Cột cờ Hà Nội
1. Lịch sử văn hóa Việt Nam hiện đại và những bước phát triển tư duy lý luận
Kể từ khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời (1930) đến nay đã gần 100 năm. Trong gần 100 năm đó, văn hóa hiện đại Việt Nam vận động và phát triển mạnh mẽ, phong phú, phức tạp và có cả những thời điểm thăng trầm khó tránh khỏi, khi thực tiễn lịch sử xã hội biến động, biến đổi với những bước ngoặt lớn và khi bản thân văn hóa có nhu cầu nội tại đổi mới để phát triển. Do đặc điểm bao quát trên của văn hóa mà cần xác định rằng, luận điểm xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam “tiên tiến, đâm đà bản sắc dân tộc” không phải chi phối và định hướng phát triển cho toàn bộ nền văn hóa Việt Nam gần 100 năm qua. Mặt khác, sự lãnh đạo của Đảng đối với văn hóa cũng qua nhiều bước với nhiều thử thách, tìm tòi và xác định. Tư duy lý luận của Đảng về văn hóa cũng phải trải qua một quá trình không hề dễ dàng để từng bước, từng giai đoạn có những tổng kết từ thực tiễn và qua đó, định hướng cho sự phát triển của văn hóa.
Các bước phát triển đó đạt được những kết quả, thành tựu rõ rệt, đồng thời cũng bộc lộ những hạn chế khó tránh khỏi. Đó là sự thật lịch sử không nên, không thể né tránh, nhất là khi dân tộc chúng ta hiện nay đang bước vào một thời kỳ lịch sử mới đòi hỏi “tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới”, “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước”, “phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng XHCN” (Văn kiện Đại hội XIII-2021) - Một mục tiêu cao chưa từng có trong lịch sử dân tộc. Một thách thức lớn lao đối với toàn dân tộc. Từ cách đặt vấn đề như vậy, chúng ta nhìn lại chặng đường gần 100 năm qua và cố gắng chỉ ra những bước phát triển, định hướng chỉ đạo của Đảng đối với văn hóa. Có thể chỉ ra 5 dấu mốc quan trọng sau đây.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trò chuyện với các đại biểu tham dự Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021
tại Nhà Quốc hội - Ảnh: Báo Tuổi trẻ
1.1. Đề cương về văn hóa Việt Nam với luận điểm: Xây dựng nền văn hóa tân dân chủ về nội dung và dân tộc về hình thức. Có lẽ, cần làm rõ cơ sở thực tiễn và lý luận của luận điểm này vào thời kỳ 1943. Cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 2 đang diễn ra ác liệt - Chế độ độc tài phát xít đã làm cả thế giới rơi vào thảm họa chưa từng có, đồng thời cuộc đấu tranh cho dân chủ mới bùng lên mạnh mẽ. Văn hóa với nội dung “tân dân chủ” thành trào lưu rộng lớn chống phát xít. Ở trong nước, những biểu hiện của văn học nô dịch, văn hóa phong kiến lỗi thời đang tồn tại và có “đất sống”, đồng thời những mầm mống của văn hóa dân chủ, văn hóa cách mạng đang xuất hiện. Tuy trong điều kiện ngặt nghèo của hoạt động bí mật, tài liệu thiếu thốn nhưng với sự nhạy cảm, nắm bắt xu thế vận động của văn hóa Việt Nam, “Đề cương về văn hoá 1943” đã xác định hướng phát triển phải là “tân dân chủ”. Sự xác định đó tạo nên một bước ngoặt của sự phát triển văn hóa những năm sau, đặc biệt là văn hóa kháng chiến mà nội dung cơ bản của nó là nhân dân, là dân chủ, là “kháng chiến hóa văn hóa”. Tuy Đề cương đề cập đến yêu cầu “dân tộc” của văn hóa là một định hướng trúng và đúng, hoàn toàn phù hợp với bản chất của mọi nền văn hóa chân chính, song cụm từ “dân tộc về hình thức” trong Đề cương có phần hạn hẹp, không thể hiện đầy đủ yêu cầu về phẩm chất dân tộc của văn hóa. Có lẽ, luận điểm này vận dụng quan điểm trong “Điều lệ Hội nhà văn Liên Xô” (1934) khi nói văn học đa dân tộc của Liên bang Xô Viết phải “dân tộc về hình thức”. Hạn chế lịch sử như vậy là điều khó tránh khỏi khi thực tiễn những năm 1940-1943 đang trong một sự biến động khó lường và khi Đảng đang trong tình trạng hoạt động bí mật.
1.2. Mười bẩy năm sau, tại Đại hội Đảng lần thứ III (1960), khi nửa đất nước đã được giải phóng, miền Bắc hào hứng bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội, luận điểm trên trong “Đề cương 1943” đã được thay thế hoàn toàn bằng luận điểm mới: Xây dựng nền văn hóa “nội dung xã hội chủ nghĩa và tính chất dân tộc”. Luận điểm “nội dung xã hội chủ nghĩa” được thay thế cho “tân dân chủ về nội dung” nhằm khẳng định mục tiêu và lý tưởng XHCN, cao hơn giai đoạn trước của nền văn hóa mới khi chế độ mới, XHCN đang bắt đầu được xây dựng, tuy ít nhiều còn hiểu nó đơn giản như mô hình Xô Viết đang khởi sắc lúc bấy giờ. Đặc biệt, cụm từ “dân tộc về hình thức” đã được thay thế bằng “tính chất dân tộc”, có nghĩa là, tính dân tộc của văn hóa đã bao hàm trong nó cả nội dung và hình thức, cũng có nghĩa là nhận thức sâu hơn về phẩm chất dân tộc của văn hóa. Rõ ràng, đó là sự điều chỉnh quan trọng và bước tiến trong nhận thức lý luận về văn hóa.
1.3. Hai mươi bẩy năm sau, từ 1960 đến 1987, trong Nghị quyết 05 của Bộ chính trị (khóa VI), tức là một năm sau đổi mới, cả hai vế trên trong Văn kiện Đại hội III (1960) một lần nữa, lại được điều chỉnh cơ bản. Nghị quyết 05 xác định “xây dựng nền văn hóa xã hội chủ nghĩa, đậm đà bản sắc dân tộc”. Cụm từ “nội dung xã hội chủ nghĩa” được mở rộng hơn, thay thế bằng sự khái quát nhằm chỉ ra mục tiêu chính trị, hệ ý thức của toàn bộ nền văn hóa. Đồng thời, nhận thức sâu hơn, phẩm chất, đặc trưng dân tộc của một nền văn hóa, cụm từ “tính chất dân tộc” được chuyển thành “đậm đà bản sắc dân tộc” nhằm nhấn mạnh hơn yêu cầu tính dân tộc của văn hóa Việt Nam đương đại. Với cụm từ “văn hóa xã hội chủ nghĩa” nhằm nhấn mạnh ý thức hệ của nền văn hóa, điều điều đó không sai xét về mặt bản chất xã hội của văn hóa, song đã thu hẹp tính đa dạng, phong phú và ít nhiều bộc lộ ý chí luận khi chỉ yêu cầu ý thức hệ đối với văn hóa. Rất mừng là chỉ sau 4 năm, quan điểm trên đã được thay thế, điều chỉnh.
1.4. Vào năm 1991 (sau Nghị quyết 05 bốn năm) trong “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”, một lần nữa, luận điểm trên có sự đổi mới rất quan trọng. Cụm từ “Văn hóa xã hội chủ nghĩa” trong Nghị quyết 05 được thay thế bằng “Văn hóa tiên tiến” và giữ nguyên cụm từ “đậm đà bản sắc dân tộc” và khẳng định nền văn hóa đó là một trong 6 đặc trưng của chủ nghĩa xã hội theo quan điểm của chúng ta. (Sau này, khi bổ sung Cương lĩnh vào năm 2011 đã xác định 8 đặc trưng). Tuy vậy, Cương lĩnh 1991, do tính chất khái quát cao và cần cô đọng nhất nên nội hàm của luận điểm về văn hóa trên chưa được đề cập đến.
1.5. Bảy năm sau Cương lĩnh 1991, vào năm 1998, Nghị quyết Trung ương 5 về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” đã trình bầy khái quát nội hàm của luận điểm trên. Có người hỏi, vậy bước phát triển tư duy lý luận về văn hóa trong luận điểm này ở đâu? Cũng có ý kiến cho rằng, phải chăng, trong luận điểm này có bước lùi về hệ tư tưởng khi bỏ khái niệm “xã hội chủ nghĩa” để thay thế bằng khái niệm “tiên tiến”. (Nhớ lại, vào những năm này, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu đã tan rã). Như vậy, cái tên của Nghị quyết 5 (khóa VIII, 1998) không đơn thuần là đặt tên một cách hình thức, mà chứa đựng những nội dung mới và rất cơ bản của Nghị quyết này. Thực ra, trong quá trình lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết đã có tới 10 tên khác nhau được đề xuất. Bộ chính trị đề nghị lấy tên trên vì trước hết “là thể hiện được sự nhất quán về khái niệm đã xác định trong Cương lĩnh chính trị năm 1991” và thể hiện rõ sự phát triển tư duy của Đảng về văn hóa, khắc phục hạn chế về nhận thức trong thời kỳ trước.
Thực ra, một thời gian dài, chúng ta đã qui chiếu toàn bộ nền văn hóa theo yêu cầu “nội dung xã hội chủ nghĩa” và “xã hội chủ nghĩa” mà không chú ý đúng mức đến phẩm chất nhân văn, tiến bộ, dân chủ và tính đa dạng, phong phú của một nền văn hóa. Đặc điểm đó của văn hóa tạo nên vẻ đẹp, đặc trưng và sự giàu có về tinh thần của một dân tộc, vì thế không nên soi chiếu tất cả các sản phẩm văn hóa chỉ theo chuẩn mực ý thức hệ, mà phải lấy thước đo là tính tiên tiến, tiến bộ, nhân văn của nó.
Nếu chỉ lấy chuẩn mực “nội dung xã hội chủ nghĩa” thì vô hình chung, chúng ta đã gạt ra ngoài hai thành tố không thể thiếu tạo nên tính phong phú, đa dạng của văn hóa Việt Nam đương đại, đó là những giá trị yêu nước, nhân văn, tiến bộ, dân chủ, dân tộc của lịch sử hàng ngàn năm văn hóa dân tộc và đó là những tinh hoa, thành tựu của văn hóa thế giới. Hai thành tố đó là một bộ phận hữu cơ không thể tách rời với nền văn hóa mới, cùng với những sản phẩm văn hóa đương đại mà “nội dung cốt lõi là lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội” (văn kiện Hội nghị lần thứ năm BCHTW khóa VIII, tr.55-56) tạo nên diện mạo, sự phong phú, đa dạng của “nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Tính biện chứng trong tư duy giữa sự kiên định “nội dung cốt lõi” với sự am tường đặc trưng tổng quát của văn hóa thể hiệu sáng rõ trong luận điểm mới này.
Như vậy, tất cả các cụm từ “tân dân chủ”, “nội dung xã hội chủ nghĩa”, “văn hóa xã hội chủ nghĩa” “dân tộc về hình thức”, “tính chất dân tộc” trong các Nghị quyết trước, sau khoảng gần 50 năm (từ 1943 đến 1991-1998) đã được thay thế bằng luận điểm mới “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Từ thực tiễn đó, có thể khẳng định rằng, quá trình tìm tòi trên gắn liền với sự phát triển tư duy lý luận của Đảng về văn hóa, vừa là kết quả của sự tổng kết thực tiễn một cách khoa học vừa là khẳng định định hướng cốt lõi phát triển văn hóa trong thời gian tới.
2. Cảm nhận về đặc trưng của nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc
Nếu kể từ Nghị quyết TW 5 khóa VIII, từ 1998 đến nay, chúng ta mới triển khai xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam theo tinh thần và nội dung của Nghị quyết được khoảng 25-26 năm, Đối với văn hóa, thời gian đó không dài, nếu không muốn cho rằng, còn rất ngắn, cho nên việc xác định đặc trưng (có tính đã định hình) của “nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” là sớm, vì vậy, bài viết chỉ dừng lại ở “cảm nhận” - cả trên hai phương diện lý luận và thực tiễn.
2.1. Điều giản dị đầu tiên là cảm nhận về tính biện chứng của luận điểm này.
Trên một vài tờ báo, tạp chí, có đăng tải các tiểu luận phân tích luận điểm trên và có thêm một từ “và” trong luận điểm để trở thành “nền văn hóa tiên tiến VÀ đậm đà bản sắc dân tộc”. Tưởng rằng chỉ là một chi tiết ngôn ngữ nhỏ “tiện tay” thêm vào, nhưng thực sự bộc lộ sự chưa hiểu tiết thấu đáo luận điểm này. Đây không phải là hai thành tố độc lập, đồng đẳng đứng cạnh nhau (như A và B, như Tôi và Anh), mà là sự xuyên thấm vào nhau tạo thành một thực thể mới - nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Vì hiểu sai nên dẫn đến chỉ đạo, quản lý, hoạt động thực tiễn văn hóa chệch hướng (như sự xuất hiện những tác phẩm “bắt chước”, “mê tín” cái được cho là “hiện đại” của phương Tây mà xa rời, thậm chí làm méo mó bản sắc dân tộc hoặc phục hồi không chọn lọc những lễ hội quá khứ, giữ nguyên hoặc “phát triển” những hủ tụ lạc hậu, mê tín và cả nạn cờ bạc... có trong một số lễ hội truyền thống).
Điều đó có nghĩa là, để xây dựng và phát triển văn hóa thành một trong các đặc trưng của chủ nghĩa xã hội Việt Nam, phải thấu hiểu sâu sắc cả về lý luận và chỉ đạo thực tiễn đặc trưng của nền văn hóa đó, mà nội dung căn cốt nhất là sự gắn kết hài hòa, xuyên thấm vào nhau hai vế tiên tiến với đậm đà bản sắc dân tộc để tạo nên diện mạo, đặc trưng, phẩm chất tổng hợp của nền văn hóa Việt Nam hiện đại. Điều đó cũng có nghĩa là chúng ta sẽ chưa có hoặc không có chủ nghĩa xã hội đích thực và hoàn thiện nếu không xây dựng và phát triển bền vững nền văn hóa đó, làm nền tảng tinh thần cho xã hội mà chúng ta mong ước: Chủ nghĩa xã hội Việt Nam.
2.2. Từ đặc trưng trên, dễ dàng nhận thấy rằng, việc tách ra để làm rõ nội hàm của từng vế chỉ có ý nghĩa tương đối, một “thao tác khoa học” cần thiết. Song, khi phân tích giá trị của một sản phẩm văn hóa, tác phẩm văn học, nghệ thuật, có lẽ, không nên bóc tách một cách máy móc, “cơ học” như vậy, mặc dầu có thể nhấn mạnh cái đặc sắc, độc đáo nổi trội có trong tính tổng hợp của nó.
Về phẩm chất “tiên tiến” được xác định bởi những đặc trưng cơ bản sau: Yêu nước, nhân văn, tiến bộ (xét theo đặc điểm lịch sử cụ thể của dân tộc, của thời đại, của nhân loại), yêu thương, trân trọng, đấu tranh và bảo vệ con người vì hạnh phúc và tự do của con người. Trong sự phát triển phong phú của các giá trị đó, đối với văn hóa đương đại, “nội dung cốt lõi”, “dòng mạch chính” của nó “là lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội theo chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh”. Như vậy, khái niệm “tiên tiến” rộng hơn rất nhiều so với các khái niệm trước đây, hoàn toàn phù hợp với quy luật đặc thù, đặc trưng của sáng tạo và hoạt động văn hóa. Ở đây có sự thống nhất giữa kiên định và định hướng mở, góp phần tạo ra không gian sáng tạo rộng mở cho văn hóa, văn học, nghệ thuật.
Về “đậm đà bản sắc dân tộc”, như Nghị quyết TW5 (1998) đã xác định khái quát “bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc VN được vun đắp nên qua lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước... Bản sắc văn hóa dân tộc còn đậm đà cả trong hình thức biểu hiện mang tính dân tộc độc đáo”. Nghị quyết xác định một số giá trị “chủ yếu, nổi bật nhất”, nhưng đồng thời cũng rất thận trọng khi trong “Bản trình bày ý kiến của Bộ Chính trị trước Hội nghị: “Bản sắc dân tộc còn có thể cân nhắc, thêm, bớt” (NQTW5-tr23). Thực tiễn sáng tạo và nghiên cứu văn hóa những năm qua cho chúng ta nhận thấy, ý kiến trên là hoàn toàn chuẩn xác. Bản sắc dân tộc vừa mang tính “định hình” vừa có sự biến đổi, tuy chậm chạp, nhưng đang diễn ra, đang biến động. Mặt tích cực, các giá trị bền vững đang chiếm ưu thế, song mặt tiêu cực, hạn chế, thói hư, tật xấu đang có nguy cơ lan tràn, khó kiểm soát. Trong sáng tạo văn hóa, văn nghệ, những tìm tòi táo bạo được khuyến khích khi xử lý thuyết phục giữa truyền thống và hiện đại, đồng thời xuất hiện không ít sản phẩm lai căng, “mê muội” văn hóa ngoại lai dẫn tới sự lệch chuẩn khi tiếp nhận văn hóa.
2.3. Cần nhấn mạnh hơn nữa trong nhận thức, đặc biệt trong chỉ đạo thực hiện một vai trò, một đặc trưng quan trọng bậc nhất của “nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, đó là nền văn hóa này phải trở thành mục tiêu cao nhất, cuối cùng của mọi lĩnh vực hoạt động trong xã hội xã hội chủ nghĩa. Độ vênh giữa nhận thức lý thuyết và chỉ đạo, tổ chức thực tiễn vẫn đang là thực trạng chưa khắc phục nổi hiện nay. Nếu đưa luận điểm sau đây vào thực tiễn chắc chắn rằng sẽ có bước ngoặt hay bước “đột phá” (như văn kiện Đại hội XIII đã xác định) trong hoạt động và kết quả chỉ đạo thực tiễn: “Xây dựng và phát triển kinh tế phải nhằm mục tiêu văn hóa, vì xã hội công bằng, văn minh, con người phát triển toàn diện” (Thế giới đã minh chứng rằng, ở một đất nước, dân cảm thấy sống hạnh phúc nhất lại không phải là các nước có thu nhập đầu người cao nhất!).
Mục tiêu cao nhất của phát triển kinh tế là văn hóa. Mục tiêu cao nhất của phát triển văn hóa là xây dựng con người phát triển toàn diện và hạnh phúc. Lý thuyết “thuộc lòng” là như vậy. Nhưng trong thảo luận chuẩn bị cho Nghị quyết 33-NQ/TW (khóa XI, 2014) vẫn có ý kiến “bỏ từ “con người” vì sợ trùng với khái niệm văn hóa”. Còn trong thực tiễn “không ít trường hợp đã hiểu sai lệch, coi văn hóa là những công việc, những hoạt động trên lĩnh vực văn hóa (như múa hát, biểu diễn, lễ hội...) không tập trung cho mục tiêu trọng tâm, cốt lõi là xây dựng con người” (Văn kiện Hội nghị lần thứ chín BCHTW khóa XI - tr. 23-24): Yêu cầu từ thực tiễn đòi hỏi phải thay đổi thực chất và cơ bản nhận thức về hai nội dung cực kỳ hệ trọng trên.
2.4. Một thời gian dài, chúng ta đề cao vấn đề về phương pháp sáng tác, có lúc coi đó như là nguyên tắc, trong đó khẳng định phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa là tốt nhất, là ưu việt hơn cả, đến mức coi là duy nhất và mặt khác, đánh giá thấp hoặc phủ nhận các phương pháp khác. Thực ra, chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, cũng như cách phương pháp và trào lưu khác, có vai trò và cả hạn chế lịch sử của nó. Nhận thức được điều đó, từ đổi mới đến nay, đặc biệt từ khi xác định định hướng phát triển văn hoá Việt Nam “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, chúng ta đã có cách nhìn khách quan, khoa học, cởi mở hơn. Trong nội hàm và đặc trưng của nền văn hóa này không có “ép” vào một phương pháp hay phong cách nào miễn là sáng tạo “vì mục đích đáp ứng đời sống tinh thần lành mạnh, bổ ích cho công chúng” và người sáng tạo thấu hiểu trách nhiệm công dân của mình. Vì vậy, Nghị quyết TW5 (khóa VIII) khẳng định “khuyến khích tìm tòi thể nghiệm mọi phương pháp, mọi phong cách sáng tác" và Nghị quyết TW9 (khóa XI) tiếp tục xác định “phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật, tạo mọi điều kiện cho sự tìm tòi, sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ để có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân tộc, dân chủ, tiến bộ...”.
Đặc trưng trên của nền văn hóa Việt Nam “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” đã mở ra con đường sáng tạo tự do và thể nghiệm mạnh bạo, tạo điều kiện bộc lộ tiềm năng, năng lực, tài năng của người sáng tạo văn hóa, văn học, nghệ thuật. Thực tiễn những năm qua cho chúng ta nhận rõ giá trị của một luận điểm, quan điểm nói trên. Không gian sáng tạo văn hóa Việt Nam đang báo hiệu những tìm tòi, thể nghiệm và thành tựu mới, tuy những thách thức phía trước đang đòi hỏi ngày càng lớn hơn đối với sự nghiệp “xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bàn sắc dân tộc”.
GS.TS Đình xuân Dũng