Bức tranh kinh tế toàn cầu năm 2018 đã trải qua giai đoạn "đi ngang" và dần dần xoay chiều mũi tên đi xuống liên quan đến những chính sách thương mại cứng rắn, xu hướng bảo hộ mậu dịch, tiến trình đàm phán Anh rời khỏi EU (còn gọi là Brexit), tình trạng thất nghiệp gia tăng tại nhiều quốc gia, đặc biệt là khoản nợ công toàn cầu… Trước những rủi ro này, các chuyên gia nhận định, kinh tế toàn cầu có thể còn hứng chịu những cú sốc mới khắc nghiệt hơn trong năm 2019.
Những dự báo lạc quan về kinh tế thế giới năm 2018 bị đảo ngược
Đà tăng trưởng vững chắc của kinh tế thế giới năm 2017 cùng những dự báo lạc quan về chỉ số tăng trưởng năm 2018 được đưa ra hồi giữa năm đã bị đảo ngược vào cuối năm. Lần đầu tiên kể từ tháng 7-2016, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã phải hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống 3,7%, giảm 0,2% so với dự báo đưa ra hồi tháng 7.
Trên thực tế, sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế thế giới trong năm 2017 đã khiến giới chuyên gia kỳ vọng vào sự bứt phá mạnh mẽ trong năm 2018 khi kinh tế toàn cầu được cho là trải qua giai đoạn khởi sắc nhất. Tháng 7 vừa qua, các tổ chức quốc tế có uy tín đã đưa ra những dự báo lạc quan cho nền kinh tế thế giới năm 2018, bất chấp lo ngại về xu hướng bảo hộ thương mại gia tăng có thể gây bất lợi cho tăng trưởng kinh tế thế giới cùng những ảnh hưởng từ tiến trình Brexit. Đặc biệt những chính sách như bình ổn giá năng lượng, hàng hóa, lòng tin của các nhà đầu tư, kinh doanh được cải thiện và hiệu ứng của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 được coi là những yếu tố chính khiến kinh tế toàn cầu tăng trưởng.
Mỹ và Trung Quốc tháo gỡ căng thẳng thương mại
Tuy nhiên, thâm hụt thương mại lên tới 568 tỷ USD trong năm 2017 là một trong những nguyên nhân chính khiến chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi động cuộc chiến thuế quan với hàng hóa nhập khẩu từ các đối tác thương mại lớn như Trung Quốc, EU...
Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc bùng phát từ đầu năm đã làm đảo lộn cục diện kinh tế toàn cầu, chặn đà tăng trưởng kinh tế từng được dự báo là khá vững chắc. Chỉ trong vài tháng, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang nhanh chóng đã được dự đoán sẽ gây thiệt hại đối với hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Không chỉ ảnh hưởng tới Mỹ và Trung Quốc, căng thẳng thương mại giữa hai nước cũng đã kéo đà tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu giảm 0,1-0,2 điểm phần trăm trong năm 2018.
Còn đối với EU, việc Mỹ lần lượt áp thuế 25% và 10% đối với các sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu từ EU cho thấy Mỹ tiếp tục coi thuế quan như vũ khí mạnh nhất trong cuộc cạnh tranh kinh tế và cuộc cạnh tranh nhằm khẳng định vị trí cường quốc số một thế giới.
Trong khi đó, các nền kinh tế lớn trên thế giới dù vẫn duy trì được đà tăng trưởng nhưng cũng đã có những dấu hiệu giảm tốc.
Kinh tế Mỹ, nền kinh tế đầu tàu thế giới, đã có dấu hiệu giảm tốc trong những tháng cuối năm, dù vẫn duy trì được tăng trưởng. Nhịp độ tăng trưởng 4,2% của quý II được dự báo sẽ giảm ở mức khoảng trên 3% trong các quý cuối năm, khiến tăng trưởng kinh tế Mỹ có thể sẽ giảm xuống mức 2,4% trong năm 2018 do tác động của căng thẳng thương mại.
Còn với Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, dù đạt được mức tăng trưởng trong ba quý đầu năm 2018, nhưng với con số tăng trưởng 6,5% trong quý III, nước này cũng đã trải qua một quý tăng trưởng thấp nhất trong 9 năm qua. Do ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại với Mỹ, các hoạt động sản xuất và xuất khẩu của Trung Quốc đã bắt đầu chịu tác động. Bên cạnh đó doanh số bán lẻ chững lại, nhu cầu nội địa yếu đi, đầu tư sụt giảm, cùng với thị trường chứng khoán lao dốc, đồng NDT chưa có dấu hiệu phục hồi... cũng là nguyên nhân khiến kinh tế Trung Quốc giảm tốc. Dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc xuống còn 6,6% năm 2018.
Tại châu Âu, tác động của căng thẳng thương mại với Mỹ và tiến trình Brexit cũng làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước EU. Trong đó, Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, trong quý 3 năm 2018 qua đã chứng kiến lần đầu tiên kinh tế suy giảm kể từ năm 2015.
Mặc dù vậy, nền kinh tế châu Á có thể coi là một “điểm sáng” trong tổng thể bức tranh kinh tế thế giới năm 2018. Trong báo cáo cập nhật Triển vọng phát triển châu Á 2018, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vẫn duy trì dự báo mức tăng trưởng của khu vực châu Á 6% cho năm nay.
Nguy cơ hứng chịu những cú sốc mới trong năm 2019
Trong báo cáo triển vọng kinh tế mới nhất, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu vào năm 2019, khi viện dẫn một số trở ngại, trong đó có căng thẳng thương mại đang diễn ra giữa Trung Quốc và Mỹ.
OECD cho biết tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019 dự kiến tăng 3,5%, giảm so với mức dự báo 3,7% được đưa ra hồi tháng 9 vừa qua. Cụ thể, tổ chức có trụ sở tại Paris (Pháp) này điều chỉnh giảm nhẹ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc là 6,3% năm 2019 do hoạt động xuất khẩu và đầu tư vào cơ sở hạ tầng giảm. OECD cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản trong năm 2019 từ mức 1,2% xuống còn 1% trong bối cảnh kế hoạch tăng thuế tiêu dùng của chính phủ nước này từ tháng 10-2019 có khả năng tác động mạnh đến nhu cầu tiêu dùng.
Tuy nhiên, OECD giữ nguyên dự báo mức tăng trưởng của Mỹ là 2,7% cho năm 2019 khi chính sách cải cách thuế mới đây của Tổng thống Trump hỗ trợ tốt cho đầu tư của doanh nghiệp.
Trong khi đó, kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) dự kiến tăng 1,8% vào năm 2019, giảm nhẹ so với các dự báo trước đó. Kinh tế Italy được dự báo chỉ tăng 0,9% cho cả năm 2019, do số việc làm chững lại và tỷ lệ lạm phát cao hơn.
Thực tế cho thấy kinh tế thế giới vẫn đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ do căng thẳng thương mại, bất ổn chính trị cũng như mức độ tăng trưởng không duy trì được như trước đây. Nếu không được kịp thời điều chỉnh, tình trạng thất nghiệp gia tăng tại nhiều quốc gia, chính sách thắt chặt tiền tệ, khả năng thanh toán sụt giảm, giá tài sản cao, đặc biệt là khoản nợ công toàn cầu, hiện đã lên tới mức kỷ lục 182.000 tỷ USD, vẫn sẽ là các yếu tố tác động đến tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2019. Thậm chí, nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu cũng đã được các chuyên gia đề cập tới.
Theo TTXVN