Theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế, Việt Nam biết tận dụng nội lực, tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài, và tranh thủ tham gia các hiệp định thương mại quốc tế nên ít bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Trúng cử Ủy viên không thường trực HĐBA lần 2: Vị thế của Việt Nam được nâng tầm
Phát biểu tại một cuộc hội thảo do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) và Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tổ chức ngày 19/6 ở Washington (Mỹ), bà Deborah Elms, nhà sáng lập và là giám đốc điều hành công ty nghiên cứu Asian Trade Centre có trụ sở ở Singapore, cho rằng cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang tác động cả tiêu cực và tích cực đến các nước trong khu vực. Bà Elms nhận định Việt Nam là một trong những nước Đông Nam Á biết lèo lái giỏi nhất bằng chính nội lực của mình giữa bối cảnh môi trường kinh doanh quốc tế đang hỗn loạn do tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Bà nói thêm: “Tôi nghĩ Việt Nam đang lèo lái tốt nhất và thực hiện các bước rất tốt trong việc tăng cường nội lực để có thể ứng phó với những tác động từ chiến tranh thương mại. Ngoài ra, Việt Nam vẫn đang tiếp tục thu hút đầu tư nhiều hơn từ bên ngoài”. Theo bà Elms, Việt Nam nhận thức được sự cần thiết phải vượt lên trên trong nhóm các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) để nắm bắt cơ hội. Bà nhận xét: “Bằng chứng là Việt Nam đã ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và đang tiến tới ký kết Hiệp định thương mại Tự do với EU (EVFTA) song song với việc tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài”.
Đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng, Việt Nam đang hợp tác chặt chẽ với Mỹ để giải quyết tình trạng thiếu hụt năng lượng để phục vụ phát triển kinh tế.
Phát biểu tại hội thảo nói trên, ông Marc Knapper, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, nói: “Tại Việt Nam, Bộ Ngoại giao Mỹ và Cơ quan Phát triển Thương mại Quốc tế Mỹ đang phối hợp với Chính phủ Việt Nam để thực hiện kế hoạch phát triển năng lượng nhằm thu hút đầu tư tư nhân vào nước này”.
Nhà ngoại giao của Mỹ này cho biết hai bên đang hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo thông qua việc thu hút đầu tư tư nhân và đáp ứng nhu cầu của nhiều doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ đang muốn mở rộng hoạt động kinh doanh ở thị trường Việt Nam. Ông Knapper coi việc hợp tác trong lĩnh vực năng lượng với Việt Nam, và cả Philippines là một ví dụ điển hình về cam kết lâu dài của Chính phủ Mỹ đối với khu vực châu Á, cũng như tái khẳng định các chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump xem đây là khu vực có tầm quan trọng lớn nhất của Mỹ.
Cũng tại hội thảo, nghị sĩ gốc Việt Stephanie Murphy - thành viên của Uỷ ban Thương mại, Tài chính và Thuế vụ của Hạ viện Mỹ - đã bày tỏ lo ngại về các chính sách thương mại, kinh tế, đặc biệt là việc đánh thuế cao đối hàng hóa Trung Quốc của chính quyền Tổng thống Trump. Bà Murphy, nữ nghị sỹ bang Florida, người phản đối việc Tổng thống Trump rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đề xuất rằng Quốc hội Mỹ cần tăng cường giám sát việc thực thi các chính sách thương mại và thuế quan của Tổng thống Trump.
Nhận định về cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, Giáo sư Xinquan Tu, thuộc Đại học Kinh tế Thương mại Quốc tế ở Bắc Kinh, nhận xét: “Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung không đơn thuần là vấn đề thương mại, mà đó là một chiến lược rộng lớn hơn nhằm kìm tỏa Trung Quốc”. Theo giáo sư Tu, chưa biết bên nào thắng cuộc trong cuộc chiến thương mại này nhưng một kết quả khởi đầu cho thấy các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, đang thay thế Mỹ, trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm 2019.
Trong một diễn biến khác, các phương tiện truyền thông nước ngoài tuần qua đã đánh giá cao thành công của Việt Nam trên trường quốc tế, đặc biệt trên ba lĩnh vực chính sách quốc tế, kinh tế và du lịch.
Báo Nga Nezavisimaya Gazeta đăng bài viết của nhà Việt Nam học nổi tiếng Grigory Lokshin, trong đó ca ngợi thành công lớn của Việt Nam trên trường quốc tế khi Việt Nam chính thức trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ). Cuộc bầu chọn các ủy viên không thường trực HĐBA LHQ vừa qua diễn ra trong bối cảnh cơ quan này đang chứng kiến thế bế tắc ngoại giao giữa một số nước thành viên chính thức, bởi các nước thành viên không thể đạt được sự đồng thuận trong việc cần phản ứng ra sao đối với một số cuộc xung đột từ Syria tới Myanmar, hay vấn đề Venezuela và Sudan.
Theo tác giả bài viết, trong tình huống bất lợi đó, cần phải chú ý không chỉ đến việc Việt Nam được bầu làm ủy viên không thường trực khi Việt Nam đã là ứng cử viên duy nhất của nhóm nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho vị trí này, mà trước hết nên chú ý đến kết quả bỏ phiếu. Việt Nam giành được 192 phiếu trong tổng số 193 quốc gia thành viên LHQ. Đây là một kỷ lục trong lịch sử LHQ. Không ai dự đoán rằng Việt Nam, một trong số ít các quốc gia xã hội chủ nghĩa còn lại trên thế giới, sẽ nhận được sự ủng hộ lớn như vậy. Một số phương tiện truyền thông nhấn mạnh trong những năm qua, cộng đồng thế giới đã không chỉ một lần thấy được rằng Việt Nam tiến hành đường lối đối ngoại cởi mở, đa dạng hóa quan hệ quốc tế để đảm bảo sự phát triển bền vững trên thế giới và ngăn chặn các tác động nguy hiểm của biến đổi khí hậu. Đây là lý do dẫn đến sự thành công rực rỡ của Việt Nam.
Về kinh tế, báo The Jakarta Post (Indonesia) viết rằng theo dự báo của các chuyên gia phương Tây, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,7% trong năm nay, mức tăng nhanh nhất ở Đông Nam Á. Tại các quốc gia trong khu vực, xuất khẩu trong quý II/2019 đã giảm so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi xuất khẩu của Việt Nam vẫn đang tăng trưởng khởi sắc.
Về du lịch, theo báo Nga Pravda.Ru, Việt Nam đã trở thành một trong những điểm đến phổ biến nhất với khách du lịch Nga trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Theo tính toán của công ty chuyên cung cấp số liệu ngành du lịch ForwardKeys, một khách du lịch Nga chi tiêu khoảng 1.500 USD tại Việt Nam, cao hơn 40% mức chi tiêu trung bình của các du khách nước ngoài khác.
Một trong những tờ báo nổi tiếng nhất của Nga là tờ Moskovsky Komsomolets cho hay hai hãng hàng không Aeroflot của Nga và Vietnam Airlines của Việt Nam đã ký thỏa thuận hợp tác liên danh linh hoạt để thực hiện các hành trình nội địa Việt Nam, nội địa Liên bang Nga cũng như các chuyến bay quốc tế giữa Việt Nam và Nga. Điều này mang lại cho hành khách nhiều cơ hội mới, giúp hành khách chỉ cần đặt chỗ và làm thủ tục chuyến bay một lần duy nhất với Vietnam Airlines hoặc Aeroflot để thực hiện toàn bộ hành trình. Kể từ ngày 1/7 tới, Vietnam Airlines sẽ chuyển hoạt động khai thác các chuyến bay đi, đến Matxcơva từ sân bay Domodedovo sang sân bay Sheremetyevo nhằm tạo điều kiện để hành khách dễ dàng nối chuyến tới các điểm đến nội địa ở Nga và châu Âu./.
Sao Mai (TTXVN)