Biến đổi khí hậu đang khiến các đợt nắng nóng ngày càng nhiều, kéo dài và khắc nghiệt. Nhiều thành phố trên khắp các châu lục đang trải qua những mùa hè "đổ lửa" với hàng trăm người thiệt mạng do liên quan tới nhiệt độ cao.
Nắng nóng khiến nhiều người thiệt mạng
Những đợt nắng nóng nguy hiểm đang bao trùm nhiều thành phố ở 4 châu lục trên thế giới. Tình hình này làm dấy lên quan ngại về khả năng mùa Hè năm nay sẽ ghi nhận những kỷ lục nhiệt độ mới, "xô đổ" nền nhiệt mùa Hè 2023. Nhiệt độ cao kỷ lục trong khoảng thời gian gần đây được cho là nguyên nhân gây ra hàng trăm, thậm chí hàng nghìn cái chết trên khắp các châu lục từ châu Á, châu Âu tới châu Mỹ.
Tại Arab Saudi, gần 2 triệu người Hồi giáo từ khắp nơi trên thế giới đang tham gia lễ hành hương Hajj tại thành phố Mecca (Saudi Arabia) trong thời tiết nắng nóng gay gắt. Tuy nhiên, do nhiệt độ tăng cao và có thời điểm lên tới 51,8 độ C, có hàng trăm người đã được báo cáo thiệt mạng do thực hành lễ trong điều kiện thời tiết nắng nóng với các hoạt động chủ yếu tổ chức ngoài trời.
Các số liệu từ các nước có người tham gia lễ hành hương Hajj cho thấy hơn 900 người đã tử vong trong điều kiện thời tiết nắng nóng tại lễ hành hương năm nay, trong khi hàng nghìn người được thông báo mất tích. Trong đó có ít nhất 600 người Ai Cập hành hương đã tử vong tại Hajj năm nay, nguyên nhân tử vong phần lớn do nắng nóng. Ngoài ra có nhiều người hành hương tử vong đến từ Jordan, Indonesia, Iran, Senegal, Tunisia và khu vực tự trị người Kurd ở Iraq. Năm ngoái, lễ hành hương Hajj cũng ghi nhận hơn 200 người thiệt mạng, phần lớn đến từ Indonesia.
Các nhà khoa học về khí hậu cảnh báo rằng nắng nóng khắc nghiệt khiến nhiều người hành hương tử vong có thể xảy ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn do cuộc khủng hoảng khí hậu ngày càng tồi tệ.
Tại khu vực Nam Á, một đợt nắng nóng dữ dội tiếp theo đã quét qua Delhi, Uttar Pradesh, Haryana và Punjab trong tuần qua khiến Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD) phải đưa ra cảnh báo đỏ cho những khu vực này. Kể từ ngày 14/5, khu vực New Delhi của nước này đã trải qua 38 ngày liên tiếp với nhiệt độ tối đa bằng hoặc trên 40 độ C. Mùa hè tại quốc gia này thường kéo dài từ tháng 3 cho tới tháng 5 khi gió mùa xuất hiện và xua tan cái nóng. Tuy nhiên, ngày 19/6 vẫn được ghi nhận có đêm ấm nhất trong ít nhất 55 năm vừa qua tại New Delhi, với nhiệt độ ghi nhận đạt 35,2 độ C lúc 1 giờ sáng tại Đài quan sát Safdarjung. Cũng trong ngày này, một quan chức của Bộ Y tế Ấn Độ cho biết hơn 40.000 trường hợp nghi ngờ say nắng và ít nhất 110 trường hợp tử vong được xác nhận trong khoảng thời gian từ ngày 1/3 đến ngày 18/6.
Tại khu vực Địa Trung Hải, Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ cho biết các quốc gia Địa Trung Hải đã phải hứng chịu thêm một tuần nắng nóng khắc nghiệt, làm bùng phát các vụ cháy rừng từ Bồ Đào Nha đến Hy Lạp và dọc theo bờ biển Algeria ở phía Bắc châu Phi.
Ngay từ trước khi chính thức vào mùa Hè, châu Âu đã ghi nhận một số trường hợp tử vong do nắng nóng. Nắng nóng bất thường kéo dài khoảng 1 tuần qua đã khiến 3 khách du lịch nước ngoài tử vong ở Hy Lạp. Cảnh sát Hà Lan ngày 15/6 đã phát hiện thi thể của một khách du lịch người Hà Lan trên đảo Samos. Năm nay cũng được ghi nhận là năm thứ ba liên tiếp Italy hứng chịu sóng nhiệt ở mức đáng kể trước khi mùa Hè bắt đầu. Trong hai năm trước, nắng nóng khắc nghiệt bao trùm quốc gia châu Âu này, gây ra hạn hán, cháy rừng, sông băng tan chảy cũng như bão lũ. Những hiện tượng thời tiết cực đoan này gây thiệt hại nặng nề đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp, cuộc sống của người dân cũng như cơ sở hạ tầng.
Còn tại Mỹ, các khu vực ở Trung Tây và Đông Bắc nước Mỹ cũng đang chìm trong nắng nóng gay gắt, ảnh hưởng tới gần 72 triệu người, buộc nhà chức trách ban bố cảnh báo nắng nóng có thể gây nguy hiểm đối với sức khỏe người dân. Thành phố New York của Mỹ cho biết mở các địa điểm nghỉ ngơi tránh nóng có thiết bị làm mát phục vụ người dân. Cơ quan khí tượng Mỹ cũng ban hành cảnh báo nắng nóng gay gắt đối với các khu vực của bang Arizona vào ngày 20/6 khi nhiệt độ dự đoán có thể lên đến 45,5 độ C.
Các đợt nắng nóng ở nhiều châu lục xảy ra trong bối cảnh cơ quan giám sát biến đổi khí hậu của Liên minh châu Âu cho biết thế giới vừa ghi nhận 12 tháng liên tiếp nóng kỷ lục.
Theo một nhóm các nhà khoa học quốc tế của World Weather Attribution (WA), tính trung bình trên toàn cầu, một đợt nắng nóng lẽ ra cứ 10 năm xảy ra một lần ở thời kỳ tiền công nghiệp thì giờ đây sẽ xảy ra 2,8 lần trong 10 năm với nhiệt độ ấm hơn 1,2 độ C. Nếu thế giới đạt mức nóng lên toàn cầu 2 độ C, các đợt nắng nóng trung bình sẽ xảy ra thường xuyên hơn nữa ở mức 5,6 lần trong 10 năm với nhiệt độ cao hơn 2,6 độ C và tình hình sẽ còn nghiêm trọng hơn nữa nếu thế giới tiếp tục thải ra khí nhà kính từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch.
Biến đổi khí hậu là nguyên nhân gây các hiện tượng thời tiết cực đoan
Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), nhiều khả năng năm 2024 sẽ là một năm nắng nóng kỷ lục tiếp theo, "xô đổ" kỷ lục về nắng nóng ghi nhận năm 2023. Các nhà khoa học cảnh báo, biến đổi khí hậu mà biểu hiện là sự nóng lên toàn cầu làm gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan, bao gồm nắng nóng cực đoan xảy ra với tần suất nhiều hơn và khắc nghiệt hơn, hạn hán, lũ lụt, mực nước biển sẽ dâng cao hơn và các sông băng có xu hướng tan nhanh hơn.
Trong đó, nhiệt độ cực cao gây nguy cơ nghiêm trọng cho sức khỏe con người. Sóng nhiệt có thể gây ra các triệu chứng nghiêm trọng như ngất xỉu, chóng mặt, nhức đầu, buồn nôn, mất nước hoặc say nắng. Chúng cũng có thể làm trầm trọng thêm các bệnh mãn tính như bệnh tim mạch hoặc hô hấp. Người già, phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh là những nhóm dễ bị tổn thương nhất trước các bệnh tật và tử vong liên quan đến nhiệt.
Sóng nhiệt cũng có thể làm tăng áp lực đối với nguồn nước và năng lượng, gây mất điện. Thêm nữa, chúng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng hạn hán và cháy rừng, cũng như tác động tiêu cực đến ngành nông nghiệp.
Có thể thấy, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đã không còn là lời cảnh báo mà đã và đang diễn ra dưới nhiều hình thức và ở mọi nơi, mọi lúc, đặt ra những thách thức gay gắt đối với môi trường và cuộc sống con người. Ngoài tác động tự nhiên, sự nóng lên toàn cầu còn do chính con người gây nên: việc gia tăng lượng khí thải nhà kính; quá trình công nghiệp hóa sinh ra hàng loạt các loại nhà máy phun khí thải, chất thải trực tiếp ra môi trường; khói bụi của xe cộ dùng nguyên liệu hóa thạch như xăng, dầu; tình trạng rừng bị tàn phá...
Để giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và tạo ra một môi trường sống bền vững trong tương lai cần rất nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó chính mỗi người phải thay đổi thói quen, hành vi sống theo hướng thân thiện với môi trường, như cải tiến công nghệ, thay đổi quy trình để tiêu thụ năng lượng ít hơn, sử dụng nước ít hơn, xả thải ít hơn và trồng nhiều cây xanh hơn...
Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu 2015 đặt mục tiêu kìm hãm đà tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền Cách mạng công nghiệp. Giới khoa học cũng cho biết, mục tiêu giảm 50% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 là vô cùng quan trọng để kiềm chế mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở 1,5 độ C - giới hạn giúp tránh những tác động nguy hiểm nhất của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, năm 2023, lượng phát thải khí CO2 trong lĩnh vực năng lượng của thế giới đã tăng cao kỷ lục. Các cam kết hành động chống biến đổi khí hậu được đưa ra cho đến thời điểm hiện tại gần như không thể đáp ứng mục tiêu giảm lượng khí thải toàn cầu vào năm 2030.
Ðể đưa thế giới thoát khỏi "hiểm họa cận kề" từ biến đổi khí hậu, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhiều lần kêu gọi đoàn kết để đương đầu với tình trạng khẩn cấp về khí hậu. Ông đề nghị tất cả quốc gia cam kết thực hiện những đóng góp mới ở cấp quốc gia vào năm 2025, phù hợp với việc hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C. Theo đó, cần tăng gấp đôi kinh phí thích ứng lên ít nhất 40 tỷ USD hằng năm vào năm 2025 để bảo đảm công bằng về khí hậu.
Chỉ còn 5 tháng nữa sẽ diễn ra Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) (tháng 11/2024 tại Azerbaijan). Thế giới không còn nhiều thời gian để biến các cam kết thành hành động và nhiệm vụ chính của các cuộc đàm phán về khí hậu tại COP29 ở Azerbaijan cuối năm 2024 sẽ là cơ hội thúc đẩy các quốc gia thống nhất một mục tiêu mới về tài chính khí hậu, nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển gặp khó khăn trong việc đầu tư chuyển đổi năng lượng và chống biến đổi khí hậu./.
Theo TTXVN