Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Trung Quốc nâng cao năng lực đổi mới của kinh tế nhà nước (Phần đầu)

Ngày phát hành: 10/08/2022 Lượt xem 1342


Cảng hàng hóa Khâm Châu, khu tự trị Choang, Quảng Tây, Trung Quốc. Ảnh THX/TTXVN


    Theo trang mạng "Bình luận Trung Quốc", Hong Kong, mới đây Hội nghị toàn thể lần thứ 4 Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XIX (Hội nghị trung ương 4 khóa XIX) đề xuất mục tiêu "nâng cao năng lực về cạnh tranh, đổi mới, kiểm soát, ảnh hưởng và chống rủi ro của kinh tế nhà nước" (gọi tắt là "năm năng lực"). Mục tiêu “năm năng lực” là sự xác định và yêu cầu của Trung ương Đảng và Quốc vụ viện (Chính phủ) Trung Quốc đối với sự phát triển của kinh tế nhà nước, thể hiện sứ mệnh và chức năng của kinh tế nhà nước trong thời kỳ mới, trong đó năng lực đổi mới là mắt xích quan trọng trong mục tiêu "năm năng lực". Vì vậy, làm thế nào để hiểu mục tiêu “năm năng lực” của kinh tế nhà nước và mối quan hệ nội tại giữa năng lực đổi mới với năng lực cạnh tranh, kiểm soát, ảnh hưởng và chống rủi ro của kinh tế nhà nước là một vấn đề lý luận quan trọng.


Năng lực đổi mới là mắt xích quan trọng trong mục tiêu "năm năng lực”. Nghiên cứu cho thấy mặc dù năng lực đổi mới có vai trò thúc đẩy tích cực đối với việc nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế nhà nước, nhưng vẫn có hạn chế nhất định. Năng lực đổi mới của kinh tế nhà nước là bộ phận cấu thành quan trọng của năng lực kiểm soát và ảnh hưởng, hình thành sự bổ sung với tỷ trọng chung của kinh tế nhà nước, cùng tạo thành năng lực kiểm soát và ảnh hưởng của kinh tế nhà nước.


Diễn biến lịch sử và lôgích của mục tiêu "năm năng lực" trong kinh tế nhà nước

Mục tiêu “năm năng lực” của kinh tế nhà nước được hình thành cùng với sự phát triển và cải cách của nền kinh tế Trung Quốc. Trong giai đoạn đầu thực hiện cải cách mở cửa, mục tiêu của cải cách doanh nghiệp nhà nước là nâng cao sức sống kinh tế để khơi dậy sức sống cho sự phát triển kinh tế của toàn xã hội thông qua việc cải cách doanh nghiệp nhà nước. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng Cộng sản Trung Quốc (Đại hội XIV) đã chính thức xác lập mục tiêu thiết lập hệ thống kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, đánh dấu Trung Quốc chính thức bắt đầu công cuộc tìm tòi và quá trình thực tiễn để thiết lập và hoàn thiện hệ thống kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Sau Đại hội XVI, công cuộc cải cách kinh tế của Trung Quốc đã có những bước phát triển vượt bậc, nền kinh tế bước vào quỹ đạo phát triển nhanh, kinh tế nhà nước trở thành động lực chính thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của kinh tế bước vào trạng thái bình thường mới, áp lực suy giảm của nền kinh tế ngày càng tăng, tính khó đoán định và rủi ro mà sự phát triển của nền kinh tế Trung Quốc phải đối mặt cũng tăng lên.


Bước sang thời kỳ mới, sự phát triển của nền kinh tế Trung Quốc chuyển từ giai đoạn tăng trưởng tốc độ cao sang giai đoạn phát triển chất lượng cao, đòi hỏi phương thức phát triển kinh tế phải chuyển từ dựa vào lợi thế chi phí thấp của các yếu tố như vốn, lao động... sang dựa nhiều hơn vào động lực đổi mới, cũng như liên tục nâng cao chất lượng và mức độ cung ứng. Đồng thời, thế giới ngày nay đang trải qua những thay đổi sâu sắc chưa từng có trong 100 năm qua, sự phát triển của nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với những thay đổi phức tạp của môi trường quốc tế, cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt, cuộc cách mạng công nghệ và chuyển đổi ngành nghề mới đang được thúc đẩy mạnh mẽ, cục diện phân công lao động quốc tế đang được định hình lại. Dưới sự thay đổi kép của môi trường phát triển quốc tế và giai đoạn phát triển trong nước, do kinh tế nhà nước phải đảm nhận nhiệm vụ lịch sử mới, nên năng lực cạnh tranh và đổi mới đã trở thành mục tiêu phát triển của kinh tế nhà nước.


Một mặt, động lực đổi mới là đường lối cơ bản để kinh tế nhà nước thúc đẩy cải cách cơ cấu theo hướng trọng cung đi vào chiều sâu, nâng cao khả năng đáp ứng của hệ thống cung ứng đối với nhu cầu trong nước và thuận theo các yêu cầu cơ bản của giai đoạn phát triển kinh tế chất lượng cao; mặt khác, nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế nhà nước, nhất là năng lực cạnh tranh quốc tế không chỉ là yêu cầu hoàn thiện hơn nữa việc xây dựng hệ thống kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc, mà còn là cơ sở để kinh tế nhà nước đối phó với môi trường quốc tế phức tạp. Chỉ có nâng cao năng lực cạnh tranh và đổi mới của chính mình, kinh tế nhà nước mới có thể nâng cao năng lực chống chịu, tính tự chủ và bền vững trong quá trình phát triển kinh tế và duy trì sự phát triển ổn định, lành mạnh của nền kinh tế Trung Quốc. Trong bối cảnh này, Hội nghị trung ương 4 khóa XIX đã đề xuất mục tiêu “năm năng lực”, củng cố và tối ưu hóa vốn sở hữu nhà nước. Ý kiến của Ban chấp trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quốc vụ viện về việc nhanh chóng hoàn thiện hệ thống kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới được đưa ra tháng 5/2020 đã nhắc lại việc phải thực hiện mục tiêu “năm năng lực”. Từ đó, “năm năng lực” đã trở thành mục tiêu phát triển của kinh tế nhà nước trong thời kỳ mới.


Cùng với tiến trình cải cách, giai đoạn phát triển, cũng như môi trường bên trong và bên ngoài của nền kinh tế Trung Quốc có nhiều thay đổi, mục tiêu của kinh tế nhà nước đã chuyển từ nhấn mạnh sức sống trong giai đoạn đầu thực hiện cải cách mở cửa sang nhấn mạnh năng lực kiểm soát, ảnh hưởng và thúc đẩy sau khi Đại hội XIV xác lập hệ thống kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, sang giai đoạn kinh tế phát triển nhanh chóng yêu cầu phải khơi dậy sức sống nội tại của nền kinh tế nhà nước và nâng cao năng lực chống rủi ro sau Đại hội XVI, và cuối cùng là đưa ra mục tiêu "năm năng lực" sau Đại hội XIX. Những thay đổi về mục tiêu phát triển của kinh tế nhà nước này được quyết định bởi hệ thống kinh tế cơ bản và thể chế kinh tế của Trung Quốc, thể hiện sự thay đổi về sứ mệnh và chức năng của kinh tế nhà nước trong mỗi thời kỳ khác nhau. Về lôgích bên trong của mục tiêu "năm năng lực" của kinh tế nhà nước, năng lực cạnh tranh là mục tiêu tổng thể, năng lực kiểm soát, ảnh hưởng và chống rủi ro là mục tiêu cụ thể và năng lực đổi mới là mắt xích quan trọng và động lực phát triển của kinh tế nhà nước.

(Còn tiếp)

Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết