Chủ Nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024

Mở rộng thị trường xuất khẩu trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế

Ngày phát hành: 02/05/2019 Lượt xem 14949

Mở rộng thị trường đồng nghĩa với việc đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Đây cũng là chính sách chung của Đảng và nhà nước nhằm hỗ trợ, thực hiện thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển, tạo công ăn việc làm cho người lao động, giải quyết các vấn đề xã hội đồng thời tăng thu ngoại tệ cho đất nước, nâng cao trình độ kỹ thuật công nghệ nhằm phục vụ cho công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. 

 


Hiện nay, tiếp tục thực hiện chủ trương hội nhập quốc tế, mà trước hết là hội nhập kinh tế quốc tế, chúng ta đã và đang tích cực tham gia đàm phán và ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác lớn và khi được ký kết, đưa vào thực thi, các FTA sẽ tạo cơ hội mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu cho hàng hóa của Việt Nam.
Trong xu thế toàn cầu khi hàng rào thuế quan được dỡ bỏ, bên cạnh việc có nhiều cơ hội thị trường cho sản phẩm hàng hóa và dịch vụ Việt Nam ở nước ngoài, các doanh nghiệp Việt Nam đồng thời cũng phải cạnh tranh để có thể giữ vững được thị trường nội địa và thị phần của mình. Do vậy, việc mở rộng thị trường xuất khẩu sẽ được coi như là một chiến lược dài hạn nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực, nâng cao năng lực sản xuất xuất khẩu và cạnh tranh qua đó sẽ giúp việc tồn tại và đứng vững tại thị trường nội địa. 
Ngoài ra, mở rộng thị trường còn giúp doanh nghiệp Việt Nam cọ xát hơn nữa với thế giới bên ngoài, có điều kiện để phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời khẳng định vị thế mới của mình trên trường quốc tế.
Hiện nay, xuất khẩu của Việt Nam vẫn tập trung vào một số thị trường lớn và truyền thống như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… Mở rộng thị trường là một mặt duy trì và củng cố thị trường truyền thống, mặt khác sẽ tăng cường thị trường xuất khẩu tiềm năng khác sẽ giúp xuất khẩu giảm bớt sự phụ thuộc vào những thị trường này để phát triển ổn định và bền vững hơn.  
Vì vậy, mở rộng, phát triển thị trường nước ngoài là tất yếu khách quan, cần thiết trong bối cảnh hiện nay và tương lai, đặc biệt khi Việt Nam đang hội nhập sâu, rộng vào khu vực và toàn cầu cũng như nỗ lực hạn chế sự phụ thuộc về xuất nhập khẩu vào một số quốc gia nhất định.
Trong 8 năm qua (2011-2018), thị trường xuất khẩu đã được mở rộng cả về quy mô thị trường và cơ cấu thị trường xuất khẩu, mặt hàng xuất khẩu đã góp phần không nhỏ vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
1. Về quy mô xuất khẩu
Giai đoạn 2011-2018 là giai đoạn tăng trưởng vượt bậc về kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu; trong đó, tăng trưởng xuất khẩu đã vượt mục tiêu đề ra, góp phần quan trọng vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Giá trị xuất khẩu giai đoạn 2011-2018 đạt 1.290,88 tỷ USD (gấp 3,3 lần giai đoạn 2001-2010); giá trị nhập khẩu giai đoạn 2011-2018 đạt 1.290,69 tỷ USD (gấp 2,73 lần giai đoạn 2001-2010).
Xuất khẩu trong 8 năm tăng gấp 2,51 lần, từ 96,91 tỷ USD năm 2011 lên 243,48 tỷ USD vào năm 2018. Trong giai đoạn này, vào năm 2017, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vượt mốc 200 tỷ USD, tăng 118,21 tỷ USD so với năm 2011. Tăng trưởng xuất khẩu đã trở thành một trong những động lực chủ yếu của tăng trưởng kinh tế, góp phần tạo việc làm và thu nhập cho hàng triệu lao động, thể hiện sự phục hồi của kinh tế và góp phần cải thiện cán cân thương mại.
Xét về quy mô thị trường xuất khẩu, nếu năm 2011 chỉ có 24 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD (trong đó có 3 thị trường trên 10 tỷ USD) thì đến năm 2018, có 31 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD (trong đó, 4 thị trường đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD, 7 thị trường trên 5 tỷ USD).


Xét theo khu vực thị trường, trong cả giai đoạn 2011-2018, châu Mỹ và châu Á là hai thị trường khu vực quan trọng nhất với kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đây là hai khu vực có tăng trưởng xuất khẩu bình quân cao, đạt lần lượt khoảng 16,47%/năm và 15,39%/năm. Châu Phi và châu Đại Dương là hai khu vực có kim ngạch xuất khẩu thấp nhất và cũng có tốc độ tăng trưởng không ổn định, nhất là châu Đại Dương.
Kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam là Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), các quốc gia Đông Nam Á, Nhật Bản và Hàn Quốc đều có tăng trưởng cao trong giai đoạn 2011-2018 (bảng 2). Trong đó, Trung Quốc và Hàn Quốc là hai thị trường có tốc độ tăng trưởng bình quân cao nhất của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam.




2. Cơ cấu thị trường xuất khẩu
Trong giai đoạn 2011-2018, hàng hóa Việt Nam đã tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới. Tính đến nay, hàng hóa của Việt Nam đã có mặt tại trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. 
Giai đoạn 2011-2018, khu vực thị trường châu Á luôn duy trì tỷ trọng khoảng từ 51% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của ta. Tỷ trọng xuất khẩu vào khu vực thị trường châu Mỹ và khu vực thị trường châu Âu duy trì trong khoảng 20-23%. Tỷ trọng khu vực châu Phi và châu Đại Dương thấp so với 3 khu vực còn lại, tổng cộng hai khu vực này đạt khoảng 4% tổng kim ngạch xuất khẩu.
3. Công tác phát triển thị trường đạt nhiều kết quả
Trong giai đoạn 2011-2018, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện chủ trương đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, phát triển các thị trường tiềm năng, tránh lệ thuộc vào một số thị trường nhằm phát triển xuất khẩu một cách bền vững. Thực hiện chủ trương đó, Bộ Công Thương trong thời gian qua đã và đang triển khai đồng thời nhiều nhóm giải pháp phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế, cụ thể:

 


- Đẩy mạnh các hoạt động đàm phán song phương, đa phương với các thị trường, khu vực thị trường trọng điểm, nhiều tiềm năng. Việc đàm phán và ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) trong giai đoạn này đã thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động xuất khẩu của Việt Nam nhằm tận dụng tối đa lợi ích do các Hiệp định đó mang lại. Cơ cấu thị trường xuất khẩu có sự chuyển dịch sang các nước có FTA và có cơ cấu hàng hóa bổ sung với Việt Nam như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand, Liên minh Kinh tế Á - Âu. Số liệu thống kê cho thấy xuất khẩu vào các nước có FTA ngày càng tăng.
Năm 2018, xuất khẩu sang thị trường các nước có FTA với ta đều ghi nhận tốc độ tăng cao so với cùng kỳ năm 2017. Tăng trưởng xuất khẩu trên nhiều thị trường đạt mức hai con số như xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 41,2 tỷ USD, tăng 16,6% so với năm 2017, xuất khẩu sang thị trường ASEAN đạt 24,74 tỷ USD, tăng 13,9%, xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 18,85 tỷ USD, tăng 11,8%, xuất khẩu sang Hàn Quốc đạt 18,2 tỷ USD, tăng 22,8%.
- Tăng cường các hoạt động xúc tiến xuất khẩu theo hướng chú trọng mở rộng thị trường ở các nước đang phát triển, các thị trường tiềm năng và thị trường mới nổi. Hàng năm, Bộ Công Thương phê duyệt các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia nhằm hỗ trợ các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp trong việc thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, giao thương, giới thiệu sản phẩm sang các thị trường.

 


Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều thâm nhập được vào các thị trường lớn và có mức tăng trưởng xuất khẩu tốt. Mặt hàng gạo đã xuất khẩu sang hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, bên cạnh thị trường truyền thống đã từng bước mở rộng thị trường xuất khẩu vào các nước châu Mỹ, Trung Đông; sản phẩm gạo trắng cao cấp, gạo hạt tròn và gạo thơm đã bước đầu thâm nhập vào thị trường khó tính, giúp sản phẩm gạo Việt Nam từng bước hiện diện trên khắp thế giới. Mặt hàng rau quả đạt nhiều thành tích trong công tác mở rộng thị trường xuất khẩu, thâm nhập vào các thị trường “khó tính” như vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, vú sữa vào thị trường Hoa Kỳ; vải thiều vào thị trường Australia, Malaysia, EU (Pháp, Đức, Anh, Hà Lan); thanh long, xoài vào thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc; cam, quýt, thanh long vào thị trường Singapore…Dệt may đạt mức tăng trưởng trên hai con số năm 2018 (đạt 30,5 tỷ USD, tăng 16,7%), với mức tăng trưởng cao tại các thị trường chủ lực như Hoa Kỳ (tăng 11,6%, Nhật Bản (tăng 22,6%), Hàn Quốc (34,9%), Trung Quốc (tăng 39,6%), EU (9,9%). Tương tự, gỗ và sản phẩm gỗ và giày dép các loại cũng duy trì mức tăng trưởng tốt, đóng góp vào tổng kim ngạch xuất khẩu.
- Chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, củng cố, tăng cường công tác thông tin, cung cấp cho doanh nghiệp các phân tích, dự báo tình hình thị trường cũng như luật pháp, chính sách và tập quán buôn bán đặc thù của từng khu vực thị trường.
- Chú trọng hoạt động tuyên truyền, phổ biến để các doanh nghiệp tận dụng tối đa các điều kiện thuận lợi về tiếp cận thị trường và cắt giảm thuế quan ngày càng sâu hơn của các đối tác để đẩy mạnh xuất khẩu và nâng cao hiệu quả xuất khẩu hàng hoá Việt Nam sang các thị trường đã ký FTA.
- Thực hiện các chương trình thuận lợi hóa thương mại; khuyến khích tổ chức các sự kiện quảng bá, giới thiệu thương hiệu doanh nghiệp, sản phẩm có tầm quốc gia; hướng dẫn và hỗ trợ doanh nghiệp chủ động bảo hộ các thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa xuất khẩu trên thị trường thế giới.
Trong thời gian tới, việc phát triển thị trường xuất khẩu phù hợp với chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên cơ sở Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020, Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020 và định hướng đến năm 2030 cần bám sát định hướng: Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; củng cố và mở rộng thị phần hàng hóa Việt Nam tại thị trường truyền thống; tạo bước đột phá mở rộng các thị trường xuất khẩu mới có tiềm năng; phát huy vai trò, vị thế của Việt Nam trong các tổ chức quốc tế, khu vực và tăng cường hoạt động ngoại giao kinh tế để mở rộng thị trường xuất khẩu; phát triển hệ thống cơ quan xúc tiến thương mại tại các khu vực thị trường lớn và tiềm năng; tăng cường bảo vệ hàng hóa và doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường khu vực và thế giới; tận dụng tốt các cơ hội mở cửa thị trường của nước ngoài và lộ trình cắt giảm thuế quan để đẩy mạnh xuất khẩu và nâng cao hiệu quả xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang các thị trường đã ký FTA; triển khai có hiệu quả các biện pháp nhằm đưa hàng Việt Nam thâm nhập sâu vào kênh phân phối tại thị trường nước ngoài theo Quyết định số 1513/QĐ-TTg ngày 03 tháng 9 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ./.

 

PV. Theo Báo cáo của Bộ Công Thương


Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết