Thứ Sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024

Chủ tịch nước Tô Lâm thăm cấp Nhà nước tới Vương quốc Campuchia: Tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện Việt Nam-Campuchia

Ngày phát hành: 15/07/2024 Lượt xem 338

Khánh thành tượng đài Hữu nghị Việt Nam-Campuchia tại tỉnh Svay Rieng. Đây là công trình thứ 18 trong tổng số 23 tượng đài hữu nghị được xây dựng. Ảnh: Hoàng Minh - TTXVN

 

 Tiếp sau chuyến thăm cấp Nhà nước đến Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ thăm cấp Nhà nước đến Vương quốc Campuchia theo lời mời của Quốc vương Campuchia Preah Bat Samdech Preah Boromneath Norodom Sihamoni vào ngày 12 và 13/7/2024. Chuyến thăm có ý nghĩa hết sức quan trọng, là dấu mốc để củng cố, vun đắp và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ giữa hai nước Việt Nam-Campuchia theo phương châm "láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”.

Quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện ngày càng đi vào chiều sâu

 
Việt Nam và Campuchia là hai nước láng giềng có nhiều điểm tương đồng, nhân dân hai nước là anh em gắn bó, chia ngọt, sẻ bùi, giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.


Ngày 24/6/1967, Việt Nam và Campuchia chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Đây là sự kiện trọng đại, đánh dấu trang sử mới trong quan hệ hai nước. Những năm tháng sau đó, nhân dân hai nước Việt Nam và Campuchia tiếp tục kề vai sát cánh trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, dành cho nhau sự ủng hộ quý báu và  cùng giành thắng lợi lịch sử vào mùa Xuân năm 1975.


Khi dân tộc Campuchia đứng trước thảm họa diệt chủng Pol Pot, Việt Nam đã sát cánh cùng các lực lượng yêu nước, nhân dân Campuchia, làm nên chiến thắng ngày 7/1/1979, giải phóng đất nước và nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt vong. Với thắng lợi lịch sử 7/1/1979, nhân dân Campuchia đã khép lại trang sử đen tối, thực hiện công cuộc hồi sinh dân tộc và mở ra kỷ nguyên độc lập, hòa bình, tự do và phát triển cho đất nước Campuchia; đồng thời hồi sinh tình hữu nghị Campuchia-Việt Nam, vốn bị chế độ diệt chủng Pol Pot hủy diệt, mở ra thời kỳ mới cho quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam-Campuchia phát triển gắn bó, hiểu biết và tin cậy lẫn nhau.


Ngày nay, mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Campuchia tiếp tục được tiếp thêm sức mạnh từ những truyền thống vốn có từ lâu đời trong lịch sử. Năm 2005, lãnh đạo cấp cao hai nước đã thống nhất đề ra phương châm mới trong phát triển quan hệ song phương là “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”. Với định hướng đó, quan hệ hai nước đã không ngừng được củng cố và phát triển trên mọi lĩnh vực, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực và trên thế giới.


Những năm qua, quan hệ Việt Nam-Campuchia phát triển tốt đẹp trên nhiều mặt. Quan hệ chính trị được tăng cường, lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì hoạt động thăm, tiếp xúc và trao đổi dưới nhiều hình thức, như: Cuộc gặp giữa Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam và Ban Thường vụ Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) (tháng 2/2023); Cuộc gặp cấp cao giữa Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) Samdech Techo Hun Sen và Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith (ngày 6/9/2023); Cuộc ăn sáng và làm việc giữa ba Thủ tướng Việt Nam-Campuchia-Lào tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 (Indonesia, tháng 9/2023) và tại Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản (Nhật Bản, tháng 12/2023)…


Gần đây nhất, trong phát biểu tại Lễ kỷ niệm 47 năm Con đường lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot của Samdech Techo Hun Sen (ngày 20/6/2024), Thủ tướng Campuchia Samdech Moha Bovor Thipadei Hun Manet khẳng định các thế hệ lãnh đạo Campuchia ghi nhớ công ơn của Việt Nam đã hy sinh, giúp đỡ Campuchia thoát nạn diệt chủng Pol Pot và thế hệ trẻ cần gìn giữ đoàn kết, quan hệ láng giềng hữu nghị giữa hai nước.


Bên cạnh việc duy trì quan hệ tốt đẹp là nền tảng nòng cốt để định hướng cho tổng thể quan hệ giữa hai nước thì hợp tác trong an ninh-quốc phòng cũng ngày càng đi vào chiều sâu, trở thành trụ cột hợp tác vững chắc, góp phần quan trọng vào việc giữ vững ổn định, an ninh, chính trị, xã hội ở mỗi nước, đặc biệt là tại khu vực biên giới.


Hai nước đã hoàn thành phân giới cắm mốc được 84% đường biên giới trên thực địa và đã ký 2 văn kiện pháp lý ngày 5/10/2019 ghi nhận thành quả phân giới cắm mốc đã đạt được. Ngày 22/12/2020, hai nước đã phối hợp tổ chức Lễ trao đổi Văn kiện Phê chuẩn theo hình thức trực tuyến để hai văn kiện pháp lý về biên giới chính thức có hiệu lực. Hai bên đang nỗ lực đàm phán giải quyết 16% chưa hoàn thành phân giới cắm mốc để tiếp tục xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững.


Ngoài ra, các cơ chế hợp tác song phương quan trọng như Ủy ban hỗn hợp về Hợp tác Kinh tế, Văn hóa, Khoa học và Kỹ thuật; Hội nghị hợp tác và phát triển các tỉnh biên giới… được tổ chức thường xuyên và tiếp tục phát huy hiệu quả.
Hai nước cũng phối hợp chặt chẽ với nhau tại các diễn đàn quốc tế, khu vực và tiểu vùng, nhất là Liên hợp quốc, ASEAN và các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, cơ chế CLV, CLMV, ACMECS,... góp phần nâng cao uy tín và vị thế của mỗi nước ở khu vực và trên thế giới.

Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư phát triển nhanh chóng

 
Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của Campuchia (sau Trung Quốc và Hoa Kỳ) và là đối tác lớn nhất của Campuchia trong ASEAN. Hoạt động hợp tác thương mại giữa hai nước thường xuyên được xúc tiến bằng nhiều hoạt động của diễn đàn doanh nghiệp, hội chợ triển lãm, mở khu kinh tế cửa khẩu; xây dựng hành lang pháp lý, kết cấu hạ tầng phục vụ thương mại ngày càng gia tăng giữa hai bên.


Kim ngạch thương mại hai chiều có những bước phát triển ngoạn mục. Năm 2020, kim ngạch song phương đạt 5,32 tỷ USD; năm 2021 đạt 9,53 tỷ USD; năm 2022 có bước tăng trưởng đột phá, đạt 10,57 tỷ USD. Năm 2023, tuy chịu tác động bởi suy thoái kinh tế toàn cầu, kim ngạch thương mại giữa hai nước vẫn giữ mức cao, đạt 8,57 tỷ USD. Trong 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 4,6 tỷ USD. Hai bên kỳ vọng, kim ngạch thương mại song phương năm 2024 đạt mốc 10 tỷ USD trở lên. Từ đó sẽ góp phần từng bước hiện thực hóa mục tiêu mà Thủ tướng hai nước đã thỏa thuận trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Samdech Moha Bovor Thipadei Hun Manet (tháng 12/2023) là đưa kim ngạch thương mại giữa hai nước lên mốc 20 tỷ USD trong thời gian tới.


Về đầu tư, Việt Nam hiện có 205 dự án đầu tư còn hiệu lực ở Campuchia với tổng vốn đăng ký đạt 2,94 tỷ USD, đứng đầu ASEAN và trong 5 nước có đầu tư trực tiếp lớn nhất tại Campuchia, đồng thời đứng thứ 2 trong số 79 quốc gia và vùng lãnh thổ Việt Nam có đầu tư. Ở chiều ngược lại, Campuchia có 35 dự án có hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 76 triệu USD đang đầu tư tại Việt Nam.


Hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục, giao thông-vận tải, văn hóa-xã hội, du lịch, khoa học-kỹ thuật giữa hai nước cũng luôn được quan tâm đẩy mạnh. Đặc biệt công tác giải quyết giấy tờ pháp lý cho người gốc Việt tại Campuchia có bước tiến mới, là tiền đề cho việc tạo điều kiện ngày một tốt hơn cho cộng đồng người gốc Việt sinh sống, làm ăn ở Campuchia.
Quan hệ hợp tác giữa các bộ ngành, Quốc hội, các tổ chức đoàn thể quần chúng nhân dân hai nước cũng ngày càng đi vào chiều sâu. Các tỉnh giáp biên giới với nhau cũng có những hợp tác rất chặt chẽ, đặc biệt là về kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, về triển khai các dịch vụ y tế phục vụ người dân ở khu vực biên giới. Đồng thời, phối hợp cùng nhau ngăn chặn tội phạm xuyên biên giới, bảo đảm an ninh, an toàn cho các vùng biên của hai nước…

Trên nền tảng quan hệ tốt đẹp, chuyến thăm cấp Nhà nước đến Vương quốc Campuchia (ngày 12 và 13/7/2024) của Chủ tịch nước Tô Lâm có ý nghĩa rất quan trọng nhằm tiếp tục củng cố lòng tin chiến lược giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Campuchia (CPP), với Chủ tịch Đảng, Chủ tịch Thượng viện Samdech Techo Hun Sen và Thủ tướng Samdech Moha Bovor Thipadei Hun Manet, nhất là trong bối cảnh Campuchia có bộ máy lãnh đạo mới.


Theo Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Campuchia Nguyễn Huy Tăng, chuyến thăm cấp Nhà nước đến Campuchia lần này diễn ra ngay sau khi đồng chí Tô Lâm nhậm chức Chủ tịch nước, điều này một lần nữa khẳng định chủ trương, quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là luôn coi trọng việc tăng cường, củng cố, phát triển quan hệ với các quốc gia láng giềng, trong đó có Vương quốc Campuchia.


Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt thì khẳng định, chuyến thăm chắc chắn sẽ tạo xung lực mới, nhằm phát triển sâu sắc hơn, toàn diện hơn và mạnh mẽ hơn quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài Việt Nam-Campuchia; cũng như thúc đẩy hợp tác trong các khuôn khổ đa phương như tại ASEAN, các cơ chế hợp tác tiểu vùng sông Mekong và Liên hợp quốc./.

 

Theo TTXVN

       

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết