Chủ Nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024

Mô hình tổ chức hệ thống chính trị ở một số nước châu Âu (Đức, Thụy Điển, Phần Lan...) và những gợi ý tham chiếu đối với Việt Nam ​

Ngày phát hành: 20/11/2019 Lượt xem 11354


1. Mô hình tổ chức hệ thống chính trị ở một số nước châu Âu (các nước Bắc Âu, Đức)

1.1. Mô hình tổ chức hệ thống chính trị của các nước Bắc Âu 

1.1.1. Mô hình tổ chức hệ thống chính trị ở Thụy Điển

 

 

Thụy Điển có chế độ dân chủ nghị viện, có nghĩa là quyền lực thuộc về nhân dân. Quốc hội đại diện cho người dân và có quyền lập pháp. Chính phủ thực hiện các nghị quyết và quyết định của Quốc hội và đệ trình các dự án luật mới hoặc sửa đổi các luật hiện hành.

Hiến pháp của Thụy Điển quy định việc điều hành đất nước bằng các mối quan hệ giữa cơ chế ra quyết định và hành pháp cũng như các quyền và tự do của công dân, như là quyền được tiếp cận thông tin, biểu tình, thành lập các đảng chính trị và tự do tín ngưỡng.

Bốn luật cơ bản hình thành nên Hiến pháp là: Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Thừa kế, Luật Tự do Báo chí và Luật Tự do Ngôn luận. Luật tự do báo chí là một trong những luật căn bản của Thụy Điển nhằm đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của công chúng đối với các hoạt động của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan công quyền bất cứ khi nào cần.

Quốc hội là cơ quan ra quyết định cao nhất tại Thụy Điển. Chức năng chính của Quốc hội là làm luật, phê duyệt ngân sách của Chính phủ và kiểm tra, giám sát công việc của Chính phủ. Bên cạnh đó, Quốc hội còn làm việc với Nghị viện châu Âu về các vấn đề của Liên minh châu Âu. Cuối cùng, Quốc hội đưa ra đường lối ngoại giao của Thụy Điển.

Quốc hội Thụy Điển có 349 đại biểu được bầu 4 năm một lần. Để có thể ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu phải đáp ứng các tiêu chuẩn nhất định và được một đảng chính trị giới thiệu. Hiện nay có 8 đảng chính trị tham gia Quốc hội khóa 2018-2022.

Các cuộc bầu cử được tiến hành bốn năm một lần. Người dân Thụy Điển từ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và có cơ hội gây ảnh hưởng đến các đảng đại diện cho họ tại Quốc hội, hội đồng tỉnh hay thành phố thông qua bầu cử cũng như tham gia vào các cuộc trưng cầu dân ý, gia nhập các đảng chính trị hay là góp ý vào các dự thảo báo cáo của Chính phủ.

Ở Thụy Điển có ba cấp chính quyền là: trung ương, vùng và địa phương. Ngoài ra, còn có cấp châu lục ở Cộng đồng châu Âu (EU) với mức độ ngày càng quan trọng hơn. Chính phủ Thụy Điển hiện nay gồm có Thủ tướng và 22 bộ trưởng từ hai đảng chính trị là Đảng Dân chủ Xã hội và Đảng Xanh.

Hoàng gia Thụy Điển chỉ có tính biểu tượng và nghi lễ chứ không có trách nhiệm chính trị và quyền lực chính thức nào cả theo Hiến pháp 1974. Vào năm 1980, Thụy Điển là hoàng gia đầu tiên thay đổi quyền thừa kế ngai vàng cho con trưởng, bất kể là nam hay nữ.

Thụy Điển thực hành chế độ dân chủ kiểu phương Tây, các chính đảng cạnh tranh với nhau rất gay gắt, lá phiếu bầu của quần chúng quyết định đảng nào được lên vũ đài chính trị nắm chính quyền, sự sống còn của đảng trên một mức độ lớn cũng phụ thuộc vào lá phiếu bầu cử của nhân dân. Nhà nước không cấp kinh phí vô điều kiện cho các chính đảng, mà nguồn kinh phí hoạt động của các đảng chủ yếu là từ đảng phí và các nguồn tự gây quỹ, cùng với kinh phí khá lớn của Chính phủ cấp căn cứ vào số lượng nghị sĩ của đảng đó trong Quốc hội. Đảng nào không nhận được nhiều phiếu bầu của quần chúng thì không vào được Quốc hội, do đó không có khoản kinh phí nói trên, như vậy sẽ rất khó tồn tại lâu dài.

Bởi lẽ đó, dù là nguyện vọng chủ quan thế nào đi nữa, trong mọi hoạt động, đảng cầm quyền ở Thụy Điển đều bắt buộc phải luôn giữ cho mình một hình ảnh giầu mà không xa xỉ, bình đẳng đối xử với quần chúng, bảo đảm công bằng xã hội.

1.1.2. Mô hình tổ chức hệ thống chính trị ở Phần Lan

Phần Lan là một nước dân chủ nghị viện với sự cạnh tranh giữa các đảng chính trị và việc phân chia quyền lực giữa các cơ quan cao nhất của Chính phủ. Sau một số thay đổi vào những năm 1990 và cải cách Hiến pháp năm 2000, các yếu tố nghị viện ở Phần Lan ngày càng được củng cố mạnh mẽ hơn.

Hiến pháp Phần Lan phân biệt rạch ròi các nguyên tắc chính của việc điều hành đất nước. Quyền lực ở Phần Lan thuộc về nhân dân, do các đại biểu Quốc hội đại diện. Quốc hội có quyền lập pháp. Tổng thống có vai trò khá khiêm tốn. Cơ quan cao nhất của Chính phủ là Hội đồng Nhà nước (Chính phủ) gồm có Thủ tướng và số lượng bộ trưởng nhất định. Các thành viên Chính phủ sẽ phải lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội theo định kỳ. Quyền tư pháp thuộc về các tòa án độc lập, cao nhất là Tòa án Tối cao và Tòa án Hành chính Tối cao.

Một đặc điểm nổi bật của Hiến pháp Phần Lan là tính cứng nhắc. Hiến pháp chỉ được sửa đổi nếu 2/3 đại biểu Quốc hội nhất trí. Hai khóa tiếp theo của Quốc hội sẽ phải chấp thuận việc sửa đổi này. Quốc hội cùng khóa chỉ có thể sửa đổi một luật trong trường hợp khẩn cấp, trường hợp này cần 5/6 đa số phiếu với sự đồng thuận giữa tối thiểu 4 hay 5 đảng chính trị. Tuy nhiên, trong 20 năm qua, Phần Lan đã liên tục có những thay đổi dần về Hiến pháp với mục đích tăng tính linh hoạt của việc ra các quyết định.

Mối quan hệ giữa Quốc hội, Chính phủ và Tổng thống được điều chỉnh bởi các nguyên tắc nghị viện châu Âu với sự tham gia của các đảng chính trị. Chính phủ phải được đa số đại biểu Quốc hội ủng hộ để bầu ra Thủ tướng. Tổng thống có quyền lực khá lớn trong các lĩnh vực ngoại giao, tuy không nhiều như các Tổng thống Pháp và Tổng thống Mỹ. Trong cuộc cải cách Hiến pháp năm 2000, quyền lực của Tổng thống trong các lĩnh vực chính trị khác là khá hạn hẹp nhưng quyền bổ nhiệm các nhân sự cao cấp lại tạo ra ảnh hưởng to lớn về chính trị. Chính phủ phải hợp tác tốt với cả Tổng thống và Quốc hội, điều này sẽ giúp củng cố vị thế của Chính phủ trong hoạt động chính trị.

Quốc hội Phần Lan (Eduskunta) có lịch sử lâu đời từ thế kỷ 17 và được chính thức thành lập năm 1906. Quốc hội chỉ có một viện và được bầu phổ thông, bao gồm cả phụ nữ. Nói chung các yếu tố cơ bản của việc tổ chức Quốc hội Phần Lan hầu như không thay đổi trong vòng 100 năm qua. Để bầu ra 200 đại biểu Quốc hội, khoảng 70% người dân Phần Lan từ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và bầu ra Quốc hội.

Quốc hội có ba chức năng chính. Đó là: thông qua các luật, thảo luận và phê chuẩn ngân sách quốc gia và giám sát việc điều hành đất nước. Quốc hội họp hàng tuần, chủ yếu là thảo luận về các vấn đề thời sự và biểu quyết để ra quyết định. Các đại biểu Quốc hội thường chất vấn các thành viên Chính phủ và hiếm khi biểu quyết chống lại đảng của mình. Tuy các đại biểu có quyền tự do khi thi hành phận sự của mình, trên thực tế họ đều có ràng buộc với đảng của mình giống như ở các nước khác.

Đại biểu Quốc hội dành phần lớn thời gian làm việc tại các ủy ban, thông thường gồm có 17 thành viên. Các vấn đề cần được Quốc hội quyết định sẽ được xử lý tại các ủy ban này. Các ủy ban thường xuyên mời các chuyên gia bên ngoài tham gia. Tỷ lệ của các đảng trong các ủy ban thể hiện sức mạnh của từng đảng trong Quốc hội. Tại các cuộc bầu cử Quốc hội, thường là không một đảng nào có vị trí quyết định cả. Các cuộc họp các nhóm đại biểu Quốc hội của các đảng cũng là các diễn đàn quan trọng của đại biểu Quốc hội.

Việc thông qua các luật là một quá trình phức tạp thường bắt đầu với việc Chính phủ đệ trình một dự luật lên Quốc hội. Các đại biểu Quốc hội cũng có thể đề xuất các nội dung lập pháp nhưng các dự luật của Chính phủ là phổ biến và được chuẩn bị kỹ càng hơn. Quốc hội không có bộ máy chính thức để chuẩn bị các đề xuất. Một dự luật sẽ được thông qua nếu đa số đại biểu ủng hộ và sẽ được Tổng thống ký ban hành. Một dự luật thường mất từ 2 đến 4 tháng hoặc có thể lâu hơn để được thông qua.

Dự toán ngân sách nhà nước được Chính phủ chuẩn bị và trình lên Quốc hội hàng năm vào mùa thu để xem xét. Các điều chỉnh về ngân sách từ phía Quốc hội thường khá nhỏ.

Quốc hội giám sát Chính phủ dưới nhiều hình thức, cả về tư pháp và đặc biệt là về mặt chính trị. Khi một Chính phủ được thành lập, Quốc hội có vai trò chủ chốt trong việc bầu ra Thủ tướng. Sau đó Chính phủ mới được thành lập sẽ trình lên Quốc hội một chương trình chính trị. Chính phủ thường được đa số đại biểu Quốc hội ủng hộ.

Hàng năm, Quốc hội có hàng trăm yêu cầu đối với Chính phủ và các bộ trưởng. Quốc hội có thể thăm dò mức độ tín nhiệm của Chính phủ bằng việc tổ chức một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm. Kết quả bỏ phiếu tín nhiệm này sẽ quyết định việc Chính phủ có tiếp tục tồn tại hay không. Nói chung, tính công khai của việc bỏ phiếu tín nhiệm quan trọng hơn là kết quả của nó đối với Chính phủ. Quốc hội còn giám sát cả Ngân hàng Trung ương và Công ty Nghe nhìn Phần Lan.

Chính phủ hiện nay thường là liên minh của các đảng chiếm đa số trong Quốc hội. Điều này cho phép các Chính phủ tự tin hơn do các chính sách được đề xuất sẽ được các đại biểu của đảng mình ủng hộ. Các bộ trưởng thường đồng thời là đại biểu Quốc hội và tham gia bỏ phiếu tại Quốc hội.

Các tổ chức của các chủ doanh nghiệp và công đoàn tuy không phải là những thành viên của Quốc hội nhưng có vai trò chính trị khá lớn, nếu không nói là quyết định, đặc biệt là trong các vấn đề liên quan đến việc làm và an sinh xã hội.

Chính phủ dự thảo và đề xuất ra phần lớn các nội dung mà Quốc hội thảo luận và quyết định. Tổng thống tuyên bố chính thức phê chuẩn hay giải tán Chính phủ và giới thiệu ứng cử viên Thủ tướng, sau khi đàm phán với các đảng trong Quốc hội và tham vấn Người phát ngôn của Quốc hội. Trên thực tế thì vai trò chính trong việc hình thành, điều hành hay giải tán Chính phủ là do các đảng chính trị quyết định.

Nếu như Chính phủ tự giải tán giữa hai kỳ bầu cử Quốc hội thì lý do chính thường là do bất đồng giữa các đảng trong Chính phủ hoặc khi các dự luật của Chính phủ được Quốc hội xem xét. Gần đây, có khoảng 4-6 đảng trong Chính phủ. Tuy có nhiều khác biệt về chính trị giữa các đảng nhưng các Chính phủ khá ổn định.

Các chức năng của bộ trưởng khá rộng. Họ chuẩn bị dự toán ngân sách, đề xuất cải cách lập pháp và tổ chức việc thực hiện sau khi được Quốc hội và Tổng thống phê chuẩn. Các bộ trưởng khá độc lập trong việc chỉ đạo bộ, ngành của mình. Có tất cả 12 bộ, kể cả Văn phòng Thủ tướng và không quá 20 bộ trưởng. Nếu một đại biểu Quốc hội được bổ nhiệm làm bộ trưởng thì vẫn tiếp tục làm đại biểu Quốc hội. Phần lớn các bộ trưởng có vai trò kép này. Một thông lệ là các lãnh đạo của các đảng thành lập nên Chính phủ, giữ vai trò bộ trưởng. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp ngoại lệ.

Các chức năng chính của Chính phủ gồm có các cuộc họp do Tổng thống chủ trì, các cuộc họp thông thường và các cuộc họp vào ban đêm. Tổng thống chỉ tham dự các cuộc họp cấp cao quan trọng quyết định các vấn đề lập pháp. Các cuộc họp vào ban đêm là để trù bị cho các buổi thảo luận. Đây là cơ hội cho các đảng trong Chính phủ đạt được thỏa thuận trước khi các quyết định được đưa ra. Ngoài ra, còn có các cuộc họp các ủy ban cấp bộ trưởng nhằm xử lý các vấn đề chính sách kinh tế. Tổng thống có thể tham dự các cuộc họp của Ủy ban Ngoại giao và An ninh của Chính phủ. Tại các cuộc họp này, Tổng thống có thể chính thức quyết định xem các dự luật có cần trình lên Quốc hội hay các đạo luật thông qua được ký. Tổng thống có thể có ý kiến khác với đa số trong Chính phủ. Tương tự, Tổng thống có thể từ chối ký một luật đã được Quốc hội thông qua. Trong trường hợp này thì luật đó sẽ không có hiệu lực. Quốc hội có thể phê chuẩn lại một luật sau khi nó đã bị Tổng thống từ chối. Khi đó, luật sẽ có hiệu lực mà không cần Tổng thống ký.

Tổng thống có quyền giải tán Quốc hội và kêu gọi tổ chức bầu cử lại. Việc này đã từng xảy ra 7 lần kể từ năm 1917 và lần gần đây nhất là năm 1975. Theo Hiến pháp sửa đổi năm 1991, Tổng thống không thể giải tán Quốc hội nếu như Thủ tướng không đề xuất làm việc đó. Bình thường thì Tổng thống và Quốc hội chỉ tương tác thông qua những sự kiện lễ tân nhà nước nhất định như Tổng thống tuyên bố khai mạc kỳ họp Quốc hội hàng năm và kết thúc kỳ bầu cử. Sau khi được bầu, Tổng thống mới phải tuyên thệ trước Quốc hội.

Trong lịch sử khoảng 100 của mình, hệ thống các đảng chính trị của Phần Lan khá ổn định. Nguyên nhân lịch sử hình thành các đảng phái gồm có các tư tưởng dân tộc, ngôn ngữ, sự phân chia giữa chủ nghĩa xã hội và không chủ nghĩa xã hội, đại diện các cộng đồng nông thôn và sự ly khai của hai đảng cánh tả.

 

 

Trong hệ thống chính trị đa đảng của Phần Lan, có 3, 4 đảng lớn nhất mỗi đảng thu hút khoảng 20% sự ủng hộ và khoảng 10 đảng nhỏ khác cạnh tranh phần còn lại và khoảng một nửa trong số đó thành công trong việc có được ghế trong Quốc hội.

Trong Quốc hội, điều cần thiết là các đảng phải hợp tác với nhau trong việc chuẩn bị ngân sách và các vấn đề lập pháp khác nhưng các đại diện của các đảng giữ chức bộ trưởng trong Chính phủ thường trung thành với Chính phủ và các đảng đối lập thường không tạo ra được một liên minh mạnh. Từ khi Phần Lan được độc lập đến nay, Đảng Trung tâm (trước đây là đảng Nông dân) trở thành một đảng trung dung, có mặt trong gần như tất cả Chính phủ.

Các Chính phủ liên minh có thể khá lớn và bao gồm các thành phần khác thường. Ví dụ như đảng cánh hữu lớn nhất, Đảng Bảo thủ Liên minh Quốc gia, có mặt trong Chính phủ với hai đảng cánh tả khác từ 1995 đến 2003 và lặp lại trong Chính phủ thành lập năm 2011. Đồng thời các đảng mới cũng được thành lập và tham gia vào hệ thống cũng như có chân trong Chính phủ. Ví dụ như các đảng nhỏ Nông thôn Phần Lan, Liên minh Xanh cũng đã tham gia Chính phủ liên minh cùng các đảng khác. Tóm lại, hệ thống chính trị nghị viện của Phần Lan khá thích ứng, thực dụng và dễ thu nạp.

Từ năm 1982 đến 2012, các Tổng thống đều là người của Đảng Dân chủ Xã hội. Trước đó thì chưa hề có một Tổng thống thuộc đảng cánh tả nào. Vào năm 2000 thì Phần Lan có Tổng thống nữ đầu tiên (Tarja Halonen) và làm liền hai nhiệm kỳ sáu năm. Năm 2012, Tổng thống Sauli Niinistö của Đảng Liên minh Dân tộc được bầu và tái cử tiếp vào năm 2018.

 

Tên Đảng

Số ghế

% phiếu bầu

Đảng Dân chủ Xã hội Phần Lan

40 (34)

17.7 (16.5)

Đảng “Người Phần Lan”

39 (38)

17.5 (17.6)

Đảng Liên minh Dân tộc

38 (37)

17.0 (18.2)

Đảng Trung tâm Phần Lan

31 (49)

13.8 (21.1)

Liên đoàn Xanh

20 (15)

11.5 (8.5)

Liên minh cánh tả

16 (12)

8.2 (7.1)

Đảng Nhân dân Thụy Điển của Phần Lan

9 (9)

4.5 (4.9)

Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo

5 (5)

3.9 (3.5)

Các đảng khác

2 (1)

2.9 (2.5)

Bảng 1: Các đảng chính trị được bầu vào Quốc hội năm 2019 (so với năm 2015)

 

1.2. Mô hình tổ chức chính trị của Cộng hoà Liên bang Đức

Hệ thống chính trị hiện nay của CHLB Đức mới được xây dựng từ năm 1949 khi CHLB Đức được thành lập và được củng cố sau khi nước Đức được thống nhất vào năm 1990.

Hiến pháp năm 1949 của CHLB Đức được xây dựng với những đặc trưng của Hiến pháp Đức năm 1871 – khi sát nhập Phổ với các quốc gia Đức khác và Hiến pháp của Cộng hòa Weimar năm 1919, chú trọng việc phân chia quyền lực giữa chính quyền Trung ương và chính quyền bang. Vì vậy, Luật cơ bản (Grundgesetz) năm 1949 đã phân chia một cách cẩn thận quyền lực giữa chính quyền Trung ương và chính quyền bang.

Điều quan trọng của hệ thống chính trị của Đức là chất lượng lãnh đạo của các Thủ tướng như Konrad Adenauer (1949-1963), Willy Brandt (1969-1974), Helmut Schmidt (1974-1982), Helmut Kohl (1982-1998) và hiện nay là Angela Merkel là hết sức ấn tượng. Từ một đất nước bị chia cắt, kinh tế hoàn toàn sụp đổ sau thất bại trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai, CHLB Đức đã vươn lên một cách mạnh mẽ, thống nhất hòa bình, trở thành nền kinh tế hùng mạnh nhất châu Âu và một nước uy tín trên thế giới. Đó là nhờ đáp ứng được 5 yếu tố của một chế độ chính trị tốt: (1) Ngăn ngừa hình thành chế độ độc tài, (2) Ngăn ngừa đảo chính, (3) Bảo đảm chính quyền ổn định và làm được việc, (4) Ngăn cản việc thực thi các chính sách tồi và (5) Kéo dài sự cầm quyền của một chính phủ thành công.

Như đa số các nước trên thế giới, mô hình nhà nước Đức theo chế độ nghị viện - liên bang.  Chế độ này có ưu điểm về cân bằng chính trị và do đó tạo ra sự ổn định nhờ khả năng chia sẻ và kiểm soát quyền lợi và quyền lực giữa các nhóm chính trị có ảnh hưởng, khi các bên cần thỏa hiệp với nhau. Hệ thống liên bang giúp giảm thiểu các xung đột về quyền lợi chính trị. Thất bại trong cuộc bầu cử giành chính quyền trung ương không phải là mất tất cả, bởi các đảng phái hay cá nhân có thể tranh cử để dành vị trí xứng đáng ở chính quyền cấp bang. Tham gia chính quyền cấp bang là cơ hội để các nhà chính trị tích lũy kinh nghiệm, trở thành lãnh đạo quốc gia sau này.

Hệ thống chính trị Đức dựa trên nguyên tắc cân bằng quyền lực và có kiểm soát, được thiết kế để các đảng quá nhỏ không thể tham gia chính quyền gây mất ổn định chính trị, nhưng cũng không để cho một đảng nào dễ dàng chiếm đa số trong hạ nghị viện dẫn đến khuynh loát chính quyền (buộc phải liên minh với một hay một vài đảng khác để thành lập chính phủ). Các đảng chỉ được chia ghế trong hạ nghị viện nếu giành được ít nhất 3 ghế tại 3 khu vực bầu cử địa phương hoặc giành được nhiều hơn 5% tổng số phiếu bầu theo tỷ lệ trên phạm vi toàn quốc. Nhờ đó, các đảng dung hòa được sự chống đối, hình thành nên cơ chế đồng thuận, xử sự ôn hòa và giúp ngăn ngừa các chính sách tồi được thực thi. Kết quả là hệ thống chính trị Đức đảm bảo dân chủ nhưng vẫn tập trung mà không độc đoán.

Sự cân bằng chính trị ở Đức được thiết lập cả theo chiều ngang và theo chiều dọc. Theo chiều ngang, đó là nhờ chế độ nghị viện với chính quyền được chia làm ba nhánh: lập pháp, hành pháp và tư pháp để không một cơ quan nào được duy nhất nắm giữ quyền lực, điều cần thiết để tránh dẫn đến mất ổn định và độc tài. Cân bằng theo chiều dọc đạt được nhờ cơ chế chính quyền liên bang và cơ quan đại diện của địa phương tại quốc hội liên bang là thượng nghị viện.

Về lập pháp

Hiến pháp Đức không khẳng định quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, mà tuyên bố rằng: hệ thống lập pháp bị ràng buộc bởi hiến pháp, còn hành pháp và tư pháp bị ràng buộc theo luật pháp và công lý. Quốc hội liên bang gồm hạ nghị viện và thượng nghị viện. Cụ thể:

Hạ nghị viện (Bundestag) là cơ quan quyền lực nhất trong thể chế nghị viện-liên bang. Hạ nghị viện có các đại biểu được bầu với nhiệm kỳ bốn năm với một nửa số thành viên (299) được bầu theo tỷ lệ đại diện của các khu vực bầu cử. Nửa còn lại (299) được bầu từ danh sách đề cử của các đảng theo 16 khu vực địa lý (bang). Tức là một đại biểu sẽ có hai phiếu bầu. Phiếu bầu dạng thứ hai dựa trên đề cử của các đảng sẽ quyết định sức mạnh của các đảng tại Hạ nghị viện. Số chỗ trong Hạ nghị viện sẽ được chia cho các đảng dành được trên 5% số phiếu bầu dạng thứ hai theo tỷ lệ số phiếu bầu mà đảng đó nhận được.

Mục đích là nhằm ngăn ngừa các đảng quá nhỏ như các đảng quá khích hay cực hữu. Vì vậy, số lượng các đảng có mặt trong Hạ nghị viện được duy trì tương đối ít, hiện nay là 7 (hay chính xác là 6, vì thực chất thì hai đảng CDU và CSU là một).

Tuy nhiên hệ thống bầu cử này cũng có vấn đề. Đó là cử tri chia phiếu ra, phiếu đầu tiên bầu cho ứng cử viên của một đảng và phiếu thứ hai bầu cho một ứng cử viên của một đảng khác. Ứng cử viên được bầu trực tiếp được vào Hạ nghị viện nhưng một đảng có thể có nhiều số lượng đảng viên tham gia Hạ nghị viện hơn là tỷ lệ của số phiếu thứ hai. Tức là số lượng đại biểu của Hạ nghị viện có thể tăng nhiều hơn quy định (598) lên 620 như vào năm 2009. Điều này là thiếu công bằng và vi hiến như kết luận củaTòa án Hiến pháp.

Vì vậy, thỏa thuận đạt được vào năm 2016 là nếu như số lượng đại biểu của một đảng vượt quá số quy định của phiếu bầu thứ hai thì các đảng khác sẽ được đền bù nhằm đảm bảo tỷ lệ của phiếu bầu thứ hai không đổi. Trên thực tế thì điều này có thể làm cho số lượng đại biểu Hạ nghị viện có thể phình to hơn nữa, lên đến 700 người chẳng hạn. Đồng thời, nó cũng làm thiệt hại về mặt ưu thế đã có được trước đó của một đảng. Một hệ quả nữa là việc lập pháp thường bắt đầu với việc xây dựng, lắp đặt, bỏ bớt hay di chuyển ghế ngồi ở Hạ nghị viện. Hạ nghị viện là cơ quan lập pháp chính, bầu ra Thủ tướng với nhiệm kỳ 4 năm. Kỳ bầu cử liên bang sắp tới sẽ diễn ra vào mùa thu 2021.

Thượng nghị viện (Bundesrat) là cơ quan đại diện cho các vùng lãnh thổ của CHLB Đức với hai đặc điểm sau đây:

Thứ nhất, các thượng nghị sỹ không được bầu lên mà là do chính quyền bang cử ra hoặc bãi miễn. Thông thường, một đoàn đại biểu do người đứng đầu bang (Thủ hiến) lãnh đạo.

Thứ hai, các bang không có số thượng nghị sỹ như nhau, do có dân số khác nhau. Quy mô dân số từng bang sẽ quyết định số lượng đại biểu theo một công thức Penrose là 2.01+ mũ 2 số dân (triệu người) với mức tối đa là 6. Tức là có khoảng 16 bang có mức giữa 3 và 6 thượng nghị sỹ. Theo cách tính này thì có khoảng 69 thượng nghị sỹ. Các bang có thể đề cử ra tối đa số lượng thượng nghị sỹ mà họ có theo quy định hoặc tối thiểu là một. Số lượng thượng nghị sỹ đại diện cho một bang nào đó không thực sự quan trọng vì thông thường trưởng đoàn sẽ bỏ phiếu đại diện cho bang đó. Thượng nghị viện có quyền phủ quyết các luật có ảnh hưởng đến quyền của các bang.

 

Về hành pháp

Lãnh đạo hành pháp gồm thủ tướng và tổng thống với quyền lực tập trung vào thủ tướng.

Tổng thống là nguyên thủ quốc gia, một vị trí mang nặng tính lễ nghi, được bầu ra với nhiệm kỳ dài 05 năm, tối đa hai nhiệm kỳ. Những người tham gia bầu Tổng thống gồm có các đại biểu của Hạ nghị viện và một số lượng tương ứng các đại biểu của các bang - tổng số khoảng 1.260 người. Nhiệm vụ chủ yếu của tổng thống là bảo đảm sự đoàn kết và ổn định của quốc gia; thực hiện các hoạt động chính trị mang tính biểu tượng như phê chuẩn các tướng lĩnh quân đội và quan chức chính phủ, các hoạt động ngoại giao nghi lễ quốc gia, ký các hiệp ước quốc tế và công bố ban hành luật, đề cử để hạ nghị viện bầu thủ tướng và phê chuẩn sau khi nhận được đa số ủng hộ; phê chuẩn thành viên nội các theo đề nghị của thủ tướng. Tổng thống hiện nay là ông Frank-Walter Steinmeier thuộc Đảng Dân chủ Xã hội và là cựu Thủ tướng.

Thủ tướng đứng đầu Chính phủ và được các thành viên của Hạ nghị viện bầu 04 năm một lần theo sự giới thiệu của Tổng thống, không giới hạn nhiệm kỳ. Thủ tướng có thể bị bãi miễn nếu đa số ủng hộ một ứng cử viên thay thế qua một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm mang tính chất xây dựng. Từ năm 1949 đến nay có hai lần bỏ phiếu tín nhiệm vào năm 1972 và 1982 và chỉ một lần thành công (năm 1982). Thủ tướng hiện nay là bà Angela Merkel thuộc Đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU), đã làm Thủ tướng 13 năm bắt đầu từ năm 2005 và sẽ nghỉ vào năm 2021.

Chính phủ gồm các thành viên do Thủ tướng lựa chọn và được Tổng thống chính thức bổ nhiệm. Ở Đức có hệ thống đại diện theo tỷ lệ tại cuộc bầu cử Hạ nghị viện nên không có đảng nào chiếm đa số tuyệt đối. Do vậy, tất cả các Chính phủ ở Đức đều là liên minh giữa các đảng chính trị, chủ yếu là các đảng lớn như Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) và Dân chủ Xã hội (SPD) và gần đây có thêm Đảng Xanh. Tính từ năm 2013, việc thành lập một Chính phủ mới thường mất khoảng ba tháng.

Liên bang

Mô hình này có khả năng bảo vệ chính quyền, chống đảo chính tốt hơn so với chính quyền tập trung đơn nhất: lực lượng đảo chính kiểm soát chính quyền có nhiều trung tâm trên khắp cả nước thì khó hơn chính quyền tập trung.

Phân cấp hành chính và lập pháp: nguyên tắc phân cấp là chính quyền liên bang chỉ được thực thi các quyền mà hiến pháp và luật pháp quy định. Ngược lại, chính quyền bang có toàn quyền đối với tất cả các lĩnh vực còn lại trong phạm vi bang của mình.

Sự phân bổ quyền lực và trách nhiệm giữa chính quyền liên bang và chính quyền bang phụ thuộc vào bối cảnh chính trị và thay đổi theo thời gian. Hiện nay chính quyền liên bang hoàn toàn giữ thẩm quyền lập pháp ở các lĩnh vực liên quan đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, hay các lĩnh vực mà ở đó phạm vi và ảnh hưởng mang tính toàn quốc, vượt quá khả năng quản lý của một chính quyền bang riêng biệt.

Luật liên bang theo mặc định có giá trị pháp lý đứng trên luật bang, trừ trường hợp đặc biệt luật có quy định khác. Nếu liên bang chưa ban hành luật thì bang có quyền đưa ra luật của mình.

Hiến pháp cho phép chính quyền bang có quyền đưa ra các đạo luật ngược lại với các đạo luật của chính quyền liên bang trong một số lĩnh vực cụ thể, ví dụ như săn bắn, bảo vệ thắng cảnh, thiên nhiên, phân bố đất đai, quy hoạch vùng... Đạo luật được thông qua sau sẽ có hiệu lực cao hơn.

Chính quyền bang: Đức có 16 bang, bang ít dân nhất có 600.000 người, bang lớn nhất có 18 triệu dân. Cấu trúc nhà nước bang mô phỏng cấu trúc của liên bang nhưng quốc hội bang chỉ có 1 viện, có chính quyền và tòa án hiến pháp bang. Mỗi bang có luật bầu cử quốc hội riêng, phương thức bầu cử tương tự như hạ nghị viện cấp liên bang hoặc đơn giản hơn. Việc bầu cử được tổ chức riêng cho liên bang và bang. Ngày bầu cử của quốc hội cấp bang cũng khác nhau giữa các bang.Quốc hội bang bầu ra một thủ hiến là người đứng đầu chính quyền bang, thường là lãnh đạo đảng hoặc liên minh các đảng chiếm đa số ghế trong quốc hội bang. Thủ hiến chọn thành viên nội các bang.

Phân cấp tài chính-ngân sách: Đức có cơ chế liên bang hỗ trợ cho các bang, các bang hỗ trợ cho một số bang và cơ chế liên bang ủy thác cho bang. Thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế doanh thu (tương tự thuế VAT) đều được phân chia giữa liên bang và bang theo tỷ lệ cố định 50-50. Liên bang và các bang sẽ chia sẻ với nhau trách nhiệm gánh vác các chi phí phát sinh khi vi phạm các điều luật quốc tế theo tỷ lệ 15-85. Bang gây ra lỗi chịu 50%, toàn bộ các bang còn lại chịu 35%. Liên bang có toàn quyền lập pháp đối với thuế hải quan và các độc quyền tài chính và có thẩm quyền lập pháp song trùng đối với các sắc thuế đem lại nguồn thu cho bang. 

Về tư pháp

Hệ thống tư pháp của Đức theo một cấu trúc đơn nhất, được chia thành 7 nhánh, gồm có: hiến pháp, phổ thông, hành chính, tài chính, lao động, xã hội và luật về bản quyền. Các nhánh tư pháp này hoạt động độc lập và song song với nhau, đứng đầu mỗi nhánh là một tòa án liên bang tối cao phụ trách lĩnh vực của mình.

 Tòa án Hiến pháp Liên bang là Tòa án Tối cao của Đức có vai trò bảo vệ Hiến pháp và trật tự dân chủ; kiểm soát các tác nhân chính trị; cấm một số đảng chính trị cực đoan hoặc xem xét các dự luật liên quan đến chiến dịch vận động tài chính của các đảng chính trị; xét lại tính hợp hiến của các đạo luật và phủ quyết nếu cần; phân giải các xung đột giữa các cấp của chính quyền; kiềm chế việc lạm quyền của các thẩm phán. Có 16 chánh án chia thành hai đoàn gọi là Senates, mỗi bên có nhiệm kỳ 12 năm không gia hạn. Một nửa số chánh án do Hạ nghị viện và nửa kia do Thượng nghị viện bầu ra với 2/3 đa số phiếu. Khi đã được bổ nhiệm thì chỉ Tòa án Tối cao mới bãi nhiệm họ được. Tòa án Tối cao đặt tại Karlsruhe, ở bang Baden-Württemberg.

Các tòa án khác:

Tòa án phổ thông là nhánh lớn nhất để giải quyết các án dân sự và hình sự. Hệ thống tòa án phổ thông chia làm 4 bậc. Các tòa án địa phương tiếp nhận các vụ kiện nhỏ về dân sự và hình sự, kiêm các chức năng pháp lý thông thường như chứng thực. Bậc kế tiếp là các tòa án vùng, được chia làm hai nhánh riêng biệt: dân sự và hình sự. Các tòa án vùng vừa khởi xử các án trọng điểm về dân sự và hình sự, vừa là tòa án phúc thẩm đối với các phán quyết bởi các tòa án địa phương. Bậc thứ ba là các tòa án phúc thẩm cấp bang, với hai nhánh dân sự và hình sự. Đứng đầu là Tòa án Tư pháp Liên bang, là tòa án tối cao giữ vai trò phúc thẩm đối với tất cả các án khởi xử từ các tòa án cấp vùng và cấp bang.

Hệ thống tòa án hành chính, lao động và xã hội gồm có các tòa án địa phương, các tòa án cấp cao hơn, và đứng đầu tương ứng bởi tòa án liên bang. Hệ thống tòa án tài chính được chia làm hai bậc, đứng đầu bởi Tòa án Tài chính Liên bang, chịu trách nhiệm phân xử các án liên quan đến thuế. Tòa án Bản quyền Liên bang là duy nhất và tối cao.

Về mặt hành chính, các tòa án thuộc bang do các bộ tư pháp bang quản lý. Các tòa án liên bang do các bộ có thẩm quyền tương ứng trong chính quyền liên bang quản lý. Các cơ quan quản lý các tòa án đồng thời sẽ quản lý ngân sách chi tiêu của các tòa án. Ngoại lệ là Tòa án Hiến pháp được quyền tự đề xuất dự toán kinh phí hoạt động và nhận phê chuẩn từ chính quyền.

Một Tòa Chung của 5 tòa án tối cao: Tư pháp, Hành chính, Tài chính, Lao động và Xã hội được lập ra nhằm đảm bảo tính đồng nhất trong các phán quyết của hệ thống tư pháp.

(còn tiếp)

 

TS. Nguyễn Ngọc Ánh,

Học viện CTQG Hồ Chí Minh

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết