Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Phát huy hiệu quả chính sách bảo hiểm y tế, hướng tới bảo hiểm y tế toàn dân

Ngày phát hành: 09/07/2024 Lượt xem 304

 

Với trên 93% dân số có thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT), có thể khẳng định rằng, chính sách BHYT đã thực sự đi vào cuộc sống, trở thành một trong những biện pháp hiệu quả nhất bảo vệ người dân trước những rủi ro về sức khỏe, giúp giảm thiểu chi phí trong khám, chữa bệnh, qua đó góp phần quan trọng thực hiện công bằng xã hội trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân.


 Biện pháp hiệu quả bảo vệ người dân trước những rủi ro về sức khỏe

 
BHYT là một trong 9 nội dung được quy định trong Công ước 102 ngày 28/6/1952 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về các tiêu chuẩn tối thiểu về an sinh xã hội.


Ở Việt Nam, BHYT “là loại bảo hiểm do Nhà nước tổ chức, quản lý nhằm huy động sự đóng góp của cá nhân, tập thể và cộng đồng xã hội để chăm lo sức khỏe, khám bệnh và chữa bệnh cho Nhân dân” (theo Từ điển bách khoa Việt Nam). Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT (Luật BHYT 2014), “BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với các đối tượng theo quy định của Luật này để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện”.


Tuy khái niệm khác nhau, nhưng về bản chất, BHYT là hình thức huy động nguồn lực tài chính của cộng đồng, dưới sự tổ chức và bảo hộ của Nhà nước, thực hiện nguyên lý chia sẻ rủi ro, lấy tài chính từ đóng góp của số đông người khỏe mạnh, bù đắp chi phí cho số ít người không may rủi ro đau ốm phải đi khám, chữa bệnh.


Lợi ích của việc tham gia BHYT bao gồm: được cấp thẻ BHYT miễn phí (với trẻ em dưới 6 tuổi); được Nhà nước hỗ trợ kinh phí khi tham gia (với các đối tượng thuộc hộ nghèo; hộ cận nghèo; tham gia theo hộ gia đình; người dân tộc thiểu số; học sinh, sinh viên…); được lựa chọn cơ sở khám, chữa bệnh gần địa chỉ nơi đang sinh sống để đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu và có thể thay đổi nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu. Khi khám, chữa bệnh đúng quy định được quỹ BHYT chi trả từ 80-100% chi phí khám, chữa bệnh tùy từng đối tượng. Qua đó, giúp người tham gia BHYT giảm gánh nặng về chi phí khám, chữa bệnh khi không may ốm đau, tai nạn, đặc biệt đối với những trường hợp bệnh nặng, bệnh mãn tính điều trị kéo dài...


Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, tham gia BHYT mang lại rất nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, nhất là các gia đình có mức thu nhập thấp khi không may đau ốm đau, bệnh tật. Người tham gia BHYT được quỹ BHYT thanh toán số tiền khám, chữa bệnh không giới hạn theo phạm vi, mức hưởng, có thể lên tới hàng tỷ đồng/năm. Qua đó, BHYT đã giúp nhiều người vượt qua những khó khăn về kinh tế. BHYT còn mang ý nghĩa nhân đạo cộng đồng sâu sắc vì khi mọi người cùng nhau tham gia BHYT, người khỏe sẽ hỗ trợ cho người bệnh. Qua đó, góp phần quan trọng thực hiện công bằng xã hội trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân.



 

Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 93,35%

 
Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến chính sách BHYT. Đặc biệt, ngày 7/9/2009 Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 38-CT/TW về “Đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới”. Sau 15 năm triển khai, với sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, các nội dung của Chỉ thị số 38 đã thực sự đi vào cuộc sống, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về việc thực hiện chính sách BHYT từ Trung ương đến địa phương.


Cùng với đó, Luật BHYT và các văn bản quy phạm hướng dẫn Luật BHYT đã được tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả. Ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cũng đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển bền vững tỷ lệ người tham gia BHYT. Bên cạnh đẩy mạnh truyền thông vận động, khuyến khích người dân chủ động, tích cực tham gia BHYT, toàn ngành BHXH Việt Nam còn tích cực triển khai “Chương trình mang Tết ấm cho người có hoàn cảnh khó khăn được tham gia BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình”. Kết quả, trong 4 năm (2020-2023), đã có khoản 412.700 người có hoàn cảnh khó khăn được tham gia BHYT hộ gia đình; số người được trao tặng thẻ BHYT tăng qua từng năm, cụ thể: năm 2021 là 10.180 người; năm 2022 là 128.338 người và năm 2023 là 274.206 người.


Với sự vào cuộc của các ngành, các cấp ủy đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ giữa ngành BHXH Việt Nam và ngành y tế; công tác tổ chức, thực hiện chính sách pháp luật BHYT ở nước ta đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật.


Theo đó, số người tham gia BHYT ngày càng gia tăng. Nếu như năm 2008, cả nước chỉ có 39,7 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ 46,1% dân số thì đến cuối năm 2023, cả nước đã có 93,6 triệu người tham gia BHYT, tăng gấp 2,3 lần so với năm 2008, đạt tỷ lệ 93,35% dân số, tiệm cận với mục tiêu BHYT toàn dân.


Hằng năm, bình quân có trên 150 triệu lượt người khám, chữa bệnh BHYT với số tiền quỹ BHYT chi trả trên 100 nghìn tỷ đồng. Trong đó, nhiều trường hợp người bệnh được chi trả lên tới nhiều tỷ đồng/năm. Ngoài việc chi trả chi phí khám, chữa bệnh thông thường, Quỹ BHYT còn chi trả cho nhiều người mắc các bệnh hiểm nghèo, bệnh mạn tính như: Hemophilia (bệnh rối loạn đông máu di truyền), ung thư, tim mạch, suy thận... Vì vậy, thẻ BHYT được nhiều người dân coi như "phao cứu sinh", là "thẻ hộ mệnh" của bản thân và gia đình.


Cùng với tỷ lệ dân số tham gia BHYT ngày càng tăng, quyền lợi hưởng BHYT của người tham gia cũng ngày càng được mở rộng ở cả phạm vi và mức hưởng BHYT. Theo đó, hệ thống khám, chữa bệnh BHYT được tổ chức từ trung ương đến địa phương, bao gồm các cơ sở khám, chữa bệnh công lập và tư nhân, tạo điều kiện thuận lợi giúp người dân dễ dàng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT. Bên cạnh đó, chất lượng khám, chữa bệnh BHYT ngày càng cải thiện, người dân được tiếp cận nhiều dịch vụ y tế hiện đại (các phẫu thuật, thủ thuật cao, chi phí lớn như: phẫu thuật bằng robot, phẫu thuật thay khớp, thay đĩa đệm cột sống, đặt máy tạo nhịp tim…); nhiều thuốc mới, hiệu quả cao (thuốc điều trị ung thư, thuốc điều trị bệnh hiếm, thuốc điều trị bệnh máu không đông, thuốc tim mạch…).


Ước tính đến hết tháng 6/2024, cả nước có khoảng 89,552 triệu lượt người khám, chữa bệnh BHYT nội trú và ngoại trú (tăng 7,91% so với cùng kỳ năm 2023) với số tiền giám định, thanh toán hơn 66,92 nghìn tỷ đồng.


Việc gia tăng số người tham gia BHYT, cũng như gia tăng số lượt khám, chữa bệnh BHYT trên toàn quốc cho thấy chính sách BHYT đang đi đúng định hướng và đã trở thành một biện pháp hiệu quả góp phần bảo đảm an sinh xã hội, chăm sóc hiệu quả sức khỏe Nhân dân.

 Phát huy hiệu quả chính sách BHYT, hướng tới BHYT toàn dân

 
Tại lễ mít tinh kỷ niệm 15 năm ngày BHYT Việt Nam (ngày 1/7/2024), Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, để tiếp tục thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về mục tiêu BHYT toàn dân, nâng cao chất lượng, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, ngành BHXH Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự phối hợp của các cấp, các ngành; sự chung tay của toàn xã hội trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT.


Để phát huy tốt nhất hiệu quả chính sách, hướng tới BHYT toàn dân, ngành BHXH Việt Nam và ngành y sẽ tế tiếp tục phối hợp chặt chẽ, đề xuất mở rộng các quyền lợi và phạm vi chi trả cho người tham gia BHYT; ban hành các quy trình, quy chế, công cụ kiểm soát chặt chẽ chi phí khám, chữa bệnh BHYT, quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn quỹ BHYT, giảm chi phí không cần thiết, tiết kiệm, ngăn chặn tình trạng lạm dụng, trục lợi, sử dụng lãng phí quỹ BHYT để tập trung mọi nguồn lực cho KCB, đặc biệt là các bệnh hiếm, bệnh mạn tính, bệnh hiểm nghèo và nhóm người có hoàn cảnh khó khăn.


Về mục tiêu bao phủ BHYT trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ đã ký, ban hành Quyết định số 281/QĐ-TTg ngày 5/4/2024 về kế hoạch triển khai thực hiện chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới. Trong đó, một trong những nội dung quan trọng được nêu trong quyết định này là: Phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ tham gia BHYT đạt trên 95% dân số; trên 95% người dân sử dụng dịch vụ chăm sóc ban đầu tại y tế cơ sở được BHYT chi trả; trên 95% dân số được quản lý sức khoẻ; người có nguy cơ cao mắc bệnh được kiểm tra sức khoẻ ít nhất mỗi năm một lần, hướng tới kiểm tra sức khoẻ định kỳ cho toàn dân.


Hiện nay, người dân có thể sử dụng đa nền tảng khi đi khám, chữa bệnh bằng Căn cước công dân (CCCD), ứng dụng VssID - BHXH số, ứng dụng định danh điện tử VNeID. Với việc triển khai khám, chữa bệnh BHYT bằng CCCD, người bệnh BHYT chỉ cần sử dụng CCCD để làm thủ tục khám, chữa bệnh, giúp đơn giản hóa thủ tục, tiết kiệm thời gian cho cả người bệnh và cán bộ y tế, cơ quan BHXH cũng tiết kiệm được chi phí in và phát hành thẻ BHYT. Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam đang thí điểm xác thực thông tin sinh trắc trên CCCD gắn chip trong khám, chữa bệnh BHYT. Qua đó giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác khám, chữa bệnh BHYT, đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người tham gia./.

 

Theo TTXVN



Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết