Tình trạng già hóa dân số đang ngày một gia tăng trên phạm vi toàn cầu, đặt ra nhiều thách thức đối với chính phủ các nước. Tỷ lệ sinh thấp và dân số già hóa đặt ra mối lo ngại về thiếu hụt nguồn nhân lực, làm tăng chi phí trợ cấp xã hội, gây thêm áp lực cho hệ thống y tế, đồng thời giảm triển vọng tăng trưởng của nhiều nền kinh tế.
Tại châu Âu, Italy đã có sự thay đổi mạnh mẽ về nhân khẩu học do tỷ lệ sinh giảm, nhập cư thấp và tuổi thọ ngày càng tăng. Số thanh niên ở Italy đã giảm mạnh trong hai thập kỷ qua, trong khi số người cao tuổi lại tăng lên.
Số liệu của Cơ quan Thống kê quốc gia Italy (ISTAT) giữa tháng 5/2024 nêu rõ: Số thanh niên Italy (những người từ 18-34 tuổi) đã giảm từ mức 13,39 triệu người năm 2002 xuống 10,33 triệu người năm 2023, tức là giảm hơn 3 triệu người (22,9%) trong 21 năm. Ngược lại, số người cao tuổi Italy lại tăng, từ 9,1 triệu người năm 1994 lên 14,1 triệu người vào năm 2023, tương đương mức tăng 54,4%.
Ở Anh, Trung tâm Tuổi thọ quốc tế nước này cho biết người lao động Anh có thể phải làm việc đến năm 71 tuổi mới được hưởng lương hưu nhà nước do tình trạng già hóa dân số. Hiện người lao động ở Anh hưởng lương hưu từ năm 66 tuổi, nhưng sẽ tăng lên 67 tuổi từ năm 2026 và 68 tuổi từ năm 2044. Trung tâm Tuổi thọ quốc tế Anh dự báo độ tuổi này có thể tăng lên 71 tuổi kể từ năm 2050, đồng thời lưu ý rằng người dân đang phải đối mặt với tình trạng sức khỏe kém sớm hơn, có nghĩa là người lao động sẽ nghỉ hưu rất lâu trước khi đến tuổi hưởng lương hưu của nhà nước. Như vậy, chính phủ sẽ thu được ít tiền thuế hơn để tài trợ cho việc trả lương hưu.
Không chỉ châu Âu, tình trạng già hóa dân số ở châu Á cũng đang vô cùng nghiêm trọng. Nhật Bản, Hàn Quốc và một loạt quốc gia châu Á ghi nhận tình trạng báo động về tỷ lệ sinh thấp kỷ lục, dân số giảm, dẫn đến thay đổi cấu trúc nhân khẩu học, tác động đáng kể tới kinh tế và xã hội.
Nhật Bản hiện là nước đứng đầu thế giới về tỷ lệ người cao tuổi trong tổng dân số với hơn 29%. Số liệu của Bộ Y tế Nhật Bản năm 2023 cho thấy số trẻ sơ sinh chào đời trên cả nước đã giảm 5,1% xuống còn 758.631 trẻ, mức thấp nhất từ trước tới nay và là năm thứ tám giảm liên tiếp. Số cặp đôi kết hôn đã giảm 5,9% xuống 489.281 cặp, đánh dấu lần đầu tiên sau 90 năm con số này xuống dưới 500.000.
Tại Hàn Quốc, tỷ lệ sinh trong quý IV/2023 đã giảm xuống mức thấp nhất theo quý, chỉ 0,65 con/phụ nữ. Năm 2023, số trẻ sinh ra ở mức thấp kỷ lục là 229.970 trẻ, giảm hơn 40% so với năm 2017. Bộ Nội vụ Hàn Quốc công bố số liệu cho thấy số hộ gia đình độc thân đã tăng cao trong năm 2023, chiếm tỷ lệ kỷ lục 42% trong tổng số hộ gia đình tại đây. Theo dự báo, Hàn Quốc sẽ trở thành quốc gia dân số già hóa ở mức cao vào năm 2072, với độ tuổi trung bình 63,4.
Dân số Trung Quốc đang già đi nhanh chóng khi ngày càng ít người sinh con và tuổi thọ tăng lên. Tỷ lệ sinh giảm bất chấp những nỗ lực của Trung Quốc trong thập kỷ qua nhằm nới lỏng các hạn chế rằng mỗi cặp vợ chồng chỉ được sinh một con. Năm 2023 là năm thứ hai liên tiếp dân số Trung Quốc giảm nhanh khi tỷ lệ sinh giảm, tỷ lệ tử vong tăng và đất nước từng đông dân nhất thế giới đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân khẩu học trong tương lai. Chính phủ dự báo đến năm 2035, sẽ có khoảng 400 triệu người tại Trung Quốc trong độ tuổi từ 60 trở lên, chiếm 30% dân số. Trong khi đó, với tỷ lệ sinh giảm liên tiếp trong những năm qua, Thái Lan sẽ trở thành xã hội siêu già vào năm 2029. Tương tự, tổng tỷ suất sinh của Singapore năm 2023 lần đầu tiên trong lịch sử giảm xuống mức dưới 1 và điều này đang đặt ra mối lo ngại về kinh tế và xã hội.
Theo Ủy ban Kinh tế xã hội châu Á - Thái Bình Dương của LHQ (UNESCAP), dân số khu vực này đang già hóa với tốc độ nhanh chưa từng có. Nhiều nước trong khu vực chỉ mất từ 20 đến 25 năm để tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên trong tổng dân số tăng từ 7% lên 14%, trong khi đa số các nước châu Âu phải mất ít nhất hơn 50 năm mới đạt tốc độ như vậy. Dự báo, số người từ 60 tuổi trở lên ở các nước châu Á - Thái Bình Dương sẽ tăng hơn 2 lần, từ 13,6% dân số của năm 2020 lên 25% vào năm 2050. Tuổi thọ cũng tăng, với nhóm cao tuổi nhất (từ 80 tuổi trở lên) được dự báo sẽ chiếm 20% tổng dân số già của khu vực. Số liệu của Ngân hàng Phát triển châu Á thì cho thấy số người từ 60 tuổi trở lên ở châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2050 sẽ đạt gần 1,3 tỷ người. Cùng với đó, tỷ lệ trẻ em trong dân số đến năm 2030 được dự báo đạt 21%, giảm từ mức 23% của giai đoạn 1980-2020. Tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động cũng được cho là còn 61% vào năm 2030, giảm so với mức 68% của giai đoạn 1980-2020.
Thực trạng trên chứng tỏ dân số già đang ngày càng phổ biến và trở thành xu hướng khó tránh tại nhiều nước trên thế giới. Nhiều quốc gia đã đẩy mạnh các chính sách nhằm giải quyết thực trạng này như hỗ trợ nuôi con và khuyến khích sinh con, tăng cường trợ cấp cho trẻ em và trợ cấp nghỉ phép chăm sóc trẻ, tăng dần tuổi nghỉ hưu và hoàn thiện hệ thống dưỡng lão…
Tuy nhiên, các giải pháp hiện nay được giới chuyên môn nhân định là chưa thực sự chú trọng đến những người trẻ chưa lập gia đình để tăng tỷ lệ kết hôn. Xu hướng thay đổi nhân khẩu học này cũng là vấn đề dài hạn, đòi hỏi việc chủ động ứng phó đồng bộ nhiều biện pháp như khuyến khích người lớn tuổi tham gia lao động nếu sức khỏe phù hợp để vừa đáp ứng nhu cầu của nhóm dân số già, giảm gánh nặng cho xã hội, vừa phát triển kinh tế./.
Theo TTXVN