Thứ Hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024

10 năm xây dựng ngành điện lực phục vụ phát triển đất nước

Ngày phát hành: 14/10/2019 Lượt xem 4367

 

I. Những thành tựu đạt được

Thực tế hoạt động những năm qua khẳng định ngành điện đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ và nhân dân giao phó; đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu điện tăng cao của đất nước; đã thực hiện tốt vai trò là công cụ điều tiết vĩ mô và thực hiện an sinh xã hội của Chính phủ; sản xuất kinh doanh có lãi, đảm bảo nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước, bảo toàn và phát triển vốn.

Một số thành tựu nổi bật được thể hiện như dưới đây.

1. Ngành điện đã cơ bản đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội

Kể từ năm 2010, tuy có những giai đoạn khó khăn, nhưng nhìn chung ngành Điện đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tạo điều kiện quan trọng cho sự tăng trưởng kinh tế quốc dân ở mức độ cao trong nhiều năm vừa qua. Tính tới cuối năm 2018 điện sản xuất của hệ thống đã đạt 220 tỷ kWh, tăng 2,31 lần so với năm 2010 (95,22 tỷ kWh), tăng trưởng bình quân đạt mức khá cao (11,04%/năm).

2. Công tác đầu tư xây dựng hạ tầng cung cấp điện nhờ có sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Chính phủ nên đã có sự phát triển mạnh mẽ, là điều kiện quan trọng cho việc đảm bảo an ninh cung ứng điện

Công tác đầu tư xây dựng nguồn và lưới điện đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu điện cả nước. Các dự án, công trình trọng điểm, cấp bách của ngành Điện đảm bảo được tiến độ yêu cầu, đã hoàn thành nhiều công trình nguồn và lưới điện, tăng cường năng lực cấp điện cho hệ thống điện quốc gia. Bên cạnh đó, công tác đầu tư xây dựng của EVN cũng dần có sự chuyển dịch từ việc đầu tư phát triển về chiều rộng để đảm bảo nhu cầu sử dụng điện sang đầu tư theo chiều sâu để đảm bảo chất lượng điện năng và độ tin cậy cung cấp điện. Tính đến hết năm 2018, tổng công suất đặt của hệ thống điện quốc gia đạt trên 48.500 MW (tăng 2,25 lần so với năm 2010). Hệ thống truyền tải được đầu tư với khối lượng lớn đã đáp ứng yêu cầu đấu nối giải tỏa công suất các dự án nguồn điện và tăng cường năng lực truyền tải của toàn hệ thống.

3. Đã đưa điện lưới quốc gia tới hầu hết mọi miền của tổ quốc từ vùng sâu, vùng xa tới biên cương, hải đảo thể hiện sự ưu việt của nền kinh tế định hướng XHCN

Ngành điện đã nỗ lực đầu tư cấp điện tới vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo. Đến cuối năm 2018, số xã có điện trên cả nước đạt 100% và số hộ dân nông thôn được sử dụng điện đạt 99,37%. Cùng với việc chuyển giao lưới điện nông thôn về cho ngành điện quản lý, việc kiểm soát giá điện được tăng cường đáng kể. EVN đã đảm nhận cấp điện cho 11/12 huyện đảo. Đối với các đảo có vị trí chiến lược trên biển đã được EVN đầu tư cấp điện lưới quốc gia để đảm bảo cấp điện ổn định phục vụ phát triển kinh tế, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc.

4. Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế chính sách điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường, tạo điều kiện để ngành điện từng bước tự chủ về tài chính, có đủ năng lực cho đầu tư phát triển

Từ năm 2011 đến năm 2017 giá điện đã tăng từ 1.242 đ/kWh lên 1.720 đ/kWh (sau 8 lần điều chỉnh), cơ bản đảm bảo hoạt động kinh doanh của các đơn vị điện lực có lãi, là động lực quan trọng để thu hút, khuyến khích các thành phần kinh tế khác trong nước và ngoài nước tham gia đầu tư vào các dự án ngành điện.

Trong 5 năm 2011-2015, EVN đã đầu tư 492.000 tỷ đồng bằng 2,42 lần so với giai đoạn 2006-2010; PVN đầu tư gần 45.000 tỷ đồng, TKV đầu tư trên 16.000 tỷ đồng. Ngoài các doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp tư nhân, đầu tư nước ngoài cũng đã đầu tư vào nhiều dự án nguồn điện.  Trong 5 năm 2011-2015 tổng vốn đầu tư xã hội hóa (nguồn điện) đạt gần 140.000 tỷ đồng.

5. Công tác kinh doanh điện năng và dịch vụ khách hàng đã được cải thiện căn bản cả về chất lượng điện và dịch vụ khách hàng

Công tác kinh doanh điện năng và dịch vụ khách hàng của ngành điện, cụ thể là EVN, có chuyển biến mạnh mẽ với nhiều nỗ lực đổi mới trong quản lý, tác phong làm việc để nâng cao chất lượng điện, chất lượng dịch vụ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng và xã hội.

Tới năm 2018, chỉ số SAIDI (tổng thời gian mất điện của khách hàng) còn 728 phút, giảm 91% so với năm 2013 là năm đầu tiên đưa các chỉ số này vào đánh giá; SAIFI (tần suất mất điện kéo dài bình quân) còn 9,97 lần giảm 74,6% so với năm 2013. Về tiếp cận điện năng lưới điện trung áp: Việt Nam đã từng bước cải thiện vượt bậc về xếp hạng qua từng năm trong giai đoạn 2013-2018 với kết quả tăng 129 bậc từ vị trí 156 lên vị trí 27/190 quốc gia/nền kinh tế.

 

 

6. Tổn thất điện năng và tiết kiệm điện đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần không nhỏ vào việc đảm bảo cung ứng điện

Về giảm tổn thất điện năng: Tổn thất điện năng (TTĐN) của Hệ thống điện Việt Nam giảm từ mức 11,25% năm 2010 xuống còn 8,0% vào năm 2015 và đến năm 2018 giảm còn 6,9% (bình quân giai đoạn 2011-2018 giảm 5,9%/năm), đạt mục tiêu đặt ra trong việc giảm tổn thất điện năng dưới 10% vào những năm sau 2010).

Về tiết kiệm điện: Trong các năm qua, Bộ Công Thương đã chỉ đạo EVN triển khai sâu rộng các hoạt động tuyên truyền sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, đã tham mưu Chính phủ, Quốc hội ban hành bộ Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả với các chương trình, giải pháp công nghệ, tài chính phù hợp, nhờ vậy việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả đã đạt được những kết quả quan trọng. Sản lượng điện tiết kiệm hàng năm ước tính bằng 1,7-2,5% sản lượng điện thương phẩm. Tổng sản lượng điện tiết kiệm trong 5 năm 2011-2015 là 11,96 tỷ kWh.

7. Thị trường điện cạnh tranh đã được hình thành, phát triển và ngày càng hoàn thiện, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành điện

Thị trường phát điện cạnh tranh (cấp độ 1) đã chính thức vận hành ngày 01 tháng 7 năm 2012, giúp hệ thống điện và thị trường điện được vận hành an toàn, ổn định và tin cậy, góp phần đảm bảo an ninh cung cấp điện, nâng cao hiệu quả vận hành hệ thống điện và của các nhà máy điện thông qua cạnh tranh. Tới nay, đã có 86 thành viên với công suất 22.910 MW (trong tổng công suất của hệ thống là 48.500MW) tham gia thị trường.

Thị trường bán buôn điện cạnh tranh (cấp độ 2) đã được vận hành thử nghiệm từ 2017-2018 và vận hành chính thức từ 1/1/2019.

Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh (cấp độ 3) đang được triển khai để thực hiện, dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2012, đáp ứng lộ trình quy định tại Quyết định số 63/2013/QĐ-TTg ngày 08 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng  Chính phủ.

8. Nguồn nhân lực, năng suất lao động trong ngành điện đã có những tiến bộ rõ rệt

Năng suất lao động SXKD điện tính theo sản lượng điện thương phẩm của EVN – Doanh nghiệp nòng cốt của ngành điện năm 2018 đạt 2,18 triệu kWh/người, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2011-2018 khoảng 8,5%/năm. Đặc biệt từ năm 2013, EVN thực hiện các giải pháp quản lý chặt chẽ việc tuyển dụng lao động, chỉ cho phép tuyển dụng thay thế hoặc tuyển dụng mới đối với lao động trực tiếp sản xuất, hạn chế tối đa tuyển dụng lao động gián tiếp nên số lượng lao động của khối sản xuất kinh doanh điện tăng thấp, năng suất lao động năm 2014 tăng 10,7%, năm 2015 tăng 10%, năm 2016 tăng trên 11%.

II. Những tồn tại và hạn chế của ngành điện

1. Các dự án nguồn điện, đặc biệt là các dự án ngoài EVN thường bị chậm so với quy hoạch, kế hoạch ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc đảm bảo cung ứng điện trong thời gian tới

Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, giai đoạn 2016-2030 có tổng cộng 116 dự án nguồn điện cần được đầu tư và đưa vào vận hành (chưa bao gồm các dự án NLTT). Sau gần 3 năm thực hiện, nhiều dự án đã không được thực hiện do đề xuất, kiến nghị của địa phương như: các dự án điện than ở Bạc Liêu, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, trong khi nhiều địa phương khác đề nghị bổ sung các trung tâm điện khí mới như Bạc Liêu, Bà Rịa Vũng Tàu, Ninh Thuận. Hầu hết các dự án BOT do nước ngoài thực hiện đều bị chậm so với tiến độ trong Quy hoạch, nhiều dự án đang thi công cũng bị chậm tiến độ như Long Phú 1, Sông Hậu 1, Thái Bình 2. Theo kết quả rà soát mới đây, tổng công suất các dự án điện có thể đưa vào vận hành trong giai đoạn 2016-2020 chỉ đạt 15.500MW/21.650MW (đạt gần 72%). Việc chậm tiến độ các dự án điện hoặc các dự án không được triển khai theo Quy hoạch đang tạo ra các khó khăn, thách thức lớn trong việc đảm bảo cung ứng điện trong thời gian tới.

2. Việc không tuân thủ nghiêm túc quy hoạch phát triển điện lực đã làm cho hệ thống điện phát triển mất cân đối, ảnh hưởng lớn tới độ tin cậy, ổn định và hiệu quả của ngành điện

Trong quy hoạch điện quốc gia đã chỉ rõ danh mục các dự án cần được đầu tư theo từng năm, đảm bảo cân đối cung cầu điện trên từng vùng miền, ưu tiên các dự án gần tâm phụ tải để tăng cường an ninh cung cấp, giảm chi phí đầu tư lưới và giảm tổn thất truyền tải.  Tuy nhiên, thực tế chỉ có các dự án của EVN tuân thủ và đáp ứng được các tiêu chí trên, còn đa số các dự án thuộc các nhà đầu tư khác đều không tuân thủ quy hoạch (về tiến độ và địa điểm), làm tăng khối lượng, chiều dài truyền tải, nghẽn mạch, mất an toàn cấp điện.

3. Việc huy động vốn cho các dự án điện sẽ rất khó khăn nếu không có bảo lãnh, cam kết của Chính phủ.

Để đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội với tốc độ tăng trưởng cao, năng lực sản xuất của ngành điện luôn phải tăng trưởng  trên 10%/năm nên khối lượng đầu tư nguồn và lưới rất lớn. Theo tính toán trong Quy hoạch VII Điều chỉnh, mức vốn đầu tư bình quân hàng năm của ngành điện gần 7,6 tỷ USD/năm. Đây là thách thức rất lớn. Trong bối cảnh, giá điện của Việt Nam mới chỉ đảm bảo cho các đơn vị của EVN có mức lợi nhuận khoảng 3%, các doanh nghiệp nhà nước khác như EVN, PVN cũng khó khăn về tài chính thì việc huy động vốn cho các dự án điện của các doanh nghiệp này sẽ rất khó khăn. Tương tự như vậy, các dự án nguồn điện do khu vực tư nhân, đầu tư nước ngoài cũng đang gặp khó khăn lớn trong việc thu xếp vốn khi Chính phủ hạn chế cấp bảo lãnh cho các dự án này.

4. Việc cấp nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện sẽ phụ thuộc ngày càng nhiều hơn vào thị trường nhập khẩu.

Với nhu cầu than của các nhà máy nhiệt điện từ nay đến năm 2030 khoảng gần 1,4 tỷ tấn, tổng lượng than nhập khẩu cho phát điện giai đoạn 2016 – 2030 ước tính sẽ khoảng gần 680 triệu tấn. Nguồn khí tại Lô B không đạt tiến độ cấp khí cho cụm nhiệt điện Ô Môn, Cà Mau, ảnh hưởng đến quy hoạch cơ cấu nguồn miền Nam. Nguồn khí khu vực bể Cửu Long đang suy giảm và các nguồn khí mới xác định cũng không đảm bảo đủ cho các nhà máy điện khu vực Phú Mỹ, Nhơn Trạch tới năm 2025- 2026. Nguồn khí mới  tại mỏ Cá Voi Xanh chỉ đủ để cấp khí cho một số nhà máy điện ở khu vực Miền Trung với tổng công suất khoảng trên 4000MW.

Để đảm bảo điện cho phát triển, Việt Nam đã phải nhập khẩu than (từ 2016) và sẽ phải nhập khẩu hóa lỏng LNG cho sản xuất điện. Lượng than nhập khẩu ước tính lên tới trên 55 triệu tấn năm 2025, 85 triệu tấn năm 2030; lượng LNG nhập khẩu ước tính gần 3 triệu tấn năm 2025 và gần 10 triệu tấn năm 2030.

5. Sản xuất thiết bị điện trong nước chưa đáp ứng nhu cầu

Mặc dù trong thời gian vừa qua, ngành chế tạo thiết bị điện trong nước đã có những tiến bộ nhất định như sản xuất được MBA 220, 500kV tuy nhiên năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp chế tạo thiết bị điện trong nước còn hạn chế. Hầu hết thiết bị nhà máy điện đều phải nhập ngoại làm cho chi phí đầu tư tăng cao, thời gian cấp hàng kéo dài, gây thêm khó khăn cho công tác xây dựng các dự án điện.

III. Định hướng và giải pháp lớn để phát triển ngành điện

Để đạt được các mục tiêu chiến lược về phát triển KTXH tới năm 2030, tầm nhìn 2045, Ngành Điện Việt Nam - một ngành công nghiệp nền tảng cung cấp năng lượng cho sự phát triển của toàn nền kinh tế và đời sống xã hội có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng. Vì vậy, cần tiếp tục có những cơ chế đặc biệt cho sự phát triển của ngành điện trong thời gian tới.

 

 

1. Về cơ chế và tổ chức thực hiện Quy hoạch phát triển ngành điện

Tiếp tục ưu tiên phân bổ nguồn lực cho việc thực hiện các dự án được phê duyệt trong quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành điện; Hoàn thiện các cơ chế, khung pháp lý để đảm bảo xây dựng cân đối, hợp lý các nhà máy điện trên toàn quốc; Xây dựng các văn bản pháp quy ràng buộc trách nhiệm của các chủ đầu tư các công trình điện về đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình theo đúng quy hoạch được duyệt.

2. Về đầu tư

Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực phát điện và bán buôn, bán lẻ điện theo cơ chế thị trường; Thực hiện liên doanh trong nước và nước ngoài nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước tham gia xây dựng phát triển các dự án điện; Xây dựng cơ chế đầu tư thông thoáng, cải cách thủ tục hành chính, giải quyết nhanh vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng để đáp ứng tiến độ các công trình đầu tư điện lực; Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào các dạng NLTT thông qua các cơ chế chính sách hỗ trợ và đơn giản hóa thủ tục hành chính; Khuyến khích đầu tư vào các công trình nguồn điện tại nước ngoài để nhập khẩu về Việt Nam.

3. Về tài chính và huy động vốn

Điều chỉnh kịp thời giá điện theo thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, kết hợp hài hòa giữa các mục tiêu chính trị - kinh tế - xã hội của Nhà nước và sản xuất kinh doanh, tự chủ tài chính của các doanh nghiệp ngành điện; Phát triển các Tập đoàn, Tổng công ty hoạt động trong ngành điện có tín nhiệm tài chính cao, giảm dần bảo lãnh của Chính phủ; Tăng cường huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu trong và ngoài nước để đầu tư các công trình điện; Tăng cường thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào phát triển các dự án điện với các mô hình đầu tư phù hợp nhằm đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả của ngành điện.

 

 

4. Về khoa học công nghệ

Các công trình năng lượng được xây dựng mới phải có công nghệ tiên tiến, hiện đại, đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường; từng bước nâng cấp, cải tạo công trình hiện có để đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, kinh tế và môi trường; nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiên tiến trong truyền tải điện; hiện đại hoá hệ thống điều độ, vận hành, thông tin liên lạc, điều khiển,...

5. Phát triển nguồn nhân lực:

Xây dựng quy hoạch phát triển và kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực ngành điện; Rà soát, xắp xếp tổ chức, tinh gọn, sử dụng hợp lý nguồn nhân lực của ngành điện để nâng cao năng suất lao động; Thu hút các chuyên gia, nhà khoa học, nguồn nhân lực trình độ cao trong và ngoài nước về làm việc cho ngành; Đào tạo nguồn nhân lực về kỹ thuật đảm bảo có đủ trình độ năng lực công tác để đáp ứng công nghệ mới của lưới điện thông minh,..../.

 

PV (theo báo cáo của Bộ Công Thương)

 

 

         

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết