Mặc dù có một hệ thống an sinh xã hội được đánh giá là hào phóng nhất trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), số lượng lớn việc làm trong khu vực công và tiền lương tăng nhanh hơn năng suất lao động, Pháp đang trải qua một cuộc khủng hoảng xã hội sâu sắc.
Theo ông Patrick Artus, nhà kinh tế trưởng và thành viên của ủy ban điều hành ngân hàng Natixis, so với các nước OECD khác, Pháp có nhiều ưu điểm, như tỷ lệ bất bình đẳng và nghèo thấp và ổn định hơn, chi tiêu nhiều hơn cho bảo trợ xã hội (chăm sóc y tế, trợ cấp gia đình, lương hưu, nhà ở). Bên cạnh đó, tiền trợ cấp thất nghiệp hào phóng hơn, mức lương tối thiểu cao hơn so với trung bình, tuổi nghỉ hưu thấp hơn. Hơn nữa, ở Pháp, tiền lương thực tế tăng nhanh hơn năng suất lao động, trái ngược với các nước OECD khác.
Sự căng thẳng chính trị và xã hội mạnh mẽ, vốn dĩ chỉ xuất hiện ở các quốc gia bất bình đẳng với hệ thống an sinh xã hội yếu và mức lương thấp, như Mỹ, Anh, Tây Ban Nha hoặc Nhật Bản, chứ không thể ở Pháp. Vậy mà cuộc khủng hoảng xã hội ở Pháp đã và đang diễn ra, thậm chí ngày càng sâu rộng. Giải thích hiện tượng này ra sao? Ông Patrick Artus nêu lên ba nguyên nhân chính.
Vấn đề đầu tiên liên quan đến sự bất bình đẳng về dịch vụ công. Người dân Pháp nhận thấy rằng, ngoài các thành phố lớn, các dịch vụ công gần như đã biến mất tại nhiều vùng lãnh thổ. Nhiều địa phương trở thành “sa mạc” trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. 1/3 xã thiếu bác sĩ và 37% người dân không được hưởng quyền lợi về y tế. Hơn nữa, giao thông công cộng không được chú ý phát triển. Do đó, dân cư tại các vùng sâu vùng xa có cảm giác bị bỏ rơi.
Nguyên nhân thứ hai nằm trong sự yếu kém của hệ thống giáo dục. Tại Pháp ngày nay, chỉ có 8% nhà quản lý có cha là người làm công ăn lương hoặc công nhân không được đào tạo kỹ năng. Tỷ lệ trở thành nhà quản lý đối với người có cha là quản lý cao gấp 12 lần so với con của công nhân hoặc nhân viên được đào tạo.
Tại sao có hiện tượng xã hội này? Một mặt, hệ thống giáo dục không còn đóng vai trò thúc đẩy xã hội nữa. Khảo sát Pisa mới nhất của OECD cho thấy sự khác biệt về điểm số Pisa - đo lường khả năng của học sinh về toán học, tiếng Pháp và tin học - giữa con cái của cha mẹ có trình độ học vấn cao và con cái của cha mẹ có trình độ học vấn thấp tại Pháp, là cao hơn đáng kể so với mức trung bình của các nước OECD. Điều này cho thấy hệ thống giáo dục củng cố sự bất bình đẳng xã hội, thay vì giảm bớt.
Mặt khác, cũng như ở các nước OECD khác, ở Pháp các công việc trung gian đang dần biến mất, chủ yếu trong ngành công nghiệp - số việc làm của công nghiệp sản xuất đã giảm 25% trong 20 năm qua - và trong các dịch vụ liên quan đến công nghiệp.
Thị trường lao động bị phân cực, giữa các công việc được đào tạo và được trả lương cao (công nghệ mới, tài chính, quản trị...) và các công việc có tay nghề thấp, lương thấp (dịch vụ cá nhân, giải trí, ăn uống, vận chuyển, an ninh..). Sự biến mất của các công việc trung gian khiến cho con cái của công nhân và nhân viên cấp thấp rất khó tìm được một công việc tốt hơn cha mẹ mình.
Cuối cùng, lời giải thích thứ ba cho sự căng thẳng xã hội tại Pháp nằm ở việc gia tăng chi phí nhà ở. Gánh nặng của tiền thuê nhà trong tổng thu nhập hộ gia đình đã tăng 1/3 trong 20 năm qua. Giá bất động sản trong 20 năm cũng tăng gần 50% so với mức lương bình quân đầu người.
Tổng khấu trừ từ thu nhập hộ gia đình cho nhà ở, dù là nhà thuê hay sở hữu, đã tăng 38% trong vòng 20 năm. Ngoài ra, thị trường bất động sản ở Pháp không chỉ cao mà còn kém thanh khoản. Vì vậy, người chủ sở hữu rất khó bán nhà để di chuyển đến nơi khác tìm một công việc mới.
Vậy làm thế nào để khắc phục những bất lợi trên? Có lẽ bằng cách tăng cường bố trí các dịch vụ công ở các xã và thị trấn nhỏ, như điều mà Chính phủ hiện đang dự định tiến hành. Hoặc bằng cách thực hiện chính sách phát triển các ngành công nghiệp của tương lai như năng lượng tái tạo, ô tô điện và tự động... Hoặc xây dựng thêm nhiều nhà ở các thành phố vệ tinh để ổn định giá bất động sản, mà không chỉ tập trung ở các đô thị lớn.
Theo đánh giá của nhà kinh tế trưởng ngân hàng Natixis, trường hợp của Pháp rất thú vị và quan trọng. Thực tế cho thấy rằng việc chi nhiều ngân sách công cho bảo trợ xã hội, lương hưu và việc làm khu vực công vẫn không đủ để tránh một cuộc khủng hoảng xã hội, nếu một số dân cư ở nông thôn và thị trấn nhỏ bị lãng quên, nếu thế hệ con cái không thể tìm được việc làm tốt hơn cha mẹ mình, nếu bong bóng bất động sản tiếp tục phình to./.
Linh Hương (TTXVN tại Paris)