Trong năm 2019, theo thống kê của Tổ chức phi chính phủ Oxfam, 2.153 người giàu nhất thế giới đang nắm giữ khối tài sản nhiều hơn của 4,6 tỷ người nghèo nhất thế giới cộng lại.
Thế giới vẫn đối mặt với bất bình đẳng trong thu nhập. Ảnh minh họa:Reuters
Tổ chức phi chính phủ Oxfam ngày 20/1 cho biết 2.153 người giàu nhất thế giới nắm giữ khối tài sản nhiều hơn của 4,6 tỷ người nghèo nhất thế giới cộng lại trong năm 2019.
Trong khi đó, các công việc không được trả lương hoặc được trả lương thấp của phụ nữ và các bé gái có mức đóng góp hàng năm trong nền kinh tế thế giới cao hơn ba lần ngành công nghệ.
Trong một báo cáo được công bố trước thềm Diễn đàn Kinh tế Thế giới thường niên ở Davos (Thụy Sỹ), Oxfam cho hay phụ nữ trên khắp thế giới đã làm làm việc tổng cộng 12,5 tỷ giờ mỗi ngày mà không được trả lương hoặc không được công nhận.
Số giờ này có thể mang lại giá trị ít nhất 10.800 tỷ USD mỗi năm cho nền kinh tế thế giới, cao hơn ba lần so với ngành công nghệ.
Nhằm nêu bật mức độ bất bình đẳng trong nền kinh tế toàn cầu, Giám đốc điều hành Oxfam Ấn Độ, ông Amitabh Behar viện dẫn trường hợp của một phụ nữ Ấn Độ tên là Buchu Devi.
Người phụ nữ này đã dành 16-17 tiếng mỗi ngày để làm các công việc nhà thường ngày như đi bộ 3km để lấy nước sinh hoạt, nấu ăn, chuẩn bị cho con đến trường và làm một công việc được trả lương thấp.
Trong khi đó, các tỷ phú đang có mặt tại Davos là những người siêu giàu với máy bay riêng, đối lập hoàn toàn với hoàn cảnh của Buchu Devi.
Ông Behar nhấn mạnh Buchu Devi không phải là trường hợp duy nhất, đồng thời kêu gọi cần phải thay đổi điều này.
Theo ông Behar, các chính phủ cần đảm bảo người giàu phải nộp thuế để tạo nguồn ngân sách chi cho các tiện ích như nước sạch, chăm sóc sức khỏe và trường học chất lượng tốt hơn.
Trong khi đó, bà Winnie Byanyima, Giám đốc điều hành Oxfam, cho rằng sự bùng nổ về số lượng tỷ phủ không phải là dấu hiệu của một nền kinh tế phát triển mà là một triệu chứng của một hệ thống kinh tế thất bại. Quyền lợi của lao động nữ thường bị đặt ở vị trí cuối cùng.
Trên khắp thế giới, phụ nữ kiếm được số tiền ít hơn nam giới, và chiếm phần lớn số lượng người có mức thu nhập thấp nhất, trong khi họ lại có những công việc ít được đảm bảo nhất. Trong khi đó, chín trong số mười tỷ phú là nam giới.
Oxfam kêu gọi các nhà hoạch định chính sách tăng thuế 0,5% đối với những người giàu nhất thế giới trong thập niên tới nhằm giảm tình trạng bất bình đẳng.
Theo các nhà nghiên cứu, việc tăng 0,5% thuế đối với người giàu sẽ thu về số tiền đủ để tạo ra 117 triệu việc làm trong các lĩnh vực như giáo dục và y tế.
Các đề xuất khác của Oxfam để giúp giảm thiểu bất bình đẳng bao gồm đầu tư vào các hệ thống chăm sóc quốc gia, nạn xâm hại tình dục, đưa ra luật để bảo vệ quyền của người chăm sóc, và chấm dứt sự giàu có cực độ./.
Theo TTXVN