Thứ Bảy, ngày 02 tháng 11 năm 2024

Một số vấn đề về đổi mới giáo dục, khoa học - công nghệ và kinh nghiệm cầm quyền của Đảng nước Nga thống nhất

Ngày phát hành: 15/02/2019 Lượt xem 3137

I. Đổi mới giáo dục và khoa học - công nghệ

1-Về giáo dục

Nền giáo dục của Nga có truyền thống lâu đời, chất lượng khá cao và mang đậm bản sắc dân tộc Nga. Trong thời kỳ Xô Viết, nền giáo dục đã có những bước phát triển mạnh mẽ, tuy nhiên do bối cảnh lịch sử quốc tế và cơ chế tập trung bao cấp nên hệ thống giáo dục gần như bị khép kín, dần dần mất đi tính năng động. Khi Liên Xô bị tan vỡ, sự thay đổi về chính trị và kinh tế lôi cuốn theo sự thay đổi các lĩnh vực xã hội, trong đó có giáo dục. Quá trình toàn cầu hoá đã bộc lộ rõ những bất cập và yếu kém của hệ thống giáo dục Nga. Nhận thấy sự tụt hậu về giáo dục so với thế giới, đặc biệt là với các nước tiên tiến, cả trong giáo dục phổ thông và trong giáo dục đại học, sau đại học. Giờ đây Nga đang đẩy mạnh đổi mới và hội nhập quốc tế để “tìm lại vị trí của mình trên thị trường dịch vụ giáo dục thế giới” (hiện nay trong thị trường dịch vụ giáo dục thế giới Nga chỉ chiếm khoảng 2%, trong khi Mỹ chiếm gần 40%). Những đổi mới trong giáo dục thể hiện ở những nội dung chính sau :

 

      Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva mang tên M.V. Lomonosov (MGU) . Đây là đại học lớn nhất và lâu đời nhất ở Nga, thành lập năm 1755.

 

Thực hiện phi tập trung hóa quản lí, trao nhiều quyền tự chủ cho các trường học, đa dạng hóa các loại hình trường học, phát triển mạnh các trường dân lập.

Bắt đầu từ những năm 1990-1992,  Nga thay hệ thống giáo dục phổ thông Xô Viết 10 năm trước năm 1990 bằng  hệ 11 năm, gồm cấp tiểu học 4 năm, cấp PT cơ sở (tức trung học cơ sở) 5 năm, cấp trung học hoàn chỉnh (2 năm), đã tiếp tục thí điểm rộng rãi theo hướng giáo dục phân hoá ban đầu ở lớp 9 cuối cấp trung học cơ sở và phân ban sâu ở cấp trung học hoàn chỉnh (hai lớp 10,11).

Năm 2007 Nga công bố Luật liên bang qui định thực hiện giáo dục phổ thông cưỡng bức miễn phí đến hết lớp 11. Trong giáo dục phổ thông còn có hệ trường chuyên và nhiều trường ngoài công lập  gymnazi vừa dạy chương trình phổ thông chung nhưng có thêm chương trình chuyên sâu về một số môn học và một hai ngoại ngữ. Nhà nước đảm bảo cho các công dân Liên bang Nga được hưởng một nền giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp miễn phí.

Giáo dục chuyên nghiệp có sơ cấp, trung cấp, đại học và sau đại học. Nga thực hiện đa dạng hóa các loại hình trường học, phát triển mạnh các trường dân lập, nhất là ở bậc cao đẳng, đại học. Học sinh theo học tại các trường tư thục chiếm khoảng 1% đối với giáo dục mầm non, 0,5% đối với tiểu học, 17% đối với đại học.

Nga đang đẩy mạnh cải cách giáo dục theo hướng phát huy cao các giá trị của dân tộc, đồng thời đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tiếp cận cơ chế thị trường.

Nga đã đưa ra các tư tưởng chỉ đạo giáo dục là “Thuyết tư tưởng Nga” với các nội dung: a) Chủ nghĩa yêu nước; b) Ý thức một cường quốc; c) Nước Nga có đặc điểm lịch sử và con đường phát triển riêng của mình; và d) Đoàn kết xã hội. Học thuyết này được thể chế hóa thành văn bản pháp qui “Học thuyết giáo dục dân tộc Nga” của chính phủ Liên bang Nga.

Nga thực hiện nguyên tắc “Giáo dục được lựa chọn” để gắn giáo dục hơn với thực tiễn : Giáo dục phải có nhiều phương án khác nhau để người học được tự do lựa chọn hình thức học, sách giáo khoa. Phi tập trung hoá, tăng quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục, trao nhiều quyền và trách nhiệm hơn cho các chính quyền địa phương. Cùng với chuyển đổi cơ chế kinh tế, giáo dục Nga cũng phát triển mạnh sang hướng xã hội hoá, tư nhân hoá, các dịch vụ giáo dục phải trả tiền, nhất là trong giáo dục đại học, các trường nổi tiếng, chất lượng cao. Đồng thời cơ sở giáo dục cũng có quyền tiến hành các hoạt động kinh doanh như: cho thuê vốn và tài sản; buôn bán hàng hóa và thiết bị; các dịch vụ trung gian; tham gia vào hoạt động của các cơ quan, xí nghiệp, tổ chức khác... Những hoạt động nào mà thu nhập không được đầu tư trở lại để phát triển cơ sở giáo dục được coi là hoạt động kinh doanh và phải tuân thủ luật doanh nghiệp. Các trường đại học đang được khuyến khích đẩy mạnh gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học và ứng dụng vào thực tiễn theo cơ chế thị trường. Nga cho mở các trường đại học và các chi nhánh trường đại học của Nga ở nước ngoài, đồng thời tiếp tục thu hút học sinh nước ngoài đến học với ưu thế học phí rẻ và chi phí sinh hoạt rẻ.

 

 

Tuy nhiên, quá trình đổi mới giáo dục của Nga cũng gặp không ít khó khăn: Một mặt cơ chế hành chính quan liêu bao cấp vẫn còn tồn tại khá đậm nét, việc tiếp cận cơ chế thị trường gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, khi tiếp cận cơ chế thị trường đã bộc lộ không ít tiêu cực, như : cơ chế quản lý các trường tư thục, cung cấp các dịch giáo dục có thu phí (kể cả đối với các cơ sở công lập) còn những bất cập, tình trạng chạy theo lợi nhuận, mua bằng bán điểm, không đảm bảo chất lượng giáo dục cũng đang là một vấn nạn, bị xã hội phê phán. Hệ thống trường dân lập vận hành còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Tính hàn lâm trong giáo dục vẫn còn khá nặng, mức độ gắn với nghiên cứu và ứng dụng vào thực tiễn vẫn còn nhiều hạn chế.

2. Về đổi mới trong phát triển khoa học- công nghệ 

Trong thời kỳ Xô - Viết, nền khoa học – công nghệ Nga đã có nhiều thành tựu vĩ đại, tầm cỡ thế giới. Tuy nhiên sau khi Liên Xô sụp đổ, nước Nga chuyển đổi mô hình phát triển, thực hiện liệu pháp sốc, nền kinh tế - xã hội rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng. Khoa học – công nghệ của Nga cũng trong trình trạng đó: Kinh phí cho nghiên cứu giảm sút nghiên trọng, hệ thống các cơ quan khoa học bị khủng hoảng, một số tan rã, thể chế quản lý khoa học bị rối loạn, rất nhiều nhà khoa học Nga chạy ra nước ngoài, tình trạng chảy máu chất xám rất nghiêm trọng. Vị thế của nền khoa học - công nghệ Nga bị suy gảm nghiên trọng.

 

Cây cầu mới trên sông Moskva

Sau khi Tổng thống Putin lên cầm quyền mới bắt đầu khôi phục lại và đẩy mạnh đổi mới thể chế phát triển nền khoa học - công nghệ Nga. Những đổi mới được thể hiện trên một số nội dung chủ yếu sau :

Đánh giá rõ thực trạng của nền khoa học - công nghệ Nga : Bên cạnh những điểm mạnh, nền khoa học Xô Viết trước đây, cũng như nền khoa học Nga hiện nay vẫn mang nặng tính hàn lâm, đạt được nhiều thành tựu lớn trong nghiên cứu cơ bản thuộc đỉnh cao của thế giới, nhưng ứng dụng vào thực tiễn còn rất nhiều hạn chế (trừ một số kĩnh vực quốc phòng và một số ít lĩnh vực mũi nhọn). Như đánh giá của nhiều chuyên gia thế giới cho là “khoa học Nga sáng chói nhưng không đi vào được thực tiễn”. Khi đi vào đổi mới nền kinh tế, Nga nhận ra rằng nền kinh tế “đổi mới” đang chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi những tiến bộ KH&CN, biến tri thức thành yếu tố phát triển toàn cầu, chỉ khi thực hiện được đổi mới và phát triển khoa học - công nghệ thì nước này mới có thể đương đầu với những thách thức trong thế kỷ 21. Nga đang cố gắng đổi mới thể chế và vạch ra chiến lược tăng cường và phát triển các lĩnh vực công nghệ cao, coi đó như là một bước đột phá để hiện đại hoá nhanh nước Nga, nâng cao đời sống người dân và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Trong những năm gần đây Nga đã ra những quyết sách xây dựng một nền kinh tế đổi mới gắn liền với vai trò của khoa học - công nghệ. Một trong những quyết sách quan trọng là Nga quyết định xây dựng Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia (HTĐMQG) là một phần không thể tách rời của chính sách kinh tế nhà nước. Chính phủ Liên bang đã thông qua “Những định hướng chính trong chính sách của Liên Bang Nga về sự phát  triển HTĐMQG”, “Chiến lược Phát triển Đổi mới sáng tạo của Liên bang Nga đến năm 2020” với mục tiêu phát triển hơn nữa nguồn nhân lực, kích thích hoạt động đổi mới trong khu vực doanh nghiệp, tạo ra một môi trường thuận lợi cho sự đổi mới trong khu vực công, tăng hiệu quả và năng động của NC&PT và thúc đẩy hợp tác quốc tế trong khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Ngoài ra, Chương trình nhà nước về phát triển KH&CN cho giai đoạn 2012-2020 đã được xây dựng nhầm mục tiêu tập trung nguồn lực vào việc tạo ra một khu vực NC&PT cạnh tranh và hiệu quả như một động lực chính cho hiện đại hóa công nghệ của nền kinh tế. Đặc biệt, nó mở rộng hỗ trợ công cho lĩnh vực công nghệ ưu tiên và cơ sở hạ tầng KH&CN liên ngành. Các văn bản trên đã đặt ra nhiệm vụ tạo lập khu vực R&D và HTĐMQG để phục vụ hiện đại hoá công nghệ và tăng sức cạnh tranh, dựa trên sự hoàn thiện dần và tạo ra cơ chế hoạt động tương tác giữa các bên tham gia trong tiến trình đổi mới.

Đẩy mạnh đổi mới và hình thành hệ thống thể chế tạo sự phát triển khoa học - công nghệ trong điều kiện kinh tế thị trường vẫn đang tiếp tục. Đây là một yêu cầu cấp thiết vì đến nay nhiều yếu tố của hệ thống này vẫn thiếu hoặc phát  triển kém. KH&CN của Nga vẫn còn mang đặc điểm tập trung R&D cao trong khu vực công, hoạt động này của các doanh nghiệp còn kém. Nhiều doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ trong những lĩnh vực mới nổi được thành lập, nhưng rất chậm. Thị trường chứng khoán và vốn mạo hiểm chưa phát triển mạnh, điều này làm hạn chế các dự án đổi mới. Nhìn chung, Nga vẫn đứng sau các nước khác về các tham số chính của triển khai đổi mới. Nga đã thành lập Ủy ban Đổi mới sáng tạo và Công nghệ cao của Chính phủ, cũng như Ủy ban của Tổng thống về Hiện đại hóa và Phát triển Công nghệ của Nền kinh tế Nga để thúc đẩy quá trình đổi mới thể chế phát triển khoa học- công nghệ.

Xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách đổi mới công nghệ. Vì hiện nay mức độ hoạt động đổi mới thấp trong ngành công nghiệp là nguyên nhân chính của việc giảm đáng kể tỷ lệ xuất khẩu công nghệ cao trong tổng xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp. Nga đang đứng trước thách thức trong việc thiết lập một hệ thống đổi mới phù hợp, ở đó các doanh nghiệp và khu vực nghiên cứu có sự liên kết chặt chẽ. Mối liên kết này không chỉ cho phép chuyển giao công nghệ, mà còn cả việc tái sản xuất và tăng trưởng kinh tế. Nhà nước phải là đối tác chính của các chủ thể trong hệ thống này, như một chất xúc tác  và đồng thời là người điều chỉnh các tiến trình, hình thành những điều kiện để tạo ra nhiều  tri thức, tinh thần  kinh doanh và hệ thống thể chế tương ứng.

Đẩy mạnh cải tổ khu vực nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ. Khu vực nghiên cứu là một trong những yếu tố được phát triển nhất của HTĐMQG của Nga. Năm 2006, khu vực này bao gồm 3622 tổ chức với 807.066 nhân viên. Trong đó, lao động khoa học chiếm 48,2%. Mặc dù bị suy giảm nhiều trong quá trình chuyển đổi kinh tế, Nga vẫn là một trong những nước có tiềm năng khoa học to lớn nhất, chỉ đứng sau Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc. Tuy nhiên hoạt động vẫn còn mang nặng tính hành chính bao cấp, sự phát triển các tổ chức khoa học – công nghệ ngoài nhà nước vẫn còn nhiều hạn chế. Phần lớn hoạt động NC&PT của Nga vẫn được thực hiện trong các viện nghiên cứu nhà nước, chủ yếu là tách rời hay thiếu tính liên kết với các công ty công nghiệp và trường đại học.

Cải tổ khu vực nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ được triển khai theo một số hướng sau :

 Đối với Viện Hàn lâm Khoa học Nga và các Viện hàn lâm khoa học chuyên ngành – những tổ chức nghiên cứu khoa học học lớn nhất của Nga : Nhiệm vụ chính của Viện hàn lâm này từ trước đến nay là nghiên cứu cơ bản (sử dụng nguồn ngân sách lớn của Nhà nước), nghiên cứu ứng dụng ít (Viện Hàn lâm này chiếm 2/3 nghiên cứu cơ bản và khoảng 10% nghiên cứu ứng). Sẽ đổi mới cơ chế để thúc đẩy Viện hàn lâm gắn nghiên cứu cơ bản với nghiên cứu ứng dụng và thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Đẩy mạnh phát triển công nghệ nội địa.

Tuy nhiên, do việc cải tổ cơ chế hoạt động của Viện hàn lâm Khoa học là không dễ dàng do ảnh hưởng sâu rộng của cơ chế tập trung, bao cấp cũ và do truyền thống nghiên nhiều về nghiên cứu cơ bản. Chính phủ Nga đã quyết định thành lập các tổ chức nghiên cứu - ứng dụng khoa học và công nghệ mới, như Dự án Skolkovo ở ngoại ô Moskva (một dạng Thành phố khoa học - công nghệ hay Trung tâm - công viên khoa học  công nghệ lớn), và các trung tâm nghiên cứu mới, các Tổng công ty nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao (như Tổng công ty Công nghệ nano - Rusnano) với các cơ chế hoạt động thúc đẩy đổi mới sáng tạo bằng cách tạo ra cầu nối giữa nghiên cứu và bên công nghiệp. Điều này kỳ vọng tạo ra sự cạnh tranh với hoạt động khoa học của Viện hàn lâm khoa học. Như lời của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Khoa học Nga : cần một cuộc cạnh tranh thực sự, Skolkovo là một thách thức mới cho giới trẻ và những thể chế đang tồn tại.

Để thúc đẩy cải tổ hoạt động trong hệ thống nghiên cứu, Chính phủ Nga đã ban hành Quy chế của Trung tâm Khoa học Nhà nước (SSC), mở đường  cho  các  trung  tâm nghiên  cứu công nghiệp có trang thiết bị và hạ tầng riêng. Quy chế này đã cho phép tạo thêm được các quỹ ngân sách từ Chương trình phát triển SSC. Nhiều trung tâm nghiên cứu công nghiệp chiếm những vị trí hàng đầu trong các lĩnh vực KH&CN ưu tiên được quan tâm đầu tư phát triển (vật lý nguyên tử, năng lượng, hóa học, vật liệu mới, chế tạo máy bay, cơ khí, y học, sinh học, công nghệ sinh học, khoa học máy tính, quang học, điện  tử, robot). Đến nay, có  21 trung tâm như trên  thuộc  Bộ Công nghiệp và Năng lượng, 10 trung tâm thuộc Bộ Giáo dục và Khoa học, 6 thuộc Cơ quan Liên bang về Công nghệ nguyên tử, 3 thuộc Bộ Y tế và Bảo trợ xã hội.

Đối với khu vực giáo dục đại học: Khác với Tây Âu, cho đến những năm gần đây, hoạt động của các trường đại học Nga chủ yếu là đào tạo. các trường đại học ở Nga  không đóng vai trò đáng kể trong nghiên cứu khoa học. Trong quá trình cải tổ kinh tế, số lượng các cơ quan giáo dục đại học thực hiện R&D giảm từ 453 năm 1990 xuống còn 417 năm 2006, chiếm 11% tổng số các cơ quan khoa học. Đến đầu năm 2006, chỉ có 37% số trường đại học của Nga tiến hành R&D. Việc cấp kinh phí cho nghiên cứu khoa học ở  trường đại học chủ yếu được thực hiện  thông qua tài trợ, đấu thầu nghiên cứu với các Bộ và hợp đồng với các  doanh nghiệp công nghiệp. Nguồn nhân lực và tài chính của hệ thống giáo dục đại học chỉ chiếm không quá 5% trong HTĐMQG. Đây là một yếu kém nghiên trọng trong hệ thống giáo dục đại học Nga.

Để khắc phục tình trạng các Viện nghiên cứu thuộc Hàn lâm Khoa học Nga không thiết tha với những thay đổi trong cơ chế hoạt động và hệ thống các trường đại học thì chỉ mong có số lượng lớn sinh viên tốt nghiệp hơn là tiến hành các nghiên cứu khoa học và ứng dụng. Nga lần đầu tiên triển khai Chương trình tài trợ nghiên cứu khoa học mới nhằm thu hút các nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới tới các trường đại học Nga (vừa qua đã nhận được 500 hồ sơ nghiên cứu, trong đó 300 là của các nhà nghiên cứu của Nga, và 170 của nước ngoài, số còn lại là các nhà nghiên cứu có hai quốc tịch), với mục đích “khôi phục nền giáo dục đại học Nga hướng tới mô hình các trường đại học nghiên cứu, tạo ra cuộc cạnh tranh quy mô quốc gia cho Danh hiệu trường đại học nghiên cứu và cạnh tranh cho những khoản tài trợ dành cho đổi mới các cơ sở vật chất tại các trường đại học và những dự án nghiên cứu có sự tham gia của bên công nghiệp”. Đây thực sự là cách tiếp cận mới của nước Nga. Đồng thời Nga đã ban hành một loạt các luật liên bang khuyến khích việc tạo ra các công ty khởi nguồn (spin-off) từ các trường đại học và các viện nghiên cứu, cung cấp đồng tài trợ cho nghiên cứu, thúc đẩy hợp tác giữa các công ty và trường đại học và cung cấp hỗ trợ trong việc phát triển cơ sở hạ tầng đổi mới cùa các trường đại học.

Để gắn hữu cơ đào tạo nhân lực trình độ cao với phát triển khoa học – công nghệ, Nga đã tách Bộ Giáo dục và Đại học để thành lập Bộ Giáo dục phục trách quản lý chuyên về giáo dục phổ thông, và sát nhập phần đào tạo đại học với Bộ khoa học - công nghệ thành Bộ đào tạo đại học và khoa học.

Đối với Khu vực doanh nghiệp: Hoàn thiện cơ chế, chính sách để thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu và ứng dụng KH – CN tạo ra các công nghệ và sản phẩm mới có sức cạnh tranh cao là nhiệm vụ quan trọng Nga đang đặt ra. Vì khác với các nước phát triển, ở nước Nga, cho đến nay doanh nghiệp khoa học chưa đóng vai trò lớn. Tiến trình hình thành các công ty công nghệ cao vẫn đang tiến hành với tốc độ trung bình. Điều này khiến cho việc chi tiêu cho R&D trong các doanh nghiệp khoa học thay đổi chậm. Tỷ lệ chi tiêu của khu vực doanh nghiệp cho R&D thấp (năm 2005 là 20,7%; tỷ lệ này là thấp so với các nước phát triển, chẳng hạn ở Mỹ tỷ lệ này  là  66%,  Đức  64,1%,  Canada  49,4%,  Pháp 48,5%, Anh 47,3%). Theo một số thống kê thì các tập đoàn lớn của Nga chi khoảng 100.000 USD mỗi năm cho R&D, thấp hơn nhiều so với các tập đoàn của các nước phát triển).

II. Đảng Nước Nga thống nhất

1- Quá trình phát triển và những thành công

Đảng Nước Nga thống nhất (ER) là một trong rất nhiều đảng phái chính trị khác nhau ở nước Nga hiện nay và đang giành được sự tín nhiệm cao nhất trong Đu-ma quốc gia Nga cũng như của người dân Nga.

 

Quảng trường Đỏ

Ở nước Nga hệ thống chính trị một đảng duy nhất cầm quyền dưới thời Xô Viết được thay bằng hệ thống chính trị đa đảng với nhiều đảng phái chính trị tranh giành quyền lực, dẫn đến tình trạng khủng hoảng chính trị - xã hội trầm trọng, kéo dài ở nước Nga thời "hậu Xô viết" (1991 - 1999). Trong bối cảnh ấy, sau khi được chuyển giao chức vị tổng thống vào tháng 12-1999, ông V. Pu-tin đã hạ quyết tâm đưa nước Nga thoát khỏi cuộc suy thoái, khủng hoảng toàn diện, trong đó có khủng hoảng chính trị - xã hội. Mặc dù vẫn chủ trương giữ nguyên thiết chế chính trị đa đảng ở Nga, song Tổng thống V. Pu-tin muốn hệ thống chính trị đa đảng được điều tiết một cách chặt chẽ, hoạt động hiệu quả hơn theo những nguyên tắc nhất định. Một trong những bước đi đầu tiên của ông là chấn chỉnh, cải cách hệ thống chính trị thông qua hạn chế số lượng chính đảng hiện đang hoạt động quá nhiều trên chính trường Nga lúc bấy giờ; xây dựng hệ thống chính trị đa đảng theo cách tăng cường sức mạnh, vai trò và ảnh hưởng cho các đảng lớn, trong số này, có các đảng đối lập đủ mạnh, chiếm số ghế nhất định trong Đu-ma quốc gia Nga; đặc biệt, một trong những đảng ấy sẽ là đảng "thân chính quyền" hoặc "của chính quyền", đóng vai trò hậu thuẫn, ủng hộ đường hướng, kế hoạch phát triển đất nước của chính quyền nói chung, của Tổng thống nói riêng.

Với mục tiêu đó, Đảng Nước Nga thống nhất (ER) đã chính thức được thành lập vào tháng 4-2001, trên cơ sở sáp nhập hai đảng đang có ảnh hưởng khá lớn lúc bấy giờ là Đảng Tổ quốc - Toàn Nga và Đảng Thống nhất. Tuy nhiên, trong những năm đầu, Đảng ER rơi vào tình trạng trì trệ, hoạt động cầm chừng, tình hình nội bộ đảng lộn xộn, số đảng viên mới tăng không đáng kể, dẫn đến sự suy giảm uy tín và có nguy cơ bị thất bại trong cuộc bầu cử vào Đu-ma quốc gia khóa IV (năm 2003). Đứng trước thực tế đó, giới lãnh đạo của Đảng ER nhận thấy sự cần thiết lựa chọn một gương mặt khác sáng giá hơn giữ chức chủ tịch đảng. Theo gợi ý của Văn phòng Tổng thống, ông B. Grư-dơ-lốp - nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong nội các của Tổng thống V. Pu-tin, đã được Đảng ER lựa chọn. Ông B. Grư-dơ-lốp vốn là một chính trị gia có bản lĩnh chính trị vững vàng, có khả năng làm việc tập thể, luôn ủng hộ đường lối của Tổng thống V. Pu-tin. Động thái đầu tiên khi ông B. Grư-dơ-lốp nhậm chức là sắp xếp lại nhân sự của Đảng ER, nhanh chóng đưa Đảng ER thoát khỏi tình trạng trì trệ. Đầu năm 2003, Đảng ER tổ chức Đại hội Đảng lần thứ II trước thời hạn, tái củng cố đội ngũ lãnh đạo, thông qua Cương lĩnh mới và Điều lệ sửa đổi của Đảng. Văn kiện Đại hội Đảng ER lần này nêu rõ: "Với sự thành lập Đảng Nước Nga thống nhất, trên chính trường và trong xã hội, nước Nga bắt đầu hình thành một "đa số mới". Chính "đa số mới" này sẽ trở thành bộ phận nòng cốt để thực hiện những đường hướng cơ bản mà Tổng thống V. Pu-tin đã vạch ra".

Có thể nói, bước phát triển và thành công thật sự của Đảng ER bắt đầu từ giai đoạn này. Lần đầu tiên trên chính trường Nga, chính quyền hành pháp và cơ quan lập pháp có được sự hợp tác chặt chẽ - điều kiện quan trọng nhằm bảo đảm sự bình ổn chính trị trong nước, điều mà người dân Nga mong đợi. Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2004, Đảng ER đã hậu thuẫn mạnh mẽ cho Tổng thống V. Pu-tin tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai với thành công vang dội.

 

Đoàn khảo sát do GS.TS Tạ Ngọc Tấn làm Trưởng đoàn trao đổi với đại diện Đảng Nước Nga thống nhất (ER)

 

Với đà phát triển trên, Đảng ER tiếp tục giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Đu-ma quốc gia khóa V (tháng 12-2007). Cuộc bầu cử này được coi là có những bước "đột phá" mới. Bởi vì: Thứ nhất, đây là cuộc bầu cử Đu-ma quốc gia đầu tiên lựa chọn 450 đại biểu trúng cử theo danh sách của các đảng tham gia tranh cử (trước đó, Đu-ma quốc gia Nga từ khóa I đến khóa IV lấy số đại biểu theo 2 cách: một nửa (225 ghế) theo danh sách các chính đảng tranh cử, nửa còn lại (225 ghế) theo kết quả bầu cử ở các khu vực bầu cử); Thứ hai, chỉ những đảng giành được ít nhất 7% số phiếu bầu của cử tri mới được tham gia vào Đu-ma quốc gia (trước đây là 5% số phiếu); Thứ ba, Tổng thống V. Pu-tin đứng đầu danh sách tranh cử của Đảng ER, cho dù ông không phải là đảng viên của Đảng này (đây là sự kiện chưa từng có tiền lệ trong lịch sử chính trị thế giới). Những thay đổi này đều nằm trong đường hướng xây dựng nền chính trị nước Nga của Tổng thống V. Pu-tin nhằm hình thành các đảng đối lập đủ mạnh để tăng cường tính cạnh tranh.

Kết quả là, trong số 35 đảng đăng ký tranh cử vào Đu-ma quốc gia khóa V, Ủy ban bầu cử trung ương Nga chỉ phê chuẩn cho 11 đảng đủ điều kiện tham gia tranh cử. Ngày 8-12-2007, Ủy ban bầu cử trung ương Nga đã chính thức công bố kết quả bầu cử Đu-ma quốc gia khóa V, trong đó có tới 7 đảng không hội đủ 7% số phiếu bầu và chỉ có có 4 đảng được phê chuẩn. Đảng ER đã chiến thắng. Với kết quả này, trong cuộc họp đầu tiên của Đu-ma khóa mới (tháng 12-2007), Chủ tịch của Đảng ER - ông B. Grư-dơ-lốp - đã được bầu làm Chủ tịch Đu-ma quốc gia Nga khóa V với số phiếu áp đảo. Đây là chiến thắng vang dội nhất của cả Đảng ER lẫn của Tổng thống V. Pu-tin.

Đảng Nước Nga thống nhất hiện có hơn 2 triệu đảng viên, 2.597 tổ chức ở các địa phương, 53.740 chi bộ đảng trên toàn nước Nga. Đáng chú ý, trong Đảng ER, số đảng viên nữ chiếm số đông (60,3%). Về trình độ học vấn, có 39% đảng viên có trình độ đại học và trên đại học, 32,8% - trung học chuyên nghiệp; 17,4% - trung học…Về vị trí xã hội, 59% đảng viên của Đảng làm việc trong các cơ quan nhà nước; 17,6% - công nhân; 3,8% - cán bộ quản lý… Về độ tuổi, tỷ lệ đảng viên ở các độ tuổi khác nhau từ trẻ đến trung niên khá đồng đều. Đảng viên của Đảng ER phần lớn thuộc tầng lớp trí thức, những người trung niên, giới trung lưu... Đặc biệt, Đảng ER giành được sự ủng hộ rất cao của đông đảo thanh niên Nga. Đây là điều khá đặc biệt.

Đảng ER đã tiến hành sửa đổi một số quy chế của Đảng. Theo đó, chức Chủ tịch Đảng được thiết lập, và Chủ tịch Đảng không nhất thiết phải là đảng viên của Đảng. Bên cạnh chức Chủ tịch Đảng, Đảng ER vẫn duy trì chức Chủ tịch Hội đồng tối cao. Đây là một trong những chủ trương đã có từ trước của Đảng ER nhằm thúc đẩy sự liên kết bền chặt hơn nữa giữa Tổng thống V. Pu-tin và Đảng ER. Ngày 7-4-2008, Tổng thống V. Pu-tin đã chấp nhận lời mời của Đảng ER đảm nhiệm chức Chủ tịch Đảng. Kết quả là trong Đại hội lần thứ IX của Đảng ER họp vào giữa tháng 4-2008, Tổng thống V. Pu-tin đã được bầu làm Chủ tịch Đảng, trở thành người lãnh đạo cao nhất của Đảng ER, tuy ông không phải là thành viên của Đảng. Sau khi nhậm chức, Tổng thống V. Pu-tin đã đưa ra chương trình hành động với một loạt những kế hoạch cải cách Đảng, cụ thể là:

- Đảng ER cần cởi mở hơn trong đối thoại, tranh luận, thông qua việc học cách lắng nghe và nhìn nhận những ý kiến trái chiều của cử tri Nga;

- Xóa bỏ hoàn toàn nạn quan liêu và khai trừ khỏi Đảng những nhân vật hoạt động trong Đảng chỉ vì lợi ích cá nhân;

- Phối hợp thường xuyên, liên kết chặt chẽ hơn với tầng lớp thanh niên, trí thức, doanh nhân, công nhân và nông dân.

Với trọng trách là Chủ tịch Đảng ER, Tổng thống V. Pu-tin hướng tới quản lý hiệu quả hoạt động của Đảng, cải tổ Đảng ER thực sự trở thành một tổ chức chính trị mạnh hơn, hoạt động hiệu quả hơn, cải thiện nhiều hơn hình ảnh của Đảng ER trong con mắt cử tri.

Để thực hiện điều này, sau khi trúng cử nhiệm kỳ tổng thống thứ 4, từ tháng 5 năm 2018, Tổng thống Putin đã đưa ra mục tiêu về an sinh xã hội là: giảm 50% đói nghèo; tăng dân số;  phát triển an sinh xã hội;  tăng tuổi thọ của người dân; để thực hiện điều này cần phải phát triển xuất khẩu các ngành phi nguyên liệu xuất 250 tỷ USD một năm; cải cách lương hưu nghỉ hưu tăng tuổi nghỉ hưu; phát triển khu vực phi nhiên liệu; tăng hiệu quả quản lý nhà nước; phát triển bền vững.

Có thể nói, sau 18 năm cầm quyền uy tín của Đảng gắn với uy tín của lãnh đạo tăng lên, tính chính danh của Đảng cũng được khẳng định. Đảng nước Nga thống nhất biết cách xử lý những vấn đề của Đảng, của nhà nước, biết cách thông tin ra toàn xã hội;  những vấn đề nóng bỏng có thể tổ chức trao đổi trên truyền hình bởi những chuyên gia am hiểu để định hướng xã hội; Nga kiểm soát tốt mạng xã hội và biết cách xây dựng hình ảnh lãnh đạo (hình ảnh lãnh đạo gắn với Đảng cầm quyền);  biết cách phản biện xã hội xử lý hợp lý những phản biện xã hội; Xây dựng đội được đội ngũ kế cận có cả đổi mới và kế thừa, phát triển cán bộ trẻ.

Các cán bộ của Đảng ER cho biết, hai điểm nổi bật trong hoạt động của Đảng ER tạo nên sự tìn nhiệm cao và sâu rộng trong xã hội là : thứ nhất, Đảng ER đã đưa quy trình lựa chọn đảng viên để bầu vào các cấp ủy và giới thiệu đề được bầu vào (hoặc bổ nhiệm vào) các cơ quan nhà nước một cách công khai, lấy ý kiến tín nhiệm trực tiếp của dân (nhất là cấp cơ sở). Chỉ những đảng viên nào được đa số người dân tín nhiệm mới được tổ chức đảng bầu vào cấp ủy các cấp. Việc tổ chức đảng chọn những đảng viên để giới thiệu bầu (hay bổ nhiệm) vào các cơ quan chính quyền cũng phải trong số các đảng viên có tín nhiệm cao trong dân này. Thứ hai, quy trình xây dựng các chính sách của đảng cũng bắt đầu từ lấy ý kiến công khai, trực tiếp của dân. Sau đó, các tổ chức đảng mới thảo luận từ thấp lên cao, kiến nghị lên cấp cao hơn, tới Hội đồng tới cao của đảng. Hội đồng tối cao sẽ hình thành các chính sách đề xuất lên Tổng thống và Chính phủ. Quy trình này vừa đảm bảo lấy được ý kiến sáng tạo, sát thực tế, phản ánh được quan điếm và lợi ích của đa số dân chúng, đồng thời tạo được sự đồng thuận xã hội cao đối với các chính sách của đảng, và cũng là sự lãnh đạo của Tổng thống và Chính phủ. Điều này được thể hiện rõ trong câu nói của Tổng thống V.Putin : “Nền tảng chính trị của Đảng nước Nga thống nhất là thấu hiểu sâu sắc lợi ích của quốc gia, của đất nước”, và trong câu nói của Thủ tướng Medvedev : “Lắng nghe nhân dân – chúng ta sẽ làm được tất cả”

Với những bước phát triển nhanh chóng và vượt bậc như trên, trong số 186 đảng phái đang hoạt động ở Nga hiện nay, Đảng ER đang là đảng mạnh nhất, có nhiều ảnh hưởng nhất trong đời sống chính trị nước Nga. Hiện nay, ngoài việc chiếm đa số áp đảo trong Đu-ma quốc gia, Đảng ER còn chiếm đa số (178 ghế) trong Hội đồng Liên bang và trong cơ quan hành pháp (73/85 ghế Thống đốc). Có thể xem Đảng ER là đảng của những người đi theo chủ nghĩa quốc gia trên một số vấn đề quốc tế, nêu cao lòng tự hào về dân tộc và về những thành tựu của Liên Xô trước đây (cho dù họ nay không phải là những người cộng sản).

2- Nguyên nhân thắng lợi của Đảng ER

Trước hết, Đảng ER đã xây dựng được cơ sở xã hội khá vững chắc và rộng rãi để đứng vững và tạo dựng lòng tin của cử tri Nga trong bối cảnh quốc tế phức tạp, nhất là khi nước Nga đang còn đứng trước nhiều vấn đề nội trị và ngoại giao phải vượt qua.

Hai là, Đảng ER có được sự ủng hộ to lớn và nhiều mặt của chính quyền, đồng thời là cơ sở chính trị - xã hội cơ bản của Tổng thống và Chính phủ. Nói cách khác, những bước phát triển hay thành công của Đảng ER gắn liền với những thành công vang dội trong những năm cầm quyền của Tổng thống V. Pu-tin. Nếu Tổng thống V. Pu-tin trong bốn nhiệm kỳ của mình, có một chỗ dựa, một lực lượng chính trị mạnh trên chính trường làm hậu thuẫn nhằm chấn hưng đất nước, thì Đảng ER có được sự ủng hộ và uy tín của Tổng thống để nâng cao vai trò, vị trí của Đảng trong đời sống chính trị nước Nga.

Ba là, Đảng nước Nga thống nhất xác định: Đảng có sứ mệnh phục vụ cho tổng thống và Chính phủ. Đảng luôn ủng hộ Tổng thống Putin và Chính phủ để tháo gỡ những vấn đề kinh tế xã hội nâng cao đời sống đất nước. Đảng phục vụ Tổng thống thông qua các dự án: Hiện Đảng có 15 dự án để phục vụ cho chính sách của tổng thống, lớn nhất là dự án về sức khỏe y tế nông dân nông thôn và nông nghiệp.

 Đảng phục vụ Tổng thống thông qua việc các tổ chức đảng ở địa phương, cơ sở tiến hành thảo luận kỹ và lấy ý kiến của dân các đề xuất về chính sách xã hội trước khi chuyển cho tổng thống.

Bốn là, Đảng nước Nga thống đã xây dựng được cơ chế hoạt động gắn chặt với nhân dân, thường xuyên lắng nghe, tổng hợp ý kiến của nhân dân tìm ra nhu cầu nổi bật của dân, từ đó đề xuất chính sách cho đường đường lối ứng cử. Người dân trực tiếp tham gia xây dựng Đảng, bầu ứng viên của Đảng; đảng viên vi phạm pháp luật hoặc bị tòa án truy tố đều bị khai trù khỏi đảng.

Kinh nghiệm xây dựng chính sách và lựa chọn những đảng viên để đảng bầu vào các cấp ủy hay giới thiệu tham gia vào các cơ quan nhà nước thông qua sự tín nhiệm của dân từ cơ sở là bài học rất có giá trị./.

                                    Nguyễn Tiến

 (nguồn: BC kết quả nghiên cứu thực tế tại Phần Lan-Nga  của Đề tài KX.04.29/16-20)

 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết