Thứ Năm, ngày 14 tháng 11 năm 2024

Một số kết quả thực hiện Cương lĩnh, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 của ngành Công thương

Ngày phát hành: 28/03/2019 Lượt xem 2756

 

 1. Về phát triển công nghiệp

Công nghiệp đã trở thành ngành kinh tế chủ lực của đất nước với tốc độ tăng trưởng cao nhất trong các ngành kinh tế và có đóng góp lớn nhất cho ngân sách nhà nước (xấp xỉ 55%). Công nghiệp trở thành động lực chính của xuất khẩu Việt Nam với tỷ trọng trên 85% tổng kim ngạch xuất khẩu, qua đó đã đưa năng lực cạnh tranh toàn cầu của ngành Công nghiệp Việt Nam từ vị trí thứ 94 vào năm 1990 lên vị trí 58 vào năm 2009 và thứ 41 vào năm 2017. Một số kết quả nổi bật như sau:

(1) Quá trình phát triển ngành công nghiệp đã đi vào thực chất hơn, sản xuất công nghiệp liên tục được mở rộng và gia tăng cao, đặc biệt là trong 3 năm trở lại đây. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng từ 8,8% năm 2010 lên 10,2% năm 2018. Tỷ trọng trong GDP của nhóm ngành công nghiệp tăng từ 26,6% năm 2011 lên 28,4% năm 2018.

(2) Cơ cấu các ngành công nghiệp đã chuyển dịch mạnh mẽ và tích cực theo đúng định hướng tái cơ cấu ngành (giảm dần tỷ trọng công nghiệp khai khoáng và tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo). Tỷ trọng GDP của nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng từ 13,4% năm 2011 lên bình quân giai đoạn 2011 - 2015 lên 16,0% năm 2018, trong khi đó, tỷ trọng của nhóm ngành khai khoáng giảm từ 9,9% năm 2011 xuống 7,4% năm 2018. Ngành công nghiệp chế biến chế tạo đã trở thành đầu tàu phát triển của toàn ngành công nghiệp với mức tăng trưởng IIP trong các năm gần đây, từ 11,3% năm 2016 lên 12,3% năm 2018.

(3) Một số ngành công nghiệp có qui mô lớn, năng lực cạnh tranh toàn cầu và có vị trí vững chắc trên thị trường thế giới hiên nay như dệt may (đứng thứ 7 thế giới về xuất khẩu với kim ngạch năm 2018 đạt 30,5 tỉ USD), da giày (thứ 3 thế giới về sản xuất và thứ 2 về xuất khẩu với kim ngạch năm 2018 đạt 16,23 tỷ USD), điện tử (đứng thứ 12 thế giới về xuất khẩu, trong đó mặt hàng điện thoại di động đứng thứ 2 thế giới với kim ngạch năm 2018 đạt 49,08 tỷ USD), thủy sản (đứng thứ tư thế giới về xuất khẩu với kim ngạch khoảng 8,8 tỷ USD), đồ gỗ (đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu với kim ngạch năm 2018 đạt 8,9 tỷ USD).

(4) Đã hình thành và phát triển được một số Tập đoàn kinh tế của Việt Nam có tiềm lực tốt hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo như các Tập đoàn VinGroup, Trường Hải, Thành Công trong lĩnh vực sản xuất lắp ráp ô tô;  Vinamilk, TH True Milk trong lĩnh vực sản xuất chế biến sữa và thực phẩm; Tập đoàn Hoa Sen, Tập đoàn Hòa Phát, Công ty TNHH Hòa Bình Minh, Công ty thép Pomina, Công ty Cổ phần thép Nam Kim trong lĩnh vực sắt thép, kim khí. Đáng ghi nhận, việc Công ty VinFast thuộc Tập đoàn Wingroup của Việt Nam chính thức ra mắt hai mẫu xe sedan và SUV là Lux A2.0 và Lux SA2.0, tại Triển lãm ô-tô quốc tế 2018 ở Pa-ri (CH Pháp) - là xe ô tô đầu tiên do Việt Nam sản xuất đã cho thấy những bước chuyển mình mạnh mẽ của các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam.

(5) Công nghiệp trở thành khu vực hấp dẫn nhất trong các ngành kinh tế với qui mô vốn đầu tư chiếm tỷ trọng xấp xỉ 25% trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội, trong đó ngành công nghiệp chế biến chế tạo là ngành thu hút nhiều FDI nhất trong các ngành công nghiệp (chiếm xấp xỉ 80%) với sự tập trung vào các ngành điện tử, dệt may, da giày, thép, năng lượng...

Đáng ghi nhận, một số dự án đầu tư lớn trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã đóng góp lớn cho tăng trưởng công nghiệp nói chung như: Dự án Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2 với tổng vốn đầu tư 2,79 tỷ USD; Dự án Samsung Display Việt Nam với tổng mức đầu tư 6,5 tỷ USD; Dự án nhiệt điện BOT Nam Định 1 với tổng vốn đầu tư 2,07 tỷ USD; Dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương của Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa với tổng mức đầu tư là 9,8 tỷ USD; Dự án Tổ hợp nhà máy sản xuất ô tô, xe máy điện VinFast của Vingroup với tổng mức đầu tư 5 nghìn tỷ đồng); Dự án Nhà máy sản xuất ô tô Thaco Mazda (tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng); Nhà máy sản xuất ô tô Huyndai Thành Công (tổng vốn đầu tư 1.320 tỷ đồng)...

(6) Công nghiệp hỗ trợ đã dần được hình thành, sản xuất linh kiện, cụm linh kiện, góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và giá trị gia tăng trong các ngành công nghiệp. Đến nay, tỷ lệ nội địa hóa của một số ngành công nghiệp tại Việt Nam đã được cải thiện, cụ thể: (i) Đối với ngành điện tử: tỷ lệ nội địa hóa các ngành điện tử gia dụng là 30 - 35% nhu cầu linh kiện; và điện tử phục vụ các ngành ô tô - xe máy khoảng 40% - chủ yếu cho sản xuất xe máy; (ii) Đối với ngành sản xuất, lắp ráp ô tô: xe tải đến 7 tấn đáp ứng khoảng 70% nhu cầu, với tỷ lệ nội địa hóa trung bình 55%; xe khách từ 10 chỗ ngồi trở lên đáp ứng khoảng 90% nhu cầu, với tỷ lệ nội địa hóa đạt từ 20 - 50%. Số doanh nghiệp CNHT đã tăng rất nhanh trong hơn 2 năm qua với khoảng trên 1.800 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện và hơn 1.500 doanh nghiệp sản xuất nguyên vật liệu cho ngành dệt may, da giầy, tạo ra hơn 550.000 việc làm.

(7) Qui hoạch lại không gian lãnh thổ các ngành công nghiệp, cụm ngành công nghiệp tập trung đã từng bước được thiết lập, qua đó hình thành chuỗi cung ứng của các ngành công nghiệp, tạo điểu kiện cho các doanh nghiệp công nghiệp tham gia sâu, có hiệu quả vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị, phân phối trong nước và toàn cầu, góp phần thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo theo hướng bền vững. Đã hình thành được một số cụm ngành công nghiệp tập trung và tham gia sâu, có hiệu quả vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị, phân phối trong nước và toàn cầu (Cụm dệt may ở khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, Khu phức hợp cơ khí ô tô Chu Lai - Trường Hải tại Khu kinh tế mở Chu Lai, KCN Bắc Thăng Long…).

2. Về xuất nhập khẩu và hội nhập quốc tế về kinh tế

Thành công trong phát triển xuất nhập khẩu của Việt Nam luôn gắn liền với quá trình mở cửa thị trường và hội nhập quốc tế về kinh tế. Kể từ sau khi gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) vào năm 2007, tới nay Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết tới 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 12 FTA đã ký kết và đi vào hiệu lực[1], 01 FTA đã kết thúc đàm phán và rà soát pháp lý (FTA Việt Nam - EU) và 03 FTA đang đàm phán[2]. Các FTA này đã và đang mở rộng cánh cửa thị trường cho Việt Nam với hơn 60 nền kinh tế, trong đó có 15/20 nước G20, là cơ hội để Việt Nam kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu. Có thể nói, Việt Nam đã trở thành một cửa ngõ quan trọng bậc nhất thế giới khi giờ đây đầu tư vào Việt Nam là có thể tiếp cận được với hầu hết các thị trường lớn của thế giới. Độ mở thương mại của quốc gia hiện nay đạt trên 200% GDP. Qua đó, đã góp phần cải thiện thành tích xuất khẩu của Việt Nam trên bảng xếp hạng về thành tích xuất khẩu toàn cầu (theo WTO) với vị trí 26 vào năm 2017 trong số các quốc gia có thành tích xuất khẩu lớn nhất thế giới (từ vị trí thứ 50 vào năm 2010).

Đáng lưu ý là Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã chính thức được Quốc hội Việt Nam thông qua và có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14/01/2019 đã mở ra một khu vực thị trường chiếm xấp xỉ 20% qui mô thương mại toàn cầu.

Một số kết quả nổi bật như sau:

(1) Hoạt động xuất nhập xuất khẩu là điểm sáng trong phát triển thương mại của Việt Nam trong những năm trở lại đây. Tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã tăng từ 96,91 tỷ USD năm 2011 lên 176,58 tỷ USD năm 2016, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 18,9%/năm trong giai đoạn 2007 - 2011 và 11,4%/năm trong giai đoạn 2012 - 2016. Năm 2017, Việt Nam lần đầu tiên đạt kim ngạch xuất khẩu vượt qua con số 200 tỷ USD và tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng cao trong năm 2018 với 244,7 tỷ USD (tăng 13,8%).

Nếu như năm 2007, Việt Nam chỉ có 11 nhóm hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD thì đến hết năm 2011, Việt Nam có 21 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 81% tổng kim ngạch xuất khẩu; đến năm 2018 là 29 mặt hàng (trong đó có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD), chiếm 91,67% tổng kim ngạch xuất khẩu.

(2) Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tăng tỉ trọng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực kinh tế tư nhân, giảm tỉ trọng xuất khẩu khu vực kinh tế nhà nước phù hợp với mục tiêu và lộ trình thực hiện Chiến lược phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030. Tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến, chế tạo trong tổng kim ngạch xuất khẩu ngày càng tăng, từ 63,46% vào năm 2011 lên 82,84% vào năm 2018, trong khi nhóm nhiên liệu, khoáng sản giảm từ 11,6%, năm 2011 xuống còn 1,9% vào năm 2018.

(3) Thị trường xuất khẩu được mở rộng theo hướng đa dạng hóa, đa phương hóa thị trường xuất khẩu với hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ có quan hệ thương mại với Việt Nam. Đặc biệt, Việt Nam đã khai thác có hiệu quả các quốc gia mà Việt Nam đã ký kết FTA với việc tất cả các thị trường có FTA của Việt Nam đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao so với thời điểm trước khi có FTA như Chi Lê (tăng khoảng 5 lần từ năm 2013), Ấn Độ (tăng khoảng 10 lần từ năm 2009), Hàn Quốc (tăng khoảng 19 từ năm 2007), Trung Quốc (tăng khoảng 13 lần từ năm 2004).

(4) Chuyển dịch cơ cấu về thành phần xuất khẩu đã có dấu hiệu tích cực khi xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước đã có mức tăng trưởng cao vượt khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Năm 2018, khối doanh nghiệp trong nước xuất khẩu khoảng 69,2 tỷ USD, tăng 15,9%, cao hơn mức tăng trưởng xuất khẩu chung và cao hơn mức tăng trưởng của khối doanh nghiệp FDI là 13,6% (không kể cả dầu thô).

(5) Thực hiện có hiệu quả công tác kiểm soát nhập khẩu, nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu đã tăng trưởng chậm lại và nhập khẩu các mặt hàng cần thiết cho sản xuất, tiêu dùng trong nước cũng như các mặt hàng nhập khẩu phục vụ gia công, xuất khẩu đều tăng. Nhập khẩu của nhóm hàng hóa phục vụ sản xuất để xuất khẩu và hàng hóa thiết yếu luôn chiếm gần 90% (năm 2016 chiếm 88,5%, năm 2018 chiếm 88,7%); nhập khẩu của nhóm hàng không khuyến khích nhập khẩu chỉ chiếm dưới 10% (năm 2016 là 2,7% và năm 2018 chỉ còn 0,5%).

(6) Việt Nam đã khai thác hiệu quả quá trình hội nhập gắn mở rộng tăng trưởng xuất khẩu với kiểm soát có hiệu quả hoạt động nhập khẩu và dịch chuyển thành công Việt Nam từ một quốc gia liên tục nhập siêu sang xuất siêu trong 3 năm trở lại đây với mức thặng dư thương mại đạt mức kỷ lục vào năm 2018 (khoảng 7,2 tỷ USD) là mức cao nhất từ trước đến nay (năm 2016 thặng dư 1,68 tỷ USD, năm 2017 thặng dư 2,112 tỷ USD.

 

3. Về phát triển thương mại nội địa và thương mại điện tử

Trong gần 10 năm qua, thương mại nội địa luôn giữ vững được đà tăng trưởng ổn định, từ mức 1.007,4 nghìn tỷ đồng vào năm 2008 lên 4.395,7 nghìn tỷ đồng năm 2018. Tốc độ tăng của mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ xã hội trong giai đoạn 2008 - 2018 đạt cao ở mức 17,5% (theo giá thực tế), qua đó đã cùng với xuất khẩu và công nghiệp chế biến, chế tạo là trụ đỡ quan trọng để góp phần vào bảo đảm thực hiện mục tiêu tăng trưởng của ngành Công Thương nói riêng và nền kinh tế đất nước nói chung. Một số kết quả chủ yếu đạt được như sau:

(1) Việt Nam đã trở thành một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất toàn cầu (đứng vị trí thứ 6 trong nhóm 30 quốc gia có tiềm năng và mức độ hấp dẫn đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ toàn cầu theo chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu (GRDI) của Công ty tư vấn A.T Kearney). Đây là kết quả của sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu trong nước và mức độ mở cửa nhanh chóng trong lĩnh vực dịch vụ bán lẻ từ kết quả của các FTA đã ký kết trong thời gian qua.

(2) Hệ thống hạ tầng thương mại phát triển nhanh với việc chuyển dịch mạnh mẽ từ hệ thống thương mại truyền thống (chợ) sang hệ thống hạ tầng hiện đại (siêu thị và trung tâm thương mại). Tỷ trọng về số lượng hệ thống thương mại hiện đại trong hệ thống hạ tầng thương mại chung đã gia tăng nhanh từ 7,2% năm 2010 lên 11,22% vào năm 2017 và đạt mức tăng trưởng rất cao (72,59%) trong giai đoạn 2010 - 2017, cao hơn rất nhiều so với hệ thống phân phối truyền thống (chỉ 0,5%). Đến nay, Việt Nam có khoảng gần 1.000 nghìn siêu thị (tăng khoảng 5 lần so với năm 2005) và 200 Trung tâm thương mại (tăng gần 7 lần so với năm 2005) với thị phần bán lẻ chiếm khoảng 25 - 26% tổng mức bán lẻ (theo đánh giá của Nielsen Việt Nam).

(3) Cơ cấu chủ sở hữu hệ thống hạ tầng thương mại ngày càng đa dạng với sự xuất hiện của khu vực ngoài nhà nước, trong đó có sự xuất hiện của hệ thống các doanh nghiệp FDI và sự lớn mạnh nhanh chóng của một số doanh nghiệp lớn trong nước đã góp phần hiện đại hóa ngành bán lẻ. Đến nay, thị phần của của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bán lẻ chiếm khoảng 17% thị phần bán lẻ qua trung tâm thương mại, siêu thị, 70% thị phần qua cửa hàng tiện lợi, 15% thị phần siêu thị mini với một số thương hiệu lớn như Central Group, AEON Group, E-Mark, Lotte Mart...

Các thương hiệu bán lẻ trong nước cũng đã và đang phát triển mạnh mẽ, đáng ghi nhận là sự phát triển nhanh với qui mô lớn của một số doanh nghiệp trong nước như Saigon Co.opmart, Hapro, Satra, VinGroup với tốc độ phát rất nhanh (đến hết 2018, Saigon CoopMart đã mở được khoảng hơn 600 siêu thị trên toàn quốc; Vingroup đã mở được hơn 100 siêu thị Vinmart và 1.400 cửa hàng Vinmart+...).

(4) Thực hiện tốt công tác kết nối cung cầu nhằm gắn kết tạo nguồn hàng ổn định giữa các nhà sản xuất trong nước với các hệ thống phân phối lớn trên toàn quốc và đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng nông sản tại thị trường trong nước thông qua hệ thống phân phối truyền thống và hiện đại. Tỷ lệ hàng Việt Nam các hệ thống phân phối bán lẻ luôn chiếm tỷ trọng áp đảo như: (1) đối với hệ thống siêu thị trong nước luôn ở mức trên 90% như: Co.opmart (90 - 93%), Satra (90-95%), Vinmart (96%), Vissan (95%), Hapro (95%)...); (2) tỷ lệ hàng Việt Nam tại các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại nước ngoài tại Việt Nam chiếm từ 68% đến 95%, cụ thể: Lotte, Big C (90%), AEON - Citimart (82 - 85%), Auchan (65%), TTTM Emart (96%), TTTM Saigon Centre (68%); (3) Tỷ lệ hàng Việt Nam tại các chợ truyền thống, cửa hàng tiện lợi chiếm tỷ lệ từ 60% trở lên, trong đó, nhóm mặt hàng Việt Nam có tỷ lệ cao là những hàng hóa Việt Nam có thế mạnh về điều kiện sản xuất, nguyên liệu đầu vào như: nông sản, lương thực, thực phẩm (tươi sống).

(5) Thương mại điện tử đã trở thành một xu hướng phát triển mạnh mẽ trong những năm trở lại đây với sự hỗ trợ của các phương thức thanh toán điện tử với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt trên 27%/năm và chiếm tỷ trọng này càng cao trong tổng doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng (từ 2,12% vào năm 2014 lên 3% vào năm 2017). Doanh thu từ hoạt động thương mại điện tử tăng liên tục qua các năm từ 2,97 tỷ năm 2014 (chiếm 2,12%) lên 6,2 tỷ USD vào năm 2017. Đến nay, khoảng 50% thị phần bán lẻ của Việt Nam của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không thông qua cửa hàng mà qua bán hàng trực tuyến qua Internet, truyền hình, điện thoại...). 

4. Về hoàn thiện thể chế và chính sách

Bao trùm lên tất cả thành công sau gần 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên xã hội chủ nghĩa (bổ sung, phát triển năm 2011); gần 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 và gần 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng của Bộ Công Thương đó chính thành công của công tác hoàn thiện thể chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh gắn liền với cải cách thủ tục hành chính và triển khai dịch vụ công trực tuyến và tổ chức bộ máy hoạt động của Bộ theo hướng tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả.

(1) Về hoàn thiện thể chế: Trong giai đoạn 2011 - 2018, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành được 13 dự án Luật, 75 Nghị định, trong đó có nhiều Bộ Luật quan trọng như Luật Quản lý Ngoại thương; Luật Cạnh tranh; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Điện lực..., trong đó, 3 năm trở lại đây được coi là trọng tâm xây dựng thể chế của ngành Công Thương với số lượng văn bản qui phạm pháp luật được xây dựng và ban hành nhiều nhất trong nhiều năm qua. Kể từ đầu năm 2016 đến nay, Bộ Công Thương đã trình ban hành 2 Dự án Luật, 33 Nghị định, 11 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 126 Thông tư. Đáng ghi nhận là sau một quá trình dài nỗ lực xây dựng, Luật Quản lý ngoại thương, Luật Cạnh tranh sửa đổi đã được Quốc hội thông qua tại các Kỳ họp của Quốc hội khóa XIV, qua đó, đã góp phần hoàn thiện thể chế môi trường kinh doanh, đảm bảo khung pháp lý ổn định, minh bạch cho hoạt động của các loại hình doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập ngày càng được mở rộng.

(2) Về xây dựng chính sách phát triển các ngành: Để cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã thiết lập thành các mục tiêu, nhiệm vụ trong các Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, đề án và chương trình hành động tổng thể của ngành Công Thương, cũng như trong các ngành, lĩnh vực cụ thể do Bộ quản lý để tập trung triển khai thực hiện. Trong đó, có thể kể đến một số chính sách quan trọng như: Chiến lược xuất nhập  khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030; Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035; Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Kế hoạch cơ cấu lại ngành Công nghiệp giai đoạn 2018 -2012, xét đến năm 2025; Chiến lược tham gia các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) đến năm 2020; Quy hoạch mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại cả nước đến 2020, tầm nhìn 2030; Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo ; Đề án Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến 2020...

(3) Về cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh: Bộ Công Thương là một trong những Bộ, ngành đi đầu cả nước về cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh. Sau khi đã cắt giảm 675/1216 điều kiện của 27 ngành, nghề thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương trong năm 2017 và đầu năm 2018 (chiếm tỷ lệ 55,5% tổng số điều kiện thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ), năm 2018, Bộ Công Thương đã tiếp tục rà soát, ban hành Quyết định số 3720/QĐ-BCT ngày 11 tháng 10 năm 2018 về Phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương giai đoạn 2019 - 2020. Theo đó, tiếp tục đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa và chuyển hậu kiểm 202 điều kiện trên tổng số 561 điều kiện thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ (tương đương với 36%), nâng tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh của Bộ Công Thương dự kiến đạt 72,1%.

Theo công bố mới nhất của Ngân hàng Thế giới (World Bank) về báo cáo Doing Business 2019 với nội dung là kết quả đánh giá các chỉ số năng lực cạnh tranh năm 2018 của 190 quốc gia/nền kinh tế trên thế giới, môi trường kinh doanh của Việt Nam xếp hạng thứ 69/190 nền kinh tế, trong đó, chỉ số tiếp cận điện năng năm 2018 của Việt Nam thăng hạng vượt bậc, đứng ở vị trí 27 - tăng tới 37 bậc so với xếp hạng năm 2017 và 129 bậc so với năm 2013.

(4) Về cắt giảm và đơn giản hóa các qui trình về cấp phép xuất nhập khẩu: Đến nay, Bộ Công Thương đã xóa bỏ được 420 mã trong tổng số 720 mã HS phải kiểm tra trước thông quan thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương, đạt tỷ lệ xóa bỏ lên tới 58,3%. Hiện nay, trong phạm vi quản lý của Bộ Công Thương, chỉ còn 02 loại sản phẩm phải kiểm tra trước thông quan là tiền chất thuốc nổ và thực phẩm (là các sản phẩm bắt buộc phải kiểm tra trước thông quan theo qui định của Luật An toàn thực phẩm).

Đồng thời, Bộ Công Thương đã thực hiện chủ trương xóa bỏ độc quyền và thực hiện xã hội hóa công tác kiểm tra chuyên ngành một cách triệt để. Bộ đã chỉ định 11 đơn vị đủ điều kiện thực hiện kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm nhập khẩu theo hình thức xã hội hóa. Với vật liệu nổ công nghiệp và dán nhãn năng lượng, Bộ đã chỉ định và cho phép một số tổ chức thử nghiệm trong và nước ngoài, nếu đáp ứng các điều kiện luật định tham gia kiểm tra, đánh giá.

 (5) Về triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT): Tính đến thời điểm hiện tại, tất cả 291 thủ tục hành chính thực hiện ở cấp Trung ương đã được Bộ Công Thương triển khai ứng dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 trở lên; trong đó, có 151 DVCTT ở mức độ 3 và mức độ 4 (Bộ Công Thương trực tiếp thực hiện 143 DVCTT và ủy quyền cho VCCI thực hiện 8 DVCTT) đã được tích hợp trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ, kết nối 11 dịch vụ công trực tuyến với Cổng thông tin một cửa quốc gia, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp.

Bộ Công Thương là 1 trong 2 Bộ đầu tiên kết nối đến Cơ chế một cửa quốc gia với 06 dịch vụ công trực tuyến (VNSW)[3], trong đó có 4 dịch vụ công đã thực hiện ở mức dịch vụ công mức độ 4, doanh nghiệp hoàn toàn không cần đến cơ quan hành chính để làm thủ tục; đồng thời đã kết nối kỹ thuật thành công với Cơ chế một cửa ASEAN (ASW) với các nước: Indonesia, Singapore, Malaysia, Thái Lan về trao đổi C/O mẫu D điện tử do Bộ Công Thương cấp phép. Đây là chứng từ thương mại đầu tiên của Việt Nam được trao đổi dưới dạng điện tử đến Cơ chế một cửa ASEAN, tạo tiền đề để Việt Nam tiếp tục trao đổi, xử lý trực tuyến các chứng từ thương mại khác dưới dạng điện tử với các nước theo các thỏa thuận và cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên[4]. Năm 2017, Bộ Công Thương xếp vị trí số 1/19 Bộ, cơ quan ngang Bộ về chỉ số hiện đại hóa hành chính.

(6) Về kiện toàn, tổ chức lại bộ máy hoạt động theo hướng tinh gọn, hiệu quả: Năm 2017-2018, trên cơ sở  Nghị định số 98/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương, Bộ Công Thương đã thực hiện sắp xếp cơ cấu tổ chức bộ máy, trong đó, các đơn vị hành chính trực thuộc Bộ được sắp xếp từ 30 đầu mối xuống còn 26 đầu mối (giảm 4 đơn vị), số lượng cấp phòng được sắp xếp từ 197 xuống còn 125 phòng, giảm 72 đầu mối và đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường trực thuộc Bộ Công Thương.

 

PV (theo báo cáo của Bộ Công Thương)



[1] Gồm các 08 FTA thế hệ cũ là: Việt Nam – Nhật Bản, Việt Nam – Chi Lê, Cộng đồng kinh tế ASEAN – AEC, ASEAN – Australia - NewZealand, ASEAN – Hàn Quốc, ASEAN – Trung Quốc, ASEAN - Ấn Độ, ASEAN – Nhật Bản; ASEAN – Hồng Kông) và 4 FTA thế hệ mới (Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Việt Nam – Hàn Quốc và Việt Nam – Liên minh kinh tế Á - Âu (Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan.

[2] Gồm các FTA: RCEP (ASEAN+6); Việt Nam - EFTA và Việt Nam - Israel.

[3]  Gồm: (1) Cấp giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D; (2) Cấp phép nhập khẩu tự động xe mô tô phân khối lớn; (3) Cấp phép nhập khẩu các chất làm suy giảm tầng ô-zôn; (4) Cấp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp; (5) Cấp giấy chứng nhận xuất nhập khẩu kim cương thô theo quy trình Kimberley; (6) Khai báo hóa chất nhập khẩu.

[4] Để triển khai thực hiện Quyết định số 2185/QĐ-TTg ngày 14/11/2016 của Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch tổng thể triển khai Cơ chế Một cửa quốc gia (NSW) và Cơ chế Một cửa ASEAN (ASW) giai đoạn 2016-2020, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1989/QĐ-BCT ngày 05/6/2017 về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai NSW và ASW của Bộ Công Thương giai đoạn 2017-2020, Quyết định số 2412/QĐ-BCT và Quyết định số 1313/QĐ-BCT ngày 17 tháng 4 năm 2017 sửa đổi, bổ sung Quyết định số 2412/QĐ-BCT ngày 15 tháng 6 năm 2016 về Quy trình cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa ưu đãi qua Internet.

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết