Thứ Năm, ngày 18 tháng 04 năm 2024

Trung Quốc nâng cao năng lực đổi mới của kinh tế nhà nước (Phần cuối)

Ngày phát hành: 19/08/2022 Lượt xem 890


 

Kiên trì địa vị cốt lõi của năng lực đổi mới trong kinh tế nhà nước


Một là phân tích lý luận về mối quan hệ giữa năng lực đổi mới và năng lực cạnh tranh của kinh tế nhà nước.

Năng lực đổi mới của kinh tế nhà nước là con đường cơ bản để nâng cao năng lực cạnh tranh, trong khi năng lực cạnh tranh lại là cơ sở để nâng cao năng lực đổi mới. Một mặt, năng lực cạnh tranh đòi hỏi các doanh nghiệp nhà nước phải xây dựng doanh nghiệp đẳng cấp thế giới từ góc độ cạnh tranh toàn cầu hóa, còn năng lực đổi mới là động lực cơ bản để phát triển kinh tế nhà nước, là con đường cơ bản để có được năng lực cạnh tranh và cũng là đặc trưng cơ bản của doanh nghiệp đẳng cấp thế giới. Lâu nay, kinh tế nhà nước và doanh nghiệp nhà nước vẫn đóng vai trò quan trọng trong hệ thống đổi mới khoa học và công nghệ của Trung Quốc, là lực lượng chủ lực để thực hiện đổi mới và đạt được bước đột phá trong các công nghệ cốt lõi, hình thành ''vũ khí quan trọng của nước lớn'' về công nghệ lõi trong các ngành nghề quan trọng và quá trình xây dựng các công trình lớn. Các công nghệ then chốt như xây dựng trạm không gian và đưa người vào vũ trụ, hệ thống định vị Bắc Đẩu, chuyển đổi và truyền tải điện UHV, cũng như các cơ sở hạ tầng quan trọng như cầu vượt biển Hong Kong-Chu Hải-Macau, tuyến đường sắt Lan Châu-Trùng Khánh và Thanh Hải-Tây Tạng đánh dấu việc kinh tế nhà nước đã có những bước tiến đáng kể trong các lĩnh vực liên quan, một số sản phẩm và công nghệ cốt lõi đã đạt trình độ dẫn đầu quốc tế.


Sau hơn 40 năm cải cách mở cửa, nền kinh tế Trung Quốc đã đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh chủ yếu nhờ dựa vào lợi thế so sánh và hiệu quả kinh tế theo quy mô của các yếu tố có chi phí thấp như đầu tư và lao động. Lợi thế so sánh và hiệu quả kinh tế theo quy mô ở thượng nguồn của chuỗi ngành nghề cũng là những lợi thế chính để các doanh nghiệp Trung Quốc tham gia cạnh tranh quốc tế. Tuy nhiên, lợi thế cạnh tranh do nằm ở vị trí thượng nguồn của chuỗi sản xuất, yếu tố sản xuất có chi phí thấp, sản phẩm giá trị gia tăng thấp sẽ không bền vững. Từ khi bước vào thời đại mới, lợi thế cạnh tranh của nền kinh tế Trung Quốc và các doanh nghiệp có yếu tố sản xuất chi phí thấp dần suy yếu, trong khi thế cạnh tranh yếu trong các chuỗi sản xuất cốt lõi như sản phẩm cao cấp, công nghệ cốt lõi dần hiện rõ. Theo lý thuyết chiến lược cạnh tranh của giáo sư Michael E. Porter thuộc Đại học Harvard, đổi mới công nghệ là cơ sở để nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí sản xuất và tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. Nhiều nghiên cứu thực tế cũng đã xác nhận quan điểm này. Hơn nữa, trong cạnh tranh quốc tế, hiện tượng giành được lợi thế cạnh tranh thông qua đổi mới công nghệ càng trở nên rõ ràng hơn. Các doanh nghiệp và ngành nghề tập trung đầu tư vào nghiên cứu và phát triển thường có lợi thế cạnh tranh. Điều quan trọng hơn là lợi thế cạnh tranh được hình thành từ đổi mới sáng tạo là lợi thế bền vững và lâu dài, là điều mà các doanh nghiệp và các nền kinh tế khác khó có thể bắt chước và vượt qua trong ngắn hạn. Vì vậy, đổi mới công nghệ, đặc biệt là đổi mới tự chủ, có ý nghĩa quan trọng đối với năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, năng lực cạnh tranh của kinh tế nhà nước và năng lực cạnh tranh của đất nước.


Mặt khác, năng lực cạnh tranh của kinh tế nhà nước đã tạo cơ sở để nâng cao năng lực đổi mới. Hoạt động đổi mới công nghệ, đặc biệt là công nghệ tiên tiến, có đặc điểm là chu kỳ kéo dài, đầu tư nhiều và kết quả không chắc chắn. Hoạt động đổi mới, đặc biệt là đổi mới công nghệ, đòi hỏi phải có sự đầu tư dài hạn, liên tục, trong khi kết quả đổi mới do các yếu tố như tính không xác định của bản thân công nghệ tạo ra lại không chắc chắn. Vì vậy, để huy động vốn cho hoạt động đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp phải có năng lực cạnh tranh nhất định trên thị trường, có được dòng tiền ổn định để hỗ trợ liên tục cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển để từ đó nâng cao năng lực đổi mới, hình thành sự tương tác tích cực giữa năng lực đổi mới và cạnh tranh.


Hai là phân tích lý luận về mối quan hệ giữa năng lực đổi mới, kiểm soát và ảnh hưởng của kinh tế nhà nước.

Theo định nghĩa do nhóm nghiên cứu Cục thống kê quốc gia Trung Quốc đưa ra trước đây, năng lực kiểm soát của kinh tế nhà nước là năng lực điều tiết và bảo đảm của kinh tế nhà nước đối với nền kinh tế quốc dân. Năng lực điều tiết là năng lực của kinh tế nhà nước trong việc thúc đẩy nền kinh tế quốc dân tăng trưởng ổn định và nhanh chóng thông qua sự hỗ trợ của các ngành trụ cột. Năng lực bảo đảm là năng lực của kinh tế nhà nước trong việc bảo đảm an ninh kinh tế và ổn định xã hội của đất nước. Năng lực kiểm soát của kinh tế nhà nước vừa được thể hiện bằng số lượng, vừa được thể hiện bằng chất lượng. Điều này đòi hỏi kinh tế nhà nước đảm bảo yêu cầu về lượng và chất, cụ thể là phải chiếm một tỷ trọng nhất định trong nền kinh tế quốc dân, đồng thời phải bố trí ngành nghề hợp lý, sử dụng nguồn lực có hạn để kiểm soát các ngành nghề và các lĩnh vực trọng điểm có liên quan đến huyết mạch của nền kinh tế quốc dân.
Theo quan điểm này, năng lực kiểm soát của kinh tế nhà nước có thể được định nghĩa là quyền kiểm soát của kinh tế nhà nước đối với các lĩnh vực và ngành nghề quan trọng liên quan đến huyết mạch của nền kinh tế quốc dân, an ninh quốc gia và cơ sở hạ tầng trọng điểm, như ngành công nghiệp quân sự và điện lực, với cơ sở của năng lực kiểm soát là quyền sở hữu và quyền quản lý. Trái lại, năng lực ảnh hưởng lại nhấn mạnh vai trò chủ đạo và dẫn dắt của kinh tế nhà nước trên mọi lĩnh vực và đối với tất cả các ngành nghề trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Cho dù là lĩnh vực then chốt hay ngành trọng điểm, thì hình thức thực hiện chủ yếu của năng lực ảnh hưởng là hình thức sở hữu hỗn hợp và hiệu ứng thương hiệu. Cần lưu ý rằng dù là năng lực kiểm soát của kinh tế nhà nước trong các lĩnh vực và ngành nghề then chốt, hay năng lực ảnh hưởng của nó trong các ngành khác, thì năng lực đổi mới của kinh tế nhà nước và doanh nghiệp nhà nước đều là cơ sở. Chỉ có nâng cao năng lực đổi mới và làm chủ công nghệ cốt lõi thì kinh tế nhà nước và doanh nghiệp nhà nước mới có thể bảo đảm sự phát triển an toàn và bền vững của nền kinh tế Trung Quốc. Năng lực đổi mới của kinh tế nhà nước và năng lực kiểm soát của doanh nghiệp nhà nước trong thời kỳ mới không chỉ được thể hiện ở thị phần và tài sản, mà còn phải được phản ánh ở năng lực làm chủ công nghệ cốt lõi trong các lĩnh vực và ngành nghề then chốt. Trong thời đại cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt, năng lực kiểm soát của kinh tế nhà nước và doanh nghiệp nhà nước đã vượt qua thị phần và tỷ trọng tuyệt đối ban đầu, cần nhấn mạnh hơn tới việc liệu các doanh nghiệp nhà nước và kinh tế nhà nước có thể làm chủ được công nghệ then chốt hay không. Điều này một mặt tạo cơ sở cho sự phát triển của kinh tế nhà nước, mặt khác cũng có thể giải quyết vấn đề nút thắt giữa linh kiện cốt lõi và kỹ thuật cốt lõi trong quá trình doanh nghiệp Trung Quốc tham gia cạnh tranh quốc tế. Trên thực tế, một số học giả đã sớm đề xuất kinh tế nhà nước phải thể hiện vai trò đi đầu. Kinh tế nhà nước cần đóng vai trò dẫn dắt trên các phương diện như nâng cấp ngành nghề, điều chỉnh cơ cấu, chuyển đổi công nghệ, thúc đẩy và ứng dụng công nghệ mới, kinh nghiệm quản lý tiên tiến.


Tóm lại, năng lực kiểm soát và ảnh hưởng của kinh tế nhà nước dựa trên việc kinh tế nhà nước chiếm thị phần nhất định trong toàn bộ hệ thống kinh tế, nhưng nó không chỉ giới hạn ở điều này. Cùng với sự ra đời của chiến lược phát triển quốc gia theo hướng đổi mới sáng tạo và những thay đổi của tình hình phát triển trong nước và quốc tế, năng lực kiểm soát của kinh tế nhà nước cũng nên có tỷ trọng lớn hơn trong quá trình đổi mới, đặc biệt là trong lĩnh vực đổi mới công nghệ, thị phần và năng lực đổi mới. Cần lưu ý là khả năng làm chủ công nghệ then chốt sẽ tạo thành năng lực kiểm soát của kinh tế nhà nước trong thời kỳ mới. Hơn nữa, thị phần và sự đổi mới của kinh tế nhà nước có mối quan hệ bổ sung cho nhau – khi năng lực đổi mới của kinh tế nhà nước tăng lên, hoặc khi kinh tế nhà nước nắm bắt được khâu then chốt và công nghệ then chốt trong chuỗi ngành nghề, năng lực kiểm soát của kinh tế nhà nước sẽ không bị suy yếu, cho dù thị phần của nó có giảm đi.


Năng lực đổi mới của kinh tế nhà nước là con đường cơ bản để nâng cao năng lực chống rủi ro của doanh nghiệp. Về lâu dài, doanh nghiệp có thể tích lũy nhiều thành quả đổi mới sau khi thực hiện thành công các hoạt động nghiên cứu đổi mới sáng tạo, đồng thời chuyển đổi chúng thành sản phẩm hoặc mô hình mới, mang lại cho doanh nghiệp lợi nhuận cao và dòng tiền dồi dào. Đồng thời, thành quả đổi mới có tính độc quyền trong thời gian nhất định và trở thành trụ cột quan trọng trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, cũng là biện pháp quan trọng để đối phó với những cú sốc bên ngoài.
Làm thế nào để nâng cao năng lực đổi mới của kinh tế nhà nước?


Mục tiêu "5 năng lực" của kinh tế nhà nước cho thấy sứ mệnh và chức năng của kinh tế nhà nước trong thời kỳ mới, và năng lực đổi mới là mắt xích quan trọng trong mục tiêu đó. Hiện nay, “5 năng lực”, nhất là năng lực kiểm soát, của kinh tế nhà nước Trung Quốc cần được nâng cao. Điều đáng lưu ý là việc nâng cao năng lực kiểm soát của kinh tế nhà nước trong thời gian tới cần dựa nhiều hơn vào việc nâng cao năng lực đổi mới, nhất là trong các ngành quan trọng và lĩnh vực then chốt. Những năm gần đây, do tính chất khó đoán định của nền kinh tế vĩ mô ở trong nước và trên thế giới và tác động của đại dịch COVID-19, năng lực cạnh tranh và chống rủi ro của kinh tế nhà nước đang phải đối mặt với những thách thức to lớn và việc cải cách kinh tế nhà nước cần chú ý nâng cao năng lực đổi mới.


Vậy làm thế nào để nâng cao năng lực đổi mới của kinh tế nhà nước? Thứ nhất, cần phát huy lợi thế so sánh của đổi mới kinh tế nhà nước, đồng thời tập trung giải quyết công nghệ mũi nhọn trong các ngành quan trọng và lĩnh vực then chốt. Nói một cách tương đối, nhà nước cần phát huy lợi thế so sánh từ việc các doanh nghiệp nhà nước có ưu thế về nhân tài, đổi mới sáng tạo và công nghệ trong các ngành quan trọng và lĩnh vực then chốt; giải quyết các vấn đề nút thắt trong chuỗi sản xuất và cung ứng; đồng thời đảm bảo kinh tế Trung Quốc phát triển ổn định và an toàn. Thứ hai, cần nâng cao vai trò của cơ chế cạnh tranh và khơi dậy nội lực đổi mới sáng tạo của kinh tế nhà nước. Nhìn chung, kinh tế nhà nước có nền tảng vững chắc để thực hiện đổi mới, có đủ tri thức và nguồn nhân lực cho nghiên cứu phát triển, nhưng vấn đề là làm thế nào để huy động và kích hoạt tính tích cực của đội ngũ nghiên cứu phát triển. Mấu chốt của việc giải quyết vấn đề này là tận dụng tối đa vai trò của cơ chế cạnh tranh, nâng cao nội lực đổi mới của kinh tế nhà nước và doanh nghiệp nhà nước. Cơ chế cạnh tranh giữa các doanh nghiệp có thể nâng cao năng lực đổi mới của một doanh nghiệp, trong khi cơ chế cạnh tranh của doanh nghiệp có thể nâng cao năng lực và hiệu quả đổi mới của từng bộ phận.


Thứ ba, cần hoàn thiện cơ chế khuyến khích đổi mới sáng tạo của kinh tế nhà nước và thiết lập cơ chế đánh giá phù hợp với quy luật đổi mới sáng tạo.

Do các hoạt động đổi mới có tính dài hạn và khó đoán định, nên đầu vào và đầu ra của các hoạt động này có thể không mang lại hiệu quả hay tạo nên năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong ngắn hạn. Hơn nữa, nếu đổi mới thất bại, thì điều này còn có thể gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Vì vậy, việc thẩm định, đánh giá sự phát triển của kinh tế nhà nước cần phải tính đến những yếu tố này, từ đó có những điều chỉnh thích hợp để kinh tế nhà nước và doanh nghiệp nhà nước dám đổi mới và tích cực đổi mới./.

 

Theo TTXVN


Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết