Chủ Nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024

Tìm hiểu về sự biến đổi hệ giá trị Đức qua một số công trình nghiên cứu

Ngày phát hành: 05/01/2019 Lượt xem 2529

Đức - đất nước có nền văn hóa lâu đời

 

Mỗi quốc gia có lịch sử, văn hoá, phong tục và truyền thống riêng. Những điều được hiểu là bình thường ở một quốc gia, như hôn tại nơi công cộng, không được chấp nhận hoặc đôi khi bị cấm ở những quốc gia khác. Không có gì ngạc nhiên khi có những điều bất ngờ và đôi khi hiểu lầm khi ai đó mới ở một đất nước có các quy tắc và tập quán khác. Các phong tục và hành vi điển hình ở Đức là gì? Nhiều người nói rằng người Đức rất chính xác và rất đúng giờ và họ làm việc rất nhiều và có nhiều quy tắc cho mọi thứ. Tính đúng giờ, trật tự và công việc đóng một vai trò lớn ở Đức.

Văn hoá Đức bắt nguồn từ những niềm tin và giá trị của người dân. Vai trò mà các nguyên tắc này thể hiện rõ ràng trong cuộc sống hàng ngày của Đức. Căn cứ trên những nguồn tài liệu sẵn có, bài viết tập trung trình bày một vài giá trị truyền thống quan trọng mà người Đức đã và đang có cũng như những biến đổi của các giá trị đó trong đời sống của người Đức. 

1.Các giá trị truyền thống của Đức

Người Đức đặt trọng tâm vào cấu trúc, sự riêng tư và tính đúng giờ. Người Đức nắm lấy các giá trị về tiết kiệm, chăm chỉ và siêng năng và nhấn mạnh vào việc đảm bảo rằng "các đoàn tàu chạy đúng giờ".Theo Passport to Trade 2.0, một hướng dẫn về hoạt động kinh doanh trực tuyến của Đại học Salford ở Manchester, Anh, "Người Đức rất thoải mái khi họ có thể tổ chức và phân chia thế giới của họ thành các đơn vị có thể kiểm soát được. Do đó, thời gian được quản lý cẩn thận, lịch trình và chương trình nghị sự phải được tôn trọng.”[1] Người Đức là những người kiên trì phấn đấu cho chủ nghĩa hoàn hảo và chính xác trong tất cả các khía cạnh của cuộc sống. Họ không thừa nhận lỗi lầm, thậm chí là đùa cợt, và hiếm khi đưa ra lời khen.

Người Đức thường hướng đến chủ nghĩa cá nhân cao và tính chính thức một cách thường xuyên. Rất ít người Đức đưa ra đánh giá, nhận xét về các vấn đề chính trị, kinh tế và xã hội cũng như hành vi của người khác. Tuy nhiên, nói chung khi hầu hết mọi người nghe từ "tiếng Đức" hầu hết sẽ có một ý nghĩ tổ chức và gọn gàng. Nói một cách đơn giản, họ có một nền văn hoá quy hoạch, người Đức thích lập kế hoạch. Họ thích biết những gì họ nên làm cụ thể trong một ngày. Họ tin rằng bằng cách có một kế hoạch cẩn thận trong cuộc sống của mình nó đã cho một cảm giác an toàn. Cuộc sống hàng ngày của người Đức được hoạch định đúng đắn và theo sau, nếu không làm như vậy có nghĩa là người đó không lên kế hoạch cho ngày của mình đúng cách. Người Đức thường rất sạch sẽ và giữ mọi thứ theo đúng hướng; hầu hết các thông tin liên lạc xảy ra có xu hướng chính thức. Mọi người thường mất nhiều thời gian để mời người khác đến nhà của họ và nếu bạn được mời, bạn nên lựa chọn một ngày cụ thể để đi. Người Đức hiếm khi mời mọi người về nhà bởi vì đây là nơi duy nhất để có thể giao tiếp không chính thức.

Người Đức không thích bất ngờ hoặc thay đổi đột ngột, mặc dù sự thay đổi đó có thể cải thiện kết quả của một số việc nhất định nhưng họ vẫn không thích điều đó. Biết được trách nhiệm của bạn có giá trị trong văn hoá Đức, đúng giờ là rất cần thiết khi sống ở Đức. Cho dù đó là cuộc hẹn kinh doanh hay xã hội, thì trễ là được coi là thô lỗ ở Đức. Kinh doanh và cuộc sống cá nhân bị tách bạch rõ ràng. Với người Đức, nơi làm việc không thích hợp để nói về cuộc sống cá nhân và nói về các vấn đề kinh doanh ở những nơi công cộng. Nhiều người Mỹ và người Anh ngạc nhiên rằng người Đức thường chào nhau ngay cả khi họ đã quen nhau trong nhiều năm ở nơi làm việc. Tình bạn ở Đức khá khác với bất cứ nơi nào trên thế giới, người Đức thường có một nhóm bạn bè nhỏ mà đó là những người sống và biết nhau từ lâu. Tình bạn của họ phát triển chậm hơn nhiều so với các nước khác nhưng thường chặt chẽ hơn.

Có thể nói, những giá trị truyền thống của người Đức bao gồm những phẩm chất tốt như là “đúng giờ, siêng năng, ý thức trách nhiệm, nguyên tắc, trật tự, trung thành, vâng lời, có đạo đức và thực hành tôn giáo”[2] đã tồn tại từ khi Đế chế thứ nhất được thành lập (năm 1871). Một ví dụ về sự đúng giờ, nguyên tắc là triết gia Immanuent Kant[3]. Ông có một nhật trình chính xác mỗi ngày. Kant thường được miêu tả là một giáo sư cứng nhắc, ép mình vào một thời khoá hằng ngày, luôn tập trung vào công việc vì rất có tinh thần trách nhiệm[4]. Ngay cả trong thời kỳ Đức Quốc Xã thì những giá trị này cũng được tận dụng tối đa.

Nhiều thế kỷ trôi qua, những giá trị truyền thống này đã thay đổi khá nhiều. Bắt đầu từ những năm 60, khi phong trào sinh viên phản kháng và phong trào giải phóng phụ nữ diễn ra, rất nhiều giá trị truyền thống đã bị thay đổi hoàn toàn, ví dụ như vâng lời hay thực hành tôn giáo, vì một mặt họ không đồng ý với những chính sách mà đảng liên minh cầm quyền đưa ra, sinh viên ở các trường đại học không đồng ý với các quy định của nhà trường; mặt khác, những phụ nữ thời ấy đấu tranh đòi bình đẳng và yêu cầu bỏ luật cấm phá thai, một điều đi ngược với quy định của tôn giáo thời bấy giờ. Những giá trị mới như sự sáng tạo, khả năng phản biện, khát vọng tự khẳng định mình đã hình thành và những giá trị giúp hoàn thiện cá nhân được đề cao.

Trong những năm gần đây, vấn đề chuẩn giá trị lại được người Đức hết sức quan tâm, vì những lý do sau:

- Phần lớn những giá trị Đức truyền thống đều ít nhiều xuất phát từ tôn giáo (Thiên chúa giáo - bao gồm cả Cơ đốc giáo và Tin Lành). Hiện nay bức tranh này đã hoàn toàn khác đi. Theo thống kê năm 2016, Kitô giáo là tôn giáo lớn nhất ở Đức, ước tính khoảng 58-59% dân số nước này theo đạo Cơ Đốc giáo và Tin Lành. Có khoảng 35-36% dân số của đất nước này không liên kết với bất kỳ nhà thờ hay tôn giáo nào, và một thiểu số gắn bó với các tôn giáo khác. Tôn giáo lớn thứ hai ở Đức là đạo Hồi, với 2,1 và 4,7 triệu người theo (2,6% đến 5,7%). Các nhóm tôn giáo nhỏ hơn (ít hơn 1%) bao gồm Do thái giáo, Phật giáo và Hindu[5].Như vậy những giá trị được coi là truyền thống trước đây xem ra không còn phù hợp trong giai đoạn này nữa.

- Những cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính của thế giới nói chung, của cộng đồng Châu Âu nói riêng đã có những tác động không nhỏ đến đời sống của người dân. Điều đó ít nhiều cũng làm cho quan niệm về giá trị trong cuộc sống thay đổi.

 - Các cuộc nội chiến, sự trừng phạt của một tổ chức thế giới đối với mọt nước không theo quy luật chung, cũng như xung đột sắc tộc, những cuộc thảm sát, di cư… diễn ra nhiều nơi trên thế giới và chính nước Đức cũng đã đón nhận một lượng người di cư khá lớn làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống cũng như sự an toàn của người dân Đức. Chính điều đó cũng đem đến những suy nghĩ về cuộc sống hiện tại và sự trăn trở điều gì là quan trọng nhất trong cuộc đời của mỗi người. Nhiều vấn đề xã hội cũng như các vấn đề môi trường, thiên tai đã ít nhiều ảnh hưởng đến cách nhìn nhận về cuộc sống của người Đức như sự an toàn trước thiên tai, trước những xung đột…

- Cuối cùng, cũng là vấn đề quan trọng do chính nội tại trong nước Đức như sự bất ổn chính trị, các chính sách của liên minh Đảng cầm quyền đã làm giảm lòng tin của người Đức vào chính quyền.

2. Sự biến đổi của giá trị Đức hiện nay

Rất nhiều những khảo sát được tiến hành hàng năm để tìm hiểu xem liệu những giá trị đã gắn với người Đức lâu nay có còn quan trọng nữa hay không và những giá trị nào là quan trọng nhất đối với họ hiện tại. thay đổi giá trị ở Đức kể từ những năm năm mươi có thể được tóm tắt như sau. Giá trị của tính cá nhân đã tăng lên. Điều này có thể được nhìn nhận bởi tầm quan trọng giảm thiểu các mục tiêu xã hội hóa như sự vâng lời, trật tự, sự tôn kính, tiết kiệm và sự siêng năng và tầm quan trọng ngày càng tăng của sự độc lập và tự do.

Tạp chí Readers Digest[6] đã đặt hàng cho Viện nghiên cứu ý kiến Emnid tiến hành một khảo sát bao gồm hai phần để tìm ra câu trả lời cho câu hỏi đã nêu trên.Khảo sát được tiến hành phỏng vấn 1002 người (cả nam và nữ) trên 14 tuổi được yêu cầu sắp xếp 24 giá trị cho sẵn (xem bảng 1) theo trật tự từ 1 (hoàn toàn không quan trọng) đến 24 (rất quan trọng). 24 giá trị này được lựa chọn sao cho nó bao quát được hết tất cả các lĩnh vực, kể cả những giá trị truyền thống lẫn những giá trị thể hiện vai trò cá nhân. Với câu hỏi Những giá trị nào sau đây là quan trọng với bạn? nghiên cứu đã thu được nhiều kết quả về sự lựa chọn các giá trị như sau:sự trung thực được xem là giá trị quan trọng nhất (74%), điều này đúng với câu tục ngữ Đức “Sự trung thực có giá trị lâu bền nhất”. Đứng vị trí thứ 2 là gia đình (68%), thứ 3 là sự công bằng (64%), kế tiếp là biết tôn trọng người khác (61%) và sự tự do (60%)[7]. Những giá trị thường gắn với người Đức như siêng năng, tiết kiệm hay khát vọng thành tích không còn quan trọng nữa, vì những giá trị này gắn với nhu cầu vật chất và khi những nhu cầu cơ bản được đáp ứng thì việc khẳng định mình thông qua các giá trị được đề cao hơn

Thực tế cho thấy, trong giai đoạn mà các cuộc khủng hoảng, từ kinh tế, chính trị đến xã hội xảy ra liên tục thì những rủi ro có thể đến bất kỳ lúc nào. Khi đó, Sự trung thực sẽ củng cố niềm tin vào cuộc sống vốn nhiều bất ổn của họ. Trong một khảo sát khác của Horst Opaschowski thực hiện 2004 thì 88% người Đức cho rằng gia đình là quan trọng nhất, vì “gia đình đảm bảo cho họ sự ổn định và an toàn trong cuộc sống; gia đình như là nơi cất giữ tiền, nơi đảm bảo cho tương lai về sau và là nơi có dịch vụ chăm sóc tốt nhất”[8]. Điều này đã chứng minh cho kết quả khảo sát trên của Reader Digest là đáng tin cậy.

Biểu 1. Theo bạn thì bao nhiêu người xem sự trung thực là quan trọng? (%)

 

Điều bất ngờ trong khảo sát của Reader Digest là rất nhiều người được hỏi cho rằng, những giá trị mà họ cho là quan trọng không được phần đông người Đức chia sẻ. Cụ thể là chỉ có 17% những người được hỏi tin rằng hầu hết người Đức xem sự trung thực là giá trị rất quan trọng. Nghĩa là trong khi gần 750 người (74% của 1002 người) lựa chọn giá trị này là quan trọng nhất, có đến 500 người không tin rằng gần 80 triệu người Đức xem sự chân thật là quan trọng nhất trong cuộc sống của họ. Ở giá trị biết tôn trọng người khác cũng có sự khác biệt rõ rệt. Trong khi 61% những người được hỏi đánh giá rất cao việc cần phải tôn trọng người khác thì chưa đến một nửa số đó tin rằng đây là giá trị quan trọng đối với phần lớn người Đức. Sự khác biệt này rất đáng lo ngại, vì theo giáo sư Behnke thì những giá trị như sự trung thực, hay biết tôn trọng người khác được xem như là “vốn” của xã hội, là chất kết dính xã hội, giúp tạo ra niềm tin và sự sẵn sàng đóng góp cho cộng đồng. Nếu ai không còn tin rằng “mình trung thực thì người khác sẽ trung thực với mình”[9] thì tự anh ta sẽ tách mình ra khỏi cộng đồng. Ngoài ra, khi những giá trị được nhiều người chia sẻ, nghĩa là việc nhiều người cùng xem trọng những giá trị nhất định sẽ giúp cho bản thân họ nhận diện được mình trong cộng đồng đó và họ cảm thấy mình thuộc về cộng đồng. Chỉ cần một thành viên nào đó trong cộng đồng có chuẩn giá trị khác thì anh ta sẽ trở thành “cá biệt” và điều này dễ tạo ra những căng thẳng trong xã hội. Những khác biệt trong thang đo giá trị dù thực sự tồn tại hay chỉ là cảm nhận thì đều tạo ra khoảng cách giữa các nhóm xã hội với nhau. Những khác biệt càng lớn thì khả năng hòa nhập càng khó khăn, đặc biệt là đối với những người nước ngoài nhập cư vì họ thường mang theo chuẩn giá trị của riêng mình khi đến Đức.

Trong số các nhóm người được hỏi thì người lớn tuổi là bi quan nhất, vì chỉ có 9% trong số họ tin rằng tất cả người Đức đều chân thật, trong khi con số này ở độ tuổi từ 14-19 là 26%. Đối với những giá trị khác như “biết tôn trọng người khác, sự công bằng hay vị tha” thì người lớn tuổi cũng cho thấy họ bi quan hơn thanh niên. Theo nhận định của các nhà nghiên cứu xã hội, một phần vì người lớn tuổi hay than phiền về lớp thanh niên ngày nay, phần khác vì bản thân họ cũng thấy những giá trị này không mang tính ràng buộc như trước đây nữa. Vì điều kiện sống đã thay đổi nên người ta đi lại nhiều hơn, cuộc sống trong đô thị cũng khép kín hơn, người ta ít biết về nhau nên nhiều mối quan hệ xã hội đã mất, những mối quan hệ mới cũng không dễ tạo ra để thay thế. Rõ ràng, khi người ta không biết nhiều về nhau thì khó mà đánh giá người khác có phải là người trung thực hay không.

Điều gây bất ngờ từ kết quả khảo sát của Reader Digest là học vấn của những người được hỏi càng cao thì xác suất lựa chọn giá trị trung thực là quan trọng nhất càng thấp với 46% những người có trình độ cấp hai, 37% những người có trình độ trung cấp và chỉ 30% những người có trình độ trung học và đại học coi giá trị này là quan trọng nhất. Với kết quả này, một câu hỏi được đặt ra: nếu muốn thành công trên con đường học vấn, nếu muốn tuyệt đối hóa những mong ước của riêng mình thì người ta phải giả dối? Kết quả này đồng nghĩa với suy nghĩ “Chỉ có người ngu dốt mới trung thực”. Điều này sẽ gây hiểu lầm lớn, bởi vì sự trung thực được xem là “vốn” xã hội và rất quan trọng đối với tất cả mọi người.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy truyền thống và niềm tin tôn giáo là hai giá trị hiện chỉ đóng vai trò thứ yếu. Làn sóng nhập cư trong hai thập kỷ qua ở Đức rất lớn dẫn dến việc nước Đức hiện tại trở nên đa sắc tộc và đa tôn giáo nhất trong lịch sử. Để tất cả các thành viên trong xã hội Đức có thể chung sống hòa bình thì những giá trị mới phải có tính trung lập về mặt tôn giáo. Điều này được minh chứng với số liệu khi chỉ có 8% những người được hỏi xem lòng yêu nước là rất quan trọng.

Trong Báo cáo của Ủy ban Châu Âu năm 2012 về giá trị Châu Âu[10], với câu hỏi được đưa ra Trong những giá trị dưới đây, ba giá trị nào quan trọng đối với cá nhân bạn? những người tham gia khảo sát tại Đức đã có sự lựa chọn những giá trị như sau:

1/Hòa Bình với 55% người trả lời lựa chọn;

2/Nhân quyền với 50% người trả lời lựa chọn;

3/ Dân chủ với 39% người lựa chọn;

Các giá trị còn lại như Tôn trọng cuộc sống của con người với 36%, pháp quyền có 24%, tự do cá nhân 23%, đoàn kết giúp đỡ người khác 22%.

Trong một cuộc khảo sát khác năm 2016 về giá trị của người Đức do nhà khoa học Horst Opaschowski từ Viện nghiên cứu giải trí BAT tiến hành phỏng vấn 2000 người có độ tuổi từ 14 trở lên thì kết quả cho thấy Trung thực 79%, tự chủ 65%, đáng tin cậy 64%… là những giá trị mà người dân ở Đức chú trọng đến nhiều nhất.

 

Biểu: Những giá trị quan trọng của người Đức

 

Trong nghiên cứu về Biến đổi giá trị ở Đức: một quan điểm so sánh của Gisela Trommsdorff[11] cũng đã chỉ ra bối cảnh, cũng như nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi giá trị của nước Đức. Những cuộc khủng hoảng, biến động toàn cầu về kinh tế, chính trị và xã hội đã có những tác động to lớn đến sự biến đổi những giá trị của từng cá nhân và toàn xã hội. Tác giả đưa ra lập luận rằng: mỗi cá nhân có hai hoặc nhiều hơn các giá trị; các giá trị có mối liên hệ với nhau theo một cách nào đó có hệ thống tâm lý (nhất quán) với một số giá trị ưu tiên cao và các giá trị khác ít quan trọng hơn; Mối quan hệ giữa hai hoặc nhiều giá trị được xác định bởi các "giải thích" cá nhân; Hệ thống giá trị của một nhóm không nhất thiết trùng với hệ thống giá trị của từng thành viên..v.v… Với luận điểm nghiên cứu này, tác giả tập trung nghiên cứu so sánh giá trị của thanh niên tại hai vùng Đông Đức và Tây Đức, so sánh giá trị giữa thanh niên Đức nói chung với Nhật Bản. Bên cạnh đó, trong nghiên cứu của mình, Gisela Trommsdorff cũng có nêu ra những kết quả nghiên cứu về giá trị và sự thay đổi giá trị của các nhà nghiên cứu khác để chứng minh cũng như so sánh các kết quả nghiên cứu đó như: Klaus Allerbeck và Wendy Hoag, Robert N. Bellah, Chikio Hayashi và Tatsuzo Suzuki…

Trong nghiên cứu này, tác giả đã đưa ra các giá trị như giá trị cá nhân, giá trị chính trị, hay giá trị xã hội để so sánh giá trị của thanh thiếu niên Nhật Bản và Đức. Với các giá trị được đưa ra để khảo sát đã có sự lựa chọn khác nhau như: "niềm tin vào vận may / số phận": 43,8% so với 51,8% ở Nhật Bản, 30,9% so với 28,9% ở Đức, "sử dụng các phương tiện hợp pháp khi không hài lòng với xã hội" 26,0% so với 19,0% ở Nhật Bản, 32,2% so với 39,1% ở Đức, "các vấn đề xã hội không thể giải quyết được bởi các cá nhân": 64,7% so với 70,8% ở Nhật Bản, 46,2% so với 41,1% ở Đức). Hơn nữa, sự ưu tiên hơn cho các giá trị cá nhân và sự sẵn sàng giảm xuống để phục vụ lợi ích tập thể có thể được quan sát thấy ở thanh niên Nhật Bản, ví dụ như "sống theo tôi": 41,2% so với 46,6% ở Nhật; 60,6% so với 60,3% ở Đức; hoặc "hy sinh lợi ích riêng cho xã hội": 20,3% so với 13,3% ở Nhật; 41,5% so với 41,0% ở Đức.

*

*          *

 Có thể nói, trong nhiệu thập kỷ qua, giá trị truyền thống Đức có ít nhiều sự biến đổi. Đặc biệt, từ thời kỳ chiến tranh lạnh diễn ra giữa hai phe Xã hội chủ nghĩa và Tư bản chủ nghĩa, những giá trị đã có những biến đổi rất lớn. Từ những giá trị cộng đồng được tôn vinh đã chuyển sang giá trị cá nhân được đề cao. Cũng như các xã hội công nghiệp hiện nay đã trải qua những thay đổi giá trị đáng kể đối với chủ nghĩa đa nguyên, cá nhân và sự tự hoàn thành. Theo đó, sự xã hội hóa của cá nhân người ngày càng tập trung vào các giá trị của sự độc lập và tự chủ. Những giá trị này được truyền qua các phương tiện truyền thông và các tổ chức như trường học. Trong một xã hội đa nguyên, trong đó lối sống đa dạng được thực hiện và nhiều sự lựa chọn cá nhân được thực hiện trong suốt cuộc đời của họ, các giá trị và các quy tắc toàn cầu có thể mất đi tính bắt buộc của họ. Mọi quyết định dựa trên các giá trị phi tôn giáo, và hành vi liên quan được định hướng theo các giải pháp thực tiễn. Tất nhiên, điều này không có nghĩa là các giá trị đã mất chức năng của chúng trong hướng dẫn hành vi cá nhân. Các giá trị dù mang tính cộng đồng hay cá nhân đều có sự thay đổi theo từng giai đoạn biến động của xã hội. Đó cũng là lí do vì sao cứ hai năm một lần người Đức nói riêng và Phương Tây nói chung lại tiến hành các cuộc khảo sát về sự biến đổi của giá trị cũng như sự hình thành những giá trị mới. Đây cũng là một kinh nghiệm hay cho các nước trên thế giới khi muốn tìm hiểu về sự biến động giá trị văn hóa, giá trị con người trong mỗi giai đoạn lịch sử của mình, mà trong đó có Việt Nam chúng ta./.

 

ThS. Vũ Hoa Ngọc

(Viện Văn hóa Nghệ thuật quôc gia Việt Nam)

 

Tài liệu tham khảo

  1. Craig, Gordon A.The Germans,1991.
  2. Hobsbawm, Eric, and Terence Ranger, eds.The Invention ofTradition,1984.
  3. Iggers, Georg G.The German Conception of History: The National Tradition of Historical Thought from Herder to the Present,Rev. Ed., 1983.
  4. Lowie, Robert H.Toward Understanding Germany,1954.
  5. http://www.handelsblatt.com/panorama/aus-aller-welt/werte-index-2016-was-den-deutschen-wirklich-wichtig-ist/12630926.html
  6. https://en.wikipedia.org/wiki/Religion_in_Germany
  7. European Commission 2012, The Values of European, p.11
  8. Gisela Trommsdorff, Value change in Germany a comparative perspective, https://www.dijtokyo.org/doc/JS4_Trommsdorf.pdf.
  9. Nguyễn Thị Bích Phượng. Bước đầu tìm hiểu những biến động trong hệ gía trị Đức, http://www.vanhoahoc.vn/nghien-cuu/van-hoa-the-gioi/vh-phuong-tay-nhung-van-de-chung/2826-nguyen-thi-bich-phuong-buoc-dau-tim-hieu-nhung-bien-dong-trong-he-gia-tri-duc.html.


[1] https://www.livescience.com/44007-german-culture.html

[2] www.pflegewiki.de/was-war-frueher-normal

[3] Immanuel Kant sinh ngày 22 tháng 4 năm 1724 tại Königsberg; mất ngày 12 tháng 2 năm 1804 tại Königsberg, được xem là một trong những triết giaquan trọng nhất của nước Đức, hơn nữa là một trong những triết gia lớn nhất của thời kỳ cận đại (Neuzeit), của nền văn hóa tân tiến và của nhiều lĩnh vực nhân văn khác.

[4] https://vi.wikipedia.org/wiki/Immanuel_Kant.

[6] Được thành lập bởi DeWitt và Lila Wallace, Reader’s Digest trở thành công ty đại chúng vào năm 1990. Theo website của Reader’s Digest, ấn bản in chính của tạp chí này phục vụ hơn 25 triệu độc giả. Công ty này phát hành 75 tạp chí trên phạm vi toàn cầu, trong đó có 49 ấn bản của các tờ Reader’s Digest, Taste of Home, the Family Handyman và Birds & Blooms. Năm 2013, Tờ tạp chí nổi tiếng này đã đệ đơn lên Tòa án Mỹ xin bảo bộ phá sản.

[7] Nguyễn Thị Bích Phượng. Bước đầu tìm hiểu những biến động trong hệ gía trị Đức, http://www.vanhoahoc.vn/nghien-cuu/van-hoa-the-gioi/vh-phuong-tay-nhung-van-de-chung

[8] Opaschowski, Horst 2014

[9] Kochanek, Doris 2007

[10] European Commission 2012, The Values of European, p.11. (Cuộc khảo sát được tiến hành từ ngày 12 đến ngày 27/5/2012 tại 34 quốc gia, vùng lãnh thổ thuộc châu Âu).

[11] Gisela Trommsdorff,  Value change in Germany a comparative perspective, https://www.dijtokyo.org/doc/JS4_Trommsdorf.pdf.

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết