Chủ Nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024

Thực trạng và triển vọng kinh tế Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa

Ngày phát hành: 03/03/2019 Lượt xem 21649

                  

 

   Mặc dù Việt Nam đã tăng trưởng nhanh ngoạn mục trong ba thập kỷ qua, nhưng sự chuyển đổi sang nền kinh tế thịnh vượng và hiện đại mới chỉ bắt đầu ở quốc gia này. Với mức thu nhập bình quân đầu người vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ của mức trung bình toàn cầu, Việt Nam đang cố gắng duy trì quỹ đạo tăng trưởng nhanh và đi theo con đường của các nền kinh tế Đông Á thành công khác đã gia nhập hàng ngũ các quốc gia thu nhập trung bình cao trong nửa thập kỷ qua. Mặc dù Việt Nam có mọi tiềm năng để đạt đến mục tiêu này, song thành công không thể tự nhiên mà có. Dân số đang già đi nhanh chóng, năng suất lao động vừa phải, mức tăng đầu tư chậm đang đè nặng lên tiềm năng tăng trưởng trung hạn của Việt Nam. Để có thể đối phó với lực cản của cấu trúc trong nước, Việt Nam cần phải chèo lái môi trường bên ngoài đang thay đổi, tại đó các cấu trúc thương mại toàn cầu đang chuyển dịch, công nghệ đột phá, đổi mới nhanh và biến đổi khí hậu đang định hình các cơ hội và tạo ra nhiều rủi ro mới.

Giờ là thời điểm cần hành động. Việc Việt Nam có thể tiếp tục duy trì mức tăng trưởng trước đây hay không, điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Mặc dù tăng trưởng không phải là cái đích mà chúng ta hướng đến, song tăng trưởng là điều kiện cần thiết cho sự phát triển rộng lớn hơn. Nó là cơ sở để tạo ra việc làm, xóa đói giảm nghèo và huy động các nguồn lực để đầu tư vào y tế, giáo dục và các mục tiêu xã hội khác. Với vị trí địa chiến lược, nền kinh tế mở, lực lượng lao động còn trẻ và phần lớn ở nông thôn, mức tiết kiệm trong nước cao,Việt Nam có điều kiện để tăng trưởng cao và bền vững. Tuy nhiên, để có thể tận dụng các yếu tố nền tảng này thì Việt Nam cần phải thường xuyên tập trung cải cách chính sách và thể chế nhằm mục tiêu tạo ra tăng năng suất lao động, đầu tư hiệu quả vào vốn nhân lực và vốn vật chất, sử dụng bền vững và hiệu quả tài nguyên thiên nhiên.

1. Chèo lái môi trường toàn cầu đang thay đổi

Các xu hướng lớn là các lực lượng chuyển đổi toàn cầu, định hình thế giới tương lai bằng ảnh hưởng sâu rộng tới các doanh nghiệp, xã hội, kinh tế, văn hoá và đời sống con người. Nhận định thành công, phân tích và có hành động đối với các xu hướng lớn là cần thiết để xây dựng chiến lược phát triển năng động dài hạn, góp phần phát triển kinh tế thành công. Việt Nam có thể sẽ là quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi một vài xu hướng lớn toàn cầu. Việt Nam là một trong số các quốc gia cởi mở nhất trên thế giới,với tỷ trọng thương mại trên GDP đạt gần 200% và nguồn FDI chiếm khoảng 7% GDP trong năm 2018. Với vị trí địa chính trị và cấu trúc thương mại, Việt Nam có thể sẽ dễ bị tổn thương hơn trước biến đổi khí hậu và căng thẳng thương mại Mỹ-Trung. Bốn xu hướng lớn toàn cầu mà Việt Nam cần cân nhắc trong hai thập kỷ tới là: sự chuyển dịch dân số, công nghệ đột phá, sự nổi lên của Trung Quốc và biến đổi khí hậu.

 

 

(1) Sự chuyển dịch dân số

Dân số toàn cầu dự đoán sẽ chịu ảnh hưởng bởi hai xu hướng lớn liên quan đến nhau và có tác động chính sách sâu sắc.

Xu hướng thứ nhất là mức tăng dân số thế giới đang chậm đi rõ rệt, mô hình này bắt đầu trở nên rõ nét từ những năm 1990. Vào năm 2022, mức tăng dân số thế giới sẽ xuống dưới 1%, giảm từ hơn 2% trong cuối những năm 1960. Vào năm 2050, mức tăng dân số toàn cầu dự đoán chỉ đạt 1/4%/năm, so với 1% ở thời điểm hiện tại.

Xu hướng thứ hai liên quan đến sự già đi của dân số toàn cầu với tốc độ chưa từng có. Sau khi tăng ổn định từ những năm 1960, tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động đã đạt đỉnh 65,8% vào năm 2012 và dự kiến sẽ giảm dần xuống 62,7% vào năm 2050. Việc giảm tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động chủ yếu là do sự sụt giảm tỷ lệ sinh và việc tăng đáng kể tuổi thọ trên thế giới. Sự chuyển dịch dân số ở mỗi quốc gia khác nhau đáng kể. Đặc biệt, Đông Á đang già đi nhanh hơn các khu vực khác, với Thái Lan và Việt Nam là hai trường hợp điển hình của các quốc gia hưởng lợi tức dân số muộn. Cả hai nước này dự đoán sẽ trải qua sự sụt giảm dân số trong độ tuổi lao động trong giai đoạn 2010-40.

 

Sự thay đổi dân số sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng, cấu trúc tài chính của chi tiêu ngân sách, tiết kiệm, đầu tư và dòng chảy vốn, dẫn đến thay đổi trong cán cân thương mại toàn cầu và giá tài sản. Tác động và hàm ý chính sách phụ thuộc rất nhiều vào việc quốc gia liên quan đang ở đâu trong các giai đoạn chuyển đổi. Các nước hưởng lợi tức dân số muộn như Việt Nam có điều kiện thu hút đáng kể lợi tức dân số lần hai để giảm thiểu nguy cơ suy giảm tăng trưởng kinh tế do dân số trong độ tuổi lao động đang dần thu hẹp. Các chính sách hỗ trợ tiết kiệm nhiều hơn để tạo đầu tư lớn hơn vào vốn nhân lực và vốn vật chất sẽ là ưu tiên hàng đầu cho Việt Nam và các nước hưởng lợi tức muộn khác.

 

 

(2) Công nghệ đột phá 

Công nghệ đột phá có thể định nghĩa là những công nghệ mới nổi tạo ra sự thay đổi trong chi phí hoặc sự tiếp cận các sản phẩm hoặc dịch vụ, hoặc thay đổi nhanh chóng cách chúng ta thu thập thông tin, sản xuất hoặc tương tác. Chúng ta hiện đang ở giữa cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, được đặc trưng bởi tốc độ phổ biến công nghệ nhanh chóng, sự hội tụ đa công nghệ, sự nổi lên của các nền tảng toàn cầu. Công nghệ đột phá thường dựa trên công nghệ và sản phẩm số, nhưng chúng có thể vượt ra ngoài sự kết nối và tiềm năng của internet. Điều này bao gồm các phương pháp sản xuất hiện đại như khoa học về người máy, trí tuệ nhân tạo, mạng lưới vạn vật kết nối internet. Chúng cũng bao gồm những tiến bộ trong công nghệ nano và công nghệ sinh học - và những dây chuyền sản xuất mới như pin, máy bay không người lái, tấm năng lượng mặt trời, xe tự lái, và các vật liệu ngoại lai.

Các cơ hội rộng lớn sẽ gắn liền với những bước tiến công nghệ đột phá góp phần mở rộng sự tiếp cận các thị trường toàn cầu, tạo ra các hàng hoá và dịch vụ mới, chuyển đổi quy trình sản xuất, thay đổi mô hình kinh doanh, và tạo ra tác động đáng kể đối với phát triển. Một nhóm nghiên cứu đã cho thấy số hoá đang thúc đẩy tăng trưởng và ảnh hưởng đến phát triển. Nhiều nghiên cứu chỉ ra mối liên hệ tích cực giữa băng thông rộng và GDP. Một nghiên cứu gần đây của Viện McKinsey toàn cầu kết luận rằng thanh toán điện tử có thể thúc đẩy tài chính toàn diện cho 1,6 tỷ người và giảm thất thoát của chính phủ khoảng 110 tỷ đô la.

Tuy nhiên, công nghệ đột phá cũng đặt ra các rủi ro mới-đối với hội nhập kinh tế và xã hội và đối với sự bền vững của môi trường và hệ thống. Công nghệ đang định hình bản chất công việc do sự chuyển dịch nhu cầu lao động và các loại kỹ năng. Nhu cầu về kỹ năng nhận thức tiên tiến và cảm xúc xã hội đang tăng lên, trong khi nhu cầu đối với các kỹ năng ít tiên tiến hơn có thể dễ dàng tự động hoá đang dần giảm đi. Sự thay đổi kỹ năng do thị trường lao động đòi hỏi có thể dẫn tới sự gia tăng nguy cơ bất bình đẳng giữa những công nhân với các phương tiện tiếp cận công nghệ mới và tiếp nhận các kỹ năng cho nền kinh tế mới và những công nhân không được trang bị những thứ này. Thêm vào đó, công nghệ đột phá có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chỉ trong một số lĩnh vực và địa điểm nhất định nếu các hãng không thể theo đuổi cơ hội mới do thiếu môi trường thuận lợi, sự mở rộng khác biệt về năng suất lao động theo đó sẽ góp phần gia tăng bất bình đẳng. Vì công nghệ gắn với mối quan hệ con người và tổ chức, nó có thể làm giảm lòng tin trong xã hội, phá huỷ động lực lao động truyền thống và thách thức vai trò của chính phủ với tư cách là người trung gian.

Mặc dù vậy, có thể sẽ tốn kém hơn nếu chúng ta không tận dụng các cơ hội mà công nghệ đột phá mang lại. Sự chuyển đổi kinh tế và xã hội mà công nghệ đột phá mang lại có thể đẩy nhanh tiến độ phát triển. Nhưng nếu các quốc gia không thể cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu tương lai, thì họ sẽ bị tụt lại phía sau. Để tranh thủ tiềm năng của các mô hình kinh doanh mới, các cách cung cấp dịch vụ, và chuyển dịch nguồn gốc của năng lực cạnh tranh, các quốc gia cần phải có cách tiếp cận đa lĩnh vực và nhiều hướng để tăng cơ hội và giảm thiểu rủi ro.

 

Công nghệ đột phá: Cơ hội và Mối đe doạ

 

Loại công nghệ

Cơ hội

Mối đe doạ

Công nghệ sinh học

Vụ mùa lương thực, sức khoẻ con người, thuốc, vật liệu, môi trường, nhiên liệu

Sử dụng quân sự, sự thay đổi không thể đảo ngược đối với sức khoẻ và môi trường

Công nghệ số

Phát triển, việc làm, sản xuất, nông nghiệp, sức khoẻ, các thành phố, tài chính, quản trị, tham gia, giáo dục, khoa học quần chúng, hiệu quả nguồn lực, chia sẻ dữ liệu toàn cầu, mạng lưới xã hội và hợp tác

Lợi ích không đồng đều, mất việc làm, khoảng cách về kỹ năng, tác động xã hội, phá huỷ chuỗi giá trị toàn cầu, quan ngại về sự riêng tư, tự do và phát triển, gian lận, ăn trộm dữ liệu, tấn công mạng

Công nghệ nano

Các ngành công nghiệp năng lượng, nước, hoá chất, điện tử, y tế và dược, hiệu quả cao, tiết kiệm nguồn lực, giảm thiểu khí CO2

Sức khoẻ con người, tác động đối với môi trường (chất thải nano)

Công nghệ thần kinh

Sức khoẻ, an toàn, an ninh, hiệu quả cao, tiết kiệm nguồn lực, các loại nghề nghiệp mới, sản xuất, giáo dục

Lợi ích không đồng đều, làm mất kỹ năng, mất việc làm và phân hoá, làm rộng khoảng cách công nghệ, sử dụng quân sự, xung đột

Công nghệ xanh

Môi trường, khí hậu, đa dạng sinh học, sản xuất và tiêu thụ bền vững, năng lượng tái tạo, an ninh nguồn nước và lương thực, phát triển, việc làm, sức khoẻ và bình đẳng

Sự bất bình đẳng mới, mất việc làm, quan ngại về sự riêng tư, tự do và phát triển

Khác

Toàn diện, phát triển, sức khoẻ, môi trường, giảm thiểu biến đổi khí hậu, nguồn lực sẵn có

Ô nhiễm, bất bình đẳng, xung đột

Nguồn: Mahmoud Mohieldin, 2018

 

Các chính phủ cần tăng cường nỗ lực tạo cơ hội và giảm thiểu rủi ro. Lĩnh vực công có vai trò quan trọng trong hiệu chỉnh các thất bại của thị trường, đảm bảo sân chơi bình đẳng, và giảm sự bất đối xứng về thông tin. Một gói cải tổ có thể bao gồm: i) đẩy các công cụ thúc đẩy phát triển và cung cấp công nghệ; ii) kéo các công cụ tạo và/hoặc mở rộng nhu cầu đối với công nghệ đột phá; và iii) các chính sách tạo khuôn khổ quản lý hiệu quả khuyến khích đổi mới, tăng cường sự toàn diện và bảo vệ người tiêu dùng.

Cần tăng cường tiếp cận công nghệ mới để tận dụng cơ hội mà công nghệ đột phá mang lại. Chương trình nghị sự này đòi hỏi phải phát triển cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và nền tảng quản lý làm cơ sở cho quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế kỹ thuật số, hòn đá tảng cho công nghệ đột phá nhất. Các thị trường tài chính và dịch vụ mới có thể đem lại các hình thức chuyển đổi và mô hình kinh doanh mới.

Cần đẩy nhanh việc xây dựng, thông qua và rà soát các quy định để bắt kịp với tốc độ phổ biến công nghệ. Việc xây dựng và thực hiện các quy định linh hoạt cho nền kinh tế mới ngày càng có nghĩa quan trọng trong việc hưởng lợi từ công nghệ đột phá. Với xu hướng tập trung ở các ngành và biên lợi nhuận gia tăng, phần lớn là do sở hữu dữ liệu, các chính phủ cần đảm bảo sân chơi bình đẳng cho các công ty và cá nhân. Thêm vào đó, chính phủ cần nhanh chóng thích ứng để khích lệ sự tăng trưởng toàn diện của các lĩnh vực mới do công nghệ tạo ra. Khung chính sách và các cách tiếp cận tương tự có thể được mở rộng.

Tăng cường năng lực cá nhân, doanh nghiệp và chính phủ có ý nghĩa quan trọng trong việc thích ứng với sự đột phá công nghệ và gặt hái lợi tức kinh tế và xã hội. Nhằm giúp tạo môi trường thuận lợi hơn, mở rộng sự tiếp cận với công nghệ, các đối tượng cần nâng cao năng lực để thích ứng và sử dụng công nghệ để theo đuổi cơ hội mới. Nền tảng vốn nhân lực mạnh, được tạo ra trong quá trình giáo dục sớm và học tập cả đời, trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Tương tự, khi cá nhân và doanh nghiệp thích ứng với bản chất công việc và kinh doanh thay đổi, chính phủ cũng cần điều chỉnh việc bảo vệ xã hội theo hướng toàn diện và kiểm soát chi phí. Chính phủ nên bảo vệ người dân thông qua sự phổ biến tiến bộ, theo đó mở rộng phạm vi bao phủ và tập trung hỗ trợ đủ cho những người cần nhất.

(3) Trung Quốc trỗi dậy

Trung Quốc đã trở thành nhân tố lớn trong nền kinh tế toàn cầu. Với tỷ lệ tăng trưởng trung bình hàng năm là 9,6% từ năm 1979 đến năm 2016, Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Năm 2017, tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc là 11,9 nghìn tỷ đô la Mỹ, bằng 62% quy mô nền kinh tế Mỹ. Năm 2012, Trung Quốc vượt Mỹ trở thành nền kinh tế thương mại hàng hoá lớn nhất thế giới (xuất khẩu cộng nhập khẩu). Thị phần xuất khẩu hàng hoá toàn cầu của Trung Quốc tăng từ 2% năm 1990 lêm 14,1% năm 2015, nhưng giảm xuống 13,4% năm 2016 và 13,2% năm 2017. Trung Quốc cũng nổi lên là nước sản xuất lớn nhất thế giới. Năm 2014, tổng giá trị sản xuất gia tăng của Trung Quốc cao hơn Mỹ 39,6%, phản ánh thực tế sản xuất đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Trung Quốc hơn là đối với Mỹ. Trung Quốc cũng trở thành nước nhận nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài toàn cầu cũng như là quốc gia đi đầu trong cung cấp FDI. Nguồn FDI đầu tư vào Trung Quốc năm 2016 ước tính đạt 134 tỷ đô la, đưa nước này trở thành quốc gia nhận FDI nhiều thứ 3 trên thế giới (sau Mỹ và Anh). Nguồn FDI chảy ra khỏi Trung Quốc năm 2016 là 183 tỷ đô la, đưa nước này trở thành nguồn cung cấp FDI lớn thứ 2 thế giới (sau Mỹ).

Tuy nhiên, mức tăng GDP của Trung Quốc đang dần chậm lại trong những năm gần đây. Mặc dù việc bơm gói kích thích trị giá 586 tỷ đô la được thông qua năm 2008, tỷ lệ tăng GDP tiếp tục chậm trong 6 năm liên tiếp, giảm từ 10,6% năm 2010 xuống 6,7% năm 2016 và 6,8% năm 2017. Tài liệu Viễn cảnh kinh tế thế giới năm 2017 của IMF dự báo mức tăng GDP thực của Trung Quốc sẽ tiếp tục chậm lại trong các năm tiếp theo, và đạt 5,8% năm 2022.

Mất đi lợi thế nhân công giá rẻ có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giảm mức tăng GDP của Trung Quốc. Lợi thế nhân công giá rẻ dường như bị mất đi khi mức lương ở Trung Quốc tăng lên nhanh chóng trong những năm gần đây. Lương tháng trung bình ở Trung Quốc năm 1990 là 37 đô la, so với 54 đô la ở Việt Nam và 505 đô la ở Mexico. Tuy nhiên, năm 2016, mức lương tháng trung bình của Trung Quốc (854 đô la) cao gấp 4 lần mức lương của Việt Nam (210 đô la) và gấp 2 lần Mexico (384 đô la). Dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc được cho là giảm trong năm thứ 4 liên tiếp (theo Chính phủ Trung Quốc, dân số trong độ tuổi lao động giảm 4,97 triệu người năm 2015 và 3,53 người trong năm 2016). Việc lực lượng lao động ở Trung Quốc tiếp tục giảm có thể khiến lương tăng nhanh hơn tiền công năng suất, từ đó có thể làm chậm mức tăng GDP thực và chuyển dịch các ngành cần nhiều lao động sang các nước khác.

Việc tăng chậm năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong những năm gần đây được cho là nhân tố chính làm mức tăng GDP của Trung Quốc bị giảm. TFP tăng mức trung bình 3,4%/năm từ năm 2012 đến năm 2016, so với mức tăng trung bình 6% trong 5 năm trước đó. Nếu Trung Quốc không thể tăng TFP trong tương lai thì nước này sẽ bắt đầu giảm mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế và bị vướng vào bẫy thu nhập trung bình.

Tăng trưởng GDP chậm lại cũng có thể là hậu quả của chiến lược tái cân bằng của Trung Quốc, nhằm tiến tới một mô hình tăng trưởng mới phụ thuộc ít hơn vào đầu tư cố định và xuất khẩu, và phụ thuộc nhiều hơn vào tiêu dùng tư nhân, dịch vụ, và đổi mới để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đại hội Đảng lần thứ 19 của chính phủ Trung Quốc vào tháng 11/2017 đã đề ra một số sáng kiến để tăng năng suất và biến Trung Quốc thành một "quốc gia đổi mới".

Chính phủ Trung Quốc coi đổi mới là ưu tiên hàng đầu trong hoạch định kinh tế với một số sáng kiến nổi bật, như "Sản xuất tại Trung Quốc 2025", một kế hoạch tham vọng được công bố năm 2015 để nâng cấp và hiện đại nền sản xuất của Trung Quốc trong 10 lĩnh vực chính với sự tăng cường trợ giúp của chính phủ nhằm thúc đẩy các thương hiệu của Trung Quốc, đẩy mạnh đổi mới, và giảm sự phụ thuộc của Trung Quốc vào công nghệ nước ngoài và sau đó biến Trung Quốc thành đối thủ lớn toàn cầu trong các lĩnh vực này. Tuy nhiên, các cách tiếp cận dự kiến để đạt mục tiêu này đã làm dấy lên quan ngại vì có vẻ cách này sẽ bao gồm trợ cấp lớn, bảo hộ các ngành công nghiệp trong nước, đề ra chính sách để mua công nghệ và IPR từ nước ngoài, ép các doanh nghiệp nước ngoài chuyển giao công nghệ để được kinh doanh ở Trung Quốc.

Sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc (BRI), được đề ra năm 2013, là một sáng kiến tham vọng khác để thúc đẩy hội nhập và kết nối kinh tế của Trung Quốc (về cơ sở hạ tầng, thương mại, và đầu tư) với các nước láng giềng và nhiều đối tác thương mại khác ở Châu Á, Châu Phi, Châu Âu và xa hơn nữa. BRI gồm 5 thành tố chính là cơ sở hạ tầng, củng cố hợp tác chính trị khu vực, thương mại thông suốt, hội nhập tài chính và trao đổi giữa người với người. Sáng kiến này có thể tạo đà lớn cho kinh tế, mang lại cho Trung Quốc sức mạnh mềm và lợi nhuận tốt hơn từ dự trữ ngoại hối, tạo cơ hội kinh doanh ở nước ngoài cho các doanh nghiệp Trung Quốc, tạo thị trường mới cho các ngành công nghiệp hiện đang bị quá năng suất, và kích thích phát triển kinh tế ở các vùng nghèo hơn ở Trung Quốc. Tuy nhiên, sáng kiến này có thể tạo ra các rủi ro tài chính nếu các nước vay không trả được nợ.

Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung. Mỹ gần đây đã tiến hành cuộc chiến thương mại chống lại các đối tác thương mại lớn, đặc biệt là Trung Quốc và các nền kinh tế khác mà Mỹ bị thâm hụt hương mại song phương. Cuộc chiến này diễn ra dưới hình thức bảo hộ thương mại thông qua tăng thuế nhập khẩu và đàm phán lại hoặc rút khỏi các thoả thuận thương mại hiện có hoặc đang đàm phán. Sự bảo hộ của Mỹ hiển nhiên đã khiến một vài đối tác thương mại trả đũa. Trong khi các cuộc đàm phán giữa Mỹ và các đối tác thương mại lớn đang diễn ra, tình trạng bất ổn vẫn tiếp tục gia tăng và có nguy cơ xung đột leo thang.

 

(4) Biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu là một trong những vấn đề toàn cầu nghiêm trọng nhất. Xu hướng ấm lên toàn cầu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì chủ yếu tình trạng này (khả năng hơn 95%) là do các hoạt động của con người từ giữa thế kỷ 20 và hiện tượng này đang diễn ra với tốc độ chưa dự đoán được trong nhiều thập kỷ đến thiên niên kỷ. Bằng chứng rõ ràng của hiện tượng biến đổi khí hậu nhanh chóng bao gồm tăng nhiệt độ toàn cầu, đại dương ấm lên, các tảng băng đang thu nhỏ, băng tan, giảm độ phủ tuyết, mực nước biển dâng, axit hoá đại dương, các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra ngày càng nhiều. Nhiệt độ trung bình của bề mặt trái đất tăng khoảng 1,62oF (tương đương với 0,9oC) từ cuối thể kỷ 19, sự thay đổi này chủ yếu là do lượng phát thải khí CO2 và các khí khác do con người tạo ra vào khí quyển tăng lên. Phần lớn hiện tượng ấm lên diễn ra trong 35 năm qua, với 5 năm ấm kỷ lục xảy ra từ năm 2010. Mực nước biển dâng khoảng 10-20cm trong thế kỷ qua. Tuy nhiên, tốc độ tăng trong 2 thập kỷ qua bằng gần gấp đôi tốc độ của thế kỷ trước và đang tăng nhẹ mỗi năm. Băng ở biển Bắc Cực đang giảm dần xuống mức thấp kỷ lục. Điều kiện khí hậu, độ nóng, và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt khác được xem là bất bình thường và chưa từng có, có thể sẽ trở thành hiện tượng bình thường. Số lượng bão cấp độ 4 và 5 đang tăng lên nhanh chóng trong 35 năm qua.

Việt Nam đang được xếp hạng là một trong 5 quốc gia có thể bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu. Tỷ lệ lớn dân số và tài sản kinh tế của Việt Nam là ở vùng đồng bằng và vùng trũng ven biển. Biến đổi khí hậu được dự đoán sẽ làm tăng rủi ro hiện có đối với tài nguyên thiên nhiên, nông nghiệp, an ninh lương thực, cơ sở hạ tầng và sức khoẻ và đặt ra mối đe doạ lớn đối với sự phát triển kinh tế và con người và môi trường. Cho đến nay, Việt Nam đã phải gánh chịu mực nước biển dâng cao 20cm trong 50 năm qua, nhiệt độ trung bình tăng 0,50C trong 50 năm qua, gấp đôi mức trung bình toàn cầu. Dự đoán cho thấy hiện tượng nóng và lạnh đột ngột, và mực nước biển dâng cao 28-33cm quanh bờ biển Việt Nam. Sự thay đổi lượng mưa theo mùa cũng tăng lên, mùa ẩm trở nên ẩm hơn và mùa khô trở nên khô hơn. Mưa và lũ lớn sẽ trở nên thường xuyên hơn, đặc biệt ở miền Bắc, bao gồm Hà Nội, với nguy cơ sạt lở đất ở khu vực miền núi tăng lên. Quỹ đạo bão có xu hướng chuyển dịch xuống phía Nam trong 5 thập kỷ qua.

Việt Nam đã phải hứng chịu tác động của biến đổi khí hậu, và những tác động này dự đoán sẽ tăng lên trong tương lai, tạo nên gánh nặng cho tài chính công và sự phát triển kinh tế và con người. Căng thẳng trong quản lý nguồn nước bắt nguồn từ biến đổi khí hậu càng làm vấn đề hiện tại trầm trọng hơn. Người ta đang quan ngại nghiêm trọng về việc đáp ứng nhu cầu sử dụng nước trong tương lai, đặc biệt là vào mùa khô. Sự thay đổi thuỷ văn và nước biển dâng sẽ ảnh hưởng tới lượng nước ngọt (xâm nhập mặn) hoặc thậm chí thay đổi đất nông nghiệp về chất. Thiên tai liên quan đến biến đổi khí hậu khiến trung bình 750 người chết và gây tổn thất kinh tế hàng năm tương đương với 1,5% GDP. Khả năng biến đổi khí hậu có thể gây lũ lụt trầm trọng, hạn hán kéo dài, các cơn bão mạnh và thường xuyên hơn gắn liền với sóng thần yêu cầu cần phải có các hành động phòng ngừa và thích ứng.

Nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất gạo, được dự đoán là sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề, nhất là xung quanh Đồng bằng sông Cửu Long, nơi mà phần lớn diện tích đất nằm dưới mực nước biển 2 mét. ĐBSCL được xác định là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu. Riêng ĐBSCL cung cấp 50% sản lượng gạo (90% phục vụ xuất khẩu), 70% nông sản và 1/3 GDP của Việt Nam. ĐBSCL có mật độ dân cư đông đúc và là nơi cư trú của 22% dân số Việt Nam, phần lớn sống ở khu vực nông thôn ven biển và sinh kế phụ thuộc nhiều vào trồng lúa và nuôi tôm. Nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản ở ĐBSCL ngày càng bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi nguồn cung cấp nước ngọt do xâm nhập mặn, lũ lụt, bão nhiệt đới dày đặc, và nhiệt độ tăng lên. Nguồn cung cấp nước ngọt trong nước dự kiến sẽ không ổn định do lượng mưa không đều và xâm nhập mặn vào các nguồn nước ngầm. Thuỷ sản biển, đặc biệt là thuỷ sản rặng san hô, dự kiến sẽ bị ảnh hưởng bởi nước biển dâng, đại dương ấm lên, và axit hoá đại dương gắn liền với sự tập trung ngày càng nhiều CO2 trong khí quyển và đại dương. Cơ sở hạ tầng ven biển sẽ phải chịu bão nhiệt đới nhiều hơn, nước biển dâng về lâu dài và ngập lụt bờ biển và sông đột ngột.

2. Bối cảnh trong nước đang thay đổi

Kinh tế Việt Nam đang trải qua năm thứ 30 liên tiếp tiếp tục tăng trưởng. Nền kinh tế đã tăng trưởng trung bình gần 7% kể từ năm 1988 đến nay với việc tăng trưởng chỉ ở dưới 5% một lần duy nhất trong thời kỳ này.[1] Do đó, thu nhập bình quân đầu người đã tăng lên gần gấp 5 lần kể từ năm 1988 đến nay. Mặc dù tăng trưởng kinh tế trong những năm gần đây thấp hơn so với mức cao kỷ lục trong thập kỷ 1990, nhưng lại khá bền vững, rộng khắp và thân thiện với việc làm. Sau những khó khăn kinh tế và tài chính từ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, sự ổn định kinh tế vĩ mô đã được phục hồi và Việt Nam đã nổi lên thành một nền kinh tế thu nhập trung bình thấp phát triển mạnh và quốc gia xuất khẩu mạnh. Các nhà đầu tư nước ngoài đang mong muốn đến Việt Nam, đòi hỏi được tham gia và đóng góp vào sự phồn thịnh của Việt Nam. Đói nghèo tiếp tục giảm và các chỉ số xã hội được cải thiện khi người dân ngày càng dễ tiếp cận được các dịch vụ cơ bản trong giáo dục, y tế, và các cơ sở hạ tầng quan trọng.

Ẩn sau những tin tích cực như trên lại là những lo lắng cho tương lai. Với một thu nhập bình quân đầu người chỉ bằng 40% so với thu nhập trung bình của thế giới, Việt Nam vẫn còn một chặng đường dài để có thể đuổi kịp được với các quốc gia khác trong khu vực. Trong nhiều năm tới, nhu cầu phát triển nhanh sẽ vẫn còn. Tuy nhiên, mặc dù đã phục hồi trong những năm gần đây, nhưng xu thế phát triển hiện nay vẫn còn chưa mạnh, thể hiện ở việc suy giảm, ở các mức độ khác nhau, trong năng suất, lực lượng lao động và tăng trưởng đầu tư. Mặc dù nhiều quốc gia ghen tị với tốc độ tăng trưởng của Việt Nam, nhưng tốc độ này vẫn còn quá thấp để Việt Nam có thể đạt được mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập trung bình cao vào năm 2035. Quan trọng hơn, việc tăng trưởng chậm lại của Việt Nam có vẻ như xảy ra sớm hơn so với các nền kinh tế Đông Á khác, các quốc gia này đã duy trì được mức độ tăng trưởng cao hơn khi họ ở mức thu nhập hiện nay của Việt Nam.

Tăng năng suất lao động – động lực chính cho tăng trưởng GDP trong giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi ở Việt Nam – vẫn còn thấp. Tăng năng suất lao động đã phục hồi phần nào trong những năm gần đây nhờ vào sự mở rộng khu vực FDI, và việc người lao động chuyển từ lĩnh vực nông nghiệp sang lĩnh vực dịch vụ và sản xuất. Tuy nhiên, việc tăng năng suất vẫn còn khá yếu, thể hiện việc thiếu hiệu quả thường xuyên trong phân bổ nguồn lực trong nền kinh tế. Hạch toán tăng trưởng trên một loạt giả định cho thấy một bức tranh trong đó tỷ lệ tăng năng suất các nhân tố tổng hợp trong thập kỷ qua nhìn chung là thấp. Năng suất lao động đã kéo tăng trưởng GDP xuống, mặc dù có nhiều sự khác biệt trong mức năng suất và tốc độ tăng trưởng trong và giữa các lĩnh vực, cũng như trong và giữa các công ty.

Tăng trưởng đầu tư đang dần phục hồi và đang cân bằng với đầu tư tư nhân. Ở mức khoảng 26%, tổng vốn đầu tư của Việt Nam đã xuống dưới xu hướng lâu dài của Việt Nam. Vì vậy, trong hơn 6 năm qua, Việt Nam đã tạo ra khoản tiết kiệm quá mức không được sử dụng trong nước (thể hiện ở thặng dư vãng lai của Việt Nam). Trong khi đầu tư của lĩnh vực tư nhân, ở trong nước và nước ngoài, tiếp tục diễn ra khá sôi nổi, đầu tư của lĩnh vực Nhà nước đã giảm đáng kể trong những năm gần đây, thể hiện sự hạn chế về tài chính. Mặc dù đã được điều chỉnh từ tỷ lệ đầu tư quá mức trước khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, song sự tích luỹ vốn chậm hơn đang gia tăng áp lực đối với năng suất và tăng trưởng sản lượng tiềm năng. Do Việt Nam vẫn là nền kinh tế khá thiếu vốn, nên việc tích luỹ vốn đầu tư trong khu vực tư và khu vực công dự kiến vẫn là một yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng.

Mặc dù dân số Việt Nam còn trẻ, nhưng Việt Nam đang phải đối mặt với những trở ngại lớn về dân số.  Các xu hướng dân số đang bắt đầu tạo áp lực lên sản lượng tiềm năng. Mặc dù dân số trong độ tuổi lao động và lực lượng lao động sẽ tiếp tục tăng trong hai thập kỉ tới, nhưng tỷ lệ tăng giảm xuống còn khoảng 1%/năm, thấp hơn hẳn so với mức tăng trung bình 2,5% trong giai đoạn từ năm 1990 đến 2013. Nếu nhìn tổng thể, thì dân số trong độ tuổi lao động đang bắt đầu giảm. Phạm vi Việt Nam có thể tối đa hoá lợi nhuận thu được từ lợi tức dân số còn lại có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Việc Việt Nam có thể sử dụng thanh thiếu niên trong những công việc có hiệu suất cao hơn sẽ quyết định không chỉ tốc độ tăng trưởng tổng hợp mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới sinh kế của người dân.

Mặc dù đạt nhiều thành tích trong việc đầu tư vào con người, vẫn còn nhiều cơ hội để thu hẹp các khoảng cách về vốn nhân lực. Theo Chỉ số vốn nhân lực gần đây của World Bank (HCI)[2] Việt Nam xếp thứ 48 trong 157 quốc gia, cao hơn hẳn các quốc gia thu nhập trung bình thấp khác và cao hơn nhiều các quốc gia có thu thập gấp nhiều lần Việt Nam. Tuy nhiên, năng suất lao động suốt đời của một đứa trẻ sinh ra ở Việt Nam hiện nay sẽ chỉ bằng 67% năng lực tiềm tàng của đứa trẻ đó nếu đứa trẻ này được học và chăm sóc sức khoẻ đầy đủ. Mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng trong tăng cường chất lượng và thành tích giáo dục, đặc biệt tại cấp tiểu học và trung học cơ sở, mức độ kỹ năng vẫn chưa tương xứng với yêu cầu của nền kinh tế đang phát triển nhanh. Vấn đề này được kết hợp với tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em, ở mức khá cao là 25%, khiến năng lực thể chất và nhận thức cả đời của quá nhiều trẻ em chịu rủi ro.

Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng nhanh, đòn bẩy ngày càng tăng của khu vực tư nhân, và nợ công cao tiềm ẩn những rủi ro đối với sự ổn định lâu dài và có thể sẽ kìm hãm tăng trưởng trong tương lai. Mặc dù Việt Nam đã duy trì được sự ổn định kinh tế vĩ mô trong những năm gần đây, nhưng lớp đệm kinh tế vĩ mô vẫn còn khá mỏng. Thâm hụt tài chính khá lớn và dai dẳng đã tích tụ nợ công nhanh. Mặc dù rủi ro vỡ nợ thấp, nhưng dư địa tài chính lại hạn chế trong việc đối phó với khả năng suy thoái tiềm tàng, thanh toán các khoản nợ bất ngờ, hoặc đáp ứng các nhu cầu đầu tư cho phát triển. Thúc đẩy bởi tăng trưởng tín dụng nhanh, bảng cân đối thu chi của công ty và hộ gia đình ngày càng mất cân đối, với tỉ lệ tín dụng -GDP của Việt Nam ở mức 135% – cao hơn hẳn các nền kinh tế trung bình thấp khác. Tình trạng nợ gia tăng khiến nền kinh tế dễ bị ảnh hưởng bởi các cú sốc và căng thẳng tiềm tàng trên thị trường tài chính, đặc biệt trong bối cảnh Các khoản nợ Không Thanh toán được vẫn chưa được hoàn toàn giải quyết và vùng đệm vốn trong một số ngân hàng còn khá mỏng. Nợ cao cũng sẽ là một yếu tố kìm nén tăng trưởng tương lai vì điều này gây ra gánh nặng lớn về việc trả lãi trong tương lai, từ đó có thể không khích lệ các công ty đầu tư và phát triển. Quan trọng hơn, hệ thống tài chính cần phải dịch chuyển theo hướng tăng cường hiệu quả vốn thay vì tăng cường độ vốn (thông qua tăng trưởng tín dụng) để đóng góp bền vững cho tăng trưởng kinh tế.

Di sản thể chế, bao gồm khu vực lớn do nhà nước sở hữu, các thể chế thị trường chưa hoàn chỉnh và một môi trường đầu tư rắc rối đang cản trở việc phân bổ hiệu quả nguồn lực trong nền kinh tế.  Vai trò của nhà nước và thị trường cần tiếp tục thay đổi. Với việc nhà nước vẫn tham gia vào các hoạt động sản xuất và phân bổ nguồn lực, thì vẫn cần đặt ra các câu hỏi về một sân chơi bình đẳng, điều tiết thị trường độc lập và khuôn khổ cạnh trạnh hiệu quả. Điều này được kết hợp với sự chia rẽ trong và giữa các cấp chính quyền và trách nhiệm giải trình kém trong quá trình hoạch định chính sách, phân bổ nguồn lực, cải cách quy định và cung cấp dịch vụ. Mặc dù Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng cao và có kết quả dịch vụ công tốt trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển, nhưng yếu kém về quản trị có thể sẽ kìm hãm tăng trưởng và kết quả xã hội trong tương lai. Việt Nam cần chú ý hiện đại hoá các thể chế chính quyền cốt lõi nhằm giúp các thể chế này tiếp tục hỗ trợ một nền kinh tế thu nhập trung bình đang phát triển nhanh chóng.

Trong khi phải giải quyết các thách thức trong nước, Việt Nam sẽ phải chèo lái bối cảnh quốc tế đang thay đổi. Bối cảnh toàn cầu sẽ tiếp tục thay đổi trong thập kỉ tiếp theo, mang lại cho Việt Nam cơ hội cũng như rủi ro. Các dòng chảy thương mại và đầu tư toàn cầu sẽ chậm lại trong thời gian dài – ban đầu là do các chuỗi giá trị toàn cầu chín muồi và tốc độ tự do hoá thương mại chậm hơn. Gần đây, xu hướng này được kết hợp với chủ nghĩa dân tộc kinh tế và chủ nghĩa dân tuý tăng lên, dẫn tới thời kì không toàn cầu hoá kéo dài và chủ nghĩa bảo hộ quay trở lại. Cùng lúc đó, các cường quốc kinh tế toàn cầu đang dịch chuyển sang Châu Á, với dân số lớn có thu nhập gia tăng và sức mua lớn hơn, đặc biệt là ở Trung Quốc, ASEAN và Ấn Độ. Những diễn biến này lại được tăng cường bởi sự thay đổi công nghệ nhanh và việc xuất hiện của cái gọi là cách mạng công nghiệp lần thứ 4, hoặc Công nghiệp 4.0. Những diễn biến này sẽ ảnh hưởng tới sản phẩm được tiêu dùng và sản xuất, ở đâu và như thế nào. Chúng dự kiến cũng ảnh hưởng với việc thiết lập các chuỗi sản xuất toàn cầu và thị trường lao động, đẩy mạnh nhu cầu cho kĩ thuật cao hơn để thay thế cho những công việc thông thường không cần nhiều kỹ năng. Mặc dù xu hướng và tốc độ của các diễn biến toàn cầu này rất khó dự đoán, Việt Nam cần phải tự định vị để tận dụng những cơ hội và quản lý các rủi ro đến từ những thay đổi lớn có thể xảy ra trong thập kỉ tiếp theo.

 

 

3. Nhìn về tương lai

Tăng trưởng vốn cổ phần dự đoán sẽ tiếp tục là nguồn tăng trưởng quan trọng nhất của Việt Nam. Công tác hạch toán tăng trưởng cho thấy trong giai đoạn 2012-17, tăng trưởng vốn cổ phần chiếm 3,5% trong 6,1% tăng trưởng GDP. Để mức đầu tư vẫn ở mức của năm 2017, phần đóng góp của tăng trưởng vốn cổ phần dự kiến tiếp tục trong khoảng từ 3,3-3,5%, một phần đáng kể giúp Việt Nam tăng trưởng nhanh.

Phần đóng góp giảm dần của tăng trưởng lực lượng lao động và vốn nhân lực. Xu hướng dân số của Việt Nam dự báo việc tăng phần đóng góp của lực lượng lao động và vốn nhân lực (tính theo số năm học trung bình) đối với tăng trưởng kinh tế sẽ bị hạn chế. Tỷ lệ tham gia của lực lượng lao động Việt Nam ở mức khoảng 80% đã là cao, nếu tăng thêm tỷ lệ này sẽ là một nhiệm vụ đầy thách thức. Trong giai đoạn 2012-2017, phần đóng góp của lực lượng lao động và vốn nhân lực là 1,5%, nguồn tăng trưởng quan  trọng thứ 2 sau tăng trưởng vốn cổ phần.

Mục tiêu tăng trưởng cao sẽ đòi hỏi tăng đáng kể phần đóng góp của TFP. Phân tích tăng trưởng cho thấy mục tiêu tăng trưởng cao trong giai đoạn 2021-30 sẽ đòi hỏi tăng TFP để bù đắp cho sự suy giảm đóng góp của vốn nhân lực và lực lượng lao động trong tăng trưởng. Mục tiêu tăng trưởng 6,5% giai đoạn 2021-30 sẽ đòi hỏi phải tăng dần mức đóng góp của TFP từ 1,1% giai đoạn 2012-17 lên 1,9% vào năm 2030. Đạt mức tăng TFP cao trong giai đoạn dài là thách thức đối với bất kỳ chính phủ nào, vì với tình hình kinh tế thế giới gần đây tăng TFP 1,5%/năm đã là thành công đối với các nước.

Nhân tố nào Việt Nam cần ưu tiên trong các yếu tố chung quyết định tăng TFP? Đổi mới, giáo dục, hiệu quả thị trường, cơ sở hạ tầng, và thể chế là 5 yếu tố quan trọng quyết định TFP như tài liệu về TFP đã xác định chung. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy các nhân tố khác nhau có vai trò khác nhau ở các quốc gia, tuỳ thuộc vào trình độ phát triển. Trong khi ở các nước phát triển chi phí cho nghiên cứu và phát triển (R&D) và đổi mới có thể ảnh hưởng đáng kể đến việc tăng TFP, thì các nước đang phát triển có vẻ lại hưởng lợi nhiều hơn từ giáo dục và hiệu quả thị trường, nhân tố lý giải hầu hết sự tăng TFP ở các nước này.

Làm mới động lực tăng trưởng của Việt Nam sẽ đòi hỏi phải thực hiện một chương trình nghị sự phát triển phức tạp và nhiều thách thức. Khung phân tích được đưa ra cho thấy tăng trưởng của Việt Nam trong thập kỷ tới sẽ được thúc đẩy bởi sự kết hợp giữa đầu tư vào tư liệu sản xuất (vốn con người, vật chất và tự nhiên) và tăng năng suất theo đó đòi hỏi phân bổ hiệu quả nguồn lực trong các lĩnh vực và doanh nghiệp (từ sử dụng kém hiệu quả đến hiệu quả hơn) cũng như giải phóng tăng năng suất trong doanh nghiệp (thông qua đổi mới và lựa chọn công nghệ). Do đó báo cáo sẽ tập trung vào 4 lĩnh vực cải tổ ưu tiên có liên quan đến nhau như sau: (i) Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đổi mới và có sức cạnh tranh, (ii) Đầu tư vào con người, (iii) Cung cấp cơ sở hạ tầng cho tăng trưởng và (iv) Tăng trưởng xanh. Cải tổ trong các lĩnh vực này sẽ giải quyết các vấn đề mấu chốt xuyên suốt đối với tăng trưởng như kỹ năng, tài chính, cơ sở hạ tầng, quy định kinh doanh và sự bền vững môi trường, trong đó tập trung vào chính sách và cải cách thể chế để theo đuổi các ưu tiên xác định trong báo cáo. Duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, cung cấp cơ sở hạ tầng thúc đẩy tăng trưởng và cải cách quy định, giải quyết tình trạng bất bình đẳng, tăng mức hoàn thành giáo dục trung học cơ sở và tăng trưởng "xanh" sẽ đòi hỏi quản lý công hiệu quả có khả năng huy động nguồn lực trong nước, thực hiện đầu tư công và các chương trình chi tiêu, đề ra các quy định chất lượng và thực hiện các quy định một cách công bằng, minh bạch.,.

 

                                                Nguồn: Tài liệu của Ngân hàng thế giới (WB)  

      

                               PGS. TSKH Trần Nguyễn Tuyên dịch thuật và giới thiệu



[1] Tăng trưởng luôn vượt mức 5%/năm, ngoại trừ vào năm 1999 sau khi bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế Châu Á  - tăng trưởng GDP chỉ có 4,9%.

[2] World Bank bắt đầu chỉ số này vào năm 2018, HCI đo năng suất mà một đứa trẻ sinh ra vào thời điểm hiện tại có thể đạt được khi 18 tuổi. Chỉ số này thể hiện năng suất của thế hệ người lao động tiếp theo so với mốc có đầy đủ giáo dục và hoàn toàn khoẻ mạnh.

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết