Từ năm 2013, Chính phủ đã ban hành Quyết định (899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013) phê duyệt đề án Tái cơ cấu Ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tại Quyết định 419/QĐ-TTg ngày 05/4/2017 về Chương trình quốc gia giảm phát thải khí nhà kính thông qua hạn chế mất và suy thoái rừng, trong đó, cao su là 1 trong 4 nông sản được đưa vào thí điểm mô hình phát triển bền vững.
Ngành Cao su Việt Nam đứng vị trí thứ 3 toàn cầu về sản lượng và xuất khẩu cao su thiên nhiên, với sản lượng gần 1,1 triệu tấn trên diện tích gần 1 triệu ha. Cao su thiên nhiên Việt Nam cũng đồng thời được xuất khẩu tới hơn 80 thị trường, chiếm gần 12% tổng sản lượng xuất khẩu toàn cầu. Hiện nay, các nhà sản xuất vỏ xe lớn nhất thế giới tiêu thụ đến 65% lượng cao su thiên nhiên toàn cầu đã cùng thống nhất chủ trương sẽ đi theo hướng phát triển bền vững. Nhiều doanh nghiệp cao su Việt Nam đã cố gắng vươn lên cùng với rất nhiều cải tiến kỹ thuật của các nhà nghiên cứu trong nước được ứng dụng rộng rãi, cao su Việt Nam gần như đang dẫn đầu toàn cầu về năng suất mủ cao su khi đạt bình quân 1,6 – 1,7 tấn/ha/năm. Gỗ từ cây cao su đang trở thành một trong những nguồn nguyên liệu chính cho ngành gỗ Việt Nam, không chỉ cho chế biến xuất khẩu mà cả thị trường nội địa và được coi là một trong những hướng đi nhằm nâng cao giá trị gia tăng của ngành cao su Việt Nam (năm 2017 xuất khẩu gỗ nguyên liệu và sản phẩm gỗ cao su đạt kim ngạch 1,74 tỷ USD, tăng khoảng 13% so với năm 2016 và chiếm khoảng 27,6 % trong tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành cao su).
Trải qua quá trình hình thành và phát triển, Tập đoàn đã duy trì và phát triển vị thế là một Tập đoàn kinh tế công nông nghiệp có quy mô lớn; đa dạng các sản phẩm nông công nghiệp để nâng cao hiệu quả toàn diện của Tập đoàn; đẩy mạnh và tăng cường hàm lượng khoa học - kỹ thuật trong sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị của sản phẩm; tăng dần giá trị sản phẩm công nghiệp, dịch vụ trong tổng giá trị sản phẩm của Tập đoàn; thực hiện chủ trương tái cơ cấu, đa dạng hóa sở hữu trong Tập đoàn thông qua cổ phần hóa để nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, hiệu quả doanh nghiệp và tạo nguồn vốn để phát triển Tập đoàn; chủ động hội nhập quốc tế, tích cực tham gia các tổ chức, hiệp hội ngành nghề để nâng cao thương hiệu và mở rộng thị trường; thực hiện tốt vai trò trong chương trình phát triển Nông nghiệp - Nông dân - Nông thôn của Việt Nam bao gồm phát triển sản xuất kết hợp với cơ sở hạ tầng kỹ thuật, sử dụng người lao động dân tộc, không ngừng tăng năng suất và đảm bảo việc làm, đời sống, thu thập cho người lao động; thực hiện chương trình an sinh xã hội, an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn và ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, đồng thời góp phần thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam với Nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và Vương quốc Campuchia. Để ghi nhận thành tích của Tập đoàn và các đơn vị thành viên về hoạt động sản xuất kinh doanh và các đóng góp cho các hoạt động chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội; Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã được tặng thưởng Huân chương Sao vàng - phần thưởng cao quý nhất của Đảng và Nhà nước ta, là vinh dự và trách nhiệm đối với cán bộ, đảng viên và công nhân viên chức - lao động toàn Tập đoàn. Ngoài ra, nhiều tập thể, cá nhân được tặng Huân, Huy chương và các danh hiệu cao quý khác trong quá trình phát triển của ngành cao su Việt Nam.
Thực hiện phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới các Công ty nông lâm nghiệp thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo văn bản số 2296/TTg-ĐMDN ngày 16/12/2015, theo đó cổ phần hoá đồng thời Công ty Mẹ Tập đoàn cùng 20 đơn vị thành viên và 4 đơn vị sự nghiệp. Từ ngày 01/6/2018, Công ty mẹ - Tập đoàn đã chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần với vốn điều lệ là 40.000 tỷ đồng.
Địa bàn hoạt động của Tập đoàn đóng trên 29 tỉnh, thành phố từ miền Đông Nam bộ, Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung, khu vực Tây Bắc, Đông Bắc và hai nước bạn Lào, Campuchia. Tập đoàn đang quản lý gần 410.000 ha cao su (trong nước hơn 293.000 ha, trong đó phía Bắc trên 28.000 ha, Lào và Campuchia hơn 116.000 ha), quản lý trực tiếp 84 đơn vị thành viên (20 đơn vị là Công ty TNHH MTV do Tập đoàn nắm giữ 100% vốn điều lệ; 27 đơn vị là Công ty con do Tập đoàn nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở lên; 33 đơn vị là Công ty liên doanh, liên kết, đầu tư tài chính do Tập đoàn nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ; 04 đơn vị là đơn vị sự nghiệp có thu do Tập đoàn nắm giữ 100% vốn). Tổng số lao động gần 80.000 người (lao động nữ gần 40%; lao động là người dân tộc gần 28%).
Được sự quan tâm chỉ đạo, định hướng phát triển của Đảng và Chính phủ, cùng với sự lãnh đạo của Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, sự hỗ trợ của các Bộ, ngành Trung ương và cấp uỷ, chính quyền địa phương nơi có đơn vị thành viên của Tập đoàn đứng chân, Tập đoàn được Chính phủ giao thực hiện nhiệm vụ với 04 ngành, nghề kinh doanh chính (Trồng, chăm sóc, khai thác, chế biến và kinh doanh cao su; chế biến gỗ nhân tạo, trồng rừng và sản xuất, kinh doanh các sản phẩm gỗ nguyên liệu và gỗ thành phẩm; công nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm công nghiệp cao su, nguyên phụ liệu ngành công nghiệp cao su; đầu tư kinh doanh các khu công nghiệp trên đất cao su của Tập đoàn chuyển đổi theo quy hoạch sử dụng đất được Chính phủ phê duyệt. Đồng thời thực hiện các ngành, nghề kinh doanh có liên quan như cơ khí; đầu tư, kinh doanh kết cấu hạ tầng và bất động sản; hoạt động tài chính, tín dụng; công nghiệp điện; cấp nước, xử lý nước thải,...).
Các dự án trồng, chăm sóc, khai thác, chế biến và kinh doanh cao su của Tập đoàn, thì các đơn vị tại khu vực miền Đông Nam bộ (khu vực truyền thống từ thời pháp thuộc) có điều kiện thổ nhưỡng, đất đai, khí hậu, ít bị ảnh hưởng gió bão, cơ sở hạ tầng đã đầu tư hoàn chỉnh trong các chu kỳ trước nên đạt hiệu quả cao nhất với tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu năm 2017 là 7,14%; tiếp theo là các đơn vị tại khu vực Tây Nguyên, đạt tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu là 4,32%; các đơn vị tại khu vực Miền Trung những năm qua bị ảnh hưởng bão, lốc gây thiệt hại các vườn cây cao su, do đó một số đơn vị bị lỗ trong năm 2017; tại các khu vực còn lại bước đầu mới đưa vào khai thác nên hiệu quả của các dự án đầu tư chưa đạt như dự kiến.
Các dự án trồng cao su tại phía Bắc mặc dù phải đối diện với nhiều khó khăn thách thức do yếu tố không thuận lợi về mặt điều kiện tự nhiên, tập tục canh tác của người dân địa phương, nhưng với sự quyết tâm của Tập đoàn bằng nhiều giải pháp thực hiện, cây cao su đã dần ổn định và phát triển, thích ứng với điều kiện khắc nghiệt của khu vực miền núi phía Bắc. Đồng thời, cây cao su vừa là cây công nghiệp vừa là cây rừng trồng, do vậy sau 10 năm thực hiện chương trình phát triển cây cao su trên địa bàn các tỉnh đã hình thành được vùng cây công nghiệp tập trung với quy mô lớn, góp phần nâng tỷ lệ độ che phủ của rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, sử dụng các biện pháp bảo vệ chống xói mòn, bón phân hữu cơ cho cây đã góp phần không nhỏ trong việc cải tạo, tăng độ phì nhiêu của đất, bảo vệ môi trường. Việc phát triển cao su cũng giúp xây dựng nông thôn mới, việc đầu tư vườn cây cao su gắn với việc đầu tư đồng bộ về hạ tầng điện, đường, trường, trạm đã góp phần thay đổi, tạo nên diện mạo nông thôn mới nơi vùng dự án.
Các dự án cao su tại Lào và Campuchia được Chính phủ 2 nước đánh giá cao do mang tính xã hội, giải quyết nhiều việc làm, nâng cao thu nhập, dân trí và góp phần đầu tư cơ sở hạ tầng tại những vùng khó khăn của các nước. Với những thuận lợi về vị trí giáp biên, việc đầu tư trồng cao su của Tập đoàn góp phần thắt chặt truyền thống gắn bó keo sơn của ba nước Đông Dương: Việt Nam - Lào - Campuchia.
Các dự án nhà máy chế biến gỗ, Tập đoàn có 03 dự án nhà máy tại Bình Phước, Quảng Trị, Kiên Giang. Là ngành dự kiến có mức tăng trưởng nhanh trên cơ sở các dự án đã hoạt động và đang được đầu tư. Với sản lượng sản xuất gỗ các loại tăng dần qua các năm, cụ thể năm 2012 sản xuất được 464.518 m3 và đến năm 2017 sản xuất được 1.178.570 m3 gỗ các loại. Tập đoàn có khả năng đáp ứng hơn 50% nhu cầu gỗ MDF cả nước. Sản phẩm MDF của Tập đoàn sử dụng cành nhánh cao su nên giá thành nguyên liệu thấp, biên lợi nhuận lên đến trên 30% doanh thu. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của các đơn vị này hàng năm trên 10%.
Các dự án công nghiệp cao su, Tập đoàn đã phát triển và đầu tư vào các dự án công nghiệp sản xuất từ mủ cao su, như: sản phẩm găng tay, băng tải, dây Courroie, cao su kỹ thuật các loại, vỏ xe, nệm – gối cao su, bóng thể thao, chỉ thun,…. Tuy nhiên, hiệu quả nhóm ngành này chưa cao, chỉ tạo tiền đề để phát triển trong các giai đoạn về sau, các dự án này đang chịu áp lực cạnh tranh rất lớn từ các nước sản xuất truyền thống trong khu vực. Tập đoàn hiện đang từng bước tham gia thị trường, xây dựng thương hiệu nhằm đa dạng hoá sản phẩm và nâng cao năng lực chế biến công nghiệp cao su và mang lại hiệu quả cao trong lĩnh vực công nghiệp chế biến mủ.
Các dự án khu công nghiệp, Tập đoàn đang quản lý 12 KCN nằm trên các địa phận thuộc Tp.HCM, tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh với tổng diện tích các KCN là 6.000 ha, trong đó diện tích thương phẩm 4.013 ha, diện tích cho thuê đạt xấp xỉ 60% diện tích thương phẩm cho thuê. Đây là lĩnh vực Tập đoàn có nhiều lợi thế, có tỷ suất lợi nhuận/vốn cao. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu năm 2017 của các đơn vị đầu tư trong lĩnh vực này đạt 24%.
Việc đầu tư ra ngoài doanh nghiệp vào các lĩnh vực, như: tài chính, bất động sản, đầu tư doanh nghiệp khác. Đây là các lĩnh vực đầu tư, kinh doanh mà Tập đoàn đã và đang thực hiện thoái vốn theo chủ trương của Chính phủ và Bộ, Ngành. Đến cuối năm 2017, Tập đoàn đã thu lợi nhuận 273,8 tỷ đồng, dự kiến 2018-2020, Tập đoàn sẽ thoái dứt điểm thoái vốn theo đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt và bảo toàn được vốn nhà nước theo quy định.
Tổng tài sản của Công ty mẹ - Tập đoàn tăng đều qua các năm, năm 2012 là 61.525 tỷ đồng được tăng lên đến 74.631tỷ đồng năm 2017, qua đó cho thấy quy mô tài sản của Tập đoàn ngày càng lớn và phát triển; vốn chủ sở hữu cũng tăng dần qua các năm, từ 40.798 tỷ đồng vào năm 2012 tăng lên 47.892 tỷ đồng vào năm 2017; tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu từ 20,37% vào năm 2012 và giảm xuống còn 5,94% vào năm 2015, sau đó tăng dần đến năm 2017 là 9,87%; hệ số bảo toàn vốn của Công ty mẹ - Tập đoàn luôn lớn hơn 1, cho thấy vốn nhà nước luôn được bảo toàn và phát triển. Kết quả sản xuất kinh doanh hàng năm của Tập đoàn đều có lãi, tỷ suất lợi nhuận trên vốn nhà nước luôn đạt mức cao, luôn bảo toàn được vốn nhà nước, đảm bảo đóng góp ngân sách Nhà nước đầy đủ.
Ngoài ra, Tập đoàn và các đơn vị thành viên còn đóng góp tích cực trong công tác an ninh quốc phòng, trật tự xã hội trên địa bàn. Tập đoàn đã ký quy chế phối hợp, kết nghĩa với 08 đơn vị, cơ quan chức năng (Bộ Tư lệnh các Quân khu 2, 4, 5, 7, Bộ đội Biên phòng, Quân đoàn 4, Tổng cục An ninh, Tổng cục Cảnh sát) để phối hợp với Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, công an, kiểm lâm và các lực lượng khác thống nhất phương án xử lý các tình huống về an ninh, trật tự, phòng cháy chữa cháy nổ để giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại đơn vị và địa bàn, nhất là tại khu vực Tây Nguyên, Tây Bắc và vùng biên giới. Đồng thời thực hiện tốt chương trình an sinh xã hội, vì cuộc sống cộng đồng tại địa phương, nhất là vùng sâu vùng xa, đặc biệt vùng bị ảnh hưởng bão lũ, vùng biên giới gắn với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, góp phần xây dựng mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp giữa Việt Nam với Lào và Campuchia. Từ năm 2012 đến năm 2017, toàn Tập đoàn đã tham gia thực hiện chương trình an sinh xã hội, vì cuộc sống cộng đồng với số tiền trên 334 tỷ đồng, trong đó: thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ tại 03 huyện (KonPlong, Tumơrông thuộc tỉnh Kon Tum và huyện Trạm Tấu thuộc tỉnh Yên Bái) với số tiền trên 12,4 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, ngành cao su gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như sau:
Một: Do đặc thù lĩnh vực Nông nghiệp, Tập đoàn đang quản lý diện tích đất đai lớn, trải trên nhiều địa bàn với các chính sách ưu đãi về đất đai, ngành nghề khác nhau ở các địa phương; cơ chế, chính sách của Nhà nước đã tương đối đầy đủ, tuy nhiên vẫn chưa bao quát hết những tình huống đặc thù của ngành Cao su.
Hai: Công tác quản lý, sử dụng đất đai còn nhiều khó khăn, vướng mắc như: thủ tục đo đạc và đăng ký quyền sử dụng đất khá phức tạp, chi phí liên quan cao; tình hình địa phương thu hồi để phát triển triển kinh tế, xây dựng các công trình công cộng, khu dân cư… gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty và Tập đoàn. Bên cạnh đó mô hình dân góp đất trồng cao su tại khu vực phía Bắc đang triển khai, Tập đoàn tiếp tục hoàn thiện về mặt pháp lý báo cáo các cơ quan thẩm quyền để bảo đảm quyền lợi lâu dài của Tập đoàn và người dân.
Ba: Sản phẩm mủ cao su, gỗ sản phẩm giảm giá liên tục, đến cuối năm 2017 giá chỉ còn bằng 62% giá của năm 2012, hiện nay giá vẫn ở mức thấp hơn so với giá dự kiến; một số các công ty cao su hiện đang đầu tư các dự án trồng cao su còn trong thời gian kiến thiết cơ bản, hoặc mới bắt đầu đưa vào khai thác (tại Campuchia, Lào, Tây Bắc, ...) chưa có nguồn thu lớn, hiệu quả thấp; một số dự án đầu tư với mục tiêu góp phần để giải quyết vấn đề xã hội, môi trường, vì lợi ích cộng đồng nhưng chưa được hưởng cơ chế ưu đãi dành cho Doanh nghiệp xã hội và vẫn phải thực hiện việc đánh giá hiệu quả hoạt động như các doanh nghiệp khác. Bên cạnh đó, sự tác động lớn của biến đổi thời tiết, khí hậu nhất là mưa lớn, lũ lụt xảy ra liên tục đã làm giảm đáng kể năng suất vườn cây kinh doanh và có tác động xấu đến các vườn cây kiến thiết cơ bản, đã làm ảnh hưởng đến kết quả xuất kinh doanh và đánh giá hiệu quả đầu tư của Tập đoàn.
Bốn: Về nguồn vốn cho đầu tư lãi suất thấp bị hạn chế, điều kiện thủ tục cho vay còn nhiều vướng mắc làm ảnh hưởng tiến độ dự án; một vài đơn vị gặp khó khăn, vướng mắc trong thực hiện đầu tư, hoạt động kinh doanh chưa đạt theo dự kiến.
Năm: Hiện nay giá trị thu được từ gỗ cao su của vườn cây cao su sau khi hết chu kỳ thu hoạch mủ chưa được áp dụng chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp của sản phẩm trong ngành nông lâm nghiệp. Tuy nhiên, theo quyết định số 2855/QĐ-BNN-KHCN ngày 17/9/2008 của Bộ NN&PTNT về việc công bố xác định cây cao su là cây đa mục đích, có thể sử dụng cả cho các mục đích nông nghiệp và lâm nghiệp. Do đó, thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh gỗ cao su phải được xem là thu nhập chính trong nông lâm nghiệp và được hưởng ưu đãi về chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp.
Sáu: Ở một số địa phương còn vướng mắc trong giải quyết chính sách miễn giảm tiền thuê đất trong giai đoạn kiến thiết cơ bản (trồng mới cây cao su), chính sách ưu đãi thuế trong sản xuất nông nghiệp.
Bảy: Sự chuyển dịch lao động từ khu vực nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ ngày càng nhiều làm thiếu hụt lao động tại vườn cây cao su, nhà máy chế biến mủ.
Tám: Chính sách về đầu tư của Chính phủ Lào và Campuchia còn nhiều vướng mắc nên làm ảnh hưởng đến việc đầu tư và mở rộng dự án; thủ tục bảo đảm theo yêu cầu của các tổ chức tín dụng nên việc vay vốn gặp khó khăn; Quota xuất khẩu, miễn thuế nhập khẩu phục vụ dự án với thời hạn sử dụng trong 01 năm và mất nhiều thời gian, chi phí do qua nhiều cơ quan, ban ngành nước sở tại; lệ phí visa cho cán bộ làm việc ở Campuchia còn quá cao và không đồng ý duy trì cán bộ đã công tác quá 4 năm tại Campuchia. Mặt khác hiện tượng người dân tái chiếm đất sau khi đã nhận tiền bồi thường; tình trạng khan hiếm lao động, đặc biệt là lao động có tay nghề kỹ thuật trong công tác khai thác mủ cao su.
Từ những kết quả đã đạt được và những khó khăn vướng mắc trên, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam xác định mục tiêu, chiến lược phát triển doanh nghiệp bền vững là một trong những chủ trương quan trọng trong hoạt động của Ngành Cao su Việt Nam để khẳng định “Thương hiệu Cao su Việt Nam” trên thị trường khu vực và thế giới, góp phần thực hiện mục tiêu hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn và sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; thực hiện tốt vai trò trong chương trình xây dựng nông thôn mới kết hợp hài hòa phát triển kinh tế với nhiệm vụ chính trị và an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn và vùng biên giới có đơn vị cao su đứng chân; thực hiện công tác chính trị, ngoại giao giữa Việt Nam với Lào và Campuchia; ổn định việc làm và đời sống cho người lao động, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, Tây Bắc, vùng sâu, vùng xa và đồng bào trong vùng có dự án trồng cao su ở Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và Vương quốc Campuchia với các giải pháp như sau:
1. Tiếp tục duy trì và phát triển vị thế là một Tập đoàn kinh tế công nông nghiệp có quy mô lớn; đa dạng các sản phẩm nông công nghiệp; đẩy mạnh và tăng cường hàm lượng khoa học - kỹ thuật trong sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi cung ứng mủ cao su, gỗ cao su để đảm bảo hiệu quả kinh tế, sản xuất kinh doanh luôn có lãi.
2. Chủ động hội nhập quốc tế, tích cực tham gia các tổ chức, hiệp hội ngành nghề để nâng cao thương hiệu và mở rộng thị trường; tiếp tục thực hiện chủ trương tái cơ cấu, đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; sử dụng nguồn vốn tự có và nguồn vốn tích lũy hàng năm đúng mục đích, hiệu quả và phù hợp với quy định để nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, hiệu quả doanh nghiệp và bảo toàn phát triển vốn.
3. Thực hiện kế hoạch giai đoạn 2016-2020 với tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận trung bình 18%/năm với tổng doanh thu đạt trên 40.000 tỷ đồng, lợi nhuận 9.000 tỷ đồng vào năm 2020. Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu đạt bình quân 20%. Lợi nhuận toàn Tập đoàn trên vốn điều lệ bình quân 17%/năm;
Duy trì tổng diện tích cao su đến 2020 khoảng 400.000 ha, trong đó trong nước khoảng 285.000 ha, nước ngoài 115.000 ha. Sản lượng cao su gia tăng bình quân 15%/năm, đến 2020 khoảng 414.000 tấn. Tăng cường công tác thu mua mủ cao su tiểu điền, tăng sản lượng từ 60.000 tấn hiện nay lên 105.000 tấn vào năm 2020; Sản lượng tiêu thụ xấp xỉ 520.000 tấn năm 2020;
Tăng gấp đôi các sản phẩm như chỉ thun, găng tay, nệm, cao su kỹ thuật với công suất 23.000 tấn/năm hiện nay nay lên 45.000 tấn vào năm 2020. Tiếp tục tìm kiếm đối tác phù hợp để phát triển các sản phẩm chế biến mủ cao su, các loại linh phụ kiện phụ trợ cho các ngành sản xuất khác trong nước;
Tăng công suất gỗ tinh chế và ghép tấm trung bình 10%/năm, sản lượng MDF tăng gấp đôi hiện nay, đạt khoảng 900.000 m3 vào năm 2020; nếu thị trường thuận lợi sẽ tiếp tục đầu tư ở khu vực có vùng nguyên liệu dồi dào như Tây Nguyên, Miền Trung, để tiếp tục nâng công suất vào sau năm 2020;
Khai thác hiệu quả các khu công nghiệp hiện có, mở rộng giai đoạn 2 một số khu vực thuận lợi và đã có quy hoạch;
Chuyển khoảng 5.000 ha đất phù hợp, thuận tiện giao thông, gần nguồn nước sang sản xuất sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao với doanh thu đến 2020 đạt trên 1.000 tỷ đồng.
4. Thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng tập huấn cán bộ; có chính sách đãi ngộ thích hợp để thu hút lao động, nhất là ở những dự án vùng sâu, vùng xa, Lào, Campuchia; quan tâm công tác đào tạo cho lao động trực tiếp, đặc biệt đối với công nhân là người đồng bào dân tộc.
5. Tuân thủ pháp luật, thực hiện tốt chính sách đối với người lao động, đảm bảo quyền lợi hợp pháp, thu nhập, đời sống của người lao động và tăng cường mối quan hệ tốt đẹp với cộng đồng dân cư địa phương, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật (đường giao thông, trường học, cơ sở y tế, nhà ở công nhân,…) để nâng cao trách nhiệm xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới kết hợp phát triển kinh tế với cơ sở hạ tầng kỹ thuật, sử dụng người lao động dân tộc, không ngừng tăng năng suất và thu thập của người lao động gắn với nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội, an ninh chính trị và an ninh quốc phòng trong phạm vi tổ chức sản xuất của Tập đoàn.
6. Đảm bảo thực hiện đồng thời 3 mục tiêu trong chiến lược phát triển bền vững của Tập đoàn: phát triển kinh tế gắn với trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường. Áp dụng công nghệ tiến bộ trong sản xuất để có trách nhiệm với môi trường như giảm phát thải, sử dụng công nghệ sản xuất sạch, quản lý nguồn nước, không gây ô nhiễm môi trường, không gây tác hại làm suy thoái rừng, không xâm lấn rừng, góp phần phát triển rừng và quản lý rừng cao su theo hướng bền vững; Tiếp tục làm việc và mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước có liên quan để xây dựng mô hình quản lý rừng cao su bền vững theo tiêu chuẩn của Hội đồng Quản lý rừng Quốc tế (FSC) tại các đơn vị và Tập đoàn. Trên cơ sở hợp tác với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF), áp dụng Sổ tay hướng dẫn quản lý rừng cao su bền vững theo tiêu chuẩn chứng chỉ rừng quốc tế để chuyển đổi toàn bộ diện tích rừng trồng cao su của Tập đoàn sang mô hình phát triển cao su bền vững. Nâng cao trách nhiệm xã hội và hỗ trợ cộng đồng dân cư: đảm bảo quyền lợi hợp pháp, thu nhập và đời sống của người lao động; tôn trọng quyền và tăng cường mối quan hệ tốt với cộng đồng dân cư địa phương; tạo điều kiện cải thiện sinh kế cho người lao động và cộng đồng dân cư góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới và xóa đói giảm nghèo của Chính phủ./.
PV (theo báo cáo của Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam)