Theo Liên hợp buổi sáng ngày 9/10, dân số toàn cầu đang tăng lên nhanh chóng mỗi ngày, nhưng các vấn đề mà thế giới cần ứng phó lại cũng rất nhiều. Trong đó, không thiếu những cuộc khủng hoảng đang chực chờ trước mắt.
Khi dân số gia tăng, chắc chắc sự tiêu thụ tài nguyên toàn cầu sẽ ngày càng lớn và nếu cứ tiếp diễn như vậy, quả bom hẹn giờ tiềm ẩn này sẽ có ngày nổ tung.
Thách thức lớn của vấn đề dân số
Dữ liệu và dự báo dân số toàn cầu của Liên hợp quốc (LHQ) sẽ khiến nhiều người ngạc nhiên. Theo báo cáo “Triển vọng dân số thế giới năm 2020” do Vụ Kinh tế và Xã hội của LHQ công bố vào ngày Dân số thế giới 11/7, dân số toàn cầu sẽ đạt 8 tỷ người vào ngày 15/11 năm nay.
Báo cáo dự đoán, Ấn Độ sẽ vượt qua Trung Quốc trở thành nước có dân số đông nhất thế giới vào năm 2023.
Các chuyên gia nhấn mạnh rằng nhân loại trải qua hàng trăm nghìn năm thì dân số Trái Đất mới đạt 1 tỷ người. Đến năm 2011, dân số toàn cầu là 7 tỷ người, tuy nhiên chỉ trong 11 năm con số này đã tăng thêm 1 tỷ người.
Theo xu thế này, ước tính đến năm 2030, nghĩa là 8 năm sau, dân số toàn cầu sẽ tăng lên 8,5 tỷ người, đến năm 2050 đạt 9,7 tỷ người và vượt ngưỡng 10 tỷ vào năm 2100, đạt 10,9 tỷ người.
Hơn 50% dân số toàn cầu sinh sống ở 7 quốc gia. Ngoài Trung Quốc và Ấn Độ đều có dân số hơn 1,4 tỷ người, 5 quốc gia đông dân tiếp theo lần lượt là Mỹ, Indonesia, Pakistan, Nigeria và Brazil.
Chỉ riêng dân số của Trung Quốc hoặc Ấn Độ đã tương đương với tổng dân số của tất cả các nước châu Phi, dễ dàng vượt qua tổng dân số hơn 700 triệu người của châu Âu hoặc hơn 1 tỷ người của châu Mỹ.
Đồng thời với dân số đông, vấn đề già hóa dân số cũng ngày càng nghiêm trọng trong mấy thập kỷ trở lại đây, trong đó phần nhiều xảy ra ở các nền kinh tế phát triển như châu Âu và Nhật Bản…
Liên hợp quốc ước tính đến năm 2050, dân số ở 55 quốc gia hoặc khu vực trên toàn cầu sẽ giảm, trong đó dân số của các nước như Bulgaria, Croatia, Hungary, Nhật Bản, Latvia, Lithuania, Romania, Serbia và Ukraine sẽ giảm trên 15% vào năm 2050. Từ đây đến năm 2050, châu Phi sẽ là đại lục có dân số tăng trưởng nhanh nhất.
Cùng với dân số gia tăng, số người nghèo đói trên toàn cầu cũng tăng lên từng năm. Cách đây mấy tháng, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) nhấn mạnh năm 2021 có gần 800 triệu người chịu ảnh hưởng của nạn đói, chiếm gần 10% dân số toàn cầu. Con số này đã tăng 46 triệu người so với năm 2020 và 150 triệu người so với năm 2019.
Các nước đông dân số, chủ yếu là các nước đang phát triển, sinh đẻ nhiều đã tạo thành một vòng tuần hoàn luẩn quẩn. Trẻ em của các nước đang phát triển bị suy dinh dưỡng là vấn đề thường thấy.
Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) hồi tháng Chín nhấn mạnh năm nay Somalia sẽ có hơn 500.000 trẻ em dưới 5 tuổi đối diện với rủi ro suy dinh dưỡng nghiêm trọng và chết vì nạn đói, đồng thời cảnh báo đây là tình trạng nghiêm trọng chưa từng xuất hiện ở bất cứ quốc gia nào trong thế kỷ này.
Khu vực Sừng châu Phi thỉnh thoảng xảy ra hạn hán, một số vùng của Somalia xuất hiện nạn đói với dự đoán nghiêm trọng hơn nạn đói của năm 2011. Nạn đói của 11 năm trước đã dẫn đến cái chết của hơn 250.000 người Somalia, trong đó phần lớn là trẻ em. Hiện nay, các trung tâm dinh dưỡng khắp nơi của Somalia đã quá tải. Người phát ngôn của UNICEF James Elder cho biết, bây giờ ngay cả trẻ sơ sinh cũng chỉ có thể được điều trị trên sàn nhà.
Vanessa Nakate, nhà hoạt động khí hậu người Uganda vừa được bổ nhiệm làm Đại sứ thiện chí của UNICEF cách đây không lâu đã đến Kenya vào tháng 9 để tìm hiểu vấn đề trẻ em suy dinh dưỡng. Điều khiến nhà hoạt động Vanessa Nakate nói: “Trong đợt hạn hán này, tôi gặp rất nhiều trẻ em suy dinh dưỡng cấp tính nghiêm trọng. Hôm đó tôi gặp một em bé, không ngờ sáng sớm hôm sau em đã không còn nữa”.
Theo UNICEF có khoảng 1 tỷ trẻ em sinh sống ở 33 quốc gia trên toàn cầu được xếp vào nhóm có “nguy cơ cực cao” do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Các giải pháp vĩ mô khả thi
Trong bối cảnh phải đối diện với nhiều vấn đề như vậy, nhân loại cần phải có phương án ứng phó dài hạn. Nhiều năm trước, Liên hợp quốc đã đưa ra mục tiêu phát triển thiên niên kỷ đến năm 2015. Đại hội đồng Liên hợp quốc đặt ra các mục tiêu phát triển bền vững thay thế, tranh thủ cố gắng thực hiện vào năm 2030. Có đến 17 mục tiêu phát triển bền vững bao trùm nhiều phương diện như xã hội, môi trường và kinh tế… nhằm trở thành kế hoạch chung cho nhân loại cũng như hoà bình, thịnh vương của thế giới hiện nay và trong tương lai.
Theo Trưởng ban Di cư của Vụ Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc Bela Hovy, tỷ lệ sinh cao kéo dài và dân số tăng nhanh đã tạo ra thách thức đối với các mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt là trên phương diện tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục chất lượng cao. Tăng trưởng dân số nhanh cũng có thể dẫn đến suy thoái môi trường và ảnh hưởng đến biến đổi khí hậu.
Do đó, muốn kiểm soát dân số gia tăng, việc sinh đẻ có kế hoạch vẫn rất quan trọng. Thực tế đã chứng minh, ở những quốc gia có tỷ lệ phụ nữ sử dụng các biện pháp tránh thai tương đối cao nhìn chung có tỷ lệ sinh thấp.
Trưởng ban Bela Hovy cũng là chuyên gia về vấn đề dân số. Ông nhấn mạnh, để thực hiện việc giảm tỷ lệ sinh dự kiến, cần tiếp tục thúc đẩy các chương trình dài hạn hiện có, chẳng hạn như bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và xóa bỏ bạo lực và kỳ thị đối với phụ nữ.
Alistair Currie, người phát ngôn Tổ chức nghiên cứu và từ thiện Population Matters (Anh) nói rằng rất nhiều vấn đề hiện nay đều đang dẫn đến khủng hoảng, do đó cần phải đồng thời giải quyết các vấn đề ngắn hạn và dài hạn.
Người phát ngôn Alistair Currie nhấn mạnh rằng tin tốt là gần đây đã có dự báo dân số khá thấp, điều này cho thấy con đường hướng đến dân số bền vững có thể được thực hiện nhanh hơn. Tin xấu là điều này vẫn đòi hỏi những nỗ lực tiếp diễn.
Tổ chức từ thiện Population Matters đã nỗ lực giải quyết vấn đề quy mô dân số và các ảnh hưởng đối với sự bền vững của môi trường. Tổ chức này cho rằng dân số gia tăng là yếu tố chủ chốt dẫn đến suy thoái môi trường, làm mất tính đa dạng sinh học, khiến tài nguyên cạn kiệt và gây ra tình trạng biến đổi khí hậu. Nhiều năm qua, tổ chức này luôn thông qua vận động và tuyên truyền để nâng cao sự coi trọng của người dân đối với vấn đề dân số.
Người phát ngôn Alistair Currie cho rằng, quan sát tình hình hiện nay, thế giới vẫn cần nỗ lực rất nhiều để theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững, và trên thực tế chúng ta đang đi ngược chỉ số phát triển con người.
Các yếu tố như xung đột địa chính trị, khủng hoảng năng lượng, khủng hoảng lương thực xảy ra hiện nay đang khiến các nước gặp nhiều khó khăn. Câu hỏi đặt ra là liệu các tổ chức quốc tế bao gồm Liên hợp quốc có thể phát huy tác dụng trong việc giảm nhẹ vấn đề dân số hay không?
Theo chuyên gia Bela Hovy, dân số tăng thường không dẫn đến xung đột hoặc khủng hoảng. Liên hợp quốc có Hội đồng Bảo an là cơ quan chính giải quyết các vấn đề về hòa bình và an ninh. Một nhiệm vụ chủ yếu của Liên hợp quốc là hỗ trợ các quốc gia thành viên thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, bao gồm hạ thấp tỷ lệ tử vong của phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 5 tuổi.
Nâng cao trình độ giáo dục là một nhiệm vụ lớn khác. Chuyên gia Bela Hovy cho rằng khi quy mô gia đình thu nhỏ, các cặp vợ chồng nuôi ít con hơn thì đương nhiên đầu tư cho việc học của mỗi đứa trẻ sẽ nhiều hơn. Điều này giúp thế hệ tiếp theo có cơ hội tiếp cận các điều kiện giáo dục tốt hơn, đồng thời cũng giúp nâng cao hoặc cải thiện cuộc sống sau này.
Việc giảm số lần mang thai và sinh đẻ quá sớm cũng giúp phụ nữ không bị gián đoạn việc học tập trong độ tuổi thanh thiếu niên. Đối với sự phát triển lâu dài của xã hội thì điều này có lợi cho việc giảm tỷ lệ phụ nữ và trẻ em sống trong cảnh nghèo khó.
Tuy nhiên, chuyên gia Alistair Currie cho rằng việc cộng đồng xã hội không quan niệm dân số gia tăng là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều vấn đề mà nhân loại phải đối mặt hiện nay, điều này khiến ông cảm thấy khó hiểu.
Chuyên gia này cho rằng các tổ chức quốc tế bao gồm Liên hợp quốc chưa làm đủ trách nhiệm trong vấn đề dân số, ông đề cập đến việc Uỷ ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu của Liên hợp quốc (IPCC) xác định dân số gia tăng là một trong hai nguyên nhân của phát thải, nhưng lại không đưa ra phương án giải quyết cụ thể tương ứng.
Trong báo cáo giảm nhẹ biến đổi khí hậu năm 2022, IPCC đề cập đến phạm vi toàn cầu, với tổng giá trị sản xuất quốc nội bình quân đầu người và dân số gia tăng vẫn là nhân tố thúc đẩy mạnh nhất việc phát thải CO2 từ nhiên liệu hóa thạch trong 10 năm qua.
Giai đoạn 2010-2019, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người và tình trạng dân số gia tăng lần lượt thúc đẩy lượng phát thải tăng 2,3% và 1,2% so với cùng kỳ.
Vấn đề dân số liên quan đến nhiều phương diện và có thể gây ra ảnh hưởng sâu rộng. Chuyên gia kinh tế và cố vấn dân số cao cấp của Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) Michael Herrmann đề xuất ba giải pháp vĩ mô khả thi, bao gồm sử dụng dữ liệu dân số để lập kế hoạch trước; xây dựng các tổ chức và cộng đồng có sức bền và thực hiện rộng rãi chính sách dân số lấy con người làm gốc.
Chuyên gia Michael Herrmann cho rằng các nước cần đánh giá có hệ thống sự thay đổi của dân số. Nếu không nắm bắt được tình hình dân số, độ tuổi và nơi cư trú, cũng như cấu trúc dân số, độ tuổi và sự phân bố không gian sẽ thay đổi như thế nào, thì các nước sẽ không thể nắm được nhu cầu hiện tại và tương lai của dân số nước mình. Nếu không có thống kê dân số đầy đủ, thì việc có thể ban hành chính sách hiệu quả hay không sẽ là vấn đề may mắn chứ không phải vấn đề thiết kế.
Chuyên gia này nhấn mạnh việc đáp ứng nhu cầu dân số toàn cầu và nâng cao mức sống sẽ đòi hỏi trình độ sản xuất cao hơn, điều này sẽ dẫn đến tiêu dùng lớn hơn. Tuy nhiên, nếu không có cải cách xanh trên lĩnh vực năng lượng, sản xuất và vận chuyển, cũng như thay đổi hành vi của con người, thì áp lực đối với môi trường tự nhiên sẽ ngày càng lớn.
Vấn đề dân số ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu…
Dân số toàn cầu ảnh hưởng thế nào đến phát triển kinh tế? Giáo sư kinh tế Andrew Mason của Đại học Hawaii, chuyên viên nghiên cứu cao cấp của Trung tâm Đông-Tây (EWC) thuộc Tổ chức giáo dục và nghiên cứu Mỹ, đã nhấn mạnh trong một báo cáo nghiên cứu chung rằng dân số thay đổi sẽ gây ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế quốc gia, khu vực và toàn cầu.
Đối với một quốc gia, điều này có nghĩa là chính phủ cần đầu tư nguồn lực nhiều hơn để giảm nhẹ cú sốc già hóa dân số, từ đó dẫn đến nợ công cao. Đối với kinh tế toàn cầu, ước tính tăng trưởng GDP toàn cầu có thể chậm lại 1 điểm phần trăm mỗi năm trong vài thập kỷ tới.
Giáo sư Andrew Mason cho rằng kỷ nguyên tăng trưởng kinh tế do dân số thúc đẩy sắp khép lại. Dân số gia tăng lẽ ra thúc đẩy GDP toàn cầu tiếp tục phát triển, nhưng do sự tăng trưởng dân số trong độ tuổi lao động lại tập trung ở những quốc gia có năng suất lao động thấp nên tác dụng không lớn.
Báo cáo nhấn mạnh rằng việc chuyển đổi dân số trong thời gian đầu sẽ thúc đẩy tăng trưởng dân số toàn cầu đạt đến mức chưa từng có như giai đoạn đầu thập niên 1970. Điều này có nghĩa là dân số gia tăng nhanh giúp số lượng công nhân gia tăng nhanh và sự mở rộng của lực lượng công nhân sẽ thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhanh.
Khi quá trình chuyển đổi dân số kết thúc, tăng trưởng dân số tương lai sẽ chậm lại. Nhìn chung chuyển đổi dân số là sự chuyển tiếp thể chế kinh tế từ tiền công nghiệp hóa sang công nghiệp hóa của một quốc gia hoặc khu vực, thường gắn với hiện tượng chuyển tiếp từ tỷ lệ sinh cao và tỷ lệ tử vong cao sang tỷ lệ sinh thấp và tỷ lệ tử vong thấp.
… và những vấn đề vĩ mô khác
Hiện nay là thời kỳ biến động bất trắc. Cuộc đọ sức giữa các nước lớn (đọ sức Mỹ-Trung), cuộc xung đột Nga-Ukraine (đọ sức Mỹ-Nga) đã ảnh hưởng đến toàn thế giới.
Các tổ chức quốc tế đã sớm cảnh báo rằng an ninh lương thực đã bị rối loạn bởi các yếu tố như dịch COVID-19, xung đột địa chính trị và căng thẳng chuỗi cung ứng. Năm 2023, nhiều khả năng thế giới sẽ đối mặt với cuộc khủng hoảng thiếu lương thực.
Nguyên nhân do cuộc xung đột Nga-Ukraine đã gây gián đoạn hoạt động xuất khẩu lương thực và phân bón hóa học của cả hai nước, đẩy giá lương thực toàn cầu lên cao, đồng thời cản trở hoạt động canh tác của nông dân Ukraine. Liên hợp quốc cảnh báo trong năm nay nhân loại đã chứng kiến sự thiếu hụt phân bón và nếu cuộc xung đột tiếp tục diễn ra thì năm tới sẽ là thiếu hụt lương thực.
Một khi xảy ra tình huống này, các quốc gia nghèo khó sẽ bị tác động đầu tiên với sự xuất hiện của những nạn đói nghiêm trọng. Các quốc gia vốn đã chịu những cú sốc về thiên tai bao gồm hạn hán sẽ khó có thể tiếp tục chống chịu, đồng thời có thể sẽ xảy biến động dân sự.
Sự kiện Mùa Xuân Arập 12 năm trước chính là bắt nguồn từ biến động dân sự do thiếu hụt lương thực, kết quả là một số quốc gia Bắc Phi xảy ra sụp đổ chính trị theo kiểu dây chuyền, đến nay cục diện hỗn loạn vẫn chưa được bình ổn, và người dân là đối tượng phải hứng chịu những thiệt hại cuối cùng.
Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cảnh báo, vấn đề lương thực toàn cầu tiếp tục chuyển biến tiêu cực, hiện nay có hơn 48 nước đối diện với khủng hoảng lương thực, 50% trong số đó đang ở trạng thái dễ bị tổn thương. Theo số liệu thống kê thương mại của Liên hợp quốc, toàn cầu có 50 nước phụ thuộc vào lúa mỳ của Nga và Ukraine.
Bên cạnh lương thực, một vấn đề khác mà mọi người dân đều cảm nhận được chính là lạm phát cao. Lạm phát leo thang đã khiến nhiều nước xuất hiện quan hệ căng thẳng, những nước quản lý không tốt càng khốn đốn hơn. Chẳng hạn Sri Lanka đã chứng kiến cuộc khủng hoảng tài chính và sau đó diễn biến thành khủng hoảng chính trị, người dân sống trong cảnh nước sôi lửa bỏng.
Hiện nay, cuộc chạy đua vũ trang của các cường quốc, nước lớn đã trở thành một yếu tố bất trắc khác ảnh hưởng đến an ninh toàn cầu.
Viện Nghiên cứu Hòa bình Stockholm (SIPRI) của Thụy Điển đã nhấn mạnh trong một báo cáo được công bố vào hồi tháng Năm rằng trước khi cuộc xung đột Nga-Ukraine bùng phát, chi phí quân sự toàn cầu đã tăng 7 năm liên tục đến năm 2021, đạt mức cao mới là hơn 2.000 tỷ USD.
Đối đầu quân sự giữa Mỹ, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Nga kéo dài, đặc biệt chi phí quân sự của châu Âu sẽ tiếp tục gia tăng trong tương lai. Hiện nay, Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Anh và Nga là 5 nước có chi tiêu quân sự nhiều nhất, trong khi chi tiêu quân sự của Nhật Bản và Australia cũng đang tăng lên.
Trong bối cảnh như vậy, các nước làm thế nào để có đủ nguồn lực và tiếp tục quan tâm đến vấn đề dân số? Đây là một câu hỏi mà cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời./.
Thao TTXVN