Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Sống chung an toàn với COVID-19: Phương pháp tiếp cận mới với hội chứng "COVID kéo dài"

Ngày phát hành: 04/10/2021 Lượt xem 1289

Nhân viên y tế Anh tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại trung tâm tiêm chủng di động ở phía Bắc London. (Ảnh: AFP/TTXVN)


Khi đại dịch mới bùng phát tại Anh, tiến sĩ Brian O’Connor, một chuyên gia về các bệnh hô hấp, đã mắc COVID-19 cấp tính trong 3 tuần với tình trạng sức khỏe tồi tệ. Là một bác sĩ lâm sàng chịu trách nhiệm điều trị cho bệnh nhân COVID-19, trải nghiệm này đã mang lại cho ông một cái nhìn mới có giá trị về căn bệnh.


Tiến sĩ O'Connor cho biết “Căn bệnh khiến tôi đồng cảm với những người đang xuất hiện các triệu chứng mà trước đây có thể được coi là bình thường. Khi bắt đầu đại dịch, các chuyên gia y tế và các nhà khoa học nhất trí rằng nếu bạn không ốm nặng tới mức phải nhập viện, thì COVID-19 không tệ hơn bất kỳ virus nào khác. Tuy nhiên, trải nghiệm của tôi cho thấy tác động của COVID-19 lớn hơn rất nhiều so với tưởng tượng".


Là chuyên gia tư vấn cao cấp tại Bệnh viện Cromwell ở London, tiến sĩ O’Connor đồng thời làm việc tại Phòng khám điều trị hội chứng "COVID kéo dài" (Long COVID) cho những bệnh nhân tiếp tục gặp vấn đề sau khi giai đoạn cấp tính của căn bệnh đã qua. Hội chứng "COVID kéo dài" là tình trạng sau khi mắc COVID-19 cấp tính, bệnh nhân có các triệu chứng như mệt mỏi, khó thở, đau khớp và cơ, tim đập nhanh, các vấn đề sức khỏe tâm thần như lo lắng, trầm cảm, đau đầu và gặp các vấn đề về nhận thức, được gọi là "sương mù não".


Phóng viên TTXVN tại London dẫn REACT-2, một nghiên cứu do Chính phủ Anh tài trợ, cho biết ước tính 37,7% người dân vùng England (2 triệu người) tự cách ly sau khi có triệu chứng COVID-19 đã mắc ít nhất một triệu chứng "COVID kéo dài" trong vòng 12 tuần hoặc lâu hơn và gần 15% mắc 3 triệu chứng dai dẳng hoặc nhiều hơn. Trước khi mắc COVID-19, các bệnh nhân này đều là những người khỏe mạnh, không thuộc nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, song đã bị virus tấn công ở các mức độ khác nhau. Vậy làm thế nào những người khỏe mạnh lại mắc chứng "COVID kéo dài" trong khi những người khác chỉ trải qua các triệu chứng nhẹ?


Các phát hiện của nghiên cứu cho thấy tỷ lệ mắc "COVID kéo dài" tăng theo độ tuổi. Cứ mỗi nhóm người với độ tuổi chênh nhau 10 năm, tỷ lệ lại tăng thêm 3,5%. Nghiên cứu của Đại học King's College London cũng chỉ ra rằng tỷ lệ những người ở độ tuổi 20 mắc chứng "COVID kéo dài" là 1-2%, so với 5% những người ở độ tuổi 60. Nghiên cứu REACT-2 cũng chỉ ra rằng tỷ lệ này cao hơn ở phụ nữ, những người thừa cân hoặc béo phì, hút thuốc, sống ở những khu vực thiếu thốn, hoặc từng phải nhập viện.


Ông Paul Elliott, giám đốc chương trình REACT-2, cho biết những phát hiện của nghiên cứu vẽ nên bức tranh về những hậu quả sức khỏe lâu dài của COVID-19. Những hậu quả này cần được tính đến trong việc xây dựng chính sách và kế hoạch. Ông chỉ ra rằng mặc dù "COVID kéo dài" vẫn chưa được hiểu rõ, kết quả nghiên cứu có thể góp phần xác định và kiểm soát tốt hơn tình trạng này.


Bác sĩ tâm lý, tiến sĩ Rajeev Dhar, một thành viên trong nhóm điều trị "COVID kéo dài" tại Bệnh viện Cromwell, giải thích phòng khám điều trị "COVID kéo dài" được thành lập sau khi các chuyên gia y tế thuộc các lĩnh vực khác nhau nhận ra họ ngày càng có nhiều bệnh nhân chung, là những người mắc các triệu chứng "COVID kéo dài". Tiến sĩ Dhar cho biết: "Bạn có những bệnh nhân có các triệu chứng tâm lý, chẳng hạn như lo lắng và trầm cảm ở mức độ thấp, đồng thời họ cũng mắc triệu chứng về thể chất như đánh trống ngực hoặc khó thở khi nằm".

 

Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Birmingham, Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)


Sự hợp tác giữa các chuyên gia y học trong lĩnh vực hô hấp, tim mạch, thần kinh và tâm thần học đã cho phép thu thập thông tin và xác định các mô hình triệu chứng một cách nhanh chóng. Một yếu tố thường giúp xác định "COVID kéo dài" là các triệu chứng của tình trạng này đến nhanh một cách bất ngờ, gây sốc ở những người chưa từng trải qua trước đó.
Tiến sĩ Dhar cho rằng "COVID kéo dài" cần được điều trị tổng thể theo phương pháp đa ngành, kết hợp giữa dùng thuốc và các biện pháp tâm lý và tâm thần học. Ông cho biết vào thời điểm bệnh nhân được khám tại Phòng khám điều trị "COVID kéo dài" của bệnh viện Cromwel, họ có thể đã mắc các triệu chứng một thời gian, vì vậy việc chẩn đoán chính xác và nhanh chóng là rất quan trọng. Nếu dùng sai thuốc trong 3 tháng nữa, tình trạng tồi tệ của bệnh nhân sẽ kéo dài, và sau đó họ sẽ khó khăn hơn để trở lại làm việc.


Tiến sĩ Dhar giải thích: "Việc dùng thuốc thường tập trung điều trị các triệu chứng, nhưng "COVID kéo dài" khiến chúng tôi tập trung vào phương pháp tiếp cận giúp bệnh nhân hoạt động tốt hơn, vì vậy có thể  kiểm soát các triệu chứng tốt hơn". Phương pháp tiếp cận toàn diện tập trung vào hiệu suất và khả năng hoạt động của bệnh nhân, chú trọng vào việc đáp ứng các nhu cầu về sức khỏe và hạnh phúc của bệnh nhân thay vì tập trung vào việc chữa trị các triệu chứng, đồng thời đưa ra các phương pháp điều trị phòng ngừa.

Cả tiến sĩ O’Connor và tiến sĩ Dhar đều tin rằng liệu pháp điều trị tổng thể đang được thực hiện tại phòng khám có thể có tác dụng lâu dài hơn bởi đây là phương pháp điều trị tạo nên sự thay đổi cơ bản trong thái độ và cách nhìn về hội chứng này.


Theo kết quả một nghiên cứu của Đại học Oxford và Viện Nghiên cứu sức khỏe quốc gia Anh công bố ngày 29/9, hơn 1/3 trong số 270.000 người đã bình phục sau khi mắc COVID-19 đã có ít nhất 1 triệu chứng kéo dài trong 6 tháng sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2. Hiện chưa rõ nguyên nhân gây ra "COVID kéo dài", song một giả thuyết cho rằng khi nhiễm virus, hệ miễn dịch của một số người hoạt động quá mức, không chỉ tấn công virus mà còn tấn công các mô của cơ thể. Điều này có thể xảy ra ở những người có phản ứng miễn dịch rất mạnh. Bản thân virus khi xâm nhập và gây hại cho tế bào của cơ thể cũng có thể gây nên một số triệu chứng như sương mù não, mất khứu giác và vị giác, và đặc biệt tổn thương mạch máu có thể dẫn đến các vấn đề về tim, phổi và não./.


Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết