Thực hiện chương trình hợp tác giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp, vừa qua, Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Hoàng Bình Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban đối ngoại Trung ương làm Trưởng đoàn với sự tham gia của lãnh đạo và cán bộ Hội đồng Lý luận Trung ương đã có chuyến thăm, làm việc và tổ chức Hội thảo lý luận lần thứ 3 giữa hai Đảng tại Paris, Pháp. Dưới đây là một số kết quả nổi bật rút ra từ hội thảo.
1. Đánh giá về tình hình thế giới, châu Âu và nước Pháp
Qua các tham luận và các ý kiến trao đổi, thảo luận của các đồng chí Pháp tại Hội thảo, cho thấy tình hình thế giới, châu Âu và tình hình chính trị nước Pháp thời gian qua thay đổi nhanh chóng, mạnh mẽ, hiện rất phức tạp, đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có.
- Trên thế giới, khủng hoảng xã hội, khủng hoảng di cư, chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa dân túy, các trào lưu cực hữu xuất hiện ở nhiều nước. Cạnh tranh kinh tế, địa chính trị, chiến tranh thương mại mở rộng sang các lĩnh vực khác giữa các nước lớn diễn ra gay gắt, tái khởi động cuộc chạy đua vũ trang mới. Thế giới từ đa cực chuyển sang vô cực, hỗn loạn; luật pháp quốc tế bị vi phạm, các định chế quốc tế đa phương bị thách thức, vai trò của Tổ chức Liên hợp quốc bị suy giảm. Mỹ thúc ép NATO tiến về hướng đông, chia rẽ châu Âu để áp đặt vai trò của Mỹ. Cuộc cách mạng công nghệ số gây đảo lộn nền sản xuất trên toàn cầu. Kinh tế thế giới bị chi phối, thống trị bởi các tập đoàn lớn. Chính phủ Mỹ tạo điều kiện cho các công ty, tập đoàn kinh tế của Mỹ bành trướng, định hình lại kinh tế thế giới và các định chế kinh tế quốc tế có lợi cho Mỹ. Toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghệ số hiện nay đều do các tập đoàn tư bản chi phối, vì lợi ích của các tập đoàn tư bản. Biến đổi khí hậu, an ninh mạng, an ninh thông tin trở thành thách thức mang tính toàn cầu. Mô hình quản trị, mô hình phát triển kinh tế cũ đã lỗi thời, không đáp ứng được yêu cầu phát triển; thế giới cần mô hình quản trị mới, trật tự kinh tế, tài chính mới phục vụ lợi ích của con người, của nhân dân, nhưng các thế lực tư bản chủ nghĩa tìm mọi cách để ngăn cản xu hướng này để duy trì vị trí thống trị của mình.
- Châu Âu đang trải qua giai đoạn khủng hoảng trầm trọng nhất từ sau khi bức tường Berlin sụp đổ, có thể xem là cuộc khủng hoảng “cộng dồn” của nhiều cuộc khủng hoảng: khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng tài chính, khủng hoảng di cư, khủng hoảng chính trị, khủng hoảng mô hình phát triển. Cộng đồng châu Âu bị chia rẽ giữa các nước Đông Âu mới gia nhập cộng đồng với các nước Tây Âu, giữa các nước Nam Âu đứng trước nguy cơ vỡ nợ (Hy Lạp, Tây Ban Nha, Italia) với các nước Bắc Âu; Anh tách khỏi cộng đồng (Brexit). Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, để cứu các ngân hàng và các tập đoàn kinh tế lớn, chính phủ các nước đều thực hiện chính sách “thắt lưng, buộc bụng”, tăng thuế, cắt giảm chi tiêu cho phúc lợi xã hội, tình trạng thiếu việc làm, đã làm tăng thêm những khó khăn cho cuộc sống của người lao động (ở châu Âu hiện nay, hơn 80 triệu người sống dưới mức nghèo đói), tích tụ những bất bình của người dân với chính phủ. Dòng người di cư từ các nước Trung đông, Bắc Phi do các cuộc chiến tranh ở Syria, Iraq, Libya tràn vào các nước châu Âu và các vụ khủng bố đẫm máu do các phần tử hồi giáo cực đoan gây ra ở một số nước châu Âu làm cho trạng thái khủng hoảng xã hội ở các nước châu Âu thêm trầm trọng.
Các đảng chính trị truyền thống, các đảng cánh tả, đảng xã hội, xã hội dân chủ, đảng bảo thủ, từng nhiều năm là các đảng thay nhau cầm quyền ở nhiều nước châu Âu, đều suy giảm uy tín, suy giảm ảnh hưởng, mất đi sự ủng hộ của cử tri, mất đi vị trí là đảng cầm quyền trong các cuộc bầu cử Quốc hội ở nhiều nước và trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vừa qua. Trong khi đó, các đảng xanh, đảng sinh thái đấu tranh bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu và đặc biệt là các đảng cực hữu chống toàn cầu hóa, chống nhập cư, bài ngoại, xuất hiện ở hầu hết các nước châu Âu, ngày càng giành được sự ủng hộ của cử tri, trở thành lực lượng chính trị quan trọng, thành đảng tham chính ở nhiều nước và sau cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vừa qua, đã trở thành lực lượng chính trị có ảnh hưởng ở tầm châu lục.
- Nước Pháp, như nhiều quốc gia châu Âu khác, cũng đang trải qua những biến động lớn, khủng hoảng kinh tế, xã hội, chính trị nghiêm trọng. Trong các cuộc bầu cử Tổng thống Pháp, Quốc hội Pháp và bầu cử Nghị viện châu Âu vừa qua, các đảng cánh tả, cánh hữu truyền thống nhiều năm cầm quyền ở Pháp (Đảng Cộng sản Pháp, Đảng nước Pháp Bất khuất, Đảng Xã hội Pháp, Đảng Những người Cộng hòa) đều thất bại trước đảng cực hữu và Đảng Nền Cộng hòa tiến lên mới thành lập tháng 5/2017 (từ một phong trào được khởi xướng tháng 4/2016) của Tổng thống Emmanuel Macron. Trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu tháng 5/2019 vừa qua, Đảng Tập hợp quốc gia của Marine Le Pen giành 23,4% phiếu bầu, có 24 ghế/74 ghế của nước Pháp, Đảng nền Cộng hòa Tiến lên của Tổng thống Emmanuel Macron được 22,4% phiếu, 22 ghế; trong khi, Đảng Xã hội Pháp chỉ được 6,43% phiếu bầu, được 6 ghế; Đảng Cộng sản Pháp chỉ được 2,64% phiếu bầu, không có đại biểu nào trong Nghị viện châu Âu. Trong các đảng cánh tả, chỉ có Đảng Xanh, đấu tranh cho bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu tiếp tục giành được sự ủng hộ của cử tri, được 13,5% phiếu bầu, có 13 ghế trong Nghị viện châu Âu, đứng thứ 3 trong các Đảng ở Pháp.
Các đồng chí Pháp cho biết Đảng Cộng sản Pháp đã thảo luận, phân tích kỹ nguyên nhân của tình hình này. Có nguyên nhân là do công tác tổ chức tuyên truyền, vận động trong chiến dịch tranh cử chưa tốt. Nhưng nguyên nhân chính không phải ở đấy, mà nguyên nhân chính là do nỗi thất vọng sâu sắc của người dân với chính quyền của các Đảng truyền thống cầm quyền nhiều năm không thực hiện được lời hứa cải thiện đời sống của người dân và không có giải pháp cho những vấn đề mà người dân đặt ra hiện nay. Đối với một Đảng chính trị, giải quyết được những vấn đề mà người dân, cử tri đặt ra mới là con đường để tồn tại, phát triển. Trong khi, Đảng của Marine Le Pen chỉ tập trung vào chống nhập cư, chống toàn cầu hóa, bài ngoại để bảo vệ nước Pháp, người Pháp; Đảng Xanh chỉ tập trung vào chống ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu; Đảng nền Cộng hòa Tiến lên trung dung, không tả, không hữu, với phong cách mới “đến từng ngõ, gõ cửa từng nhà, gặp gỡ, đối thoại với từng người” về những vấn đề mà họ quan tâm, đã thu hút được sự ủng hộ của cử tri.
Các đồng chí Đảng Cộng sản Pháp cho rằng mặc dù Tổng thống Emmanuel Macron và Đảng nền Cộng hòa Tiến lên của Tổng thống tuyên bố là trung dung, không tả, không hữu, nhưng thực tế ngày càng thiên hữu, đẩy mạnh tự do hóa kinh tế, tư nhân hóa các cơ sở kinh tế nhà nước, tăng thuế, trì hoãn cải cách lương hưu, bị chi phối bởi các tập đoàn tư bản lớn. Tình hình chính trị Pháp còn tiếp tục phức tạp. Phong trào “Áo vàng” nổ ra những tháng vừa qua là một biểu hiện cụ thể, phản ánh sự bất bình của người dân với các chính sách của chính phủ. Hoạt động của lực lượng “Áo vàng” hiện nay đã giảm xuống, nhưng có thể sẽ bùng phát bất kỳ lúc nào. Chủ nghĩa tư bản ở Pháp, ở châu Âu đang ở giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng, không giải quyết được những mâu thuẫn xã hội ngày càng gay gắt. Đây là cơ hội cho Đảng Cộng sản Pháp và các Đảng cánh tả.
Nhiệm vụ tới đây của Đảng Cộng sản Pháp là rút ra bài học từ những thất bại vừa qua, củng cố sự đoàn kết trong Đảng, đoàn kết các Đảng cánh tả ở Pháp, các lực lượng cánh tả ở châu Âu, lực lượng cánh tả trong Nghị viện châu Âu, trên cơ sở tôn trọng sự đa dạng, để đấu tranh với lực lượng cực hữu, bảo vệ quyền lợi của người lao động. Hiện nay, Đảng Cộng sản Pháp đang tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động, lấy chữ ký của người dân phản đối kế hoạch tư nhân hóa sân bay quốc tế ở Paris, chống lại các đề án sửa đổi chính sách lương hưu, sửa đổi Hiến pháp do các Đảng cực hữu đang chuẩn bị; đề xuất với chính phủ, Quốc hội Pháp các biện pháp quản lý hoạt động và thu thuế các công ty nước ngoài, nhất là các công ty công nghệ cao, đang hoạt động tại Pháp, bảo vệ lợi ích của nước Pháp, người lao động Pháp. Thông qua các hoạt động đó để nâng cao uy tín của Đảng, chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu các hội đồng địa phương ở Pháp sẽ tổ chức vào tháng 3/2020. Đảng Cộng sản Pháp hy vọng sẽ có kết quả tốt ở cuộc bầu cử quan trọng này.
2. Về những vấn đề lớn của nước Pháp
Đảng Cộng sản Pháp cho rằng toàn cầu hóa là xu thế khách quan, tất yếu, nhưng hiện nay, toàn cầu hóa đang bị giới tư bản, các tập đoàn tư bản chi phối, để mở rộng phạm vi hoạt động, bóc lột của tư bản trên phạm vi toàn cầu; do đó, sẽ làm cho tăng thêm mâu thuẫn giữa người lao động và giới tư bản trên thế giới. Hiện nay, nhiều tập đoàn tư bản lớn, trong đó có những tập đoàn công nghệ nước ngoài đầu tư ở Pháp (như Google, Facebook, Youtube...) thu được lợi nhuận rất lớn từ nước Pháp nhưng có rất nhiều cách để trốn thuế, không có đóng góp gì cho nước Pháp. Các đại biểu Quốc hội của Đảng Cộng sản Pháp đang xây dựng dự thảo Luật trình Quốc hội để quản lý hoạt động, thu được thuế đối với các tập đoàn này.
Đảng Cộng sản Pháp cho rằng mục đích tối thượng của kinh tế thị trường là lợi nhuận, phát triển kinh tế thị trường nhất định dẫn đến bóc lột, phân hóa giàu nghèo, bất công, mâu thuẫn xã hội, nên không chấp nhận kinh tế thị trường, nhất là kinh tế thị trường tự do. Hiện nay, Đảng Cộng sản Pháp đang tích cực tuyên truyền, vận động, đã lấy được 7 triệu chữ ký của người dân phản đối kế hoạch tư nhân hóa sân bay của chính phủ Pháp.
Đảng Cộng sản Pháp ủng hộ việc tiếp nhận người nước ngoài xin nhập cư, xem đó là vấn đề nhân đạo, là vấn đề quyền con người mà những người Cộng sản có nghĩa vụ phải thực hiện và cho rằng thực ra chỉ có khoảng 1,5 triệu người tỵ nạn xin nhập cư vào châu Âu, chưa bằng 0,2% dân số châu Âu, nên không phải là vấn đề lớn, báo chí, lực lượng cánh hữu đã thổi phồng vấn đề này để trục lợi.
Đảng Cộng sản Pháp ủng hộ phong trào “Áo vàng”, xem đó là cuộc đấu tranh của những người lao động chống lại các chính sách thiên hữu, phục vụ lợi ích của giới tư bản, gây thiệt hại tới người lao động. Tuy nhiên, Đảng Cộng sản Pháp không đồng tình với các hành động cực đoan, quá khích, gây bạo động, đập phá của người biểu tình, cho rằng đó là do những phần tử cực đoan trà trộn vào kích động và trực tiếp gây ra.
- Lập trường của Đảng Cộng sản Pháp về bảo vệ môi trường, chống lại, giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu toàn cầu là rõ ràng, nhất quán, xem đấu tranh bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng; cho rằng giải quyết vấn đề môi trường phải theo nguyên tắc lấy con người làm trung tâm, phục vụ con người, phản đối lập trường dân túy về phát triển “chủ nghĩa tư bản xanh” là giải pháp cho vấn đề môi trường. Đồng thời, các đồng chí Pháp cũng cho rằng, lập trường của Đảng Cộng sản Pháp về bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu là rõ ràng, nhất quán và đúng đắn, nhưng Đảng chưa làm cho người dân Pháp hiểu rõ lập trường của Đảng, chưa lôi kéo được người dân ủng hộ Đảng mà chỉ ủng hộ Đảng Xanh. Đây là vấn đề Đảng phải rút kinh nghiệm.
3. Về tình hình Việt Nam
Trong quá trình Hội thảo, các đồng chí Pháp đã nêu ra nhiều vấn đề để trao đổi, thảo luận và nhiều câu hỏi đề nghị Đoàn Việt Nam nói rõ thêm. Trong đó, tập trung vào một số vấn đề lớn là:
- Về quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, nhất là về tình hình Biển Đông và quan điểm của Việt Nam về giải quyết vấn đề này. Các đồng chí Pháp bày tỏ thái độ ủng hộ quan điểm và cách xử lý vấn đề của Việt Nam.
- Về quan hệ giữa các nước trong ASEAN hiện nay và dự báo trong những năm tới, nhất là trong bối cảnh có sự cạnh tranh ngày càng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc ở trong khu vực này.
- Các đồng chí Pháp bày tỏ sự khâm phục trước thành tựu đổi mới của Việt Nam trong những năm vừa qua và đề nghị phía Việt Nam cho biết những yếu tố nào, những động lực nào để Việt Nam đạt được những thành tựu phát triển này. Nhiều đồng chí Pháp hỏi về nền kinh tế thị trường định hướng XHCN của Việt Nam là thế nào và bày tỏ sự băn khoăn về việc phát triển kinh tế thị trường lại có thể dung hợp được với mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội của Việt Nam. Một số đồng chí hỏi làm thế nào mà Việt Nam lại thuyết phục được các nước công nhận nền kinh tế Việt Nam là kinh tế thị trường?
- Về lĩnh vực xã hội, một số đồng chí Pháp hỏi về mức độ phân hóa giàu - nghèo trong xã hội ở Việt Nam, các biện pháp mà Việt Nam đã thực hiện để giải quyết vấn đề này; về tình hình và kết quả thực hiện chính sách “xóa đói, giảm nghèo” ở Việt Nam; về công tác quản lý mức tăng dân số ở Việt Nam những năm vừa qua, mà bạn cho rằng rất thành công, cần được phổ biến để các nước khác tham khảo, học tập.
- Một số đồng chí Pháp hỏi về vấn đề bảo vệ môi trường và chống lại những tác động của biến đổi khí hậu ở Việt Nam thế nào, khi Việt Nam là một trong những quốc gia được đánh giá là chịu ảnh hưởng rất lớn của biến đổi khí hậu và Việt Nam là quốc gia đã tham gia Tuyên bố Paris về biến đổi khí hậu.
Các thành viên Đoàn Việt Nam đã trả lời và trao đổi, thảo luận về những vấn đề các đồng chí Pháp nêu lên./.
P.V