng thêm tình trạng chảy máu chất xám, thiếu hụt nhân lực chất lượng cao của Việt Nam. Hiện nay, hầu hết các nước đều có chính sách ưu đãi để thu hút các nhà khoa học tài năng làm việc cho họ. Do vậy, nếu không có chính sách trọng dụng nhân lực khoa học và công nghệ chất lượng cao thì sẽ có hiện tượng di chuyển nhân lực này từ sang nước ngoài, làm giảm năng lực nghiên cứu khoa học và công nghệ của Việt Nam.
-Thách thức đối với nhà nước trong việc quản lý và điều tiết hoạt động khoa học và công nghệ. Trong xu thế hoạt động khoa học và công nghệ được mở rộng ở phạm vi quốc tế, khoảng cách về không gian, thời gian giữa các quốc gia trở nên mờ nhạt, các hoạt động khoa học và công nghệ được thực hiện với số lượng lớn, tốc độ nhanh, đồng thời có sự tham gia của các yếu tố quốc tế. Vì vậy, đặt ra những vấn đề phức tạp đối với nhà nước trong việc quản lý, kiểm soát, can thiệp và điều tiết hoạt động khoa học và công nghệ ở tầm vĩ mô. Điều này đòi hỏi những chi phí đáng kể từ nguồn ngân sách nhà nước. Về ngắn hạn, chi phí này bao gồm chi phí cho việc xây dựng, điều chỉnh hệ thống pháp luật, về dài hạn, là những chi phí thường xuyên cho việc bảo đảm tuân thủ hệ thống pháp luật và chi phí tham gia vào các tổ chức quốc tế. Những chi phí này là một gánh nặng tài chính đối với các quốc gia, đặc biệt là những nước đang phát triển có ngân sách eo hẹp như Việt Nam.
3. Một số giải pháp cơ bản tận dụng các cơ hội, vượt qua các thách thức của xu hướng phát triển khoa học và công nghệ toàn cầu
Để tận dụng được các cơ hội và vượt qua các thách thức trong xu hướng phát triển khoa học và công nghệ toàn cầu, Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định mục tiêu, phương hướng phát triển khoa học và công nghệ Việt Nam thời gian tới: “Phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ, làm cho khoa học và công nghệ thực sự là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, kinh tế tri thức, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đến năm 2020, khoa học và công nghệ Việt Nam đạt trình độ phát triển của nhóm các nước dẫn đầu ASEAN; đến năm 2030, có một số lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến trên thế giới”[4]. Để đạt được mục tiêu nêu trên, cần phải thực hiện một số giải pháp cơ bản sau để tận dụng các cơ hội, vượt qua các thách thức do các xu hướng phát triển khoa học và công nghệ trên thế giới mang lại:
Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu, tổng kết lý luận để nhận thức sâu sắc và đầy đủ hơn nữa về các xu hướng phát triển khoa học và công nghệ trên thế giới để nâng cao nhận thức của các cơ quan, doanh nghiệp trong nước, từ đó xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch phát triển các ngành, các lĩnh vực phù hợp với xu thế phát triển khoa học và công nghệ chung của thế giới.
Thứ hai,khuyến khích chuyển giao các công nghệ tiên tiến và hạn chế những công nghệ cũ, lạc hậu từ nước ngoài vào Việt Nam. Nhà nước cần có quy định về thẩm định các công nghệ được chuyển giao vào Việt Nam nhằm tăng cường công tác kiểm tra chất lượng công nghệ thông qua các nội dung như: xác định rõ những tiêu chuẩn, những giới hạn nhất định đối với các công nghệ được chuyển giao; thực hiện sự giám định và kiểm tra đối với các công nghệ được chuyển giao; tổ chức nắm bắt thông tin về năng lực công nghệ, trình độ công nghệ của các quốc gia, tập đoàn quốc tế...
Để khuyến khích việc đầu tư, chuyển giao các công nghệ cao vào Việt Nam, nhà nước phải kịp thời sửa đổi những quy định không phù hợp liên quan đến hoạt động chuyển giao công nghệ cao, hoàn thiện cơ chế thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các ngành công nghệ cao theo hướng: (1) đưa ra các biện pháp ưu đãi lớn cho đầu tư vào ngành công nghệ cao, các ưu đãi này phải mang tính cạnh tranh so với các nước trong khu vực; (2) Thực hiện tốt việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nhằm giúp các đối tác nước ngoài yên tâm khi đầu tư vào vào ngành công nghệ cao ở Việt Nam.
Thứ ba, đổi mới công tác xúc tiến đầu tư và chuyển giao công nghệ theo hướng từ hoạt động xúc tiến chung theo thị trường sang xúc tiến theo địa chỉ nhằm lôi kéo trực tiếp các nhà đầu tư nước ngoài có trình độ công nghệ cao vào Việt Nam đầu tư. Ngoài ra, các cơ quan nhà nước cần chủ động tìm hiểu, đặt quan hệ và tiếp cận với các chủ thể có năng lực khoa học và công nghệ lớn, trình độ cao trên thế giới và khuyến khích họ đầu tư hoặc liên kết với các chủ thể trong nước. Sử dụng các nguyên tắc đối xử tối huệ quốc và đối xử quốc gia trong các hiệp định quốc tế để đấu tranh yêu cầu xoá bỏ những rào cản xuất khẩu công nghệ cao, công nghệ nguồn từ phía nước xuất khẩu công nghệ.
Thứ tư, nhà nước cần phải tạo điều kiện cho các tổ chức, nhà khoa học nước ngoài tham gia giải quyết các nhiệm vụ khoa học và công nghệ do nhà nước đặt hàng. Nhà nước chỉ giao cho các tổ chức khoa học và công nghệ, các nhà khoa học trong nước thực hiện các đề tài, dự án phục vụ trực tiếp trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng, phục vụ cho việc hoạch định chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước. Đối với những nhiệm vụ khoa học và công nghệ khác do nhà nước đặt hàng, nên tạo điều kiện thuận lợi và bình đẳng cho các tổ chức, nhà khoa học nước ngoài tham gia đấu thầu cạnh tranh để thực hiện nhiệm vụ đó. Điều này sẽ giúp nâng cao chất lượng và hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ của nhà nước, giúp nhà nước thực hiện tốt chức năng quản lý của mình.
Thứ năm, hoàn thiện chính sách thu hút đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ trình độ cao từ nước ngoài tham gia các hoạt động nghiên cứu và đào tạo tại Việt Nam thông qua các biện pháp như:
- Trả lương và thu nhập cao. Trả lương và thu nhập cao nhằm thu hút các nhà khoa học nước ngoài đến trao đổi, hợp tác chuyên môn tại tổ chức khoa học và công nghệ, qua đó sẽ có điều kiện để học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn. Tuy nhiên, do nhà nước và các tổ chức khoa học và công nghệ có khó khăn nhất định về tài chính, biện pháp này nên được thực hiện thông qua các chương trình tài trợ theo dự án nghiên cứu quốc tế hoặc thông qua các chương trình hợp tác, liên kết quốc tế khác...
- Áp dụng chế độ ưu đãi đặc biệt để thu hút chuyên gia giỏi nước ngoài và trí thức Việt kiều như tạo điều kiện thuận lợi về xuất, nhập cảnh, về di chuyển quốc tế cho đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ kể cả các thành viên trong gia đình của họ đi cùng; Hỗ trợ về nhà ở và điều kiện làm việc cho các nhà khoa học; Cấp các loại thị thực đặc biệt dành cho các nhà khoa học và cán bộ nghiên cứu; Đơn giản hoá và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học, cán bộ nghiên cứu đến làm việc và định cư tại Việt Nam...
- Thực hiện chính sách khuyến khích hồi hương Việt kiều là những nhà khoa học giỏi đang ở nước ngoài thông qua các biện pháp như kêu gọi tinh thần dân tộc và trách nhiệm xã hội, thực hiện các ưu đãi về kinh tế đối với các Việt kiều hồi hương, chủ động hình thành mạng lưới tập hợp các nhà khoa học trong nước và các Việt kiều ở nước ngoài tham gia tư vấn, đào tạo, nghiên cứu vì lợi ích của Tổ quốc.
Thứ sáu, đẩy mạnh việc bồi dưỡng, đào tạo ở nước ngoài để đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ Việt Nam dần tiệm cận tới trình độ quốc tế. Xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch đào tạo lại cán bộ khoa học và công nghệ ở nước ngoài, trong đó chú trọng việc đi đào tạo ở các nước có tiềm lực khoa học và công nghệ mạnh. Hình thức đào tạo là cử đi nghiên cứu, học tập hoặc hợp tác nghiên cứu với các viện, các trung tâm nghiên cứu quốc tế. Việc này sẽ giúp cho đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ của Việt Nam tiếp thu được những tri thức, công nghệ của nước ngoài, làm quen với môi trường quốc tế và cải thiện trình độ ngoại ngữ. Đối tượng đào tạo tập trung vào đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ đầu ngành, nhất là đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ thuộc các lĩnh vực công nghệ cao và đội ngũ cán bộ trẻ có tiềm năng. Nguồn kinh phí đào tạo có thể sử dụng kinh phí của tổ chức khoa học và công nghệ, hoặc là kinh phí hỗ trợ của nhà nước, các tổ chức nước ngoài thông qua các dự án, đề án, chương trình đào tạo của nhà nước...
Thứ bảy, tăng cường liên kết, hợp tác quốc tế giữa tổ chức khoa học và công nghệ của Việt Nam với các tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài. Thông qua việc tăng cường liên kết, hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ với các tổ chức nước ngoài, các tổ chức khoa học và công nghệ Việt Nam sẽ học hỏi, tiếp thu nhiều tri thức, kinh nghiệm quý báu, từ đó nâng cao năng lực và trình độ của mình. Để thực hiện được việc này, các tổ chức khoa học và công nghệ phải chủ động thực hiện các nội dung sau:
- Tổ chức khoa học và công nghệ Việt Nam nên tích cực tham gia mạng lưới nghiên cứu quốc tế, tham gia vào một số chương trình, đề án nghiên cứu chung với các tổ chức nước ngoài. Chủ động mời các tổ chức nước ngoài và các nhà khoa học quốc tế tham gia vào các đề tài, chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ của mình. Để từ đó học hỏi và đào tạo cán bộ nghiên cứu trình độ cao.
- Khuyến khích các cán bộ khoa học tham gia các hoạt động khoa học và công nghệ với các đơn vị nước ngoài như tham dự các hội thảo, hội nghị quốc tế, trao đổi hợp tác ngắn ngày hoặc dài ngày ở nước ngoài. Cử cán bộ đi đến làm việc tại các cơ quan nghiên cứu của nước ngoài với tư cách là thành viên của nhóm nghiên cứu trong các dự án liên kết, hợp tác quốc tế do nước ngoài chủ trì và tài trợ.
- Hình thành các bộ phận nghiên cứu chung trên cơ sở liên danh, liên kết với đối tác nước ngoài. Để các bộ phận này hoạt động hiệu quả cần có quy chế hoạt động và quản lý bộ phận nghiên cứu phù hợp với đặc điểm của bộ phận này./.
TS. Nguyễn Mạnh Hùng[5]
TS. Lê Thị Hồng Điệp[6]
[1] Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia, Khoa học và công nghệ thế giới – Xu thế đổi mới sáng tạo, Nxb Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội, 2010, tr.19.
[2] Trung tâm thông tin khoa học và công nghệ quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ, Khoa học và công nghệ thế giới - Xu thế R&D và chuyển giao công nghệ quốc tế, Hà Nội, 2009.
[3] Trung tâm Thông tin khoa học và Công nghệ quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ (2007), Khoa học và công nghệ thế giới –Chính sách nghiên cứu và đổi mới, Hà Nội, tr. 34
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 120.
[5] Hội đồng Lý luận Trung ương
[6] Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội