Thứ Bảy, ngày 20 tháng 04 năm 2024

Nắng nóng, hạn hán, mưa lũ - Thời tiết khắc nghiệt bao trùm thế giới

Ngày phát hành: 19/08/2022 Lượt xem 1199

Trong khi các nước châu Âu và Mỹ oằn mình trong nắng nóng, hạn hán, cháy rừng thì một số quốc gia châu Á lại thiệt hại nặng nề vì mưa to, ngập lụt.

 

Châu Á chìm trong mưa lũ

Chú thích ảnh
Nhiều xe ô tô bị ngập nước sau trận mưa lớn tại Seoul, Hàn Quốc ngày 8/8/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Mức độ nghiêm trọng của các hiện tượng thời tiết cực đoan khắp nơi trên thế giới một lần nữa lại là lời cảnh báo về tình trạng biến đổi khí hậu. Hàn Quốc vừa trải qua trận mưa lớn kỷ lục tại thủ đô Seoul và một số nơi khác ở miền Trung và Đông của nước này. Ngày 10/8, giới chức Hàn Quốc xác nhận 16 người thiệt mạng hoặc mất tích và trên 2.500 nhà cửa bị ngập trong nước lũ.

Theo Cơ quan Khí tượng Hàn Quốc (KMA), mưa lớn với tổng mực nước đo được lên tới 525mm đã trút xuống thủ đô Seoul từ ngày 8/8 đến sáng 10/8. Trong khi đó, ở Yanpyeong, cách Seoul 45km về phía Đông, tổng mực nước mưa đo được trong cùng giai đoạn lên đến 526,2mm.

Giới chức Hàn Quốc cho biết trong đêm 7/8, nhiều khu vực của Seoul, thành phố cảng Incheon và tỉnh Gyeonggi đã hứng chịu những trận mưa lớn hơn 100 mm mỗi giờ. Lượng mưa mỗi giờ tại quận Dongjak của Seoul có thời điểm đã vượt qua 141,5 mm, trở thành trận mưa lớn nhất kể từ năm 1942.

Tại Triều Tiên, ngày 10/8, truyền thông nhà nước đưa tin nước này đã ban bố cảnh báo mưa lớn trên khắp các khu vực phía nam, khi những trận mưa như trút nước đổ xuống Bình Nhưỡng và các khu vực khác. Nước từ sông Taedong chảy qua Bình Nhưỡng đã tràn vào bờ, làm ngập các con đường ven sông ở thủ đô.

Thông báo trên được đưa ra cho các khu vực ở các tỉnh phía tây nam của Bắc và Nam Hwanghae, một số vùng phía nam của tỉnh Gangwon và thành phố biên giới Kaesong. Những khu vực này đã ghi nhận lượng mưa từ 50 đến 80 mm.

Ngày 15/8, theo người phát ngôn Bộ Quản lý Thiên tai Afghanistan, ông Mohammad Naseeb Haqqani, mưa to trút xuống các tỉnh Parwan, Kapisa và Nangarhar đã làm ít nhất 29 người thiệt mạng và trên 50 người bị thương; phá hủy mùa màng, hàng chục ngôi nhà và đường sá.

Chú thích ảnh
Nhà cửa bị phá huỷ do mưa lũ ở tỉnh Parwan, Afghanistan ngày 15/8. Ảnh: THX/TTXVN

Cùng ngày, Trung tâm chỉ huy kiểm soát lũ lụt và cứu trợ hạn hán của Trung Quốc và Bộ Quản lý tình trạng khẩn cấp đã đề ra kế hoạch kiểm soát lũ lụt nhằm tránh gây thương vong trong bối cảnh dự báo mưa lớn sẽ tiếp tục trút xuống nhiều vùng ở miền Tây Bắc, khu vực Nội Mông, miền Bắc và Đông Bắc nước này trong tuần tới.

Hai cơ quan trên cũng yêu cầu giới chức các địa phương ban bố cảnh báo sớm đối với các nhóm khách du lịch, người lao động và phương tiện đi lại có liên quan tới các trận lũ quét gần đây, đồng thời siết chặt quy định đối với các điểm du lịch, khu vực nguy hiểm, công trường xây dựng và các đoạn đường bị ngập nước.

Tại Lào, theo Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch, lũ lụt đã tàn phá 4 tỉnh Xayaboury, Huaphan, Luang Prabang và Viêng Chăn, với ít nhất 10 huyện bị ảnh hưởng. Tại một số khu vực, đường sá bị ngập sâu trong khi nguồn cung cấp nước và điện bị gián đoạn.

 

Nắng nóng, hạn hán, cháy rừng bủa vây châu Âu, Mỹ

Chú thích ảnh
Lòng hồ khô cạn do hạn hán tại Manchester, Anh ngày 19/7. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 12/8, Anh ban bố tình trạng hạn hán tại nhiều khu vực. Hạn hán xảy ra sau khi nước Anh chứng kiến tháng 7 khô hạn nhất trong gần 90 năm qua với nhiệt độ lần đầu tiên vượt 40 độ C. Nhiều khu vực ở Anh và xứ Wales đã trải qua đợt nắng nóng với nhiệt độ cực cao.

Tại Thụy Sĩ, mực nước các hồ ở miền Đông, miền Trung và miền Nam nước này đã xuống mức thấp kỷ lục do thời tiết mùa hè nóng và khô. Đây là điều hiếm khi xảy ra ở quốc gia được ví là "hồ chứa nước của châu Âu" này. Nắng nóng và thời tiết khô hạn đã làm gia tăng nguy cơ hỏa hoạn trên hầu như toàn bộ đất nước Thụy Sĩ. Nhiều bang đã ban hành lệnh cấm đốt pháo hoa, đốt lửa ngoài trời, trong khi một số bang cũng đã đưa ra các hạn chế về sử dụng nước.

Hạn hán khiến nông dân Bỉ và Pháp trong ngành sản xuất sữa phải chứng kiến sản lượng giảm mạnh. Thiếu nước khiến nền nông nghiệp Tây Ban Nha suy yếu. Du lịch cũng đang bị ảnh hưởng: 2 địa điểm du lịch trên núi Mont-Blanc buộc phải đóng cửa để tránh nguy có sạt lở đá do hạn hán gây ra.

Theo các chuyên gia, hạn hán đang khiến nguy cơ sa mạc hóa tăng cao ở châu Âu, gây ảnh hưởng ngày càng rõ ở các quốc gia Địa Trung Hải, trước khi lan dần đến các quốc gia Bắc Âu.

Theo Hệ thống Thông tin về Cháy rừng châu Âu (EFFIS), mặc dù mùa hè ở châu lục này chưa kết thúc, nhưng năm 2022 đã phá vỡ kỷ lục về các vụ cháy rừng với gần 660.000 ha rừng bị tàn phá kể từ tháng 1 năm nay.

Cháy rừng nghiêm trọng nhất ở Pháp. Giới chức vùng Aveyron, miền Nam nước Pháp ngày 14/8 cho biết một đám cháy rừng tại đây đã bất ngờ tái bùng phát khiến trên 1.000 người phải sơ tán và thiêu rụi 1.260 ha đất rừng. Đám cháy tại Aveyron lần đầu bùng phát ngày 8/8 khi nước Pháp trải qua một mùa hè khô hạn chưa từng có trong lịch sử. Đáng chú ý, đám cháy này kéo dài gần một tuần, gần như đã được kiểm soát và hoàn toàn được dập tắt vào chiều 13/8 rồi tái bùng phát với mức độ dữ dội và nhanh chóng lan rộng diện tích hơn 500 ha.

Nhìn chung, châu Âu đã phải hứng chịu hàng loạt đợt nắng nóng, cháy rừng và hạn hán chưa từng có trong lịch sử.

Tại Mỹ, miền Tây nước này đang trải qua năm hạn hán thứ 23, là đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong 1.000 năm qua. Giới chức Washington ngày 16/8 cho biết sẽ phải cắt nguồn cung nước tới một số bang ở Mỹ và tới Mexico nhằm tránh thảm họa sụp đổ của sông Colorado trong bối cảnh dòng sông này đang bị ảnh hưởng bởi đợt hạn hán lịch sử.

Chú thích ảnh
Lòng hồ Mead dọc sông Colorado khô cạn do hạn hán, tại Boulder, Nevada, Mỹ, ngày 28/6/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Đây là con sông cung cấp nước cho khu vực Tây nước Mỹ. Tuy nhiên, lượng mưa ở dưới mức trung bình trong hơn 2 thập kỷ qua khiến mực nước của con sông này đang ở mức thấp nguy hiểm, đặc biệt khi chu kỳ hạn hán tự nhiên ngày càng trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu.

Cảnh báo của chuyên gia

Theo giới chuyên gia về thời tiết, tình trạng thời tiết cực đoan nói trên là do biến đổi khí hậu xuất phát từ các hoạt động của con người gây ra. Ông Jesus San-Miguel, điều phối viên của EFFIS, cho hay: "Tình hình hạn hán và nhiệt độ cực cao đã ảnh hưởng đến toàn châu Âu trong năm nay và tình hình chung của khu vực là đáng lo ngại, trong khi chúng ta vẫn đang trong mùa cháy rừng”. Ông cho biết thêm rằng kể từ năm 2010, đã có xu hướng gia tăng các vụ cháy rừng ở các khu vực Trung và Bắc Âu và những vụ cháy này xảy ra ở những quốc gia thường không xảy ra cháy rừng.

Chú thích ảnh
Nhân viên cứu hỏa nỗ lực khống chế các đám cháy rừng ở Cebreros, Tây Ban Nha ngày 21/7.
Ảnh: THX/TTXVN

Trong khi đó, Tổng Giám đốc Cơ quan Không gian châu Âu (ESA) cảnh báo thiệt hại kinh tế từ những đợt nắng nóng và hạn hán có thể lớn hơn nhiều các tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu, đồng thời kêu gọi hành động chống biến đổi khí hậu. Tổng Giám đốc ESA Josef Aschbacher cho biết những đợt nắng nóng liên tiếp, cùng với cháy rừng, nước sông cạn dần và nhiệt độ mặt đất tăng lên như hiện nay khiến người ta không còn có thể nghi ngờ về những thiệt hại mà biến đổi khí hậu gây ra đối với ngành nông nghiệp và nhiều ngành khác.

Ông Aschbacher cho biết: “Thật sự là toàn bộ hệ sinh thái đang thay đổi rất nhanh, nhanh hơn mọi dự báo của các nhà khoa học cách đây vài năm”. Hạn hán, cháy rừng, bão lũ gia tăng, mọi thứ cộng lại là những dấu hiệu có thể nhìn thấy được của biến đổi khí hậu.

Hiện nay, các báo cáo khoa học về khí hậu của Liên hợp quốc hiện chủ yếu tập trung dự báo các hậu quả có thể xảy ra khi nhiệt độ tăng 1,5-2 độ C, đồng thời cảnh báo tránh để xảy ra khả năng nhiệt độ tăng thêm. Tuy nhiên, khả năng nhiệt độ Trái Đất tăng tới 2,7 độ C vào thế kỷ này tương đối cao. Mức tăng này cao hơn nhiều mức giới hạn 1,5 độ C so với thời tiền công nghiệp được đưa ra theo Hiệp định Paris 2015, song lại chưa được nghiên cứu sâu rộng.

Dự báo cho thấy cuộc sống của 2 tỷ người ở những khu vực có nhiệt độ cực cao (nhiệt độ trung bình hằng năm trên 29 độ C) có thể bị ảnh hưởng vào năm 2070.

 

 

Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết