Thứ Sáu, ngày 04 tháng 10 năm 2024

Vụ nổ súng vào cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump: Nước Mỹ vẫn ám ảnh nỗi lo súng đạn

Ngày phát hành: 16/07/2024 Lượt xem 802


Hai ngày sau vụ ám sát hụt, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng vào ngày 15/7 (tức sáng ngày 16/7 theo giờ Hà Nội). Vụ ám sát hụt khiến cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump bị thương tại một cuộc vận động tranh cử ở Pennsylvania vào ngày 13/7/2024 (giờ địa phương) cho đến nay vẫn đang bị lên án dữ dội. Dư luận quốc tế coi đây là hành vi bạo lực không thể chấp nhận. Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đang tiến hành điều tra vụ việc theo hướng âm mưu ám sát, nhưng cũng xem xét đây là hành động khủng bố ở trong nước. Vụ việc trên một lần nữa gây nhức nhối trong lòng nước Mỹ về vấn đề bạo lực súng đạn.

 

Nước Mỹ chấn động sau vụ nổ súng

 
Theo  cơ quan Mật vụ Mỹ cho biết, vụ tấn công nhằm vào ông Donald Trump xảy ra vào khoảng 18h15 ngày 13/7/2024 khi sự kiện vận động tranh cử tổng thống của ông Donald Trump đang diễn ra. Theo đó, ngay sau khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump bước lên sân khấu, bắt đầu bài phát biểu trước đám đông người ủng hộ, nghi phạm từ một vị trí cao đã bắn nhiều phát súng về phía sân khấu. Các nhân viên mật vụ Mỹ đã nhanh chóng triển khai biện pháp bảo vệ và vô hiệu hóa kẻ xả súng. Tuy nhiên, những viên đạn đã không chỉ khiến cựu Tổng thống Donald Trump bị thương, mà còn làm một khán giả thiệt mạng và hai người khác bị thương nặng.

 

Nhân viên đặc vụ bảo vệ ông Donald Trump sau vụ nổ súng.


Sau sự việc trên, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) xác nhận nghi phạm nổ súng vào ông Trump là Thomas Matthew Crooks, 20 tuổi, sống ở vùng ngoại ô Pittsburgh gần công viên Bethel, thuộc bang Pennsylvania, cách nơi diễn ra cuộc vận động tranh cử của ông Trump khoảng 35 dặm về phía Nam.


Hung thủ đã bị lực lượng an ninh tiêu diệt ngay tại chỗ. Đại diện FBI tuyên bố vụ nổ súng nhằm vào ứng cử viên Donald Trump là một âm mưu ám sát, song hiện chưa rõ động cơ gây án.


Theo báo chí địa phương và một đoạn video về lễ khai giảng của trường, Crooks tốt nghiệp trường trung học Bethel Park năm 2022. Crooks đã đăng ký bỏ phiếu với tư cách thành viên đảng Cộng hòa. Danh sách trong cơ sở dữ liệu cử tri của Pennsylvania có thông tin khớp với tên, tuổi của đối tượng và địa chỉ ở Bethel Park mà cơ quan thực thi pháp luật đã tìm kiếm vào tối ngày 13/7.


Ngày 14/7, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cho biết vụ ám sát hụt cựu Tổng thống Donald Trump đang được cơ quan này điều tra theo hướng khủng bố nội địa, đồng thời cho biết thêm nghi phạm gây ra vụ việc hành động một mình.


FBI nhấn mạnh sẽ điều tra vụ việc theo hướng âm mưu ám sát, nhưng cũng xem xét đây là hành động khủng bố ở trong nước. Cơ quan này cho biết khẩu súng được sử dụng để bắn ông Trump được mua hợp pháp và là loại súng trường AR mẫu 556.


Bên cạnh đó, FBI cho biết đến nay chưa phát hiện nghi phạm Thomas Matthew Crooks – đối tượng gây ra vụ nổ súng nhằm vào ông Trump, có vấn đề liên quan đến tiền sử bệnh tâm thần, song khẳng định sẽ xem xét lại các tài khoản mạng xã hội, vũ khí được sử dụng trong vụ việc và các bằng chứng ADN liên quan.


FBI cho hay việc tìm ra động cơ đằng sau vụ nổ súng nhằm vào ông Trump là một trong những ưu tiên hàng đầu của cơ quan này, đồng thời cảnh báo các lời đe dọa bạo lực trên không gian mạng đã gia tăng, đặc biệt sau khi xảy ra vụ việc.
Hiện sức khỏe của ông Trump đã ổn định. Sáng ngày 16/7 (theo giờ Hà Nội), cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng kể từ sau vụ ám sát hụt trên. Với một bên tai được băng bó cẩn thận, ông Donald Trump có mặt tại Đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa ở thành phố Milwaukee, bang Wisconsin (Mỹ), vài giờ sau khi ông chính thức được đề cử làm ứng viên đại diện đảng Cộng hòa trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay.


Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson trước đó thông báo ông Trump được chọn làm ứng viên đại diện cho đảng Cộng hòa tranh cử vào Nhà Trắng vào tháng 11 tới, với 2.387 phiếu ủng hộ trong tổng số 2.429 đại biểu bỏ phiếu. Dự kiến ông Trump sẽ có bài phát biểu chấp nhận đề cử này vào ngày 18/7.

 

*Hành động bạo lực không thể chấp nhận

 
Ngay sau vụ xả súng, Tổng thống Joe Biden ngày 14/7 đã chỉ đạo tiến hành cuộc điều tra độc lập về vụ việc này. Ông cũng yêu cầu Cơ quan Mật vụ Mỹ đánh giá lại tất cả các biện pháp an ninh cho Đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa, khai mạc ngày 15/7 tại Milwaukee. Ông Biden kêu gọi người dân Mỹ không đưa ra giả định về động cơ của kẻ nổ súng, trong khi các nhà điều tra đang khẩn trương điều tra vụ tấn công. Ông kêu gọi: “Đoàn kết là mục tiêu khó thực hiện nhất, nhưng không có gì quan trọng hơn mục tiêu đó vào lúc này”.


Các chính trị gia Mỹ, trong đó có các cựu Tổng thống Bill Clinton, George W.Bush và Barack Obama, đều thể hiện sự phẫn nộ và quan điểm phản đối bạo lực trước sự việc lần này. Nhà Trắng cho biết, ngay sau khi vụ việc xảy ra, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc trao đổi qua điện thoại với ứng cử viên Donald Trump. Trong tuyên bố về vụ nổ súng, ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh, đây là hành vi mà tất cả mọi người cần lên án, khẳng định không thể để những vụ việc như vậy tái diễn.
Cho rằng vụ việc là một "hành động bạo lực chính trị khủng khiếp nhằm vào một cuộc vận động ôn hòa", Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson gửi lời cảm ơn tới các cơ quan thực thi pháp luật Mỹ đã hành động kịp thời và cho biết sẽ theo dõi chặt chẽ các diễn biến tiếp theo.


Hành vi bạo lực tại Pennsylvania cũng bị dư luận quốc tế lên án mạnh mẽ. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã lên án vụ nổ súng nhằm vào cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Lãnh đạo các nước, trong đó có Thủ tướng Anh Keir Starmer; Thủ tướng Canada Justin Trudeau; Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro… đã bày tỏ sự chia sẻ với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và gia đình, đồng thời lên án tất cả các hình thức bạo lực chính trị.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Josep Borrell phản đối vụ tấn công và cho rằng đây là một trong những "hành vi bạo lực không thể chấp nhận được đối với các đại diện chính trị".


Tại châu Á, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bày tỏ sự cảm thông đối với ông Trump, trong khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết Bắc Kinh đang "theo dõi chặt chẽ" vụ việc. Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tố cáo vụ tấn công là hành động "bạo lực chính trị khủng khiếp". Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida bày tỏ phản đối các cuộc tấn công mang động cơ chính trị. Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos cũng lên án mọi hình thức bạo lực chính trị.

 

Tại Trung Đông, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu bày tỏ sốc về vụ việc và gửi lời chúc ông Trump mau chóng bình phục. Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi cũng lên án vụ nổ súng, đồng thời kêu gọi nối lại các cuộc bầu cử ở Mỹ trong bầu không khí "yên bình và lành mạnh".


Tại châu Mỹ, các nhà lãnh đạo của Argentina, Brazil, Chile, Colombia và Boliva đồng loạt lên án vụ bạo lực…

Có thể thấy, vụ ám sát hụt cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tối ngày 13/7 vừa qua đã một lần nữa đặt ra vấn đề về kiểm soát súng đạn ở Mỹ. Đây là vấn đề nan giải ở Mỹ và hiện vẫn chưa ngã ngũ được các biệp pháp pháp lý về kiểm soát súng đạn. Kể từ khi nhậm chức đầu năm 2021, Tổng thống Joe Biden đã thúc đẩy các biện pháp an toàn súng đạn và thông qua các quy định mới nhằm tăng cường kiểm soát. Nhưng bấy lâu nay, việc siết chặt kiểm soát súng luôn bị các nhóm có lợi ích trực tiếp từ buôn bán súng như Hiệp hội Súng trường quốc gia (NRA) chi phối và gây ảnh hưởng. Đây là lý do khiến không chỉ trong nhiệm kỳ Tổng thống Joe Biden hiện tại mà qua nhiều nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ, cuộc chiến pháp lý kiểm soát súng đạn vẫn chưa thể đi đến hồi kết.


Và bạo lực súng đạn vẫn tiếp tục là nỗi ám ảnh dai dẳng đối với người dân Mỹ khi liên tiếp xảy ra thương vong do xả súng. Cuộc chiến pháp lý kiểm soát súng đạn, vì vậy, dù vẫn luôn đặt ra thách thức đối với các nhà chức trách Mỹ, song, chắc chắn cũng là đòi hỏi cấp thiết để các nhà chức trách nước này xem xét thống nhất tìm ra giải pháp kiểm soát súng đạn, để tránh được những thương vong không đáng có./.


     Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết