Trong khuôn khổ khóa họp lần thứ 48 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) kéo dài 4 tuần (13/9 - 8/10), Cao ủy Nhân quyền LHQ Michelle Bachelet ngày 15/9 nhấn mạnh nhu cầu khẩn cấp về việc cấm mua bán và sử dụng các hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) có nguy cơ nghiêm trọng đối với nhân quyền cho đến khi các biện pháp bảo vệ thích hợp được thực thi. Bà Bachelet cũng kêu gọi cấm các ứng dụng AI không được sử dụng nếu không tuân thủ luật nhân quyền quốc tế.
Cao ủy Bachelet nói: “Trí tuệ nhân tạo có thể là một động lực tốt, giúp xã hội vượt qua một số thách thức lớn của thời đại chúng ta. Nhưng các công nghệ AI có thể có những tác động tiêu cực, thậm chí là thảm khốc nếu chúng được sử dụng mà không quan tâm đầy đủ đến việc chúng ảnh hưởng đến nhân quyền của con người như thế nào".
Rủi ro đối với quyền con người càng cao, thì các yêu cầu pháp lý đối với việc sử dụng công nghệ AI càng phải chặt chẽ hơn. Nhưng vì có thể mất thời gian trước khi các rủi ro có thể được đánh giá và giải quyết, các quốc gia nên đặt ra chính sách về việc sử dụng công nghệ tiềm ẩn rủi ro cao.
Trí tuệ nhân tạo hiện nay tiếp cận hầu hết mọi ngóc ngách của cuộc sống, từ thể chất, tinh thần đến trạng thái cảm xúc. Các hệ thống AI được sử dụng để xác định ai nhận được các dịch vụ công, quyết định ai có cơ hội được tuyển dụng cho một công việc và tất nhiên chúng ảnh hưởng đến những thông tin mà mọi người nhìn thấy và có thể chia sẻ trực tuyến.
Với tốc độ phát triển nhanh chóng và liên tục của AI, việc đưa ra quy định về trách nhiệm giải trình cách dữ liệu được thu thập, lưu trữ, chia sẻ và sử dụng là một trong những câu hỏi cấp bách nhất về nhân quyền mà thế giới phải đối mặt. Nguy cơ phân biệt đối xử liên quan đến các quyết định do AI điều khiển - những quyết định có thể thay đổi, xác định hoặc gây thiệt hại cho cuộc sống con người - đều có thể trở nên hiện thực.
Văn phòng Nhân quyền LHQ đã công bố một báo cáo phân tích cách AI - bao gồm lập hồ sơ, ra quyết định tự động và các công nghệ máy học khác - ảnh hưởng đến quyền riêng tư và các quyền khác của mọi người. Cụ thể là các quyền về y tế, giáo dục, tự do đi lại, tự do hội họp và lập hội một cách hòa bình, và tự do ngôn luận. Báo cáo nhấn mạnh: “Công nghệ sinh trắc học, ngày càng trở thành một giải pháp phù hợp cho các quốc gia, các tổ chức quốc tế và các công ty công nghệ, là một lĩnh vực cần nhiều hướng dẫn nhân quyền hơn”.
Những công nghệ này, bao gồm nhận dạng khuôn mặt, ngày càng được sử dụng nhiều hơn để xác định mọi người trong thời gian thực và từ xa, có khả năng cho phép theo dõi không giới hạn các cá nhân. Báo cáo nhắc lại lời kêu gọi tạm hoãn việc sử dụng chúng trong không gian công cộng, ít nhất là cho đến khi các cơ quan chức năng chứng minh được rằng không có vấn đề nghiêm trọng nào về độ chính xác hoặc các tác động phân biệt đối xử, và rằng các hệ thống AI này tuân thủ các tiêu chuẩn mạnh mẽ về quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu.
Các công ty và các quốc gia cũng cần phải minh bạch hơn về cách họ đang phát triển và sử dụng AI. Các hệ thống AI thường dựa vào các tập dữ liệu lớn, bao gồm dữ liệu cá nhân. Điều này khuyến khích thu thập, lưu trữ và xử lý dữ liệu rộng rãi. Nhiều doanh nghiệp tối ưu hóa dịch vụ để thu thập nhiều dữ liệu nhất có thể. Ví dụ, các doanh nghiệp trực tuyến như các công ty truyền thông xã hội dựa vào việc thu thập và kiếm tiền từ lượng lớn dữ liệu về người dùng Internet. Cái gọi là Internet of Things (Internet vạn vật) là một nguồn dữ liệu đang phát triển nhanh chóng được các doanh nghiệp cũng như các quốc gia khai thác. Việc thu thập dữ liệu diễn ra trong mọi không gian và các nhà môi giới dữ liệu thu nhận, hợp nhất, phân tích và chia sẻ dữ liệu cá nhân với vô số người nhận. Các giao dịch dữ liệu này phần lớn được che chắn khỏi sự giám sát của công chúng và chỉ bị hạn chế một phần bởi các khuôn khổ pháp lý hiện có.
Cao ủy LHQ khuyến nghị các doanh nghiệp kinh doanh thực hiện mọi nỗ lực để đáp ứng trách nhiệm tôn trọng tất cả các quyền con người, bao gồm cả việc thực hiện đầy đủ các Nguyên tắc Hướng dẫn về Kinh doanh và Nhân quyền. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tăng cường nỗ lực chống lại sự phân biệt đối xử liên quan đến việc phát triển, bán hoặc vận hành các hệ thống AI, bằng cách thực hiện các đánh giá có hệ thống và giám sát đầu ra của các hệ thống AI và tác động của việc triển khai chúng. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần đảm bảo sự đa dạng của lực lượng lao động chịu trách nhiệm cho sự phát triển của AI, hợp tác trong việc khắc phục các hậu quả mà AI gây ra đối với quyền con người.
Mặc dù báo cáo không tập trung vào đại dịch COVID-19, song cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu đang diễn ra này là một ví dụ mạnh mẽ và dễ thấy về tốc độ, quy mô và tác động của AI trong các lĩnh vực cuộc sống đa dạng trên toàn cầu. Hệ thống theo dõi tiếp xúc sử dụng nhiều loại dữ liệu (vị trí địa lý, thẻ tín dụng, hệ thống giao thông, sức khỏe và nhân khẩu học) và thông tin cá nhân đã được sử dụng để theo dõi sự lây lan của dịch bệnh.
Các hệ thống AI đã được sử dụng để xác định các cá nhân có khả năng bị nhiễm bệnh hoặc lây nhiễm, yêu cầu họ phải cách ly hoặc kiểm dịch. Những phát triển này đã chứng minh một loạt tác động mà hệ thống AI mang lại cho cuộc sống hàng ngày của con người. Quyền riêng tư bị ảnh hưởng trong tất cả những trường hợp này, với việc AI sử dụng thông tin cá nhân và thường đưa ra các quyết định có ảnh hưởng cụ thể đến cuộc sống của con người.
Các quyết định dựa trên AI không tránh khỏi sai sót. Trên thực tế, khả năng mở rộng của các giải pháp AI có thể làm tăng đáng kể tác động tiêu cực của tỷ lệ lỗi dường như nhỏ. Kết quả đầu ra bị lỗi của hệ thống AI có nhiều lý do khác nhau và dựa vào yếu tố xác suất. Hơn nữa, mức độ liên quan và độ chính xác của dữ liệu được sử dụng thường bị nghi ngờ. Dữ liệu bị lỗi có thể góp phần dẫn tới hành vi vi phạm nhân quyền theo nhiều cách. Các bộ dữ liệu thiên lệch dẫn đến các quyết định phân biệt đối xử dựa là điều mà giới chức đặc biệt quan tâm.
Cao ủy Bachelet nhấn mạnh đến sự phức tạp của môi trường dữ liệu, các thuật toán và mô hình nền tảng cho sự phát triển và vận hành của các hệ thống AI. Sức mạnh của AI trong việc phục vụ con người là không thể phủ nhận, nhưng đồng thời tồn tại nguy cơ AI đóng vai trò trong các vụ vi phạm nhân quyền ở quy mô khổng lồ. Cần có hành động ngay bây giờ để đặt các rào chắn nhân quyền vào việc sử dụng AI, vì lợi ích của tất cả chúng ta.
Báo cáo của Văn phòng Nhân quyền LHQ đã phân tích việc các quốc gia và doanh nghiệp sử dụng rộng rãi AI, bao gồm công nghệ lập hồ sơ, ra quyết định tự động và học máy, và mức độ ảnh hưởng đến quyền riêng tư và các quyền liên quan. Nguy cơ phân biệt đối xử liên quan đến các quyết định dựa trên AI là thách thức lớn. Chỉ có cách tiếp cận toàn diện dựa trên quyền con người mới có thể đảm bảo các giải pháp bền vững vì lợi ích của tất cả mọi người./.
Theo TTXVN