Thứ Bảy, ngày 20 tháng 04 năm 2024

Diễn đàn quốc tế: “Mô hình chủ nghĩa xã hội trong bối cảnh mới của thời đại: Những vấn đề lý luận và thực tiễn”

Ngày phát hành: 14/09/2022 Lượt xem 977

Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Đặng Xuân Thanh phát biểu khai mạc tai Diễn đàn

Vừa qua, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Diễn đàn quốc tế về Chủ nghĩa xã hội lần thứ IX với chủ đề “Mô hình chủ nghĩa xã hội trong bối cảnh mới của thời đại: Những vấn đề lý luận và thực tiễn”.

Diễn đàn quốc tế về Chủ nghĩa xã hội là hoạt động khoa học thường niên được luân phiên tổ chức bởi Viện Khoa học xã hội Trung Quốc (với hạt nhân là Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác), Viện Khoa học Kinh tế và Xã hội Quốc gia Lào (trước đây là Viện Khoa học xã hội Quốc gia Lào) và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (với hạt nhân là Viện Triết học), bắt đầu từ năm 2013 và đã trải qua 8 kỳ liên tục. 

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Đặng Xuân Thanh cho biết, mục tiêu chính của Diễn đàn là nhằm trao đổi, thảo luận những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước; trên cơ sở đó, tổng kết, chia sẻ những bài học kinh nghiệm trong phát triển kinh tế - xã hội theo con đường xã hội chủ nghĩa, cũng như củng cố, nâng tầm hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau giữa các cơ quan nghiên cứu khoa học ở các nước xã hội chủ nghĩa. Diễn đàn lần này đề cập đến những nội dung hết sức quan trọng của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhất là trong bối cảnh mới của thời đại ngày nay. Diễn đàn này cũng là nơi để các nước xã hội chủ nghĩa thể hiện mối liên hệ chặt chẽ, tinh thần quốc tế, tình đoàn kết gắn bó vì mục tiêu cuối cùng là xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.

Phó Chủ tịch Đặng Xuân Thanh khẳng định, mô hình chủ nghĩa xã hội là một nội dung cốt lõi trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, phản ánh chế độ kinh tế - chính trị - xã hội được xây dựng theo nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội khoa học và phù hợp với điều kiện cụ thể của từng quốc gia. Đến nay, trên thế giới đã có nhiều mô hình chủ nghĩa xã hội tồn tại và phát triển. Điển hình là công cuộc cải cách gần 45 năm qua ở Trung Quốc cùng công cuộc đổi mới gần 40 năm qua ở Việt Nam và Lào. Mỗi nước đã có những sự kế thừa, bổ sung và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung, lý luận khoa học về mô hình chủ nghĩa xã hội nói riêng phù hợp với những điều kiện lịch sử cụ thể của mỗi nước. Các mô hình chủ nghĩa xã hội ở Trung Quốc, Việt Nam và Lào đã mang lại những thành quả rực rỡ trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội,… của mỗi nước, qua đó góp phần khẳng định vị thế ngày càng vững chắc và quan trọng của các nước xã hội chủ nghĩa trên bản đồ chính trị thế giới, cũng như đóng góp ngày càng nhiều hơn các giá trị vật chất và tinh thần vào sự phát triển chung của nhân loại ngày nay. 

Tuy nhiên, bối cảnh của thời đại, cục diện của thế giới ngày nay đang xuất hiện những diễn biến mới rất phức tạp và khó lường, có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ và sâu rộng tới tất cả các lĩnh vực của đời sống nhân loại. Việc khắc phục hệ quả của những sự biến này đòi hỏi công sức to lớn và thời gian lâu dài của toàn thể nhân loại. Bối cảnh và cục diện mới đó cũng đang đặt ra rất nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn mới mà các nước xã hội chủ nghĩa phải giải quyết thỏa đáng nhằm tạo cơ sở cho các chặng đường phát triển tiếp theo sau này, đặc biệt là những vấn đề về mô hình chủ nghĩa xã hội. 

Giáo sư, Tiến sỹ Chân Chiếm Dân, Phó Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho biết, trong những năm gần đây, công cuộc cải cách không ngừng đi sâu, các nước xã hội chủ nghĩa nói chung đã bước vào thời kỳ phát triển ổn định và chú trọng xây dựng về hệ thống chế độ, mở ra một giai đoạn lịch sử mới là tập trung xây dựng hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa. Các nước xã hội chủ nghĩa đang nỗ lực phát huy lợi thế của chế độ là có được sự tập trung và thống nhất lãnh đạo của Đảng, tuân theo yêu cầu của chế độ là quản lý nhà nước bằng pháp luật, với tôn chỉ là nhân dân trên hết và giữ vững lập trường của chế độ xã hội chủ nghĩa là phát triển theo đường lối hòa bình.

Việc tăng cường giao lưu, học hỏi lẫn nhau về mô hình phát triển và kinh nghiệm phát triển giữa các nước xã hội chủ nghĩa sẽ giúp củng cố thành quả xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ động ứng phó với những rủi ro, thách thức trong quá trình cải cách và phát triển. Trong cuộc đấu tranh giữa hai chế độ trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay, các nước xã hội chủ nghĩa chỉ có nhận thức và nắm bắt đúng những đặc điểm về bản chất và yêu cầu của thời đại về mô hình phát triển xã hội chủ nghĩa, mới có thể giữ vững định hướng chiến lược, nâng cao lòng tin chiến lược, tối ưu hóa tầm nhìn chiến lược trong thời kỳ lịch sử mới, qua đó, kiên định mục tiêu thúc đẩy mạnh mẽ quá trình hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa vì sự thịnh vượng của đất nước và hạnh phúc của nhân dân.

Tiến sỹ Khẳn-la-sỉ Kẹo-bun-phăn, Phó Chủ tịch Viện Khoa học Kinh tế và Xã hội Quốc gia Lào nhận định, việc xây dựng xã hội chủ nghĩa trên thế giới có nhiều mô hình khác nhau phụ thuộc vào từng đặc điểm và tình hình của mỗi nước; phụ thuộc vào tính sáng tạo của việc vận dụng Chủ nghĩa Mác – Lê nin và kinh nghiệm của mỗi nước. Nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào coi việc nghiên cứu lý luận và thực tiễn của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào là việc nâng cao trình độ, năng lực, sáng tạo trong việc giải thích, chỉ rõ và khẳng định quan điểm, đường lối, lý luận của Đảng, đưa lý luận mà Đảng đề ra thành hệ thống tư tưởng của xã hội, đồng thời hoạt động theo lý tưởng của Đảng; là việc nâng cao trình độ trong giải quyết kịp thời vấn đề thực tiễn, tổng hợp thực tiễn để củng cố lý luận cho phong phú và sinh động, tập trung việc mang lại lợi ích tối đa cho nhân dân và đất nước.

Theo Phó Chủ tịch Viện Khoa học Kinh tế và Xã hội Quốc gia Lào, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào có trách nhiệm trực tiếp đối với vận mệnh của đất nước và nhân dân, tiếp tục và phát huy chế độ dân chủ nhân dân theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đảng Nhân dân Cách mạng Lào luôn luôn kiên định Chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Cay-xỏn Phôm-vi-hản là Kim Chỉ Nam dẫn đường cho việc tổ chức và hoạt động của Đảng trong sạch và vững mạnh: tiếp tục xây dựng nền văn hóa tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc; không ngừng nâng cao đời sống về vật chất và tinh thần của người dân; tiếp tục xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội toàn diện theo định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều cách thức, phát triển kinh tế - xã hội xanh và bền vững; kiên định đường lối sáng suốt trong mối quan hệ đối ngoại hòa bình, độc lập, hữu nghị và hợp tác đôi bên cùng có lợi trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền lẫn nhau.
 
Tại Diễn đàn, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các chủ đề chính gồm: cần phải tiếp tục có những nghiên cứu mới và sâu sắc hơn quan điểm của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác - Lênin về mô hình chủ nghĩa xã hội; bổ sung và phát triển thêm những nội dung mới vào lý luận khoa học về mô hình chủ nghĩa xã hội trên cơ sở thực tiễn của mỗi nước; đánh giá những thuận lợi và khó khăn, thời cơ và thách thức trong quá trình thực hiện mô hình chủ nghĩa xã hội cụ thể ở mỗi nước; làm rõ thực tiễn mô hình chủ nghĩa xã hội biểu hiện trong các lĩnh vực cụ thể; chia sẻ bài học kinh nghiệm giữa các nước trong quá trình thực hiện các mô hình chủ nghĩa xã hội cụ thể trước bối cảnh mới của thời đại. 

Các đại biểu cũng đưa ra nhận định về những tác động, những ảnh hưởng từ bối cảnh mới của thời đại đến việc xây dựng và thực hiện mô hình chủ nghĩa xã hội trên thế giới nói chung và ở mỗi nước nói riêng; làm rõ mối quan hệ, liên hệ chặt chẽ giữa các mô hình chủ nghĩa xã hội hiện nay trên thế giới; phân tích mối quan hệ, sự tương tác giữa mô hình chủ nghĩa xã hội và mô hình chủ nghĩa tư bản trong lịch sử phát triển của nhân loại giai đoạn hiện nay.../.
 
Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết