Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Đào tạo trực tuyến góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực 4.0

Ngày phát hành: 15/10/2018 Lượt xem 2358

Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tất cả các lĩnh vực của cuộc sống sẽ được kết nối với nhau nhờ vào sự phát triển của công nghệ, internet kết nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, tự động hóa… Cùng với việc tăng cường kết nối các nhà khoa học trong và ngoài nước để tận dụng mọi nguồn lực chất xám cho công cuộc phát triển công nghiệp của Việt Nam, nhiều chuyên gia công nghệ cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 chỉ có thể đạt được kết quả, mang đến những đột phá cho Việt Nam khi chúng ta chú trọng đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng những yêu cầu của cuộc chuyển đổi công nghệ số đang diễn ra mạnh mẽ khắp toàn cầu. 
1. Học trực tuyến -  lựa chọn ưu tiên
Trong cuộc đua cách mạng số, các quốc gia không thể chỉ dựa vào lợi thế về vốn, công nghệ và tài nguyên khoáng sản sẵn có, mà phải tìm đến các lợi thế khác về năng lực sáng tạo và khai thác trí tuệ con người. Để nhanh chóng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực sẵn có, cũng như đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển khoa học công nghệ, theo chuyên gia nghiên cứu về đào tạo trực tuyến Kim Chi Yeon, đại diện Tập đoàn Meganext (Hàn Quốc) tại Việt Nam, việc lựa chọn các khóa học ngắn, trực tuyến sẽ giúp người lao động tích luỹ thêm kỹ năng, kinh nghiệm cần thiết. Trong tương lai, các khóa học bổ sung, cập nhật kiến thức công nghệ mới sẽ hạn chế nguy cơ có thể bị mất việc do sự thay thế của robot đối với đông đảo lực lượng lao động phổ thông. Ông Kim Chi Yeon chia sẻ, tại Hàn Quốc, loại hình đào tạo trực tuyến được đầu tư phát triển từ nhiều năm nay. Nhờ có sự hỗ trợ trực tiếp từ Chính phủ Hàn Quốc, người dân học trực tuyến rất phổ biến. Việt Nam với lợi thế dân số trẻ, sử dụng công nghệ tốt, hạ tầng công nghệ thông tin được đầu tư… sẽ là những điều kiện thuận lợi để thị trường đào tạo trực tuyến ở Việt Nam sẽ phát triển trong tương lai.  
Khoảng 3 năm trở lại đây, học trực tuyến (E-learning) được đánh giá là một thị trường tiềm năng bởi E-learning tháo gỡ được bài toán về thời gian, giảm bớt học phí đào tạo đối với cả người đang đi làm và doanh nghiệp. Các doanh nghiệp tận dụng loại hình đào tạo trực tuyến để số hóa các tài liệu đào tạo nội bộ, đưa lên trang thông tin chung của doanh nghiệp. Với những tài liệu trực tuyến có sẵn, doanh nghiệp không cần phải tổ chức đào tạo trực tiếp mỗi khi tuyển nhân viên mới. Đặc biệt, người lao động trong doanh nghiệp có thể dễ dàng học những khóa học ngắn, đáp ứng các yêu cầu của doanh nghiệp dựa trên thư viện học liệu trực tuyến sẵn có. Anh Lê Khắc Anh (Hà Nội) chia sẻ: “Tôi đã học E-learning từ khi còn đi học đại học, chủ yếu là học tiếng Anh. Khi đi làm cho doanh nghiệp, tôi được công ty cho học các khóa học ngắn trên mạng. Nhờ đó, tôi đã có thể tự lựa chọn các kỹ năng cần học như cách viết e-mail, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng cho người quản lý… Nhiều thư viện E-learning có giao diện đơn giản, dễ học, giúp tôi dễ dàng tiếp thu nội dung đã được học”.
Theo nghiên cứu của LinkedIn, thông qua các hoạt động đào tạo, phát triển kỹ năng, nghiệp vụ cho nhân viên, doanh nghiệp có thể giữ chân được 94% nhân sự. Tuy nhiên, để hạn chế tối đa chi phí đào tạo của doanh nghiệp, 90% các doanh nghiệp lớn trên thế giới sử dụng E-learning để đào tạo nhân viên. Với việc cung cấp chương trình đào tạo trực tuyến cho 65% các doanh nghiệp lớn nhất của Hoa Kỳ (trong bảng xếp hạng Fortune 500), như là Google, Amazon, Big Four, Cocacola, Unilever…tập đoàn E-learning Skillsoft (Hoa Kỳ) là một trong số những tập đoàn giáo dục trực tuyến nổi tiếng thế giới. Tập đoàn E-learning Skillsofft đã hợp tác với Công ty NexEdu Việt Nam để tổ chức việt hóa các bài giảng trực tuyến sao cho phù hợp với các yêu cầu học trực tuyến của người Việt. Anh Ngô Đức Duy, Công ty Cổ phần đào tạo NexEdu Việt Nam chia sẻ: Chúng tôi làm các video để cung cấp các khóa học kỹ năng mềm cho học viên. Các video kết hợp thuyết minh với hình ảnh minh họa rõ ràng, cụ thể sẽ giúp người học dễ dàng tiếp cận với kiến thức. Công ty Cổ phần đào tạo NexEdu Việt Nam đã Việt hóa được hơn 300 khóa học thông dụng về các kỹ năng mềm, thư viện E-learning có hơn 2.500 khóa học trực tuyến, khoảng 150.000 sách, bài giảng audio, video… để người học có thể chủ động tìm kiếm. Ưu điểm của E-learning là mỗi bài học chỉ kéo dài từ 30-60 phút nên mọi người, đặc biệt là nhân viên công sở có thể tranh thủ học bất cứ khi nào, bất cứ ở đâu. Đồng thời, học phí của E-Learning rẻ hơn nhiều so với đào tạo trực tiếp. Học viên tiết kiệm được thời gian, chi phí di chuyển và luôn được chủ động lựa chọn thời gian, trình độ khi lựa chọn học bằng hình thức E-learning. 
2. Chìa khóa phát triển chất lượng nguồn nhân lực
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nhận định: Đào tạo trực tuyến cùng với ứng dụng công nghệ thông tin sẽ là chìa khóa để Việt Nam tập trung phát triển nguồn nhân lực trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, thời gian qua, ngành Giáo dục đã đẩy mạnh dạy học ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động giáo dục, gắn liền với tiếng Anh. Từ ở những cấp rất nhỏ, cũng cần đổi mới sáng tạo trong giáo dục gắn liền với việc đẩy mạnh đào tạo công nghệ thông tin và tiếng Anh. Đây là tiền đề, điều kiện quan trọng, trang bị cho kỹ năng căn bản cho học sinh, sinh viên sau này là người lao động có khả năng tự nâng cao trình độ, kiến thức của mình thông qua hình thức học trực tuyến.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn FPT cũng đồng tình với quan điểm học tập trực tuyến sẽ là giải pháp phù hợp khi muốn tăng chất lượng nguồn nhân lực. Song song với đó, ông Trương Gia Bình nhấn mạnh đến việc cần phải chú trọng đến việc đào tạo ngoại ngữ cho lực lượng lao động nói chung và nhân lực ngành công nghệ thông tin nói riêng. 
Theo nghiên cứu của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc, Đông Nam Á đang trong giai đoạn chuyển đổi công nghệ, sẽ dẫn tới quá trình thay đổi việc làm của con người. Dự báo ngành sản phẩm điện - điện tử có khoảng 3/4 lao động làm công ăn lương có thể sẽ bị thay thế bởi robot trong vòng 10 đến 15 năm tới. Cuộc đua trong kỷ nguyên số lần này sẽ không chỉ dựa vào lợi thế về vốn, công nghệ và tài nguyên khoáng sản sẵn có; mà bất cứ ai cũng phải tìm đến các lợi thế về năng lực sáng tạo cũng như liên tục cập nhật kỹ năng và kiến thức thông qua việc học tập trực tuyến những kỹ năng mềm, ngoại ngữ cũng như không ngừng đổi mới và sáng tạo./.

 


Ngọc Bích TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết