Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Vai trò của các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ ở Ấn Độ

Ngày phát hành: 24/08/2022 Lượt xem 1376



Tờ The Times of India vừa đăng bài viết của Giám đốc điều hành công ty đầu tư Profectus Capital (Ấn Độ) K V Srinivasan với nhận định, các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ (MSME) tạo thành “xương sống” của các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ của Ấn Độ.
Theo báo cáo, khoảng 99% doanh nghiệp ở Ấn Độ có quy mô siêu nhỏ hoặc nhỏ. Có khoảng 63,39 triệu MSME trong các lĩnh vực khác nhau ở Ấn Độ và ước tính sẽ đóng góp khoảng 50% GDP vào năm 2025.

 Mức độ ảnh hưởng


MSME đã bị ảnh hưởng đáng kể trong thời kỳ đại dịch. Gần 5.900 doanh nghiệp ngừng hoạt động trong giai đoạn 2020-2022. Với phần lớn các giao dịch kinh doanh của MSME được xử lý bằng tiền mặt, phong cách làm việc, quy mô hoạt động thấp và quản lý tài chính kém đã khiến các doanh nghiệp rơi vào tình thế khó khăn với sự bùng phát của COVID-19. 

Hầu hết các MSME phải đối mặt với các vấn đề như tiếp cận tài chính, tiếp thị sản phẩm và thậm chí phải vật lộn để trang trải các chi phí như lương nhân viên, tiền thuê văn phòng, hóa đơn, thuế và các khoản vay phải trả hàng tháng. Mặt khác, những bên cho vay trở nên thận trọng và ở một mức độ nhất định, đã giảm bớt các cam kết. 

Để vượt qua khủng hoảng, sự hồi sinh của các MSME trở thành một ưu tiên hàng đầu. Các doanh nghiệp cần áp dụng một cách tiếp cận chiến lược và thực dụng trong những điều kiện đầy thách thức như hiện nay, đồng thời lưu ý đến kế hoạch tăng trưởng dài hạn.

 Con đường phục hồi

Ấn Độ đã đạt được tiến bộ to lớn trong quá trình số hóa, đây là chìa khóa để tạo ra một môi trường kinh doanh mới. Số hóa giúp tạo điều kiện thuận lợi cho quản lý giao dịch từ xa, phân phối hàng hóa hiệu quả và tiếp cận dễ dàng hơn với các dịch vụ tài chính, từ đó giảm bớt các thách thức và tăng tốc phục hồi. 

Việc áp dụng kỹ thuật số trong ngắn hạn và trung hạn đã mang lại lợi ích cho MSME. Các nền tảng truyền thông xã hội giúp tiếp thị hoặc bán các mặt hàng/dịch vụ cũng rất hiệu quả. Với thanh toán kỹ thuật số trực tiếp và loại bỏ các bên trung gian, lợi nhuận được cải thiện, đồng thời điều này cho phép MSME tiếp cận các khu vực địa lý rộng lớn hơn.

Các MSME rất cần được tiếp cận với nguồn vốn đầy đủ, nâng cao hiểu biết về giao dịch với ngân hàng kỹ thuật số và mạng lưới thương mại. Ngoài số hóa, điều đã giúp các MSME vượt qua giai đoạn COVID-19 đầy khó khăn là xây dựng lòng tin với các nhân viên và củng cố mối quan hệ với các bên cho vay.

Các chiến lược đã được thực hiện một cách hiệu quả, bên cạnh các bài học mang tính xây dựng để thích ứng với môi trường thay đổi. Việc liên lạc thường xuyên với người cho vay bằng thông tin được cập nhật liên tục, ví dụ như hiệu quả thu thập, hay những tài sản nào được tái cơ cấu, đã giúp xoa dịu lo lắng của các bên cho vay.

Các sáng kiến được chính phủ và cơ quan quản lý triển khai nhằm thúc đẩy MSME đã cho thấy những kết quả tích cực. Với doanh số bán hàng của MSME đạt 88% so với mức trước đại dịch và công suất trong nhiều doanh nghiệp gần đạt 70%, hầu hết các doanh nhân đều tự tin về khả năng phục hồi kinh doanh sau khi kinh tế suy thoái do đại dịch.

Mặc dù Ấn Độ đã tăng hạng trong chỉ số thuận lợi kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB), song nước này có nhiều nhược điểm khác nhau khiến các doanh nghiệp không thể mở rộng hoặc phát triển dễ dàng. Nhiều quy định và quá trình phê duyệt gây ra sự chậm trễ trong việc xin giấy phép, bảo hiểm và chứng nhận, và cản trở triển vọng tăng trưởng của MSME. Ngoài ra, các MSME phải đối mặt với các vấn đề không thể tránh khỏi như bất ổn địa chính trị hiện nay giữa Nga và Ukraine tác động đến chuỗi cung ứng và lạm phát nhiên liệu.

 Biện pháp hỗ trợ

Chính phủ Ấn Độ đã khởi động Đề án “Đổi mới MSME” để giúp các MSME mở rộng quy mô thông qua hướng dẫn, hỗ trợ tài chính, hỗ trợ kỹ thuật và các phương tiện khác và được Bộ MSME tiếp thị thành công. Nếu được thực hiện tốt và trên quy mô lớn, các biện pháp như vậy có thể giúp MSME truyền tải tinh thần đổi mới và giúp tạo ra các doanh nghiệp mạnh mẽ hơn.

Bên cạnh đó, Ấn Độ cần xem xét các chuyển đổi phù hợp để cho phép MSME chống chọi với những biến động trong môi trường kinh tế trong nước và toàn cầu. Chính phủ đã tổ chức các chương trình đào tạo và sự hỗ trợ này cần được tăng cường hơn nữa để thúc đẩy sự đổi mới và năng lực cạnh tranh toàn cầu. Việc nâng cấp công nghệ của MSME sẽ giúp giảm thiểu rủi ro bên ngoài và khuyến khích hoạt động kinh doanh của MSME. 

Nếu Ấn Độ muốn trở thành một nền kinh tế trị giá 5.000 tỷ USD và đáp ứng việc làm cho dân số trẻ ngày càng tăng thì một khu vực MSME sôi động, vững chắc và đổi mới là một yếu tố vô cùng quan trọng./.


Theo TTXVN tại New Delhi

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết