Thứ Bảy, ngày 27 tháng 04 năm 2024

Mỹ có đang "chậm chân" trong cuộc đua thu hút nhân tài toàn cầu?

Ngày phát hành: 24/08/2022 Lượt xem 1140

Ảnh minh họa

Foreign Policy (23/8): Foreign Policy vừa đăng bài viết của ông Gregory J. Fleming, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của công ty quản lý tài sản Rockefeller Capital Management, với nhận định rằng nước Mỹ nên tập trung tuyển dụng những nhân tài tốt nhất từ khắp nơi trên thế giới.

 

 Cuộc khủng hoảng thiếu nhân lực đang cận kề

Khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đề xuất tiếp nhận 100.000 người tỵ nạn từ Ukraine, một số nhà bình luận đã đặt câu hỏi tại sao Washington không làm điều tương tự với hàng chục nghìn người Afghanistan ủng hộ Mỹ và đã bị bỏ lại phía sau khi lực lượng Taliban chiếm được thủ đô Kabul. Những cuộc tranh luận như vậy có xu hướng cho thấy Mỹ không thể tiếp nhận nhiều người nhập cư hơn, nhưng trên thực tế, nền kinh tế Mỹ đang bị thiếu hụt lao động trầm trọng.

Theo một cuộc khảo sát gần đây của tổ chức nghiên cứu Conference Board (Mỹ), đa số 900 giám đốc điều hành của Mỹ mô tả tình trạng thiếu nhân lực là “mối đe dọa số 1 từ bên ngoài”. Thách thức đó đã “bắt rễ” trong nhiều năm. Giữa những thay đổi mang tính địa chấn của những năm 1970, phụ nữ trên khắp thế giới bắt đầu sinh ít con hơn. Với ít trẻ sơ sinh hơn, dân số trong độ tuổi lao động (từ 16-64 tuổi) bắt đầu giảm vào giữa những năm 1980, đầu tiên là ở châu Âu và châu Á, sau đó là ở Mỹ.

Đại dịch COVID-19 làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn. Trong giai đoạn “nghỉ việc hàng loạt”, gần 2,5 triệu người Mỹ đã nghỉ hưu sớm. Ngoài ra còn có 2 triệu người khác bao gồm nhiều cha hoặc mẹ buộc phải ở nhà để chăm sóc con cái. Ngày nay, nền kinh tế Mỹ đang thiếu khoảng 11 triệu lao động, con số gần tương đương với số lượng vị trí tuyển dụng còn trống trong năm nay, và gần hai lần so với số người thất nghiệp vẫn đang tìm việc làm.

Theo thời gian, tăng trưởng kinh tế dựa vào sự gia tăng dân số cùng với tăng năng suất. Nhưng ngày nay, với ít lao động hơn, nền kinh tế Mỹ đang chật vật phát triển với một động cơ bị đình trệ. Với tình trạng thiếu lao động làm tăng lương và lạm phát, nhu cầu cấp bách phải khởi động lại động cơ bị thiếu đó đang trở nên cấp thiết hơn.

Không chỉ Mỹ phải đối mặt với “bóng ma” suy giảm nhân khẩu học, đầu năm nay, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc thông báo số ca sinh của nước này duy trì gần bằng với số ca tử vong trong năm thứ 5 liên tiếp. Xu hướng này đe dọa khát vọng trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2030 của Trung Quốc.

Không nước nào không muốn đi vào “vết xe đổ” của Nhật Bản, nơi có dân số ngày càng thu hẹp và già hóa gây ra tốc độ tăng trưởng èo uột. Chính vì thế, một cuộc chạy đua trên toàn cầu đã diễn ra để mở rộng nguồn lao động đang bị thu hẹp. Các chính phủ đang đưa ra khung giờ linh hoạt hơn để thu hút lao động lớn tuổi trở lại làm việc, thúc đẩy đào tạo và truyền cảm hứng cho những nhân viên, và đưa ra các chính sách chăm sóc trẻ em tốt hơn để thu hút các bậc cha mẹ quay trở lại lực lượng lao động.

Tuy nhiên, trong suốt chiều dài lịch sử, nước Mỹ đã có một cách tiếp cận khác để lấp đầy những khoảng trống về nhân lực, đó là trải tấm thảm chào đón những người nhập cư tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn cho bản thân và con cái của họ. Theo tác giả bài viết, “hồi sinh” di sản đó là chìa khóa quan trọng để Mỹ duy trì lợi thế kinh tế và vị thế là một siêu cường toàn cầu.

Trong cuộc cải cách chính sách nhập cư quy mô lớn gần nhất ở Mỹ, bắt đầu từ năm 1986, cựu Tổng thống Ronald Reagan đã hợp pháp hóa gần 3 triệu lao động không có giấy tờ, đem lại cho họ vị trí chính thức trong lực lượng lao động. Năm 1990, Tổng thống George H.W. Bush đã mở rộng đáng kể việc tiếp nhận người nhập cư lên đến 700.000 người mỗi năm. Vào năm 2007, cựu Tổng thống George W. Bush đã thất bại trong việc kêu gọi Quốc hội cải cách nhằm tạo ra một chương trình lao động tạm thời dành cho người nhập cư bất hợp pháp. Năm 2012, cựu Tổng thống Barack Obama đã ban hành Chương trình Hành động trì hoãn trục xuất những người nhập cư trái phép vào Mỹ từ khi còn nhỏ (DACA) để tạo ra một con đường ở lại Mỹ hợp pháp cho những người thuộc diện này. Vào năm 2017, DACA đã bị tạm dừng dưới thời Tổng thống Donald Trump, song quyết định này sau đó đã bị Tòa án Tối cao ra phán quyết là vi phạm luật liên bang. Kể từ đó, do tâm lý chống nhập cư gia tăng trong cả hai đảng, tiến độ của các chương trình liên quan đến người nhập cư đã bị đình trệ.

Các chính sách hạn chế đã làm giảm lượng người nhập cư vào Mỹ từ trước khi đại dịch bùng phát và “đóng cửa” các biên giới quốc tế và trì hoãn việc xử lý các đơn xin thị thực. Từ mức cao nhất gần 2 triệu người vào năm 1997, số người nhập cư ròng vào Mỹ đạt trung bình 1 triệu người trong 5 năm qua, và giảm xuống mức thấp nhất hiện nay là 500.000 người vào năm ngoái. Trong tổng số 26 triệu người tỵ nạn trên toàn cầu, các cuộc khủng hoảng ở Ukraine và Afghanistan đã khiến lần lượt 6 triệu người và 2,6 triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Đến nay, Mỹ đã tiếp nhận 76.000 người từ Afghanistan và dự kiến sẽ có thêm 100.000 người từ Ukraine. Các con số này có thể tăng lên đáng kể song vẫn chỉ là “muối bỏ bể” so với 11 triệu lao động bị thiếu của nền kinh tế.

 Người nhập cư có phải câu trả lời?


Theo các nhà kinh tế tại Đại học California Davis, khoảng 2 triệu lao động nhập cư - một nửa trong số họ có trình độ đại học - đã rời khỏi lực lượng lao động Mỹ do đại dịch và các chính sách hạn chế - những quy định mà các nhà hoạch định chính sách có thể dễ dàng đảo ngược. Nếu chính quyền Mỹ không hành động nhanh chóng, tình trạng thiếu nhân lực của nền kinh tế chắc chắn sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn.

Nhìn sang nước láng giềng Canada, chính phủ nước này đã đưa ra một mô hình hữu ích để thu hút lao động nước ngoài có kỹ năng. Chiến lược này, vốn tập trung vào việc lọc ra các ứng viên trong các lĩnh vực kinh tế nổi bật, đã rất thành công trong việc thu hút nhân tài từ nước ngoài. Hệ thống của Canada chào đón người nhập cư như những người đóng góp có giá trị cho đất nước với các quy định nhanh chóng và dễ dàng nhất có thể.

Hệ thống nhập cư dựa trên các thành tích kinh tế nên đi đôi với những nỗ lực toàn diện và hiệu quả hơn để ngăn chặn tình trạng nhập cư bất hợp pháp, vốn gây gánh nặng cho hệ thống y tế, giáo dục và tư pháp. Việc thực thi các chính sách đối với người nhập cư bất hợp pháp chặt chẽ hơn cũng có thể thu hút được sự ủng hộ của lưỡng đảng trong Quốc hội.

Bài viết đề xuất bốn biện pháp giúp xây dựng lại một chính sách nhập cư hiệu quả. Đầu tiên là cập nhật lại DACA và tạo điều kiện cho những người không có giấy tờ tùy thân nhưng đang làm việc và đóng thuế tại Mỹ, đồng thời thắt chặt an ninh biên giới. Với các công nghệ sẵn có, nước Mỹ có thể làm điều này một cách hiệu quả và nhân văn.

Thứ hai là hỗ trợ mạnh mẽ cho những lao động nhập cư hợp pháp và lành nghề. Các chính sách của Mỹ vốn được xây dựng dựa trên niềm tin rằng nhập cư và thịnh vượng quốc gia có mối liên hệ với nhau. Mỹ hoan nghênh những người nhập cư và đề cao nghị lực và tài năng của họ. Sự tập trung vào vấn đề nhập cư bất hợp pháp đã che khuất thực tế rằng trong hai thập kỷ qua, 40 trong số 104 giải Nobel về hóa học, y học và vật lý đã được trao cho những người nhập cư. 1/5 năm trong nhóm 500 công ty hàng đầu theo xếp hạng của tạp chí Fortune được thành lập bởi những người nhập cư. Gần đây hơn, 8 công ty Mỹ đang phát triển vaccine phòng COVID-19 đã bảo lãnh cho hơn 3.000 nhà hóa sinh và các nhà khoa học khác thông qua chương trình thị thực H-1B (thị thực dành cho lao động nước ngoài có trình độ được doanh nghiệp Mỹ bảo lãnh).

Thứ ba là hiện đại hóa chương trình thị thực H1-B. Chính quyền Mỹ nên khuyến khích các doanh nhân tương lai nộp đơn xin thị thực loại này. Bộ Lao động Mỹ dự báo lứa sinh viên tốt nghiệp các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) hiện tại của Mỹ có thể lấp đầy khoảng 1/3 trong số 1,65 triệu việc làm dự kiến sẽ mở ra vào năm 2030. Cứ 4 công ty công nghệ Mỹ thì có 1 công ty đang phải vật lộn để tuyển dụng lao động tay nghề cao cho các vị trí bị khuyết. Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã có một bước khởi đầu thuận lợi bằng cách mở rộng số lượng thị thực dựa trên thành tích dành cho các ứng viên có chuyên môn trong các lĩnh vực STEM. Nhưng rõ ràng, cần có những bước đi quyết liệt hơn để lấp đầy những khoảng trống này, đặc biệt là những hành động của Quốc hội.

Cuối cùng là tăng cường các điều khoản dành cho người tị nạn. Năm 1980, Quốc hội đã thông qua Đạo luật về người tỵ nạn cho phép những người có thể chứng minh rằng họ đã hoặc sẽ bị áp bức có quyền nộp đơn xin thẻ xanh. Theo luật này, số lượng người tị nạn tiếp nhận hàng năm bị giới hạn bởi quyết định của tổng thống, do đại dịch, con số này ở mức thấp kỷ lục 15.000 người vào năm 2020.
 
Trong khi chính quyền của ông Biden đặt lại giới hạn là 125.000 người cho năm 2022 và nhanh chóng tái định cư cho 70.000 những người tị nạn từ Afghanistan, quá trình xin tỵ nạn rất phức tạp là nguyên nhân sâu xa khiến tâm lý chống nhập cư gia tăng ở Mỹ. Một dự luật đã được đề xuất tại Quốc hội mang tên “Đạo luật Quốc tịch Mỹ” nhằm mục đích cung cấp con đường để trở thành công dân Mỹ, giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của di cư và quản lý biên giới phía Nam một cách có trách nhiệm. Mặc dù tỷ lệ mà Quốc hội thông qua dự luật này vẫn còn thấp, nhưng lịch sử cho thấy rằng khi những nhóm dân cư cụ thể - chẳng hạn như người Afghanistan và người Ukraine ngày nay - khơi gợi được sự đồng cảm của người dân Mỹ, thì dự luật này có thể được “bật đèn xanh”.

Vị thế toàn cầu của Mỹ với tư cách là “ngọn hải đăng tự do” vẫn là một trụ cột vững chắc cho “quyền lực mềm” của nước này. Với tình trạng thiếu lao động và tiền lương tăng cao đã hạn chế sự phục hồi kinh tế, nước Mỹ còn lại một lựa chọn thực tế, đó là khôi phục di sản của mình và mở rộng cửa cho người nhập cư. Với biện pháp đầu tiên là giảm bớt một số áp lực kinh tế trong khi vẫn tiến hành các cải cách cơ bản, tại sao không bắt đầu bằng cách chào đón nhiều hơn những người tỵ nạn từ Afghanistan và Ukraine?/.

Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết