Chủ Nhật, ngày 19 tháng 05 năm 2024

Lý giải nguyên nhân châu Âu ngày càng trở nên nghèo hơn so với Mỹ

Ngày phát hành: 06/05/2024 Lượt xem 180



Theo báo Le Monde, sự nghèo đi tương đối của Khu vực đồng euro (Eurozone) so với Mỹ là một thực tế và nếu không có những điều chỉnh về năng suất lao động cũng như đổi mới, châu Âu khó có thể phá vỡ vòng xoáy của xu hướng này.

Nhờ hưởng lợi từ những tác động của Chiến tranh Thế giới thứ hai, nước Mỹ đã vươn lên vị thế dẫn đầu toàn cầu về tăng trưởng và đổi mới, nhưng châu Âu sau đó đã nhanh chóng thu hẹp khoảng cách. Xu hướng này từng kéo dài trong nhiều thập kỷ, thậm chí được cho là có thể dẫn tới một sự hội tụ kinh tế của các nước phát triển nhất.

Nhưng nhiều chỉ dấu gần đây cho thấy tình hình đã có sự thay đổi với khoảng cách về tăng trưởng đang được nới rộng ra giữa Mỹ và châu Âu, thậm chí ưu thế nghiêng rõ rệt về phía Mỹ. Trung tâm tư vấn quốc tế McKinsey có trụ sở tại New York (Mỹ), trong một báo cáo phát hành vào tháng 7/2022, từng nhấn mạnh rằng giai đoạn 2010-2020, Liên minh châu Âu (EU) đã ghi nhận tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người hàng năm chỉ đạt 0,8 %, chưa bằng một nửa so với Mỹ (1,7%).

Dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng xác nhận một thực tế đáng buồn về tăng trưởng kinh tế của Eurozone. Theo đó, năm 2010, GDP bình quân đầu người tính bằng đồng USD của Mỹ cao hơn 30% so với Eurozone. Tới năm 2022, tức là 12 năm sau, khoảng cách này đã tăng lên gấp đôi, với GDP bình quân đầu người của Mỹ cao hơn Khu vực đồng euro 87%.

Theo Tạp chí Phố Wall số ra ngày 17/7/2023, châu Âu đang nổi bật với đặc điểm “một khối dân số già thích thời gian rảnh rỗi và việc làm ổn định”. Đây là một nhận định đã được thừa nhận rộng rãi nhưng vẫn gây bất đồng ở cấp độ châu Âu. Chuyên gia nghiên cứu thuộc Viện Bruegel có trụ sở tại Brussels, Zsolt Darvas, cho rằng sử dụng đồng USD để so sánh không phản ánh đúng vấn đề, do sai lệch từ biến động tỷ giá hối đoái đáng kể giữa đồng euro và đồng USD. Ông dẫn chứng, năm 2000 1 euro trị giá 0,92 USD, nhưng đến năm 2008 tỷ giá là 1,47 euro/USD và hiện tại là 1,09 euro/USD.

Do vậy, chuyên gia Darvas đề xuất thay vì dùng GDP làm công cụ so sánh, sẽ chuyển sang sử dụng dữ liệu chỉ số phân bổ giá mua (PPA). Theo vị chuyên gia này, PPA phản ánh chính xác tỷ giá hối đoái và sử dụng năng suất lao động được đo bằng số lượng của cải được tạo ra theo mỗi giờ và mỗi nhân viên để so sánh sẽ hợp lý hơn. Dựa trên thước đo này, năm 2022, Đức và Pháp có mức năng suất lao động mỗi giờ được điều chỉnh theo PPA gần bằng với Mỹ. Vì vậy, chuyên gia Darvas nói không có sự suy giảm năng suất lao động của Eurozone so với Mỹ.

Tuy nhiên, nhìn vào thực tế, quan sát lạc quan này vẫn vấp phải dữ liệu tăng trưởng kinh tế èo uột của châu Âu so với Mỹ. Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), nếu tính bằng đồng USD, GDP của Mỹ đã tăng 28% kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, trong khi tại châu Âu, tỷ lệ tăng chỉ đạt 13%.

Làm thế nào để giải thích cho sự đi xuống ngày càng rõ rệt của nền kinh tế Eurozone? Trước hết, cần xét đến sự không đồng nhất thể hiện rất rõ của khu vực đồng tiền chung châu Âu. Trên thực tế, 4 nước Đức, Pháp, Italy và Tây Ban Nha đã chiếm 75% dân số của khu vực gồm 19 nước thành viên, nhưng cả 4 quốc gia này lại có những thông số về nhân khẩu học, năng suất lao động, tỷ lệ hoạt động và ngân sách cho nghiên cứu và phát triển (R & D) rất khác nhau. Ngoài ra còn phải kể đến một số nguyên nhân khác.

Về nhân khẩu học, dân số trong độ tuổi lao động (từ 15 đến 64 tuổi) đã tăng 21% ở Mỹ trong giai đoạn 1998 - 2022 so với 17% ở Eurozone và khoảng cách này ngày càng tăng lên. Theo chuyên gia Patrick Artus, nhà kinh tế học thuộc Ngân hàng Natexis (Pháp), khoảng cách hiện đang tăng 1% mỗi năm và điều này chắc chắn sẽ nới rộng thêm khoảng cách tăng trưởng giữa Mỹ và châu Âu trong những năm tới.

Về thời gian làm việc, tổng số giờ làm việc tại Eurozone thấp hơn nhiều so với Mỹ. Ví dụ khoảng cách này là 25% trong trường hợp của Đức, khi người châu Âu muốn chọn thời gian rảnh rỗi nhiều hơn. Xu hướng giảm giờ làm việc ở châu Âu đã phản ánh sở thích này. Chuyên gia kinh tế của ngân hàng Unicredit (Italy), Erik Nielsen, đánh giá, giai đoạn 1960 - 2023, số giờ làm việc ở Mỹ chỉ giảm khoảng 10%, trong khi ở châu Âu là 20 - 30%.

Tỷ lệ dân số trong độ tuổi “vàng” (từ 15-64 tuổi) ở Mỹ đạt 72% tổng dân số, mặc dù vẫn thấp hơn so với Đức, nhưng cao hơn đáng kể so với Pháp, và đặc biệt là Italy và Tây Ban Nha. Cải cách lương hưu ở Pháp mới đây đã phản ánh những khó khăn của các nước trong việc áp dụng chính sách tăng tỷ lệ lao động đang làm việc ở châu Âu.

Một vấn đề nữa là giá năng lượng ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng kinh tế. Rõ ràng Mỹ đã được hưởng lợi lớn từ giá năng lượng thuận lợi, thực tế thấp hơn ba lần so với châu Âu. Hơn nữa, nền kinh tế số một thế giới còn có nguồn dự trữ năng lượng hóa thạch đáng kể. So với khu vực đồng euro, đây là một lợi thế cạnh tranh và điều này sẽ còn được đảm bảo trong những năm tới, khiến một số ngành công nghiệp châu Âu di dời các nhà máy đến bên kia bờ Đại Tây Dương.

Cuối cùng là vấn đề đổi mới công nghệ và ngân sách dành cho lĩnh vực R&D. Mỹ đã chi 3,5% GDP cho lĩnh vực này so với 2,2% của Pháp và khoảng 1,4% ở của Italy và Tây Ban Nha. Tại Eurozone, chỉ có Đức đầu tư lớn nhất cho lĩnh vực này, nhưng vẫn thấp hơn 0,4% GDP so với Mỹ. Hơn nữa, Mỹ còn duy trì được một môi trường thuận lợi cho đổi mới công nghệ, tạo điều kiện vốn, hợp tác nghiên cứu giữa các trường đại học uy tín và các công ty lớn hoặc khởi nghiệp.

Năm yếu tố then chốt nêu trên lý giải cho câu hỏi vì sao châu Âu ngày càng trở nên nghèo hơn so với Mỹ. Hơn nữa, cũng cần lưu ý rằng châu Âu chưa đầu tư tương xứng cho hoạt động nghiên cứu, bỏ qua các cơ hội phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) và dường như cũng từ bỏ vai trò lãnh đạo quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu.

Năng suất lao động và đổi mới là thách thức to lớn mà châu Âu cần phải nỗ lực hơn nữa để tìm ra giải pháp phá vỡ vòng xoáy của xu hướng nghèo đi tương đối./.


Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết