Tinh thần trách nhiệm là một trong những phẩm chất cao đẹp của con người, là một trong những tiêu chuẩn để đánh giá người cán bộ, đảng viên trong suốt quá trình công tác, hoạt động. Người cán bộ, đảng viên có tinh thần trách nhiệm là người luôn nhận thức rõ vị trí, vai trò của mình và luôn phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; suốt đời phấn đấu, hy sinh vì Tổ quốc, vì cuộc sống hạnh phúc của Nhân dân.
Nêu cao trách nhiệm cũng là một trong những nội dung được đề cập đến trong Quy định số 144-QĐ/TW về Chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới. Cụ thể: “Nêu cao trách nhiệm trong công tác và sinh hoạt; sẵn sàng đảm nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Kiên quyết đấu tranh, phê phán mọi hành vi né tránh, đùn đẩy, hoặc có tư tưởng trung bình chủ nghĩa, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm, không dám làm. Làm tốt trách nhiệm, bổn phận, nghĩa vụ đối với gia đình, cộng đồng, xã hội”.
Bất kỳ ai, ở địa vị nào, đều phải có tinh thần trách nhiệm
Trách nhiệm là phần việc được giao, là điều phải làm, phải gánh vác hoặc nhận lấy về mình theo cương vị, chức trách. Nó có thể được hình thành trên cơ sở đạo đức, truyền thống hay những quy định của luật pháp, điều lệ của tổ chức mà mình là thành viên.
Nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân là tư tưởng xuyên suốt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người luôn trăn trở, dành sự quan tâm hàng đầu cho việc chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ cách mạng thực hành gương sáng về nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Ðảng, trước Nhân dân, coi đó là nhân tố có ý nghĩa quyết định đến thắng lợi của sự nghiệp cách mạng.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn và yêu cầu cán bộ, đảng viên phải hết sức nêu cao tinh thần trách nhiệm trước nhiệm vụ, công việc được giao, dù là việc lớn hay việc nhỏ, việc đơn giản hay phức tạp, nhiệm vụ bình thường hay quan trọng, bí mật. Người đã cụ thể hóa khái niệm về “tinh thần trách nhiệm” một cách rất dễ hiểu: " Tinh thần trách nhiệm là gì? Là khi Đảng, Chính phủ, hoặc cấp trên giao cho ta việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, ta cũng đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công. Làm một cách cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy, v.v., là không có tinh thần trách nhiệm" (1).
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Bất kỳ ai, ở địa vị nào, làm công tác gì, gặp hoàn cảnh nào, đều phải có tinh thần trách nhiệm” (2). Ví dụ như: “Người nấu bếp, lo làm cho luôn luôn cơm lành canh ngon, bát đũa sạch sẽ. Không phí phạm của công...; Người cán bộ quân sự, thì luôn luôn học hỏi chính trị và kỹ thuật, chiến thuật… Đoàn kết nội bộ. Giúp đỡ nhân dân. Kiên quyết chấp hành mệnh lệnh trên giao xuống… Gặp việc khó khăn thì cố tìm cách giải quyết đúng” (3).
Tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, đảng viên theo Bác còn thể hiện trong mối quan hệ với quần chúng. Người khẳng định: “Tinh thần trách nhiệm là: nắm vững chính sách, đi đúng đường lối quần chúng, làm tròn nhiệm vụ” (4). Bác khuyên mỗi cán bộ, đảng viên “để thực hiện chính sách, làm trọn nhiệm vụ, cán bộ chẳng những phải chịu khó giải thích, tuyên truyền, cổ động mà còn phải bàn bạc với quần chúng, hỏi han ý kiến, gom góp sáng kiến của quần chúng. Lãnh đạo quần chúng và hoan nghênh quần chúng phê bình... Tóm lại, phải đi đúng đường lối quần chúng. Thế là có tinh thần trách nhiệm đối với Đảng, đối với Chính phủ, đối với Nhân dân” (5).
Ngày 20/5/1950, Người đã ký Sắc lệnh số 76/SL ban hành Quy chế công chức Việt Nam, trong đó, Điều 2 quy định: “Công chức Việt Nam phải phục vụ Nhân dân, trung thành với Chính phủ, tôn trọng kỷ luật, có tinh thần trách nhiệm và tránh làm những việc có hại đến thanh danh công chức hay đến sự hoạt động của bộ máy nhà nước”.
Không chỉ đưa ra lý luận về tinh thần trách nhiệm, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là một tấm gương sáng về nêu cao tinh thần trách nhiệm trong mọi hoạt động. Trách nhiệm đó được thể hiện trong việc học tập, lao động, nghiên cứu lý luận, hoạt động thực tiễn, đặc biệt là trong quá trình Người cùng Đảng lãnh đạo toàn thể dân tộc Việt Nam tiến hành cách mạng. Tinh thần trách nhiệm thấm sâu vào từng suy nghĩ và hành động của Người.
Nhận thức sâu sắc trách nhiệm, bổn phận của mình trước dân tộc, Nhân dân và trước Đảng, trong suốt quá trình hoạt động cách mạng sôi nổi, đầy cam go, thử thách, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Người đi khắp năm châu, bốn biển khảo sát, nghiên cứu, lao động, học tập để tìm đường cứu nước, cứu dân, giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi ách áp bức, bóc lột.
Ngay sau khi giành được chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ các công việc của Chính phủ làm phải nhằm vào một mục đích duy nhất là mưu cầu tự do hạnh phúc cho mọi người dân - “việc gì có lợi cho dân thì làm, việc gì có hại cho dân thì phải tránh”; đồng thời nhấn mạnh các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc đến các làng xã đều là “công bộc” của dân, nghĩa là phải đặt quyền lợi của Nhân dân lên trên hết, phải chú ý giải quyết các vấn đề liên quan đến đời sống của nhân dân, gánh vác việc chung cho dân.
Người cũng rất chú ý đến việc giáo dục ý thức, tinh thần trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Người yêu cầu mỗi người phải có trách nhiệm đối với đơn vị, tổ chức mình tham gia, đó là phần việc được giao, là điều phải làm, phải gánh vác theo cương vị, chức trách. Đồng thời, Đảng và từng tổ chức đảng, cán bộ và đảng viên phải nêu cao tính tiền phong gương mẫu trong đạo đức, lối sống, thái độ và trách nhiệm với công việc, thật sự nêu gương nhằm tạo những tấm gương sáng cho quần chúng tin tưởng, noi theo. Với Người phải trách nhiệm cả trong việc chấp hành thời gian làm việc. Người rất quý thời gian, không chỉ thời gian của bản thân mà cả thời gian của người khác, của tập thể. Theo Người, đi trễ 5 phút là chuyện to chứ không phải chuyện nhỏ, vì 5 phút đó phải được nhân lên cho sự chờ đợi của nhiều người.
Tấm gương tinh thần làm việc trách nhiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn thể hiện ở việc thống nhất giữa lời nói và việc làm. Đó là nói đi đôi với làm, nói được làm được; không nói nhiều làm ít, nói mà không làm, “nói một đằng làm một nẻo”. Đây là một đặc điểm nổi bật trong phẩm chất con người Hồ Chí Minh. Quần chúng Nhân dân, cán bộ, đảng viên nhìn thấy ở Người phẩm chất, phong cách của một lãnh tụ hành động, một tấm gương có sức cảm hóa, thuyết phục đối với tất cả mọi người.
Nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân
Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh “Bất kỳ ai, ở địa vị nào, làm công tác gì, gặp hoàn cảnh nào, đều phải có tinh thần trách nhiệm”, ở bất cứ thời kỳ nào, mỗi người đều giữ một vị trí, vai trò nhất định dù là trong gia đình, dòng họ hay ở cơ quan, đơn vị, tổ chức mà mình tham gia. Do vậy, phải có trách nhiệm đối với gia đình, dòng họ, với cơ quan, tổ chức đó. Xem xét ở phạm vi rộng hơn, mỗi người đều là công dân của một quốc gia, dân tộc, do vậy phải có trách nhiệm, nghĩa vụ đóng góp, xây dựng, phát triển quê hương, đất nước.
Đối với người cán bộ, đảng viên, yêu cầu, đòi hỏi về tinh thần trách nhiệm, bổn phận, nghĩa vụ còn cao hơn nhiều. Bên cạnh trách nhiệm, nghĩa vụ với tư cách là công dân, người cán bộ, đảng viên còn thực hiện trách nhiệm của một người cán bộ - phải tiên phong, gương mẫu đi đầu trong công việc, trong rèn luyện và thực hành đạo đức, lối sống, nêu gương, cũng như tuân thủ nghiêm Điều lệ Đảng, quy định về những điều đảng viên không được làm…
Thực tế cho thấy, hiện nay đại đa số cán bộ, đảng viên đều nêu cao vai trò trách nhiệm, thực hiện nghiêm quy định, quy chế làm việc của tổ chức, cơ quan, đơn vị; giữ gìn đạo đức, phẩm chất cách mạng, sống mẫu mực, đoàn kết, gắn bó mật thiết với Nhân dân; sáng tạo, không ngại khó khăn, gian khổ, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số cán bộ, đảng viên có biểu hiện thiếu tinh thần trách nhiệm, bớt xén giờ giấc, làm không đúng quyền hạn, chức trách, nói nhiều, làm ít. Đặc biệt, một số cán bộ, đảng viên có chức, có quyền thiếu tinh thần trách nhiệm trong quá trình thực thi nhiệm vụ làm thất thoát, lãng phí tiền, tài sản của Nhà nước. Một số cán bộ, đảng viên lại mắc “bệnh sợ trách nhiệm”. Biểu hiện của bệnh sợ trách nhiệm như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Người sợ trách nhiệm thường làm việc một cách cầm chừng cho “đủ bổn phận”, cốt sao không phạm phải khuyết điểm gì lớn. Vì luôn luôn lo sợ phải chịu trách nhiệm về những việc sẽ xảy ra, cho nên không muốn cải tiến công tác, không dám mạnh dạn thay đổi những cái không hợp lý, chỉ làm theo nếp cũ” (6). “Một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa tiên phong, gương mẫu; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ vẫn còn diễn biến phức tạp. Tự phê bình và phê bình ở nhiều nơi còn hình thức. Thực hiện trách nhiệm nêu gương, nhất là của người đứng đầu chưa tạo được sự lan tỏa sâu rộng” (7).
Thực trạng trên làm cho năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bị giảm sút; niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của đất nước bị xói mòn.
Trong bối cảnh hiện nay, khi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đặt ra những yêu cầu ngày càng cao, việc học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy về “Tinh thần trách nhiệm” càng có ý nghĩa sâu sắc đối với mọi cán bộ, đảng viên.
Theo đó, mỗi cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị cần thực sự tiên phong, gương mẫu về tinh thần trách nhiệm trước công việc và Nhân dân theo phương châm “nói đi đôi với làm”, nói ít làm nhiều; cán bộ cấp trên nêu gương cho cán bộ cấp dưới; đảng viên nêu gương cho quần chúng noi theo.
Mỗi cán bộ, đảng viên cần nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm với công việc, bắt đầu từ những lời nói, việc làm, bằng thái độ, cách ứng xử trong xử lý và giải quyết công việc hằng ngày. Tinh thần trách nhiệm cần xuất phát từ tinh thần tự giác, sự thôi thúc của con tim, từ danh dự và lương tâm của chính bản thân mỗi người. Làm việc với mong muốn được cống hiến, đóng góp một phần nhỏ bé vào sự phát triển của cơ quan, đơn vị, tổ chức mà mình là thành viên, rộng hơn là của xã hội, đất nước, chứ không phải vì danh lợi, chạy theo thành tích.
Đi đôi với trách nhiệm với công việc là trách nhiệm với Nhân dân. Mỗi cán bộ, đảng viên cần luôn trăn trở với những tâm tư, suy nghĩ, mong mỏi của người dân; thấu hiểu và cảm thông với Nhân dân, xuất phát từ lợi ích của Nhân dân để từ đó tìm tòi, suy nghĩ để giải quyết công việc sao cho vừa ích nước, vừa lợi dân; luôn đặt lợi ích của Tổ quốc, của Nhân dân, của Đảng lên trước hết. Lợi ích của cá nhân, của bộ phận, của giai cấp phải phục tùng và không được làm tổn hại đến lợi ích dân tộc; đồng thời, linh hoạt, mềm dẻo, “dĩ bất biến ứng vạn biến” trong thực hiện nguyên tắc này.
Để luôn đứng vững trên lập trường dân tộc, lấy quyền lợi của Tổ quốc và Nhân dân làm tối thượng, mỗi cán bộ, đảng viên cần không ngừng rèn luyện về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, chuyên môn, nghiệp vụ để tự hoàn thiện bản thân, ngày càng tiến bộ, đáp ứng được yêu cầu của công việc...
Tựu chung lại, phải thể hiện tinh thần trách nhiệm trong những việc làm cụ thể, thiết thực hàng ngày. Đó không chỉ là bổn phận mỗi cán bộ, đảng viên đối với tổ chức, với Đảng, với cấp trên mà còn là trách nhiệm trước nhân dân, trước tập thể, những người xung quanh và với cả chính bản thân. Từ đó hoàn thành công việc với chất lượng và hiệu quả cao, góp phần xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước. Đó chính là biểu hiện trong sáng nhất của đạo đức, tư cách người cán bộ, đảng viên, viên chức thực thụ./.
Theo TTXVN
(1), (2), (3), (4), (5): Hồ Chí Minh Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.7, tr.248-250
(6): Nguyễn Phú Trọng, Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2023, tr.466.
(7): Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tập II, tr. 222-223.