Chủ Nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024

Một số mô hình về tích tụ, tập trung đất đai, phát triển nông nghiệp công nghệ cao có hiệu quả ở tỉnh Ninh Bình

Ngày phát hành: 05/05/2019 Lượt xem 2336

Nông dân xã Khánh Hải huyện Yên Khánh thu hoạch lúa.

 

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đến nay toàn tỉnh Ninh Bình có 111/119 xã tham gia dồn điền đổi thửa với diện tích khoảng 36.097,83 ha. Kết quả sau thực hiện dồn điền đổi thửa đến nay bình quân số thửa/hộ trước dồn điền đổi thửa là 4,3 thửa/hộ, sau dồn điền đổi thửa là 2,02 thửa/hộ. Tại những địa phương đã thực hiện dồn điền đổi thửa, người nông dân tự nguyện hiến một phần đất để chỉnh trang đồng ruộng, nâng cấp bờ vùng, bờ thửa, kênh mương, tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, hình thành những thửa ruộng, cánh đồng lớn tạo tiền đề cho việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả cho người nông dân từng  bước hình thành sản xuất lớn.

Tỉnh Ninh Bình đã và đang tiến hành thử nghiệm tích tụ ruộng đất trong khuôn khổ pháp luật cho phép. Theo các hình thức doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tập trung ruộng đất để sản xuất hàng hóa bằng cách thuê lại ruộng của nông dân, trả theo mức độ thu nhập bình quân của người dân trên diện tích đất đó, theo từng chân đất, từng vùng sinh thái; hoặc đặt hàng các HTX sản xuất các sản phẩm cung cấp lại cho doanh nghiệp, hoặc các hộ nông dân chủ động tích tụ ruộng đất bằng hình thức liên kết hình thành các tổ hợp tác cùng sản xuất một số sản phẩm nông nghiệp.

Các hình thức tích tụ, tập trung đất đai

* Đối với các doanh nghiệp

- Hình thức doanh nghiệp đặt hàng với các hộ nông dân thông qua các HTX để tổ chức sản xuất sản phẩm theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Doanh nghiệp thu mua lại toàn bộ sản phẩm theo giá thỏa thuận. Trên địa bàn tỉnh, một số doanh nghiệp đã và đang thực hiện sản xuất tập trung theo hình thức này như: Công ty Tổng công ty cổ phần giống cây trồng và con nuôi Ninh Bình, Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, Trung tâm nghiên cứu và phát triển đậu đỗ… Các sản phẩm đặt hàng sản xuất bao gồm: Lúa chất lượng cao, lúa đặc sản, ngô ngọt, rau, đậu xanh… Bình quân khoảng 500ha/năm. Hình thức này còn gặp một số khó khăn: Sản xuất chưa tập trung, chưa đồng trà, thỏa thuận giá cả giữa doanh nghiệp và người dân đôi lúc chưa chặt chẽ, vẫn còn tình trạng người sản xuất không bán sản phẩm cho doanh nghiệp…

- Hình thức doanh nghiệp thuê lại đất của dân: Dân làm đơn gửi HTX, HTX là đầu mối, doanh nghiệp sẽ thuê lại diện tích đất này thông qua HTX. Giá cả thuê đất dựa trên lợi nhuận 1 năm của công thức luân canh mà người dân vẫn làm để trả (thông thường từ 17-27 triệu/ha/năm). Thuê từ 5-10 năm. Đến nay, có 05 doanh nghiệp thuê trên 500 ha để tổ chức sản xuất các sản phẩm như: Rau củ, quả, cây dược liệu, nuôi trồng thủy sản. Hình thức này đang phát triển khá phổ biến ở các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh, có khả năng tiếp tục mở rộng diện tích, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu thuê lại đất của dân dài hạn để đầu tư sản xuất nông nghiệp. Với hình thức này, doanh nghiệp có thể tổ chức sản xuất lớn, sản xuất hàng hóa, dễ áp dụng khoa học công nghệ và cơ giới hóa vào sản xuất theo mục đích kinh doanh của mình; người dân chắc chắn đảm bảo được thu nhập, đồng thời giải quyết được việc làm vì doanh nghiệp thuê lại người dân để tổ chức sản xuất; giải quyết được vấn đề lao động nông thôn.

 

Vùng sản xuất cây con an toàn của HTX Tiên Phong xã Yên Từ-Yên Mô

 

* Đối với các hộ dân

- Hình thức các hộ dân tích tụ tập trung đất đai:

Đây là hình thức các hộ nông dân tự nguyện chuyển nhượng, cho mượn, tự nguyện liên kết hợp tác, cùng chung sở thích thành lập các HTX chuyên ngành cùng sản xuất một hoặc một số sản phẩm. Họ xây dựng kế hoạch, tổ chức sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay có khoảng 60 HTX ngành hàng và 70 tổ hợp tác xã, với quy mô từ 5 người/ HTX, tổ hợp tác và 2 ha trở lên. Hình thức này đang hoạt động khá hiệu quả, có xu hướng mở rộng trong thời gian tới. Đồng thời, người dân chủ động làm trang trại dựa trên cơ sở tích tụ đất bằng cách mua lại của các hộ khác để tự sản xuất.

- Hình thức hộ nông dân làm trang trại dựa trên cơ sở tích tụ ruộng đất bằng cách mua lại đất của các hộ khác để tự sản xuất. 

Trên địa bàn toàn tỉnh có 1.031 trang trại, gia trại (quy mô sản xuất từ 5.000m2 và doanh thu từ 350 triệu/năm đồng trở lên, trong đó gồm 320 trang trại, 671 gia trại). Số trang trại được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại theo quy định của Thông tư 27/2011/TT-BNNPTNT, ngày 13/4/2011 của Bộ Nông nghiệp và PTNT là 158 trang trại . Giá trị sản lượng hàng hóa đạt từ 700 triệu đồng/năm trở lên.

Tuy nhiên trong quá trình tích tụ, tập trung đất đai ở Ninh Bình hiện nay vẫn còn một số khó khăn cần tháo gỡ, đó là:

- Tư tưởng giữ đất của người nông dân. Vì với nông dân, đất là tài sản quý giá nhất để sản xuất và duy trì cuộc sống, nên khi nhà nước vận động cho doanh nghiệp thuê đất... thì nông dân luôn có tư tưởng giữ đất, sợ bị mất đất.

- Khó khăn trong việc vận động người dân cho thuê đất: Nếu doanh nghiệp muốn thuê với diện tích đất khoảng 20 ha (tức là tương đương với khoảng trên 100 hộ xã viên có đất trên diện tích này) chỉ cần một vài hộ xã viên không đồng ý thì việc vận động cho thuê lại đất của người dân sẽ gặp rất nhiều khó khăn, diện tích đất thuê được sẽ không liền vùng, liền thửa.

- Khi doanh nghiệp thuê được đất của dân để sản xuất lớn, muốn có lợi nhuận thì họ phải đầu tư áp dụng khoa học, công nghệ, cơ giới hóa vào sản xuất vì vậy sẽ sử dụng rất ít công lao động, nếu có thuê lại dân thì cũng chỉ là một số lượng nhỏ. Do đó lực lượng lao động nông nghiệp sẽ dư thừa và đối mặt với nhiều khó khăn về việc làm.

- Khó khăn trong việc chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả, nhất là vùng không thuộc quy hoạch sản xuất lúa hàng hóa, vùng sản xuất lúa đảm bảo an ninh lương thực để chuyển sang nuôi trồng các loại cây con có giá trị kinh tế cao hơn. Mặc dù có Nghị định 35, và các văn bản hướng dẫn khác về chuyển đổi tuy nhiên vẫn còn hết sức khó khăn. Trong khi các mô hình chuyển đổi đều đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với đất 2 lúa và Ninh Bình còn nhiều diện tích có thể chuyển đổi./.

 

PV

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết