Thứ Sáu, ngày 18 tháng 10 năm 2024

Chỉ dẫn để AI mang lại lợi ích cho toàn nhân loại

Ngày phát hành: 08/07/2024 Lượt xem 892


Tiềm năng của trí tuệ nhân tạo (AI) là rất lớn nếu thế giới có thể thiết lập được quy định chung và tạo lập được một khuôn khổ đạo đức toàn cầu cho công nghệ này. Vậy làm thế nào để AI mang lại lợi ích cho toàn nhân loại? Tạp chí Le Nouvel Economiste của Pháp đã đăng tải bài viết của tác giả John Thornhill giới thiệu ba cuốn sách nhấn mạnh sự hứa hẹn to lớn của AI, nhưng cũng cảnh báo về những nguy hiểm của việc sử dụng không đúng cách. 

Đó là các cuốn sách mang tên "How AI Thinks: How We Built It, How It Can Help Us, and How We Can Control It" (tạm dịch “AI suy nghĩ như thế nào: Làm cách nào chúng ta xây dựng nó, nó có thể giúp chúng ta như thế nào và chúng ta có thể kiểm soát nó ra sao”) của tác giả Nigel Toon, NXB Penguin; "AI Needs You: How We Can Change AI’s Future and Save Our Own" (tạm dịch “AI cần bạn: Làm thế nào chúng ta có thể thay đổi tương lai của AI và cứu lấy tương lai của chính chúng ta”) của tác giả Verity Harding, NXB Princeton University Press và "As If Human: Ethics and Artificial Intelligence" (tạm dịch “Như thể con người: Đạo đức và trí tuệ nhân tạo”), của các tác giả Nigel Shadbolt và Roger Hampson của Đại học Yale University Press.

Từ Colossus đến Chat GPT, cuộc cách mạng công nghệ thông tin

Vào ngày 5/6/1944, một người chuyển phát nhanh từ trung tâm giải mã của Anh tại Bletchley Park đã làm ngắt quãng phiên lập kế hoạch đổ bộ để chuyển một thông điệp tuyệt mật tới Tướng Dwight Eisenhower. Sau khi đọc mảnh giấy, Tư lệnh Đồng minh Tối cao ở châu Âu tuyên bố: “Ngày mai chúng ta sẽ xuất phát”.

Thông điệp được giải mã và truyền qua radio của Đức. Khi tiếp nhận thông điệp này, nhà lãnh đạo đảng Quốc xã, Thủ tướng Đức giai đoạn 1933-1945, Adolf Hitler đã nói với Tổng tư lệnh của ông ta ở Pháp rằng cuộc đổ bộ sắp xảy ra của quân Đồng minh ở Normandy chỉ là một chiêu đánh lừa. Quân Đức đã không thể kịp thời điều chuyển quân đội, tạo điều kiện thuận lợi cho quân Đồng minh chiếm và giữ vững các vị trí chiến lược sau cuộc đổ bộ này. 

Công nghệ cho phép giải mã thông điệp đó là chiếc máy tính điện tử đầu tiên trên thế giới có thể lập trình được, có tên gọi là ‘‘Colossus’’. Công nghệ được thiết kế bởi ông Tommy Flowers, một kỹ sư làm việc tại Bưu điện Anh.

Sự kiện này là ví dụ đầu tiên về một chiếc máy tính có tác động quyết định đến lịch sử thế giới, theo nhận định của nhà nghiên cứu Nigel Toon trong cuốn sách mới của ông về AI, ‘‘How AI Thinks’’. Nhưng theo ông, đó chỉ là sự khởi đầu của những gì sẽ diễn ra sau đó: Trong tám thập kỷ tiếp theo, máy tính đã trở nên mạnh mẽ hơn theo cấp số nhân và mở rộng phạm vi hoạt động của chúng đến hầu như mọi khía cạnh của cuộc sống chúng ta.

Cuộc cách mạng về phần cứng máy tính đã được tiếp nối bởi một cách mạng tương tự trong lĩnh vực phần mềm, đặc biệt là sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo gần đây. Kể từ khi công ty khởi nghiệp OpenAI ở San Francisco ra mắt “chatbot” (phần mềm trò chuyện) ChatGPT vào tháng 11/2022, hàng triệu người dùng đã trực tiếp trải nghiệm sức mạnh gần như ma thuật của trí tuệ nhân tạo tạo sinh. 

AI suy nghĩ như thế nào?

Nhà nghiên cứu Nigel Toon là người ủng hộ mạnh mẽ sự phát triển của trí tuệ nhân tạo. Ông đã nêu bật lợi ích của nó trong các lĩnh vực đa dạng như dự báo thời tiết, công tác nghiên cứu và phát triển thuốc mới và phản ứng tổng hợp hạt nhân. Ông viết: “Trí tuệ nhân tạo là công cụ mạnh mẽ nhất mà chúng ta từng tạo ra. Nhưng chúng ta cần phải dành thời gian để hiểu cách mà nó suy nghĩ để thống trị thế giới”.

Là người đồng sáng lập công ty bán dẫn Graphcore của Anh, chuyên thiết kế chip cho các mô hình AI, ông Toon làm việc ở lĩnh vực công nghệ tiên tiến nhất. Tuy nhiên ông thừa nhận rằng ông luôn bất ngờ trước tốc độ phát triển của công nghệ này. ‘

“How AI thinks” của ông là cuốn sách giới thiệu nhanh và thông tin đầy đủ, chính xác về sự phát triển của AI, kể từ lần xuất hiện đầu tiên của thuật ngữ này vào năm 1955 cho đến cách nó được sử dụng ngày nay và khả năng quản lý nó để đảm bảo rằng công nghệ này sẽ được sử dụng một cách an toàn và có ích cho con người.

Các thiết bị bán dẫn hiện đại là những sản phẩm tiên tiến nhất mà con người từng tạo ra. Kể từ khi phát minh ra mạch tích hợp đầu tiên vào năm 1960, số lượng bóng bán dẫn có thể đặt trên một con chip đã tăng lên gấp 25 tỷ lần. Chuyên gia Toon viết: “Nếu ô tô của bạn được cải tiến theo tỷ lệ tương tự thì ngày nay bạn đã có thể dễ dàng di chuyển với tốc độ gấp 200 lần tốc độ ánh sáng”.

Theo ông Toon, cuộc cách mạng phần mềm diễn ra sau đó đã cho phép các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực AI chuyển từ việc sử dụng các hệ thống máy tính dựa trên các quy tắc và hệ thống chuyên gia sang việc phát triển các khả năng nhận dạng mẫu và mô phỏng, "học" mạng nơ-ron thần kinh của con người, thứ hiện đang cung cấp sức mạnh cho các mô hình AI ngày nay.

Được tự do khám phá khối lượng dữ liệu khổng lồ được tạo ra kể từ khi ra đời “World Wide Web”, các mô hình này đã có thể làm nên những điều kỳ diệu. Vào năm 2021, tất cả các thiết bị kết nối của nhân loại đã tạo ra lượng thông tin kỹ thuật số trong một năm gấp khoảng 150 lần so với toàn bộ lượng thông tin từng tồn tại trước năm 1993.

Tuy nhiên, dù máy tính có mạnh đến đâu, chúng vẫn gặp khó khăn để có thể sánh được với khả năng xử lý phi thường của 86 tỷ tế bào thần kinh trong não của người bình thường. Con người có một khả năng phi thường để khái quát hóa từ các mảnh dữ liệu nhỏ và đặt thông tin xuất hiện ngẫu nhiên vào bối cảnh có liên quan để hiểu rõ hơn về chúng. 

Hiện tại, mặc dù đã phát triển vượt bậc, nhưng hệ thống AI khó có thể hiểu được kiểu nói bóng bẩy, “ngụ ý” của con người. Lái ô tô là một ví dụ khác về tính linh hoạt của trí thông minh con người. Người học lái xe mới cần khoảng 20 giờ học để có thể thành thạo một cách có ý thức. Nhưng công nghệ lái xe tự động của Waymo, công ty xe tự lái của Alphabet (công ty mẹ của Google), dù đã lái 2,9 triệu dặm ở California vào năm 2022 vẫn chưa đạt được một mức độ thành thạo và tin cậy tương đương.

AI cần bạn

Điểm mà nhà nghiên cứu Toon cảm thấy không chắc chắn là khi tìm hiểu một cách chi tiết và có hệ thống về quy định và chính trị liên quan đến việc sử dụng AI. Chuyên gia Verity Harding đã nghiên cứu điểm này trong cuốn sách "AI Needs You" (AI cần bạn) của bà. Từng là cố vấn đặc biệt của cựu Phó Thủ tướng Anh Nick Clegg và là cựu Giám đốc chính sách của Google DeepMind, bà Harding là chuyên gia về cả chính trị lẫn công nghệ. Mục đích của bà là nghiên cứu cách chúng ta đã quản lý các công nghệ quan trọng trong quá khứ, từ đó hướng dẫn chúng ta về cách tốt nhất để kiểm soát AI trong tương lai.

Ba ví dụ quốc tế quan trọng mà bà Harding chọn là cuộc đua vào không gian trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) và sự phổ biến của Internet. Ba ví dụ này đều mang lại những bài học quan trọng, giúp làm sáng tỏ cách con người nên tiếp cận với trí tuệ nhân tạo.

Trong cuốn sách của mình, bà Harding ca ngợi việc Liên hợp quốc (LHQ) đã biến Hiệp ước thượng tầng không gian, thông qua năm 1967, thành ‘‘lãnh thổ chung của toàn nhân loại’’. Bà coi đây như là một ví dụ đáng chú ý về hợp tác quốc tế. Được ký kết khi căng thẳng giữa Mỹ và Liên Xô lên đến đỉnh điểm, hiệp ước này được mô tả là “Magna Carta (Magna Carta năm 1215 đánh dấu sự chuyển đổi từ chế độ quyền lực tuyệt đối sang chế độ pháp quyền ở Anh), ngăn chặn quân sự hóa không gian và đảm bảo rằng không quốc gia nào có thể tuyên bố chủ quyền đối với các thiên thể ngoài Trái đất.

Với chuyên gia Harding, hiệp ước này mang lại ba bài học: Thứ nhất là tầm quan trọng của lãnh đạo chính trị. Lãnh đạo chính trị có vai trò quan trọng và những nhân vật chính trị dũng cảm có thể đạt được các hiệp ước quốc tế có lợi cho cả hai bên, ngay cả trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị. 

Thứ hai là hạn chế sự lạm dụng từ các cường quốc đối thủ: Các quốc gia đối thủ có thể đặt ra giới hạn để ngăn chặn những hành vi xấu nhất của chiến tranh. 

Thứ ba là sử dụng khoa học để khuyến khích hợp tác quốc tế: Khoa học có thể - và nên - được sử dụng để khuyến khích hợp tác quốc tế. Theo bà, các nhà nghiên cứu trí tuệ nhân tạo nên làm việc trên các dự án mang lại lợi ích cho toàn nhân loại và không chỉ dừng lại ở việc xây dựng các rào cản kỹ thuật quốc gia.

Ví dụ thứ hai là thụ tinh ống nghiệm. Trong các cuộc tranh luận về nghiên cứu trên phôi thai và kỹ thuật thụ tinh nhân tạo (IVF) trong những năm 1970 và 1980 đã đặt ra những câu hỏi khác nhau. Theo chuyên gia Harding, dưới nhiều góc độ, chúng đã đặt ra trước phần lớn các vấn đề liên quan đến đạo đức, đạo lý và kỹ thuật mà ngày nay đang được thảo luận trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. 

Nhà triết học Mary Warnock, chủ trì một ủy ban để xem xét những khúc mắc này, đã thực hiện một việc đáng chú ý là đề ra các nguyên tắc đạo đức rõ ràng và các cách tiếp cận thực tiễn để thiết lập các quy định trong báo cáo của bà được công bố vào năm 1984. Kể từ đó, các quy định này đã cho phép khoảng 400.000 đứa trẻ được sinh ra thông qua phương pháp IVF tại Vương quốc Anh và đã khuyến khích sự phát triển của ngành công nghiệp khoa học đời sống đầy năng động này. 

Trái với quan điểm phổ biến rằng quản lý kiểm soát giết chết sự đổi mới, chuyên gia Harding cho rằng sự rõ ràng về chính sách, đạo đức và pháp lý từ ủy ban Warnock về IVF thực tế đã thúc đẩy đầu tư và đẩy mạnh các hoạt động kinh tế.

Ví dụ thứ ba được trích dẫn trong cuốn sách là một tổ chức chuyên môn quản lý các tên miền Internet và các thông số kỹ thuật liên quan, có ảnh hưởng đặc biệt nhưng ít được biết đến có tên là Tập đoàn Internet cấp số và tên miền (ICANN). Bằng cách duy trì cơ sở hạ tầng cơ bản của mạng Internet và chống lại sự can thiệp của các quốc gia và các tập đoàn tư nhân có quyền lực, ICANN đã giữ cho Internet vẫn là một không gian mở và năng động. 

“Đây là một tổ chức toàn cầu được xây dựng trên sự tin tưởng và đồng thuận, với quyền lực hạn chế nhưng tuyệt đối. Trong một thời đại đầy hoài nghi và nền chính trị căng thẳng, tranh chấp và mâu thuẫn, đây quả là một điều kỳ diệu’’, bà Harding viết.

Mô tả cuốn sách của mình như một “tình cảm” mà bà muốn bày tỏ đối với công việc ít được vinh danh, nhưng nhiều gian khổ của những người xây dựng chính sách trong một nền dân chủ, chuyên gia Harding kêu gọi các chính trị gia - và xã hội dân sự - tham gia vào các cuộc tranh luận về việc sử dụng trí tuệ nhân tạo và góp phần định hình tương lai một cách tích cực. 

 

 Như thể con người

Các tác giả của cuốn sách ‘‘As If Human’’ lại đặc biệt quan tâm đến khía cạnh con người của công nghệ và muốn đảm bảo rằng các cỗ máy phải tuân thủ và không vượt khỏi tầm kiểm soát của nhân loại. Giáo sư Nigel Shadbolt, khoa học máy tính tại Đại học Oxford, và nhà kinh tế học Roger Hampson đã nghiên cứu và khám phá các vấn đề về đạo đức của AI trong một cuốn sách đầy tinh tế và uyên bác của họ.

Họ cho rằng nên đối xử với máy móc như là con người và áp dụng cho chúng các tiêu chuẩn trách nhiệm giống như con người, thậm chí là khắt khe hơn: ‘‘Chúng ta nên đánh giá chúng về mặt đạo đức như là con người’’.

Hai tác giả nhấn mạnh rằng chúng ta cần các công cụ công nghệ tốt hơn để quản lý dữ liệu cá nhân của mình, cũng như các tổ chức công mới, chẳng hạn như các cơ quan được thành lập để bảo vệ dữ liệu cá nhân của người dùng và các tổ hợp do các thành viên điều hành và sở hữu chung, nhằm đóng vai trò là người giám hộ lợi ích chung. 

“Thật là phẫn nộ khi một công nghệ có khả năng thay đổi nền văn minh được tung ra theo chỉ đạo của các tập đoàn lớn mà không tham khảo ý kiến của công chúng, chính phủ hoặc các tổ chức quốc tế”, các chuyên gia này viết.

Các tác giả cũng chỉ ra cách tiếp cận với tương lai của trí tuệ nhân tạo, đồng thời nhấn mạnh vào tính cần thiết của sự minh bạch, tôn trọng và trách nhiệm. Tinh thần cuốn sách của các chuyên gia này muốn nhấn mạnh, đó là : “Các quyết định quan trọng có tác động đến nhiều người phải có sự tham gia ý kiến và có sự đại diện rộng rãi”.

Mặc dù ba tác phẩm này khác nhau về cách tiếp cận, cách diễn đạt và góc nhìn, nhưng chúng đều đưa ra kết luận giống nhau. Tất cả các tác giả đều nhấn mạnh những lợi ích mà AI có thể mang lại nếu được sử dụng đúng cách, nhưng họ cũng bày tỏ lo ngại về những căng thẳng xã hội có thể phát sinh từ việc triển khai quá nhanh hoặc thiếu suy nghĩ của các công nghệ này. 

Và điều khiến họ lo lắng nhiều hơn cả là sự tập trung quá mức của quyền lực doanh nghiệp trong tay một nhóm nhỏ các nhà lãnh đạo ở bờ Tây.

Thông điệp nổi bật từ những cuốn sách này là sự công nhận mới về sức mạnh sáng tạo tập thể của con người. Như các tác giả thừa nhận, con người cũng không thực sự hoàn hảo. Đó là lý do tại sao một bộ phận với niềm tin sâu sắc rằng công nghệ có thể giải quyết các vấn đề xã hội, cải thiện cuộc sống và mang lại sự tiến bộ cho nhân loại trong ngành công nghệ của thung lũng Silicon đặc biệt vui mừng mừng trước sự phát triển của AI khi tin rằng sự thông minh của máy móc sẽ sớm thay thế loài người và dẫn đến một vũ trụ lý trí và hài hòa hơn.

Nhưng nghịch lý thay, sự không hoàn hảo luôn là một phần không thể tách rời của sự thông minh. Như nhà tiên phong về máy tính Alan Turing đã nhận xét, “Nếu bạn mong đợi một cỗ máy không thể sai lầm thì nó cũng không thể thông minh được”. Vấn đề là : Chúng ta muốn máy móc của mình thông minh đến mức nào?./.

 

Theo TTXVN 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết