Thứ Năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024

Khái quát về các xu hướng phát triển và vai trò của chủ nghĩa tư bản trong giai đoạn mới (phần 1)

Ngày phát hành: 06/11/2024 Lượt xem 338

 

 

Nhìn nhận đúng về xu hướng phát triển và vai trò của chủ nghĩa tư bản hiện đại trong giai đoạn mới là việc không dễ dàng; nhất là trong bối cảnh sự phát triển của thế giới đang diễn ra rất phức tạp, đa chiều, đa diện, mang tính đột biến. Tuy nhiên, có thể từ thực trạng phát triển và vai trò của chủ nghĩa tư bản hiện nay, nhất là của các nước phát triển, cùng với xu hướng phát triển chung của thế giới, để “ngoại suy”, dự báo về sự phát triển của chủ nghĩa tư bản hiện đại trong giai đoạn mới.

 

Qua đánh giá của các giới chuyên gia cũng như thực tế cho thấy, chủ nghĩa tư bản, mặc dù chứa đựng những bản chất “tiêu cực” về “bóc lột giá trị thặng dư”, đang còn gây cho nhân loại không ít bất công; nhưng với “sứ mạng lịch sử” của nó, chủ nghĩa tư bản hiện đại đã có những đóng góp to lớn cho sự phát triển của nhân loại, như Tổng Bí thư Nguyên Phú trọng đã nêu: “Chúng ta thừa nhận rằng, chủ nghĩa tư bản chưa bao giờ mang tính toàn cầu như ngày nay và cũng đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, nhất là trong lĩnh vực giải phóng và phát triển sức sản xuất, phát triển khoa học - công nghệ. Nhiều nước tư bản phát triển, trên cơ sở các điều kiện kinh tế cao và do kết quả đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, đã có những biện pháp điều chỉnh, hình thành được không ít các chế độ phúc lợi xã hội tiến bộ hơn so với trước”[1]. Sở dĩ chủ nghĩa tư bản đóng được vai trò như vậy, vì nó đã, đang phát triển và “chiếm lĩnh” các đỉnh cao chi phối sự phát triển của thế giới, thể hiện trên các phương diện chủ yếu sau.

 

1. Chủ nghĩa tư bản tiếp tục phát huy vai trò trong những lĩnh vực chủ yếu, thể hiện sự chi phối của chủ nghĩa tư bản

 

Chủ nghĩa tư bản được xác lập trên thế giới như một hình thái kinh tế - xã hội tại Hà Lan và Anh trong thế kỷ XVII, cho đến nay đã trải qua gần 500 năm, nhưng chưa thấy dấu hiệu suy tàn, “giãy chết” với tính cách là một hình thái kinh tế - xã hội. Mặc dù trong lòng chủ nghĩa tư bản vẫn chứa đựng những mâu thuẫn cơ bản mà học thuyết Mác - Lênin đã chỉ rõ (nhưng với những hình thái và cấp độ khác); chủ nghĩa tư bản vẫn cho thấy sức sống và sự phát triển của nó lên một trình độ cao hơn. Đến nay (và có thể trong nhiều thập kỷ nữa) chủ nghĩa tư vẫn là lực lượng chủ yếu chi phối sự phát triển của nhân loại (dù nó “buộc” phải hướng theo những giá trị chung của nhân loại dưới tác động của các quy luật khách quan và sự đấu tranh các lực lượng tiến bộ trên thế giới). Bởi vì, trên thực tế, chủ nghĩa tư bản (được thể hiện chủ yếu ở các nước tư bản phát triển) đang nắm giữ hầu như tất cả các “đỉnh cao” của sự phát triển trên thế giới, thể hiện ở những lĩnh vực cơ bản sau:

 

i). Về tiềm lực kinh tế thể hiện ở GDP và GDP bình quân đầu người

 

Theo dữ liệu năm 2022 của Quỹ Tiền Tệ Quốc tế (IMF), 15 quốc gia giàu nhất thế giới theo quy mô GDP gồm:

 

 

Trong 15 nước đó chỉ có Trung Quốc không phải thuộc nhóm các nước TBCN và Nga chưa biết xếp vào nhóm nào. Theo IMF, vào cuối 2022, GDP nền kinh tế toàn cầu đạt khoảng 104 nghìn tỷ USD theo giá trị danh nghĩa; trong đó, Mỹ vẫn là đầu tàu kinh tế trên toàn thế giới, với GDP đạt 25,3 nghìn tỷ USD - chiếm gần một phần tư nền kinh tế toàn cầu. Nếu tính tổng GDP của các nước tư bản phát triển (G7), sẽ khoảng hơn 45.000 tỷ USD, chiếm gần 44% GDP toàn cầu.

Còn về xếp hạng GDP bình quân đầu người năm 2022, 10 quốc gia và vùng lãnh thổ giàu nhất thế giới (con số danh nghĩa chưa điều chỉnh theo lạm phát), gồm:

 

 

ii). Về dòng vốn đầu tư ngước ngoài và các công ty xuyên quốc gia

 

Dòng vốn FDI đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế thế giới hiện nay, nhất là đối với các nước đang và còn kém phát triển. Giai đoạn 2020-2022 đang chứng kiến sự biến động mạnh của dòng vốn FDI toàn cầu, trước tác động của dịch bệnh và các diễn biến địa chính trị, địa kinh tế phức tạp trên thế giới. Tuy nhiên, FDI toàn cầu từ mức 929 tỷ USD năm 2020 lên ước tính 1.650 tỷ USD năm 2021, tăng 77%, vượt qua mức trước đại dịch COVID-19. Trong đó, các nền kinh tế phát triển ghi nhận mức tăng vốn FDI mạnh nhất từ trước đến nay, với ước tính 777 tỷ USD trong năm 2021. Ở châu Âu, hơn 80% vốn FDI gia tăng là nhờ sự thay đổi lớn trong các nền kinh tế chủ chốt trong khu vực. Trong khi đó, dòng vốn FDI vào Mỹ đã tăng hơn gấp đôi do sự gia tăng các hoạt động mua bán và sáp nhập xuyên biên giới (M&A). Các nền kinh tế phát triển tiếp tục dẫn đầu trong việc thu hút vốn FDI; nhóm các nền kinh tế phát triển tiếp nhận tổng số vốn 746 tỷ USD, tăng 134% so với năm 2020, các dự án đầu tư xuyên biên giới tăng 70% về số lượng và 149% về giá trị. Trong đó 34/48 nền kinh tế phát triển tiếp nhận số vốn FDI tăng trong năm 2021 từ các các ngành công nghiệp, sản xuất-lắp ráp, công nghệ thông tin, thương mại, logistics, tài chính-bảo hiểm, dịch vụ và đầu tư “xanh” phục vụ phát triển bền vững. Nhóm nền kinh tế mới nổi và đang phát triển thu hút 837 tỷ USD, tăng 30% so với năm 2020, cao nhất từ trước đến nay, các dự án đầu tư xuyên biên giới tăng 64% về số lượng và 142% giá trị, trong đó số dự án đầu tư xanh tăng 16%. Các lĩnh vực thu hút vốn đầu tư chủ yếu là chế tạo, chuyển đổi số và kết cấu hạ tầng.

 

Đầu tư ra bên ngoài (OFDI) phục hồi và tiếp tục tăng trưởng, nhưng chủ yếu là từ các nước phát triển. Vốn đầu tư từ các nước phát triển trong năm 2022 đạt khoảng 1,3 nghìn tỷ USD, tăng gần ba lần, chiếm ba phần tư OFDI toàn cầu, trong đó OFDI từ Mỹ đạt kỷ lục 493 tỷ USD, châu Âu đạt 552 tỷ USD. Đầu tư từ các nước đang phát triển đạt 438 tỷ USD, tăng 18%, trong số này các nước đang phát triển ở châu Á chiếm gần 90%.

 

Các công ty, tập đoàn xuyên quốc gia, đa quốc gia đóng vai trò chủ yếu (chủ lực) trong quá trình toàn cầu hóa kinh tế, đầu tư FDI hiện nay. Cho đến nay, gần như hầu hết các công ty, tập đoàn xuyên quốc gia, đa quốc gia với quy mô lớn đều thuộc các nước tư bản phát triển. Hiện nay, 500 công ty đa quốc gia lớn nhất kiểm soát hơn hai phần ba thương mại thế giới. Bên cạnh đó, 100 công ty đa quốc gia lớn nhất chiếm khoảng một phần ba tổng số đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên toàn cầu. Tuy nhiên, sự phân bổ của các công ty đa quốc gia không đồng đều, với phần lớn trong tổng số hơn 63.000 công ty đa quốc gia trên thế giới có trụ sở chính ở Mỹ, Châu Âu hoặc Nhật Bản. Trong bảng xếp hạng năm 2022 do công ty EY công bố, Mỹ là nơi đặt trụ sở của 61 trong số 100 công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất toàn cầu và Apple đứng đầu với giá trị thị trường là 2.100 tỷ USD.

 

Các công ty xuyên quốc gia là nhân tố chủ lực thúc đẩy toàn cầu hoá lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất và nguồn vốn; thúc đẩy mạnh mẽ phân công lao động quốc tế, thương mại quốc tế; thúc đẩy phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ và kinh nghiệm quản lý trên phạm vi toàn thế giới, tạo ra một không gian rộng lớn cho quản trị toàn cầu.  Các công ty xuyên quốc gia cũng là lực lượng chủ lực chiếm lĩnh thị trường toàn cầu, xuất khẩu vốn và hàng hoá trên quy mô lớn, thu về siêu lợi nhuận; tăng cường kiểm soát của tư bản độc quyền trên phạm vi toàn cầu; chiếm giữ và phân bổ nguồn vổn tín dụng quốc tế khổng lồ, hình thành thị trường tiền tệ quốc tế, thúc đẩy lưu thông vốn trên toàn thế giới. Các công ty xuyên quốc gia tạo ra những cơ hội lớn và cả các thách thức không nhỏ cho các nước đang và còn kém phát triển.

 

iii). Về chi phối thương mại thế giới

 

Các nước tư bản chủ nghĩa phát triển cũng là những nước đóng vai trò chủ đạo chi phối nền thương mại quốc tế. Các nước này chi phối cả về xuất khẩu và nhập khẩu; cả thương mại hàng hóa và dịch vụ; đặc biệt là chi phối thị trường sản phẩm công nghệ cao và nhập nguyên liệu từ các nước kém phát triển hơn.

 

iv). Về chi phối các thể chế quốc tế và khu vực

 

Cho đến nay và trong các thập niên tới, các nước tư bản phát triển vẫn đóng vai trò chủ yếu chi phối các tổ chức quốc tế (thể hiện ở việc hình thành các tổ chức quốc tế, khu vực, việc đóng kinh phí cho hoạt động ở các tổ chức này, ở việc đưa ra các quy tắc điều phối hoạt động của các tổ chức này…). Hiện nay, hầu như tất cả các hiệp định thương mại tự do trên thế giới và khu vực, cũng như các hiệp định song phương lớn đều do các nước tư bản phát triển đóng vai trò “chủ đạo” đặt ra các “luật chơi” với những yêu cầu cao. Cũng chính các nước tư bản phát triển thường dùng công cụ “cấm vận”, “trừng phạt” các nước khác khi có mâu thuẫn, xung đột về lợi ích. Tuy nhiên do sự phát triển chung của thế giới dưới tác động của các xu hướng và lực lượng tiến bộ, các thể chế quốc tế và khu vực ngày càng chứa đựng nhiều hơn các giá trị chung của nhân loại, tôn trọng các lợi ích chính đáng của các nước thành viên tham gia.

 

v). Về tiềm lực khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo

 

Cho đến nay và trong nhiều thập kỷ nữa, các nước tư bản phát triển vẫn đóng vai trò chủ đạo phát triển và có tiềm lực khoa học - công nghệ lớn nhất, chiếm giữ các đỉnh cao khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhất là công nghệ cao. Theo báo cáo thường niên năm 2021 của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới WIPO, có 277.500 đơn đăng ký bằng sáng chế được nộp, tăng 0,9% so với một năm trước đó và đánh dấu năm tăng thứ 12 liên tiếp. Trong đó phần lớn là của các nước tư bản phát triển (Mỹ vẫn ở vị trí thứ hai với 59.570 đơn, tiếp đến là Nhật Bản với 50.260 đơn, Hàn Quốc với 20.678 đơn và Đức với 17.322 đơn …); mặc dù Trung Quốc đã có sự vươn lên đáng kể giành vị trí số 1 (với 69.540 đơn đăng ký). Nhưng xét về tổng thể, đến nay 2/3 bằng sáng chế trên thế giới là ở Mỹ.

 

Nếu xét về chỉ số đổi mới sáng tạo GII (Global Innovation Index là chỉ số đánh giá khả năng đổi mới sáng tạo của quốc gia), theo đánh giá của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO (World Intellectual Property Organisation) năm 2022 về chỉ số đổi mới sáng tạo của 132 nước trên thế giới, các nước tư bản phát triển vẫn chiếm vị trí hàng đầu.        

 


 

vi). Về giáo dục - đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

 

Các nước tư bản phát triển đang là những nước có nền giáo dục tiên tiến nhất trên thế giới và chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cũng thuộc loại cao nhất. Điều này được thể hiện qua việc đánh giá, xếp hạng các trường đại học, việc thu hút sinh viên quốc tế đến học.

 

Theo các bảng xếp hạng các trường đại học trên thế giới (dù theo các tiêu chí khác nhau), top 10, top 20, top 50, top 100, thì các trường tốt nhất hầu hết thuộc các nước tư bản phát triển. Tạp chí giáo dục Times Higher Education (THE) vừa đưa ra danh sách xếp hạng các trường đại học trên thế giới năm 2022; trong số tổng số 1.799 trường đại học trên 104 quốc gia và khu vực tham gia. Trong 10 trường đại học tốt nhất thế giới, có tới 7/10 trường đứng đầu đến từ nước Mỹ (1. Đại học Oxford - Anh; 2. Đại học Harvard - Mỹ; 3. Đại học Cambridge - Anh; 4. Đại học Stanford - Mỹ; 5. Viện Công nghệ Massachusetts - Mỹ; 6. Viện Công nghệ California - Mỹ; 7. Đại học Princeton -  Mỹ; 8. Đại học California, Berkeley - Mỹ; 9. Đại học Yale - Mỹ; 10. Đại học Hoàng gia Anh - Anh).

 

Theo các thống kê quốc tế, nếu năm 2022, có khoảng 6 triệu học sinh, sinh viên lựa chọn đi du học. Con số này sẽ đạt gần 8 triệu người vào năm 2025. Trong đó, các nước tư bản phát triển, với nền giáo dục tiên tiến, đã thu hút phần lớn học sinh, sinh viên các nước trên thế giới đến học[2].

 

vii). Về phát triển con người

 

Phát triển con người được thể hiện ở hai chỉ số: chỉ số phát triển con người HDI và chỉ số Chỉ số Cạnh tranh Nhân tài Toàn cầu GTCI. Theo các đánh giá quốc tế, giai đoạn 2010 - 2021 và năm 2022, chỉ số phát triển con người ở các nước tư bản phát triển vẫn chiếm hàng đầu.

 

Chỉ số Cạnh tranh Nhân tài Toàn cầu GTCI là thước đo hàng năm giúp đánh giá sự phát triển, thu hút và giữ chân nhân tài của quốc gia và thành phố, qua đó khắc họa bức tranh cạnh tranh nhân lực toàn cầu. Chỉ số Cạnh tranh Nhân tài Toàn cầu GTCI 2019 đo lường chỉ số cạnh tranh dựa trên 68 yếu tố; bao quát 125 quốc gia và 114 thành phố thuộc nhiều nhóm thu nhập và phát triển khác nhau. Chính vì có chỉ số phát triển con người cao, cũng có nghĩa là chất lượng nguồn nhân lực cao, mà các nước ư bản phát triển có Chỉ số Cạnh tranh Nhân tài Toàn cầu GTCI thuộc loại cao nhất thế giới.

 

 

viii). Về chỉ số hạnh phúc

 

Chỉ số hạnh phúc HPI được đo lường tổng hợp từ rất nhiều tiêu chí về cuộc sống vật chất, tinh thần và xã hội của con người (như tuổi thọ, sức khỏe, thu nhập bình quân đầu người, hỗ trợ xã hội trong thời kỳ khó khăn, mức độ tham nhũng và lòng tin xã hội, độ rộng lượng của cộng đồng và người dân được tự do đưa ra các quyết định quan trọng trong cuộc sống...). Các chỉ số trên được tổng hợp từ hơn 150 quốc gia, do Mạng lưới Giải pháp Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc thực hiện. Báo cáo Hạnh phúc Thế giới (World Happiness Report - WHR) 2022, cho thấy 20 quốc gia có chỉ số HPI cao nhất là: 


 

2. Về xu hướng phát triển thể chế chính trị - xã hội

 

Thể chế chính trị - xã hội ngày càng đa nguyên hơn (nhiều đảng chính trị hơn, nhiều trường phái hơn…). Song thể chế đa nguyên chính trị - đa đảng cũng có những “mặt trái”, hạn chế, khi các đảng cạnh tranh, đấu tranh với nhau và không thống nhất được đường lối, chính sách phát triển; và do đó nhà nước chậm (không kịp thời) đưa ra các cơ chế, chính sách phát triển (thậm chí không phù hợp) có thể đưa đến những hệ quả tiêu cực đối với đất nước, và có tác động tiêu cực đối với quan hệ quốc tế. Đồng thời, trong bối cảnh diễn biến phức tạp của xã hội mỗi nước và trên thế giới, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa cường quyền ở một số nước có thể trỗi dậy, tác động tiêu cực đến môi trường chính trị và quá trình toàn cầu hóa.

 

Vai trò của nhà nước pháp quyền ngày càng tăng lên; vai trò của từng đảng chính trị có xu hướng giảm đi một cách tưng đối (do phải cạnh tranh, hiệp thương với các đảng khác trong cầm quyền, trong xây dựng luật pháp, cơ chế, chính sách…).

 

Xã hội ngày càng dân chủ hơn; quyền con người, quyền công dân được đề cao hơn. Nhà nước không thể chỉ đại diện và bảo vệ lợi ích của giai cấp tư bản; để tạo động lực phát triển của toàn xã hội, nhà nước còn phải thể hiện là đại diện cho quyền và lợi ích chính đáng của đại đa số tầng lớp và dân cư trong xã hội.

 

Các thể chế, thiết chế chính trị - xã hội quốc tế, khu vực tiếp tục phát triển đa dạng hơn, nhiều cấp độ hơn (có thể dưới các dạng thức mới).

 

3. Về xu hướng phát triển thể chế kinh tế

 

Dưới tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0, lực lượng sản xuất của thế giới, nhất là ở các nước tư bản phát triển, sẽ có bước phát triển đột phá lên một trình độ mới (sử dụng trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, mạng, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn…) và mức độ xã hội hóa sẽ cao hơn. Điều này sẽ dẫn đến một cuộc “đột biến” về thay cơ cấu kinh tế trên thế giới, nhất là ở những nước phát triển; đồng thời tác động đến các nước khác. Sự phát triển của lực lượng sản xuất lên một trình độ cao (thay đổi về chất), sẽ đẩy mạnh quá trình xã hội hóa lực lượng sản xuất và đổi mới quan hệ sản xuất (cả về quan hệ sở hữu, quan hệ quản lý và quan hệ phân phối) trên toàn cầu và trong từng nước. Do đó sẽ xuất hiện các mô hình phát triển mới. Điều này sẽ có tác động hai chiều đến các nước còn kém phát triển: một mặt, tạo ra những cơ hội lớn cho sự phát triển rút ngắn (nếu tận dụng được cơ hội); mặt khác, sẽ bị tụt hậu, “bị bỏ lại phía sau”, trờ thành “vệ tinh” cho các nước phát triển (nếu không tận dụng được cơ hội).

 

Sự phát triển của lực lượng sản xuất hiện đại dựa trên cách mạng công nghiệp 4.0, sự thay đổi quan hệ sản xuất, sự hình thành các “nền” kinh tế mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế ảo…), trên bình diện quốc tế và trong mỗi nước; sự phát triển ngày càng nhiều hơn các công ty xuyên quốc gia, công ty đa quốc gia ngày càng mang tính chất xã hội hóa - quốc tế hóa cao, ít mang tính chất dân tộc hơn (có thể gọi là các công ty “phi dân tộc”); đồng thời cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, sự đứt gãy các chuỗi cung ứng, đang cho thấy sự xuất hiện một cấu trúc mới, “một thể chế mới” của nền kinh tế toàn cầu; cùng với quá trình toàn cầu hóa đang và sẽ đưa đến sự thay đổi lớn về mối quan hệ giữa Nhà nước - thị trường - xã hội (trước hết và các doanh nghiệp). Điều đó đưa đến những thay đổi quan trọng về thể chế quản lý - quản trị phát triển kinh tế trên bình diện quốc tế cũng như trong từng nước.

 

Quá trình toàn cầu hóa về kinh tế tiếp tục phát triển; sự phụ thuộc, tùy thuộc lẫn nhau giữa các khu vực, các nước tiếp tục tăng lên (thông qua thương mại, đầu tư, tài chính, tiền tệ, công nghệ, nguồn nhân lực, các chuỗi cung ứng…). Song, chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa bảo hộ dưới các hình thức khác nhau, mức độ khác nhau vẫn tồn tại, tác động ngược chiều với quá trình toàn cầu hóa. Các nước lớn tìm cách bảo vệ lợi ích của mình dẫn đến xung đột thương mại, sẽ tác động đến thương mại toàn cầu, ảnh hưởng không nhỏ đến các nước liên quan, nhất là các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

 

Dưới tác động của quá trình toàn cầu hóa, và tác động của chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa bảo hộ, của cạnh tranh chiến lược giữa các nước, cũng như tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu; sẽ diễn ra trong mỗi nước xu hướng đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế gắn liền với quá trình nâng cao năng lực độc lập tự chủ của nền kinh tế dân tộc, nhằm nâng cao năng lực thích ứng với sự biến đổi nhanh, đầy rủi ro trong sự phát triển của nền kinh tế thế giới.

 

4. Về xu hướng phát triển giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ

 

Dưới tác động của cách mạng công nghiệp 4.0, cùng với sự thay đổi mang tính bản chất và cấu trúc của nền kinh tế, sẽ đưa đến đòi hỏi sự thay đổi mang tính cách mạng về đổi mới giáo dục - đào tạo đồng bộ cả về mục tiêu, nội dung, chương trình và phương thức giao dục - đào tạo ở tất cả các cấp và bậc học; nhiều ngành học mới sẽ xuất hiện, nhiều ngành học hiện nay sẽ được thu hẹp lại, hoặc mất đi. Quá trình “mạng hóa” giáo dục - đào tạo gắn liền với quá trình “cá thể hóa” giáo dục - đào tạo tiếp tục được đẩy mạnh. Quá trình quốc tế hóa giáo dục - đào tạo sẽ được đẩy mạnh hơn; quá trình cạnh tranh về thị phần cung cấp dịch vụ giáo dục - đào tạo giữa các nước tiếp tục tăng lên.

 

Cách mạnh công nghiệp 4.0 sẽ là động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt là sự phát triển công nghệ cao (gắn liền với sự phát triển trí tuệ nhân tạo, sinh học, tự động hóa, năng lượng mới, vật liệu mới…). Các quá trình nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu triển khai ngày càng gắn bó với nhau, rút ngắn đáng kể thời gian từ nghiên cứu đến ứng dụng, thương mại hóa (trong nhiều trường hợp không còn sự tách biệt giữa các quá trình). Khoa học - công nghệ thực sự trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, nhân tố trực tiếp của quá trình phát triển xã hội. Quá trình hợp tác quốc tế trong việc nghiên cứu khoa học - công nghệ, ứng dụng và chuyển giao công nghệ tăng lên; song cạnh tranh chiến lược giữa các nước phát triển (nhất là giữa các nước lớn) về công nghệ, đặc biệt là về trí tuệ nhân tạo ngày càng gay gắt hơn. Bởi vì nước nào đi trước và làm chủ được trí tuệ nhân tạo, các công nghệ tiên tiến, sẽ đóng vai trò “chi phối” chủ yếu sự phát triển của thế giới.

 

5. Về xu hướng phát triển các vấn đề xã hội

 

Xu hướng dân chủ hóa xã hội tiếp tục được đẩy mạnh. Dư luận xã hội; tiếng nói của người dân ngày càng có “quyền lực” hơn trong lựa chọn đảng cầm quyền, người cầm quyền, trong xây dựng và thực thi các chính sách đối nội cũng như đối ngoại.

 

Sự phân hóa giai cấp, phân hóa xã hội mang những đặc trưng mới: Phân hóa giai cấp theo tính chất lao động nghề nghiệp (công nhân, nông dân, trí thức…) ngày càng “mờ” đi (do quá trình trí thức hóa lực lượng sản xuất trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội không ngừng tăng lên); thay vào đó các sự phân tầng xã hội theo các tiêu chí khác nhau, tầng lớp trung lưu ở các nước tăng lên.

 

Thu nhập và đời sống mọi mặt của đa số dân cư tiếp tục tăng lên; nghèo đói tiếp tục giảm, tuy nhiên phân hóa thu nhập giữa các tầng lớp dân cư (giữa lao động giản đơn và lao động trí óc) ngày càng tăng lên (không phải là hệ quả của quá trình bóc lột giá trị thặng dư tuyệt đối; mà là sự phân phối giá trị thặng dư theo mức độ đóng góp của hàm lượng “chất xám” trong lao động, trong sản phẩm, phân phối theo tư bản đầu tư - vốn ngày càng tăng lên, do “khoảng cách công nghệ”, “khoảng cách số” đưa đến; “khoảng cách công nghệ” càng lớn thì chênh lệch giá trị gia tăng giữa khâu lắp ráp so với các khâu khác ỏ đầu và cuối chuỗi cung ứng càng lớn (xem hình sau: Sự phân hóa về giá trị gia tăng giữa các khâu trong chuỗi sản xuất kinh doanh).

 

 

Dưới tác động của cách mạng công nghiệp 4. 0, sự thay đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu nghề nghiệp, dẫn đến quá trình “thất nghiệp cơ cấu” (do phải thay đổi nghề nghiệp) ngày càng nhiều hơn và nhanh hơn (ngay hiện nay, các công ty công nghệ trên thế giới đã sa thải hàng trăm ngàn công nhân).

 

Hình thành xã hội ảo (trên mạng) tương tác với xã hội thực, làm hay đổi nhiều quan hệ xã hội, giá trị xã hội (cả tích cực và tiêu cực). Cách mạng công nghiệp 4.0 một mặt có vai trò to lớn đối với sự phát triển xã hội, nhưng nó cũng chứa đựng những tác động tiêu cực về mặt xã hội, nguy cơ bị sử dụng vào những mục đích phi nhân tính, phản xã hội, phản con người.

 

Chính sách an sinh xã hội và mức an sinh xã hội ngày càng được hoàn thiện, nâng cao hơn và bao trùm hơn, thực hiện theo cách tiếp cận quyền con người. Tuy nhiên, hầu hết các nước đang đứng trước thách thức già hóa dân số, không đủ nguồn lực để thực hiện, nguy cơ vỡ các quỹ bảo hiểm xã hội là hiện hữu.

 

Tại nhiều nước phát triển đã và đang thử nghiệm thực hiện mô hình và chế độ làm việc mới, làm việc tại nhà, làm việc 4 ngày/tuần, hoặc giảm số giờ làm việc trong ngày xuống còn 6 giờ.

 

6. Về xu hướng phát triển quan hệ quốc tế, quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế

 

Thế giới tiếp tục xu hướng đa cực hóa (vai trò của Mỹ từng bước giảm đi một cách tương đối), hình thành các trung tâm quyền lực theo các “tầng nấc”, “mạng” khác nhau: ở tầng trên cùng là Mỹ và Trung Quốc (hiện vai trò của Trung Quốc vẫn thấp hơn vai trò của Mỹ, song vai trò của Trung Quốc đang tăng lên cạnh tranh với vai trò của Mỹ); tầng thấp hơn là các cực EU, Nhật Bản, Nga, Ấn Độ…; tiếp tục xu hướng “khu vực hóa”, “đồng minh hóa”, “đồng tầm nhìn hóa”, “đồng giá trị phát triển hóa”...

 

 Xu thế hòa bình - hợp tác - phát triển vẫn là dòng chủ đạo. Xu hướng dân chủ hóa trong quan hệ quốc tế tiếp tục tăng lên, vai trò của các nước đang phát triển tiếp tục được nâng cao. Đồng thời chủ nghĩa cường quyền nước lớn vẫn đang trỗi dậy; cạnh tranh địa chính trị tiếp tục căng thẳng; chiến tranh cục bộ, xâm phạm chủ quyền và lãnh thổ nước khác, xung đột vẫn tiếp tục xẩy ra, tác động tiêu cực đến xu thế hòa bình, hợp tác - phát triển.

 

Xuất hiện ngày càng nhiều những vấn đề toàn cầu đòi hỏi sự hợp tác của cả nhân loại, của tất cả các nước, không một nước nào tự mình có thể giải quyết đầy đủ, có hiệu quả, như: chống biến đổi khí hậu, an ninh phi truyền thống, hòa bình và phát triển bền vững, phòng chống các đại dịch…

 

Quá trình toàn cầu hóa vẫn tiếp tục triển (phát triển thị trường toàn cầu; tăng trưởng của các công ty đa quốc gia; quốc tế hóa các thị trường vốn và các dòng giao dịch tài chính xuyên quốc gia, di chuyển nguồn nhân lực… đang tăng lên, tạo ra sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng lớn giữa các quốc gia và dân tộc), gắn với quá trình khu vực hóa. Đồng thời, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa bảo hộ cũng trỗi dậy, cản trở quá trình toàn cầu hóa. Mặt khác toàn cầu hóa cũng tạo ra những thách thức toàn cầu về đảm bảo phúc lợi, phát triển kinh tế, cơ cấu xã hội, dân chủ và an ninh; Trong khí đó lại thiếu các thể chế quản trị toàn cầu đa phương đảm bảo công bằng, phù hợp, hiệu quả, có thể sẽ là một mối đe dọa lớn cho hòa bình, ổn định, tiến bộ và phát triển bền vững.

(Còn tiếp) 

  PGS.TS Trần Quốc Toản

                                   Chuyên gia cao cấp


 [1] Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. NXB CTQGST, Hà Nội, 2022.

[2] 10 nước thu hút nhiều nhất số sinh viên quốc tế đến học là: Mỹ: Số lượng sinh viên quốc tế: 1.095.299; tỉ lệ sinh viên quốc tế: 5.5%; Anh: Số lượng sinh viên quốc tế: 496.570; tỉ lệ sinh viên quốc tế: 20.9%; Trung Quốc: Số lượng sinh viên quốc tế: 492.185; tỉ lệ sinh viên quốc tế: 1.2%; Canada: Số lượng sinh viên quốc tế: 435.415; tỉ lệ sinh viên quốc tế: 21.4; Úc: Số lượng sinh viên quốc tế: 420.501; tỉ lệ sinh viên quốc tế: 28%; Pháp: Số lượng sinh viên quốc tế: 343.400; tỉ lệ sinh viên quốc tế: 12.8%; Nga: Số lượng sinh viên quốc tế: 334.497; tỉ lệ sinh viên quốc tế: 8.6%; Đức: Số lượng sinh viên quốc tế: 282.002; tỉ lệ sinh viên quốc tế: 9.9%; Nhật Bản: Số lượng sinh viên quốc tế: 208.901; tỉ lệ sinh viên quốc tế: 5.7%; Tây Ban Nha: Số lượng sinh viên quốc tế: 120.991; tỉ lệ sinh viên quốc tế: 7.6%.

 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết