Thứ Sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024

Việt Nam năm 2020: Tiếp nối thành công và đối phó với những thách thức

Ngày phát hành: 06/01/2020 Lượt xem 1265

Theo TTXVN, trang mạng Stratfor (chuyên phân tích thông tin địa chính trị toàn cầu có trụ sở tại Mỹ) ngày 3/1 đăng bài cho rằng, năm 2019, Việt Nam tỏa sáng trên bầu trời địa chính trị toàn cầu, viết tiếp câu chuyện kinh tế thành công của mình bất chấp những bất ổn toàn cầu xung quanh vấn đề thương mại, đóng vai trò hòa giải giữa Mỹ và Triều Tiên, và tiếp đó là trở thành đối tác quan trọng về an ninh với nhiều cường quốc xa gần. Tuy nhiên, đúng vào lúc Việt Nam chuẩn bị cho giai đoạn chính trị hết sức quan trọng vào tháng 1/2021, vấn đề trong nước cũng như cuộc cạnh tranh của Việt Nam với các quốc gia bên ngoài sẽ khiến đất nước đối mặt với những thách thức.
Theo bài báo, những năm gần đây, Việt Nam đã nổi lên là một cường quốc ở khu vực. Việt Nam đã tận dụng được vị trí lợi thế của mình cũng như yếu tố lao động giá rẻ để trở thành một trong những câu chuyện kinh tế thành công nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương chỉ sau Trung Quốc, dù Việt Nam vẫn phải khéo léo duy trì mối quan hệ hữu hảo với các quốc gia bên ngoài.
Sức mạnh kinh tế ngày càng lớn của Việt Nam đã khiến Việt Nam có vị thế hơn hẳn trên trường quốc tế. Hà Nội đóng vai trò đầu tàu trong nhiều sáng kiến khu vực giữa các nước vùng sông Mekong, đồng thời trở thành một nhân tố nổi bật trong ASEAN. Trái lại, hai nước vốn là cường quốc khu vực một thời là Thái Lan và Indonesia lại chưa bước ra khỏi tình trạng kinh tế khá trì trệ và vẫn đang tập trung giải quyết các vấn đề nội bộ.
Tương tự như vậy, việc Việt Nam công khai lên tiếng phản đối Trung Quốc về vấn đề Biển Đông đã khiến vai trò của Hà Nội khác hẳn với các nước cùng có tranh chấp quyền lợi ở Biển Đông vốn không dám làm căng với Trung Quốc.
Khát vọng của Hà Nội cũng không chỉ dừng lại ở khu vực Đông Nam Á. Giờ đây, khi đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam đã trở thành đối tác trong nhiều thỏa thuận thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có hiệp định thương mại ký với Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Thêm vào đó, Việt Nam đã tạo lợi thế cho mình trong thiết lập các mối quan hệ về an ninh với gần như tất cả các nước lớn như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Nga và Ấn Độ. Để làm được như vậy, Hà Nội đã khéo léo cân bằng quan hệ của mình với các nước đối địch và không xa lánh bất kỳ nước nào để tự xây dựng được không gian chiến lược cho mình.
Chính chiến lược tiếp cận đa phương như vậy đã giúp Việt Nam tránh khỏi dính vào cuộc cạnh tranh quyền lực của các nước lớn đồng thời đạt được những mục tiêu cơ bản về phát triển kinh tế, độc lập và bảo đảm an ninh, nhờ đó, củng cố vị trí quan trọng của Đảng.
Về cơ bản, những nhân tố làm nên câu chuyện thành công của Việt Nam thời gian qua sẽ vẫn còn đó trong năm 2020 và rất có thể trong cả các năm sau nữa. Hiện nay, dù Mỹ và Trung Quốc đã ký được thỏa thuận thương mại giai đoạn đầu, nhưng những bất ổn thương mại toàn cầu kéo dài, sự tăng trưởng kinh tế chậm lại của Trung Quốc và chi phí lao động ở Trung Quốc tiếp tục gia tăng sẽ khiến các chuỗi cung và dòng tiền đầu tư nước ngoài đổ vào các nước như Việt Nam. Tương tự như vậy, cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng giữa các cường quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ khiến các nước tầm trung như Việt Nam tiếp tục hưởng lợi nhờ mối quan hệ hữu hảo với các nước lớn. Đặc biệt, điều này sẽ giúp Việt Nam củng cố thêm khả năng bảo vệ chủ quyền lãnh hải cũng như khả năng đối đầu trong vấn đề tranh chấp với một nước Trung Quốc ngày càng muốn bành trướng thêm nữa.
Tuy nhiên, về lâu về dài, căn nguyên sâu xa trong câu chuyện thành công của Việt Nam có thể cũng sẽ tạo ra một số vấn đề ảnh hưởng đến đất nước .
Trên thực tế, việc Việt Nam hội nhập sâu rộng với cả thế giới cũng khiến chính Việt Nam dễ bị tác động bởi những biến động trên các thị trường toàn cầu và sự đứt gãy của các chuỗi cung toàn cầu, nhất là khi nền kinh tế hướng tới xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư nước ngoài. Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam phần nào giảm bớt trong nửa cuối năm 2019 đã cho thấy những dấu hiệu về thách thức sắp tới của Việt Nam.
Thêm vào đó, tăng trưởng nhanh có thể cũng làm tăng giá chi phí lao động và sản xuất, giảm tính cạnh tranh của Việt Nam vào thời điểm khi cơ sở hạ tầng cũng như các ngành công nghiệp phụ trợ và kỹ thuật lao động của Việt Nam vẫn chưa bằng các nước như Thái Lan và Malaysia.
Tuy nhiên, vấn đề cấp thiết nhất lại là việc Việt Nam nổi lên là một nước sản xuất hàng công nghiệp sẽ khiến Việt Nam phải đối mặt với những rủi ro đến từ hai cường quốc thế giới. Về mặt ngắn hạn, Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ khiến Mỹ trả đũa bởi Mỹ vốn không muốn các nước khác có được thặng dư thương mại trong quan hệ song phương. Về mặt dài hạn, bản chất kiểu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ khiến Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc, chính vì vậy sẽ phải chịu ảnh hưởng nhiều hơn từ nước láng giềng phương Bắc.
Trên thực tế, dù Việt Nam rất nỗ lực giảm bớt những ảnh hưởng về kinh tế của Trung Quốc, nhưng sự phụ thuộc vào nền kinh tế khổng lồ này lại tăng dần qua các năm, vì Việt Nam phải nhập nguyên liệu thô từ Trung Quốc để sản xuất hàng xuất khẩu. Hà Nội cũng không thể quá ngả sang Washington vì sẽ khiến Bắc Kinh tức giận. Đó là lý do vì sao Hà Nội rất cẩn trọng trong mối quan hệ này và chỉ giới hạn việc hợp tác an ninh với Mỹ ở mức độ mua vũ khí và đào tạo quân sự.
Tương tự như vậy, Hà Nội đang cân nhắc có nên tiến hành các biện pháp pháp lý để đối đầu với Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông hay không...  Hà Nội cũng sẽ tận dụng lợi thế hai vị trí quan trọng trên trường quốc tế mà Hà Nội nắm giữ vào năm 2020 – đó là vị trí Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ - nhằm tạo dựng sự ủng hộ của quốc tế để đối phó với sự hiếu chiến của Trung Quốc trên biển, cho dù nỗ lực này cũng sẽ chẳng thể thay đổi được quan điểm của Bắc Kinh
Nếu những thách thức này leo thang, môi trường đầu tư của Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng, ít nhất là trong thời gian ngắn. Điều này sẽ khiến sự hấp dẫn của Việt Nam bị giảm đi phần nào vào đúng thời điểm các nước trong khu vực đang cạnh tranh, mở rộng cửa hết sức có thể, để mời gọi đầu tư và mời gọi doanh nghiệp nước ngoài./.

 

Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết