Thứ Bảy, ngày 07 tháng 12 năm 2024

Bầu cử quốc hội Pháp: Cán cân giữa các đảng sau cuộc bỏ phiếu vòng 1

Ngày phát hành: 03/07/2024 Lượt xem 315

Từ sáng sớm, đông đảo cử tri Pháp đã đến các điểm bầu cử để bỏ phiếu bầu nghị sĩ Quốc hội, ngày 30/6.

Ảnh: Nguyễn Thu Hà/Pv TTXVN tại Pháp


Nước Pháp đã hoàn thành vòng đầu tiên của cuộc bầu cử Quốc hội sớm vào ngày 30/6/2024. Đây là cuộc bầu cử do Tổng thống Emmanuel Macron khởi xướng, sau khi liên minh của ông vấp phải thất bại đáng kể trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào đầu tháng 6 vừa qua. Theo kết quả sơ bộ vòng 1, ưu thế đang thuộc về đảng cực hữu “Tập hợp Quốc gia” (RN), tiếp theo là liên minh cánh tả “Mặt trận Bình dân Mới” (NFP), trong khi liên minh đa số “Cùng nhau vì nền Cộng hòa” ủng hộ Tổng thống Pháp Macron chỉ đứng thứ 3 trong Quốc hội mới.

 Giải tán Hạ viện và bầu cử sớm

 
Ngày 9/6/2024 vừa qua, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tuyên bố giải tán Quốc hội và kêu gọi tổ chức bầu cử lập pháp sớm sau khi đảng Mặt trận Bình dân Mới (NFP) theo đường lối cực hữu đánh bại liên minh ôn hòa của ông trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP). Theo ông Macron, kết quả của cuộc bầu cử EP không có lợi “đối với các đảng bảo vệ châu Âu”. Trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vừa qua, đảng cựu hữu Mặt trận Quốc gia (RN) đã giành được 31,5% phiếu bầu, cao hơn gấp đôi so với liên minh đảng cầm quyền (15,2%).


Khi tuyên bố giải tán quốc hội, Tổng thống Macron cho biết vòng đầu tiên của cuộc bầu cử Hạ viện sớm diễn ra trong ngày 30/6 và vòng hai vào ngày 7/7.


Theo điều 12 của Hiến pháp, Tổng thống Cộng hòa Pháp có thể, sau khi tham vấn thủ tướng và chủ tịch Quốc hội lưỡng viện, thông báo giải tán Hạ viện, trong tình huống xảy ra "sự việc hoặc khủng hoảng nghiêm trọng. Bầu cử phải được tổ chức sớm nhất là 20 ngày và muộn nhất là 40 ngày sau khi giải tán Hạ viện.


Kể từ khi bắt đầu nền Cộng hòa thứ V vào năm 1958, đây là lần thứ sáu Tổng thống Pháp giải tán Hạ viện, chấm dứt nhiệm kỳ của các nghị sĩ và cho tổ chức bầu cử trước thời hạn. Ba tổng thống từng giải tán Hạ viện là Jacques Chirac (1997), François Mitterrand (1981 và 1988) và tướng De Gaulle (1962 và 1966). 


Khi giải tán Hạ viện, tất cả dự luật đang được thảo luận tại Hạ viện đều phải ngừng lại và mọi thủ tục phải được bắt đầu lại từ đầu khi có Hạ viện mới. Tạm thời chính phủ của Thủ tướng Gabriel Attal vẫn hoạt động và xử lý các hồ sơ thông thường. Sau khi Hạ viện mới được thành lập, chính phủ sẽ phải giải tán và Tổng thống Emmanuel Macron sẽ chỉ định thủ tướng mới.


Quyết định giải tán Quốc hội của tổng thống Macron đã nhận nhiều ý kiến khác nhau. Nhiều chính trị gia ủng hộ, xem đó là quyết định dũng cảm, cần thiết nhưng cũng có ý kiến cho rằng quyết định của ông Macron là mạo hiểm, có thể gây nhiều rủi ro khi các ứng viên chỉ có 3 tuần để vận tranh cử và thuyết phục cử tri. Tại Pháp, bầu cử Hạ viện thường được xem là kỳ bầu cử tổng thống vòng 3.


Nếu đảng hoặc liên minh đối lập chiếm đa số tại Quốc hội mới, tổng thống sẽ phải chỉ định thủ tướng thuộc đảng này. Tình trạng này được gọi là "chung sống chính trị" từng xảy ra ở thời Tổng thống François Mitterrand vào năm 1986. Khi đó, Tổng thống François Mitterrand, dù thuộc cánh tả, nhưng buộc phải chọn một thủ tướng thuộc cánh hữu - ông Jacques Chirac. Tương tự, vào năm 1997, ông Jacques Chirac là tổng thống và đã giải tán Quốc hội (Hạ viện). Khi bầu cử lại, đa số Hạ viện lại rơi vào tay cánh tả. Ông Lionel Jospin (cánh tả) được Tổng thống Jacques Chirac (cánh hữu) chọn làm thủ tướng. Việc "chung sống" như vậy có thể dẫn đến những căng thẳng chính trị, khiến việc điều hành đất nước cùng với những cải cách cơ cấu và chính sách trở nên phức tạp hơn.


Trong trường hợp kết quả bầu cử Hạ viện mới không được như ý, Tổng thống Emmanuel Macron sẽ không thể giải tán ngay Hạ viện. Vì theo điều 12 của Hiến pháp, tổng thống không thể giải tán Hạ viện trong vòng 1 năm sau bầu cử. Như vậy, ít nhất là từ ngày 8/7/2025 trở đi, Hạ viện mới có thể bị tổng thống giải tán một lần nữa.

 Đảng Tập hợp Quốc gia (RN) giành ưu thế lớn sau vòng 1

 
Ngày 30/6/2024, người dân Pháp đi bầu cử Quốc hội vòng một. Từ sáng sớm, nhiều cử tri đã đến các địa điểm để bỏ phiếu, cho thấy sự quan tâm của người dân đối với cuộc bầu cử lập pháp sớm lần này.  


Theo danh sách công bố, vòng một bầu cử sớm có sự tham gia của 4.011 ứng cử viên, giảm mạnh so với tổng số 6.293 người năm 2022. Nguyên nhân là do các nhóm chính trị không có đại diện trong Quốc hội vừa giải tán không có thời gian để tìm chọn ứng cử viên.


Theo thể lệ bầu cử tại Pháp, các đại biểu được bầu theo phương thức phổ thông đầu phiếu trực tiếp, bỏ phiếu đơn danh và hai vòng, thay vì theo danh sách như bầu cử Nghị viện châu Âu. Để thắng cử ngay từ vòng một, ứng cử viên phải đạt được từ 50% số phiếu bầu trở lên và số phiếu phải bằng 25% số cử tri đã đăng ký tại khu vực bầu cử. Ngoại trừ số rất ít trúng cử ngay vòng một, số ứng cử viên còn lại phải tiếp tục tranh cử tại vòng hai. Bất cứ ứng cử viên nào thu được hơn 12,5% số phiếu, tính theo tổng số cử tri đăng ký tại đơn vị bầu cử, cũng đều được vào vòng hai để lấy đủ 577 nghị sĩ dân biểu. Phe đa số quá bán của Quốc hội, về cơ bản sẽ quyết định thành phần chính phủ và công việc quản trị đất nước.
Trong chiến dịch tranh cử lần này, ba khối chính trị lớn nhất, gồm phe đa số sắp mãn nhiệm của Tổng thống Macron, phe cực hữu của đảng Tập hợp Quốc gia (RN) và phe cánh tả của đảng Mặt trận Bình dân Mới (NFP), đều lấy chủ đề cải thiện sức mua làm ưu tiên hàng đầu cho dù mỗi đảng đề xuất biện pháp thực hiện khác nhau. Trong khi các cam kết của phe đa số được đánh giá là phù hợp với thực tế, thì các đề xuất của phe cực hữu và phe cánh tả đã ít nhiều gây nghi ngại cho giới quan sát do có nhiều khúc mắc về nguồn tài chính để hiện thực hóa.


Sau cuộc bỏ phiếu vòng 1 ngày 30/6, thống kê sơ bộ ngày 1/7/2024 cho thấy, đã có 67,5% cử tri đăng ký đã bỏ phiếu để bầu cho các ứng cử viên tại vòng 1, nhiều hơn 20% so với năm 2022 và là con số kỷ lục tại các cuộc bầu cử lập pháp ở Pháp trong ít nhất 20 năm qua.


Theo kết quả kiểm phiếu sơ bộ vòng một, đảng Tập hợp Quốc gia (RN) cực hữu do chính trị gia Marine Le Pen lãnh đạo đã giành ưu thế lớn với 33% phiếu bầu, so với liên minh Mặt trận Bình dân Mới (NFP) được 28% và phe trung dung của Tổng thống Emmanuel Macron chỉ được hơn 20%, trong khi đảng Những người Cộng hòa (LR) trung hữu “truyền thống” chấp nhận vị trí thứ 4 và chỉ còn được coi là phong trào chính trị thứ yếu trong đời sống chính trị Pháp. Kết quả trên đã giúp đảng Tập hợp Quốc gia (RN) giành ưu thế lớn để chuẩn bị cho vòng hai sẽ diễn ra vào ngày 7/7. Trong khi đó, phe của Tổng thống Macron rơi vào tình thế bị kẹp giữa hai gọng kìm của đảng RN và liên minh cánh tả NFP trong bầu cử vòng hai diễn ra vòa ngày 7/7 tới.


Ngoài ra, kết quả kiểm phiếu cũng cho thấy bà Marine Le Pen, cựu chủ tịch đảng RN, nằm trong danh sách ứng cử viên đắc cử ngay vòng 1. Các tên tuổi lớn khác như Thủ tướng Gabriel Attal, cựu Thủ tướng Elisabeth Borne, cựu Tổng thống François Hollande… đều phải tiếp tục tranh cử ở vòng 2 do không giành được trên 50% phiếu bầu. Đáng chú ý, Thư ký toàn quốc của Đảng Cộng sản Pháp Fabien Roussel đã sớm bị loại bởi một ứng cử viên của RN.


Phát biểu sau khi có kết quả sơ bộ, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng tỷ lệ cử tri đi bầu ở vòng 1 cao cho thấy tầm quan trọng của cuộc bầu cử Quốc hội đối với tất cả người dân Pháp với mong muốn làm rõ tình hình chính trị của đất nước. Tổng thống Pháp cũng kêu gọi cử tri ủng hộ liên minh cầm quyền để bảo vệ nền dân chủ và nền Cộng hòa, ngăn chặn nguy cơ nắm quyền của đảng cực hữu RN tại Quốc hội.


Trong một bước đi nhằm ngăn phe cực hữu chiếm đa số tuyệt đối tại Quốc hội và kiểm soát chính phủ, ngày 1/7, phe trung dung của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã quyết định hợp tác với liên minh cánh tả để đảm bảo đảng cực hữu RN không giành được 289 số ghế cần thiết để chiếm đa số tuyệt đối tại Quốc hội gồm 577 ghế. Ngoài ra, các ứng cử viên đứng thứ ba đủ điều kiện vào vòng 2 cũng đã được khuyến khích rút lui để củng cố mặt trận phản đối phe cực hữu.
Trong một tuyên bố, Tổng thống Macron cũng kêu gọi thành lập một liên minh "rộng lớn" nhằm chống lại phe cực hữu, đồng thời triệu tập một cuộc họp nội các vào ngày 1/7 để quyết định hướng hành động tiếp theo.


Giới phân tích dự đoán kết quả của cuộc bầu cử Quốc hội sớm nhiều khả năng dẫn đến tình trạng "quốc hội treo", có thể dẫn đến những căng thẳng trong hệ thống chính trị của Pháp, đặc biệt là trong bối cảnh nước này chuẩn bị đăng cai Olympic Paris 2024 vào cuối tháng 7 này./.


   Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết