Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

"Cuộc chiến" thu hút nhân tài: Giảm rào cản nhập cư để cạnh tranh

Ngày phát hành: 27/09/2022 Lượt xem 1104



Sự thiếu hụt lao động có tay nghề cao đã gây ra một cuộc chiến thu hút nhân tài toàn cầu, khiến các quốc gia phải tăng cường tuyển dụng và giảm bớt các rào cản nhập cư khi họ cạnh tranh để thu hút lao động chuyên nghiệp.

Theo Straits Times, trên khắp thế giới, các quốc gia đã và đang cải tổ các chương trình nhập cư của họ và đưa ra một loạt biện pháp khuyến khích thu hút nhân tài. Chẳng hạn, ở Phần Lan, một chương trình cấp phép nhanh mới rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ của lao động tay nghề cao xuống còn 14 ngày. Thái Lan gần đây đưa ra thị thực mới cho những người nước ngoài “tiềm năng cao”, trong đó có dịch vụ cấp nhanh tại sân bay. Singapore đưa ra thị thực thời hạn 5 năm cho những lao động có mức thu nhập tối thiểu 30.000 SGD/tháng (khoảng 500 triệu VNĐ).

Ông Darren Morris, Giám đốc dịch vụ khách hàng phụ trách châu Á-Thái Bình Dương của Công ty quản lý lực lượng lao động toàn cầu CXC trụ sở tại Singapore, mô tả thị trường lao động quốc tế đang ở "mức độ cạnh tranh điên cuồng" và rất khó để các công ty, tổ chức có thể thu hút được nhân tài. Ông cho biết, các doanh nghiệp đã buộc phải nhanh chóng thích ứng, chẳng hạn bằng cách cho phép nhân viên làm việc từ xa. Ví dụ, tại Australia, một số công ty khách hàng của CXC đang tìm cách thu hút những người đã rời Australia trong thời kỳ đại dịch và hiện đang quay trở lại, hoặc cho phép mọi người rời khỏi Australia và chấp nhận để họ làm việc từ xa.

Tại các quốc gia từ Canada đến New Zealand, lực lượng lao động đang phải đối mặt với tình trạng thiếu chuyên gia nghiêm trọng trong các lĩnh vực như kỹ thuật, công nghệ thông tin, xây dựng, trông giữ trẻ, khách sạn và điều dưỡng. Còn tại Australia, chính phủ hồi đầu tháng Chín đã thông báo sẽ nâng giới hạn lượng lao động nhập cư có kỹ năng hàng năm từ 160.000 người lên 195.000 người, đồng thời tuyển dụng thêm 500 nhân viên để có thể nhanh chóng giải quyết các hồ sơ xin thị thực hiện đang bị tồn đọng. Ngoài ra, Australia cũng sẽ cho phép sinh viên quốc tế tốt nghiệp một số khóa học ở lại và làm việc tại Australia thêm hai năm, có nghĩa là sinh viên đại học, thạc sỹ và tiến sỹ sẽ có thể ở lại tương ứng trong 4, 5 và 6 năm.

Chính phủ Australia gần đây cũng đã công bố cải tổ lớn về chương trình nhập cư nhằm đảm bảo Australia có thể cạnh tranh trong "cuộc chạy đua toàn cầu về nhân tài". Bộ trưởng Nội vụ Clare O’Neil phát biểu tại một hội nghị thượng đỉnh gần đây ở Canberra rằng lần đầu tiên trong lịch sử, Australia không phải là điểm đến được lựa chọn của nhiều lao động nhập cư có tay nghề cao. Thay vào đó, những “bộ óc tốt nhất và sáng suốt nhất” đang muốn sống ở những quốc gia như Canada, Đức và Anh, và những quốc gia đó đang trải thảm đỏ để chào đón họ.

Cuộc chạy đua toàn cầu để thu hút nhân tài này đã bị thúc đẩy bởi sự méo mó của các nền kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra. Khi các quốc gia đóng cửa biên giới, họ cũng đổ nhiều khoản chi tiêu kích thích nền kinh tế của mình, tạo ra sự gia tăng hoạt động và nhu cầu không thể đáp ứng nếu không có dòng lao động nước ngoài như thường lệ. Nhu cầu về lao động chỉ tăng lên khi các hạn chế đi lại kết thúc từ cuối năm 2021. Kết quả là, tỷ lệ thất nghiệp đã xuống mức thấp kỷ lục - mức chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ - ở khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), Hàn Quốc, Anh, Canada, Australia và hàng chục bang của Mỹ.

Cuộc chiến thu hút lao động có kỹ năng đang mang lại lợi ích cho các chuyên gia trẻ và sinh viên mới tốt nghiệp đại học. Đối với những người sẵn sàng chuyển chỗ ở, cánh cửa đang mở ra trên khắp thế giới, thường đi kèm với mức lương và tiền thưởng cao ngất ngưởng. Những người được tuyển dụng như vậy thường nhận thức sâu sắc về các quy tắc nhập cư đang thay đổi và các ưu đãi hiện đang được cung cấp trên khắp thế giới. Tuy nhiên, những nhân tài không chỉ quan tâm tới vấn đề ưu đãi về thị thực, cơ hội kiếm tiền, mà họ còn chú ý tới những cơ hội giúp họ phát huy được những gì đã được học, đào tạo.

Một nghiên cứu vào đầu năm nay của các nhà nghiên cứu tại Đại học ETH Zurich ở Thụy Sỹ và Đại học Monash ở Australia cho thấy rằng những lao động tay nghề cao không chỉ bị lôi kéo bởi các cơ hội kinh tế mà còn bởi các cơ hội tận dụng những gì họ đã được đào tạo. Nghiên cứu đã xem xét các thị trường lao động khác nhau ở Thụy Sỹ và phát hiện ra rằng những người lao động có kỹ năng cao bị thu hút vào các khu vực có mức độ chuyên môn hóa cao hơn và đòi hỏi sự hiểu biết lớn hơn về công nghệ.

Tiến sỹ Johannes Kunz từ Đại học Monash cho biết, các chính sách thu hút lao động nhập cư không nên chỉ liên quan đến việc cung cấp thêm thời hạn thị thực. Các cơ hội kinh tế là động lực chính cho việc lựa chọn điểm đến của các lao động nhập cư. Mặc dù thị thực dài hơn có thể thúc đẩy nguồn cung nhân tài nước ngoài, nhưng cải thiện điều kiện kinh doanh sở tại để tạo ra hoặc cải thiện cơ hội kinh tế là một công cụ chính sách hiện đại quan trọng có thể giúp đáp ứng nhu cầu lao động kỹ năng của nước sở tại.

Nhưng tất nhiên, có một yếu tố quan trọng khác để thu hút nhân tài toàn cầu, đó là lối sống hàng ngày ở nước sở tại. Một cuộc khảo sát với 12.000 người nước ngoài của InterNations vào năm 2022 cho thấy 5 điểm đến ưa thích hàng đầu trong số 52 quốc gia là Mexico, Indonesia, Đài Loan (Trung Quốc), Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Singapore đứng thứ 10. Một số yếu tố đã đưa Mexico lên vị trí dẫn đầu là chi phí sinh hoạt, sự dễ dàng định cư và sự thân thiện của người địa phương./.

Lê Dương (TTXVN tại Singapore)

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết